Nhà văn Trần Thiện Lục sinh năm 1946 tại thành phố Nam Định, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ 1964 trên chiến trường Trung Trung bộ, phụ trách biên tập báo Giải Phóng Phú Yên và tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng Phú Yên từ 1968-1975, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, do mắc bệnh hiểm nghèo vừa qua đời ngày 07/3/2013. VanVN.Net xin gửi lời tiễn biệt nhà văn Trần Thiện Lục (Phương Yến) về nơi an nghỉ cuối cùng, qua bài viết của tác giả Đào Minh Hiệp.
Nhà văn Trần Thiện Lục
Vậy là phải chia tay với một người bạn nữa, lần này là một bạn văn, một “cây bút trẻ” như chúng tôi vẫn gọi đùa vì anh mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 sau khi đã cho ra mắt bạn đọc sáu đầu sách. Cuốn đầu tiên là tập truyện ký “Giáp mặt với kẻ thù” in năm 1967 khi tôi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường còn anh thì đã vào chiến trường, công tác ở Ban tuyên huấn Phân khu Nam Trung bộ, còn cuốn mới nhất là tiểu thuyết “Gió Tuy Hòa” còn thơm mùi mực in năm 2012. Ngoài ra, tôi biết anh vẫn còn bản thảo 2 tập tiểu thuyết nữa. Tất cả những gì anh viết ra, dù với tên thật là Trần Thiện Lục hay với bút danh Phương Yến, dù là thơ, truyện, ký hay tiểu thuyết cũng chỉ xoay quanh một đề tài duy nhất là chiến tranh Cách mạng, lấy bối cảnh vùng đất Nam Trung bộ và chủ yếu là mảnh đất Phú Yên, đã trở thành quê hương thứ hai của anh, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Sau khi xuất bản xong bộ tiểu thuyết chiến tranh hai tập đồ sộ hơn một ngàn trang “Bên gốc me già” do Hội Văn nghệ Phú Yên hỗ trợ kinh phí, có lần tôi nửa đùa nửa thật bảo anh: “Vậy là anh đã trả xong món nợ tinh thần đối với đồng đội và quê hương Phú Yên của mình, bây giờ có thể xả hơi được rồi”. Anh cười như mếu: “Món nợ tình nghĩa ấy có ngàn đời cũng không trả hết. Những ám ảnh về đồng đội, bạn bè một thời gắn bó, xẻ chia vẫn day dứt trong tâm tưởng mãi khôn nguôi, nhất là với những người đã vĩnh viễn nằm xuống hay gửi lại một phần xương máu trên chiến trường”.
Có lần tôi và Huỳnh Văn Quốc – Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Phú Yên đi công tác Hà Nội, biết chúng tôi có một ngày nghỉ, anh rủ đi vịnh Hạ Long. Tôi và Quốc chưa đi lần nào, hào hứng lắm, kiểm lại ngân sách, tôi bảo: “Anh lo phần trên bờ, còn tôi và Quốc lo phần dưới nước”. Thế là sáng hôm sau anh thuê một chiếc taxi chở ba anh em chạy thẳng ra Hạ Long, chúng tôi thuê hẳn một chiếc thuyền lênh đênh cả ngày trên sóng nước và hang động của di sản thế giới, ba anh em vừa ngắm cảnh vừa tâm sự với nhau về những dự định sáng tác của mình, đọc thơ cho nhau nghe. Ý tưởng về cuốn tiểu thuyết “Thăm thẳm Vũng Rô” của anh có lẽ bắt đầu hình thành trong thời gian này. Hôm đó, chúng tôi mua cá tươi, mực tươi nấu nướng, đánh chén một trận ngất ngư ngay trên thuyền, nhưng chỉ có tôi và Quốc uống, còn anh ngay từ dạo ấy, hình như linh cảm thấy sức khỏe có điều gì không ổn, chỉ nhấm nháp “đưa hơi”, nhưng lại đốt thuốc lá liên tục, phun khói mù mịt. Tôi bảo, chẳng thà anh bỏ thuốc, uống bia còn khỏe hơn. Anh cười đôn hậu: “Biết vậy, nhưng cứ động đến văn chương không hút không viết được”.
Vài tháng sau, tôi thấy anh lại bay từ Hà Nội vào cùng với Đỗ Kim Cuông – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, rủ tôi và Hữu Bình rồi mời chú Chín Cao (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Nguyễn Duy Luân) và chú Năm Ưng đi Vũng Rô, đi Hòa Thịnh chơi. Hóa ra Trần Thiện Lục đi lấy tài liệu để bắt tay vào hai cuốn tiểu thuyết mới. Trong chuyến đi, Trần Thiện Lục tranh thủ hỏi chú Chín Cao và chú Năm Ưng về phong trào Đồng Khởi, về việc tiếp nhận vũ khí ở Vũng Rô và đủ chuyện chiến tranh khác nữa, rồi nhờ tôi và Hữu Bình chụp cả trăm bức ảnh tư liệu. Tôi bảo “Chụp gì nhiều vậy, mấy chục năm vật đổi sao dời, đâu còn như xưa nữa, hư cấu ra chứ”. Anh bảo, có hư cấu thì cũng phải trên nền tảng hiện thực. Tôi không cãi anh nữa, bấm máy liên tục. Đợt ấy, bị lây niềm cảm hứng của anh, tôi về cũng vẽ được mấy bức tranh sơn dầu ưng ý “Buổi sáng ở Hòa Thịnh”, “Huyền thoại Vũng Rô” và “Núi Đá Bia”. Còn anh, hơn năm sau, gặp nhau ở Hà Nội, anh khoe, cuốn tiểu thuyết “Thăm thẳm Vũng Rô” sắp xong rồi.
Bạn bè cùng lứa với Trần Thiện Lục, làm báo, làm văn nghệ ở chiến trường miền Trung như Cao Duy Thảo, Thanh Quế, Trần Vũ Mai… sau giải phóng vẫn tiếp tục sáng tác và sớm được kết nạp vào Hội Nhà văn VN. Còn Trần Thiện Lục, lấy vợ Phú Yên, công tác một thời gian ở ngành Văn hóa, bươn chải chuyện cơm áo gạo tiền nuôi gia đình, mãi đến khi nghỉ hưu, ra Hà Nội làm nghề thuốc Nam mà vẫn đau đáu nhớ về Phú Yên với niềm đam mê cầm bút thời trai trẻ. Thời gian gần đây, anh viết “hùng hục”, chỉ tính từ 2005 đến nay cho ra mắt 5 đầu sách, cuốn nào cũng dăm trăm trang, chỉ có tập thơ là mỏng, đó là chưa kể 2 tập bản thảo tiểu thuyết nữa. Giờ đây nghĩ lại, tôi có cảm giác, hình như anh đã linh cảm trước được điều gì đó nên cố chạy đua với thời gian. Trong số các nhà văn-chiến sĩ từ miền Bắc vào, gắn bó với Phú Yên, giới am hiểu văn chương thường nhắc đến Hữu Loan với bài thơ “Đèo Cả”, Trần Mai Ninh với “Nhớ máu”, Trần Vũ Mai với trường ca “Ở làng Phước Hậu” và bây giờ là Trần Thiện Lục với tiểu thuyết “Bên gốc me già” và “Gió Tuy Hòa”. Niềm vui chào đón những đứa con tinh thần và được kết nạp vào Hội Nhà văn VN, đối với anh sao mà muộn mằn và ngắn ngủi vậy!
Buổi chiều, trước khi lên Núi Nhạn dự Hội Thơ Nguyên Tiêu Phú Yên lần thứ 33-2013, tôi gọi điện ra cho anh, trước đó anh có gọi cho tôi, bảo sẽ cùng với Đỗ Kim Cuông vào Tuy Hòa dự Hội thơ Nguyên Tiêu. Nghe giọng anh lào phào trong điện thoại, tôi hỏi anh có mệt không, nếu mệt thì nghỉ đi, lúc khác tôi sẽ gọi lại, nhưng anh vội nói: “Không, không, Hiệp cứ nói đi, mình muốn nghe lắm”. Thế là tôi lại ngồi kể lể dông dài cho anh nghe đủ chuyện về văn nghệ tỉnh nhà, và qua nhịp thở trong ống nghe tôi cảm nhận được rất rõ tình yêu thương, gắn bó của anh với mảnh đất này. Gần sát đến giờ khai mạc Hội Thơ hai vợ chồng tôi mới chạy lên Núi Nhạn. Sáng hôm sau, ngồi uống café với Đỗ Kim Cuông, Nguyễn Gia Nùng, Lê Khánh Mai, Nguyễn Ngọc Quang và Huỳnh Thạch Thảo, tôi hỏi Cuông có biết về tập bản thảo “Thăm thẳm Vũng Rô” của Trần Thiện Lục không, Cuông bảo thì chính anh Lục nhờ Cuông và Thế Khoa biên tập. Vậy là ngay lúc đó chúng tôi nhanh chóng thống nhất, Cuông sẽ lo phần bản thảo và giấy phép, tôi sẽ vẽ bìa, còn Hội Văn nghệ tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí xuất bản từ nguồn hỗ trợ sáng tạo tác phẩm VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Chúng tôi gọi ngay cho Trần Thiện Lục, chuyền tay nhau chiếc điện thoại nói chuyện với anh, giọng anh rất vui và xúc động. Và đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của chúng tôi với tác giả “Bên gốc me già”.
Chơi với anh đã lâu, biết anh đưa gia đình ra Hà Nội sinh sống hơn chục năm nay vậy mà không hiểu sao Trần Thiện Lục vẫn gắn bó một cách máu thịt với mảnh đất này. Lương hưu, bảo hiểm y tế, sinh hoạt Đảng, sinh hoạt VHNT… anh vẫn để lại Phú Yên chứ không chuyển ra Hà Nội. Dạo còn khỏe, năm nào anh cũng vào Tuy Hòa hai, ba lần, chỉ để lĩnh lương hưu, họp chi bộ và gặp gỡ bạn bè văn nghệ, còn ngôn ngữ lời thoại trong truyện của anh thì rặt xứ “Nẫu”. Có lần tôi hỏi anh, chỉ riêng tiền, tàu xe, máy bay đã tốn cả chục triệu, sao anh không chuyển hẳn ra ngoài ấy cho khỏe. Anh bảo “Không dứt đi được, có cái gì đó vẫn cứ níu kéo mình quay lại chốn này”.
Khi tôi đang viết những dòng này thì Đỗ Kim Cuông vừa đi dự đám tang về, gọi điện cho biết, những ngày cuối đời anh Lục muốn được về thăm lại Phú Yên và được chôn cất ở Tuy Hòa, nhưng vợ con không dám đưa anh đi vì đường xa cách trở, sợ anh không chịu đựng nổi. Và theo nguyện vọng của anh, sau ba năm cải táng, hài cốt của anh sẽ được gia đình đưa về an táng ở Tuy Hòa.
Giờ đây thì tôi hiểu, Trần Thiện Lục đã gắn bó không chỉ bằng tinh thần mà cả về thể xác với mảnh đất “Núi Nhạn Sông Đà”, bởi vậy nên lúc nào trong anh cũng đau đáu món nợ tinh thần với đồng bào, đồng chí đã cùng anh chia ngọt sẻ bùi trong những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khổ và ác liệt trên chiến trường Phú Yên. Anh muốn trả cái ơn nghĩa ấy bằng các tác phẩm văn học của mình. Bạn đọc đã và sẽ đón nhận những tác phẩm chân thành của anh với cả tấm lòng trân trọng và yêu thương.