Trong gần mười năm (2008 – 2017), nhà văn Xuân Cang đã gắn bó với độc giả báo Lao động Cuối tuần với 418 bài khảo cứu dưới dạng tản văn trong chuyên mục “Góc nhìn Bát quái”. Ông tìm tòi suy ngẫm Dịch học, liên hệ với chuyện đời, thấy ra bao chuyện lạ. Mỗi bài viết trong “Góc nhìn Bát quái” là một sự chia sẻ rất thú vị điều ngạc nhiên, tâm đắc mà tác giả vừa khám phá ra.
Bìa cuốn “Góc nhìn Bát quái” tập 2 của tác giả Xuân Cang, NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành 2017, dày 332 trang.
Dịch học với nhiều người còn là một cái gì lạ lẫm, khô khan, có phần cao siêu, khó hiểu, nhưng qua những bài viết rành mạch của tác giả mới thấy rằng Kinh Dịch luôn hiện hữu trong đời sống, từ khi con người cất tiếng chào đời đến khi từ biệt thế giới. Đúng như lời tác giả đã viết trong “Thay lời mở sách”: “Kinh Dịch đến với người Việt ta từ bao giờ không ai biết, nhưng thể hiện một cách phong phú trong ca dao, tục ngữ của người Việt ta. Hóa ra người Việt đã lưu giữ một Dịch học bất thành văn trong kho tàng chuyện cổ, ca dao tục ngữ, trong lối sống, trong ứng xử minh triết hàng ngày”.
Tác giả bàn về nghệ thuật trị nước sao cho “quốc thái dân an”: “Quẻ Sơn Thủy Mông có hào 5 ở vị trí “vua” nhưng khí chất âm nhu, quẻ khuyên hào 5 phải dựa vào hiền thần là hào 2 dương ở dưới, người trên phải học người dưới, nguyên thủ phải học nhân dân. Núi tựa vào Đất là tượng quẻ Sơn Địa Bác. Người trên (nhà cầm quyền) coi quẻ này mà làm cho nền đất dưới được dày (dân được an lạc) thì núi trên mới yên vững. Các vua nhà Lý đã tâm nguyện như thế, sống chết trong lòng dân. Đáp lại ân tình ấy, người Kẻ Báng đã chọn ngày Cơm Mới (thu hoạch mùa màng) để thăm lăng mộ các vua” (Lễ hội cơm mới).
Bài học từ sự chừng mực được dẫn ra từ quẻ Thủy Trạch Tiết: “Quả thực cây tre là hình ảnh của quẻ Thủy Trạch Tiết: Mỗi đốt tre là một biểu tượng của sự phát triển, cái đốt tre nói lên sự chừng mực giữa trời đất. Cái đốt tre khuyên con người rằng đến lúc nào đó phải biết dừng lại, biết kiềm chế, biết tiết giảm, biết giữ chừng mực. Chớ có định làm cây tre trăm đốt như trong truyện cổ tích nước ta. Cái đốt tre đanh chắc, khắc khổ, đắng đót, ghìm nén, chứa chất, hứa hẹn chính là bài học quẻ Tiết ở ngay trước mắt ta…” (Bờ đầm và đốt tre).
Nguyên lý để tồn tại vững bền của một quốc gia hay một con người, một sự nghiệp hay một sự kiện, được bàn đến trong Quẻ Thiên Trạch Lý: “Quẻ Thiên Trạch Lý có tượng trên là trời (tượng cho cái mạnh), dưới là đầm hồ (tượng cho sự hiền hậu, vui vẻ). Lời quẻ Lý có câu: Giẫm lên đuôi cọp mà cọp không cắn, đó là hanh thông. Phải có bản lĩnh thế nào, ý chí thế nào, khôn ngoan thế nào, mà đi ngay sau cọp, giẫm lên đuôi nó, nó không cắn nổi. Lời quẻ Lý cũng là một lời tiên tri về biển Đông (Tiên tri về Biển Đông).
Bạn đọc được tác giả dẫn dắt khám phá sự ứng nghiệm của Dịch học vào cuộc sống cho đến từng chi tiết nhỏ, dễ hiểu và luôn có một bài học sâu sắc đậm chất nhân văn về cuộc sống được rút ra từ những chia sẻ của “Góc nhìn Bát quái”. Như chính nhà văn Xuân Cang đã viết: “Dịch học dạy con người nhận biết quy luật sinh, thành, hoại, diệt của thiên nhiên, còn dạy con người trong mối quan hệ Trời, Đất, Người. Những quy luật cho đến nay chưa ai dám và có thể bài bác, chỉ có tìm hiểu và suy ngẫm, bổ sung. Nhưng trời đất cũng không phủ nhận vai trò phản biện của con người, bởi nói chung tìm ra, khám phá những quy luật đó cũng là Con người được trời đất mách bảo và xui khiến. Trong tất cả những thành tựu đó, Văn Hóa Làm Người là tài sản quý báu nhất. Văn hóa làm người không chỉ dạy con người trong quan hệ trời, đất, người, còn dạy con người trong quan hệ giữa người với người. Quẻ Càn dạy cương quyết, quẻ Khôn dạy mềm thuận, quẻ Truân dạy làm bạn với người hiền, quẻ Bĩ dạy khi gặp bế tắc trong cuộc đời, quẻ Thái dạy khi thông thuận, quẻ Tùy dạy cách theo người và cách “tùy theo” thời mà theo, quẻ Lý dạy cách đi sau con cọp, quẻ Đại Súc dạy cách “đốc thực huy quang” (chứa chất dày dặn mà tỏa sáng), quẻ Tiết dạy ăn ở chừng mực, quẻ Tỷ dạy ăn ở như bát nước đầy, quẻ Gia nhân dạy cách trị nhà trị nước, quẻ Đồng Nhân dạy cách đoàn kết cùng người…”.
Năm 2012, nhà văn Xuân Cang đã cho ra mắt bạn đọc cuốn “Góc nhìn Bát quái”, (NXB Văn hóa – Văn nghệ) tuyển chọn những bài viết trên Lao động Cuối tuần từ 2008 đến 2012. Cuốn sách đã được đông đảo bạn đọc đón nhận và chia sẻ. Sau 5 năm, “Góc nhìn Bát quái” tập II ( NXB Văn hóa – Văn nghệ) gồm những bài viết từ 2012 đến 2016 lại ra mắt bạn đọc vào đúng dịp Hội sách Quốc tế Hà Nội 2017, nhà văn Xuân Cang tiếp tục cùng bạn đọc đồng hành trong những chuyến khảo cứu lý thú và bổ ích bằng tản văn.
Nhà văn Xuân Cang đã được Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2012.Ông tác tác giả của 8 tiểu thuyết, 2 hồi ký nhân vật lịch sử, nhiều truyện vừa, truyện ngắn. Ông còn là tác giả của các tác phẩm biên khảo về Kinh Dịch và bắt nguồn từ Kinh Dịch như: “Tám chữ Hà Lạc và quỹ đạo đời người”, “Khám phá một tia sáng văn hóa phương Đông” quyển I và II (2009), “Góc nhìn Bát quái Tập I” (2012), “Người làng Sủi kể chuyện Cao Bá Quát” (đồng tác giả với Cao Bá Nghiệp – 2013), “Gió dọc đầm sen” (2013).
Trà My
Lao Động cuối tuần
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài