Là một độc giả đã từng đọc một số tác phẩm của Hồ Kiên Giang qua các truyện ngắn như: “Gió bấc qua đồng”, “Khách miệt vườn”, “Đào nhì”, “Khúc dạ cổ”…, tôi rất thích cái chất mộc mạc, Nam bộ trong văn chương của anh. Truyện ngắn “Gò cao vùng lũ” đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 743 (tháng 2- 2012) của anh vẫn với giọng văn dung dị, phóng khoáng đậm chất Nam bộ nhưng da diết đầy cuốn hút và mới lạ.


Với nghệ thuật miêu tả đặc sắc bằng những thuật ngữ rất địa phương và đặc trưng của miền Nam bộ, giọng văn của Hồ Kiên Giang ngọt ngào, chân chất đưa người đọc đi sâu vào cuộc đời của “Dì Tư” và “ông Hai ghe hàng” trong truyện ngắn “Gò cao vùng lũ” nhẹ nhàng mà sâu lắng. Cách phân bổ thời gian, sự kiện xen kẽ giữa hiện tại, hồi tưởng và kể về quá khứ dẫn dắt câu chuyện dần mở ra với nhiều điều bí ẩn cuốn hút, với những tình huống bất ngờ thú vị.

Câu chuyện bắt đầu mở ra bằng sự kết thúc cuộc đời một con người – cái chết của ông “Hai ghe hàng”. Rồi ông Hai, một người đã chết lại trở nên sống động qua hồi tưởng của dì Tư từ lần đầu tiên ông Hai đến vùng này hỏi thăm dì Tư cái Gò Cao ở đâu. Và mấu chốt đầu tiên của câu chuyện xuất hiện khi ông Hai hỏi thăm dì Tư về người bạn tên “Thiện” mà ông đang đi tìm. Rồi khép lại khi dì Tư “lẩm bẩm cố moi trong ký ức cái tên vừa lạ lại vừa quen, tuy không có ấn tượng nhưng hình như nghe ở đâu đó” và“dì tự trách trí nhớ của mình, vội lắc đầu: – Tôi không biết…”

Cứ như vậy, Hồ Kiên Giang đã rất nghệ thuật làm cuốn hút người đọc muốn đi sâu tìm hiểu những khúc mắc còn ẩn chứa bên trong câu chuyện. Thương cảm cho cuộc đời của dì Tư đầy truân chuyên bạc mệnh với trái tim bỗng dưng hóa đá “kể từ ngày chồng dì hy sinh khi cùng đơn vị tiến công vào giải phóng Phnômpênh”. Nhưng nỗi khát khao được làm mẹ vẫn len lõi trong trái tim đã khô cứng của người phụ nữ này. “Rất nhiều đêm dì trằn trọc khóc ướt đầm gối chỉ vì bên nhà hàng xóm có tiếng khóc của trẻ con, có tiếng vỗ về của người mẹ” bởi lẽ “trên đời này, người phụ nữ nào chẳng muốn được làm mẹ, dì cũng không thể xua tan niềm khát khao thiêng liêng ấy”. Nỗi đau làm một người phụ nữ đơn độc mang theo suốt cuộc đời của dì Tư cũng xuất phát từ nguyên nhân của thời cuộc, dì lấy chồng mới tuần lễ đã phải xa nhau vì chồng dì Tư phải trở về đơn vị. Rồi “một lần chồng ghé thăm đúng lúc dì đang tới kỳ tháng, đành hẹn dịp sau”. Câu hứa hẹn nghe chứa chang nhiều hy vọng quá: “đành hẹn dịp sau” nhưng lại dấy lên nỗi chơi vơi thiệt thòi cho người phụ nữ như dì Tư. Càng xót xa hơn với sự thật: “Tiếc thay, mãi mãi điều đó đã không xảy ra!”. Câu văn ngắn gọn, nhẹ nhàng, tác giả không nói nhiều mà lại khoét sâu nỗi đau thành mênh mông vô tận. Phải! Vẫn là Hồ Kiêng Giang với sự mộc mạc, chân chất nhưng không hề dễ giải trong từng ý tứ văn chương.

Sự mộc mạc, chân chất trong văn chương của Hồ Kiên Giang qua truyện ngắn “Gò cao vùng lũ” còn đậm chất điện ảnh rất nghệ thuật với những xung đột cao trào được mô tả rất sống động, đầy màu sắc. Bằng văn chương, tác giả đã vẽ nên những khung hình như những thước phim sắc nét ở nhiều gốc độ qua sự mô tả của mình. Những khung hình từ toàn cảnh, trung, cận, đến đặc tả và cả hiệu ứng âm thanh hiện lên theo cảm xúc của người đọc qua từng câu chữ. Đó là những hình ảnh đau đớn về cái chết của hai đứa em của dì Tư mà dì đã cố giấu hơn ba mươi năm “giờ đây nó bùng dậy, sống động và tươi nguyên” qua lời kể của ông “Hai ghe hàng”. Càng đau đớn và câm phẫn hơn khi chính tên “Thiện” – người bạn mà ông Hai đang đi tìm kiếm là người cùng làng đã tham gia vào vụ sát hại hai đứa em của dì Tư ba mươi năm trước. Dì Tư chết lịm người như “vừa bị đâm một nhát dao ngay tim làm nó xé ra từng mảnh vụn”.Hình ảnh của hai đứa em nhỏ bé “mặc độc chiếc quần cụt, đen nhẻm, ôm chặt nhau trốn trong góc giường” đang vỗ về nhau, run sợ quỳ lạy van xin. Và đôi môi cắn chặt của con Sửu ôm xiết thằng Tí đang “quét đôi mắt ngùn ngụt lửu nhìn thằng chỉ huy” và tên Thiện khi âm thanh của “cây mác đâm phập vào giữa bụng” của thằng Tí “xoay nữa vòng rồi giật nhẹ cây mác ra”. Rồi tiếng “rẹt” tiếp theo của cây mác vào con Sửu “ngọt lịm như người ta đốn cây chuối non”. Thảm khóc, thê lương, hai đứa em của dì Tư gục xuống, “co quắp bên nhau, mắt mở trừng trừng”. Tôi đọc mà ngỡ đang xem một phận đoạn phim với những hình ảnh thê lương và âm thanh rùn rợn như trong phim tài liệu về vụ thảm sát của Pôn-pốt với dân ta hồi chiến tranh biên giới Tây Nam! Một khung hình khác được Hồ Kiên Giang miêu tả toàn cảnh hình ảnh rất xúc động của dì Tư khi về nhà thấy hai xác chết “co quắp, khô đét” của em mình: “Dì chạy băng qua cánh đồng về phía rìa làng. Đường ruộng trơn trợt, té ngã dì lại bật dậy chạy tiếp”. Giữa không gian bao la đó, nỗi đau của dì Tư – Người phụ nữ nhỏ bé, yếu ớt lại mênh mông sâu thẳm hơn rất nhiều.

Kết thúc có hậu, đầy tính nhân văn sâu sắc với tấm lòng nhân ái bao dung tha thứ của dì Tư đối với ông “Hai ghe hàng” dù biết ông chính là “Thiện” – người đã tham gia trong vụ giết hai đứa em nhỏ của dì đã phải sống hối hận, ăn năn day dứt, ám ảnh với tội lỗi hơn ba mươi năm qua. Phải chăng đó cũng là tâm hồn của tác giả khi gởi gắm vào nhân vật của mình trái tim vị tha nhân hậu. “Thù oán nên cởi không nên thắt”, tấm lòng bao dung đầy tình người của dì Tư đã vượt lên trên mọi thù hận của quá khứ. Dì lo chu tất cho người đã ra đi bằng trọn cái tâm, cái tình của con người đối với con người cho dù đó là kẻ thù. Dì không chỉ lo tiền mua hòm cho ông Hai bởi dì thương “chết già mà quấn chiếu tội lắm”, mà dì còn lo chổ chôn cất cho ông: “Thôi, bây cứ khâm liệm cho ổng, rồi chở ra đất dì, chổ cái gò cao đó, chôn ổng”. Ông Hai đã chọn cách tự vẫn để kết thúc cuộc đời của mình, kết thúc tội lỗi, cũng như đã kết thúc được thù hận trong lòng của dì Tư.

Với truyện ngắn này, tác giả Hồ Kiên Giang đã mở ra cho chúng ta cái tình người bao la, trường tồn giữa cuộc sống mà “đời người sống nay chết mai, biết đâu mà lần”!

 

Nguồn: yume.vn