“Trở lại với đời”, tên nguyên tác “La Terre Gourmande” (Dải đất háu ăn) – tác phẩm của nhà báo, nhà văn Jacques Danois (1927 – 2008, tên thật là Jacques Maricq) là một cuốn tiểu thuyết thời sự chiến tranh – được dịch giả Phan Quang chuyển ngữ, NXB Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc trong dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.
Những câu chuyện trong tác phẩm mang tính điển hình của lớp người có mặt tại vùng rừng núi Aranyaprthẹt, nằm trên biên giới Thái Lan và Campuchia đầu những năm 1980, giúp bạn có cái nhìn trung thực, đúng đắn về tình hình vùng biên này cũng như cuộc chiến tại biên giới Tây Nam VN hơn 30 năm trước…
|
Đó là câu chuyện về người tị nạn, về cứu trợ quốc tế, về buôn lậu vũ khí, về việc tại sao quân tình nguyện VN đóng ở Campuchia khi chế độ Pôn Pốt đã sụp đổ… Và cả về truyền thông thời đó… Câu chuyện tại sao quân đội VN, sau khi đánh đuổi Khmer Đỏ khỏi thủ đô Phnom Penh, buộc phải ở lại nước bạn?…Thực, hư những chuyện được báo chí truyền thông quốc tế đưa tin? Chỉ biết rằng, một ông nhà báo già đã thú thực: “Chúng tôi tường thuật các sự kiện xảy ra ở cái góc xa xôi này của thế giới mà phần đông những người làm tường thuật chẳng ai biết mô tê gì cả… các nhà báo đến đây tác nghiệp sẽ “có được tất cả khi nói dối”. Còn những người tôn trọng sự thật khách quan thì sớm muộn rồi cũng sẽ bị gạt ra rìa, bị gọi về nước hoặc bị cài bẫy để sa vào tình thế buộc phải bán mình cho cơ quan tình báo…”.
Chuyện một thanh niên Tây Âu nồng nhiệt rời quê hương sang góc trời biên giới này tham gia tổ chức cứu trợ nhân đạo, để chẳng được bao lâu thì vỡ mộng hoàn toàn. Chuyện bộ đội tình nguyện VN cứu mạng một lính Pôn Pốt lâm bệnh bị rớt lại giữa rừng hay cứu một nhà báo Mỹ bị đột quỵ giữa rừng, nhưng khi trở về lại bị ngã xuống do tàn quân Pôn Pốt phát hiện… Tất cả những chất liệu trên đã làm nên“Trở lại với đời”.
Bên cạnh những trang Jacques Danois dành tất cả lòng kính trọng và thán phục của mình cho những người chiến sĩ quân tình nguyện VN, còn là những trang viết rất hay về con người Hà Nội và những nét đẹp cổ truyền VN – “những trang viết đặc sắc nhất trong những gì các nhà văn nước ngoài nói về thủ đô Hà Nội mà tôi được đọc”.
Theo Kim Anh – Lao động online