Trần Khánh Dư là cuốn tiểu thuyết thứ hai trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử mà Lưu Sơn Minh dự định viết, sau cuốn đầu tiên Trần Quốc Toản và cuốn thứ ba, như anh thổ lộ với tôi, là về trận Bạch Đằng Giang lịch sử.
Khi mới viết những chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết “Trần Khánh Dư”, Lưu Sơn Minh đều đặn gửi cho tôi đọc. Cũng không hẳn là anh muốn tôi góp ý, bởi với tính khí của anh, tôi biết là dẫu có góp ý thì cũng chẳng mấy có cơ may anh sẽ thay đổi, bởi trong cái sự viết, Minh khá cực đoan. Nếu không cực đoan thì hẳn đã không có một Lưu Sơn Minh viết truyện lịch sử với những dấu ấn khá riêng trong lòng bạn đọc hôm nay. Có lẽ đơn giản chỉ là Minh muốn chia sẻ với tôi rằng anh đang viết một cuốn tiểu thuyết, một công việc nhọc nhằn khổ ải…
Nhưng rồi bẵng đi một thời gian, không thấy Minh viết nữa. Có lẽ tính ham chơi, cộng với vô vàn những công việc sự vụ bận bịu ở một tờ báo đã kéo Minh ra khỏi cuốn tiểu thuyết. Chỉ đến khi tình cờ một hôm ngồi nhàn với Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa Đông A, một người từng đỡ đầu cho không ít tác phẩm của các nhà văn Việt Nam, Minh kể đang viết dở một cuốn tiểu thuyết lịch sử, Trần Đại Thắng ra “tối hậu thư”: Nếu trong vòng một tháng nữa viết xong thì in, không thì thôi!
Thế là Minh về ngồi viết tiếp như cuồng, tiểu thuyết Trần Khánh Dư ra đời!
Với Trần Khánh Dư, Lưu Sơn Minh đã làm được điều đó.
Trong cuốn tiểu thuyết, bối cảnh thái ấp Chí Linh, rồi Vân Đồn, nơi Trần Khánh Dư trấn nhậm với chức vụ Phó đô tướng, khá cao trong ngạch bậc thời Trần khi ấy, hiện lên đầy bất an ở vào thời điểm quân thù đã rập rình bên kia biên giới. Có đủ cả những yếu tố hấp dẫn cho một thiên truyện: Có thích khách bịt mặt, ám toán phóng hỏa, có phản bội lừa lọc và ly gián kế, phản gián điệp, có tình yêu trái ngang và nỗi cô đơn thăm thẳm… Lưu Sơn Minh rất biết đưa những yếu tố này vào một cách điều độ trong cuốn tiểu thuyết, đủ để giữ người đọc không rời mắt khỏi trang sách.
Nhưng trên tất cả, cái xương sống của khúc tráng ca bi hùng đánh tan đoàn thuyền lương của quân Nguyên này, vẫn là những câu chuyện về nội tộc nhà Trần, một trong những triều đại phức tạp vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Rút kinh nghiệm từ chính việc cướp ngôi nhà Lý, Thái sư Trần Thủ Độ đặt ra luật lệ các vương tôn công tử nhà Trần chỉ được phép lấy người trong họ! Cái quy định oái oăm nghiệt ngã này không chỉ làm thoái hóa dòng giống về mặt sinh học, mà còn sinh ra những mối quan hệ tréo ngoe, dằng dịt và điều tất yếu không thể tránh khỏi, dẫn tới những va đụng về quyền lợi, chức tước giữa các chi, các phái trong họ tộc. Nhẹ thì mâu thuẫn mà nặng có thể là chuyện sinh tử. Trong tình thế đất nước đứng trước họa chiến tranh đến từ kẻ thù hùng mạnh phương Bắc, những người cầm giữ rường mối của quốc gia trong họ nhà Trần trước hết phải trải qua cuộc chiến của chính mình đã, để giành được chiến thắng quan trọng bậc nhất là giữ được khối nhất thống Đại Việt, tập trung được sức mạnh rồi sau mới tính chuyện giữ nước.
Trần Khánh Dư là nhân vật trung tâm trong những mối quan hệ phức tạp ấy. Phải chắc tay mới có thể xử lý được nhân vật đa diện này và Lưu Sơn Minh đã làm được!
Nhưng dĩ nhiên, câu chuyện quan trọng nhất, hấp dẫn nhất vẫn phải là trận chiến Vân Đồn, trận hải chiến thắng lợi duy nhất trên biển trước những đạo quân phương Bắc trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Trần Khánh Dư không phải là tướng đánh trăm trận trăm thắng. Khi được Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo tín cẩn giao nhiệm vụ viết lời tựa cho cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Trần Khánh Dư đã vung bút viết: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết!”. Trận chiến liên hoàn Vân Đồn của Trần Khánh Dư bộc lộ hầu như toàn bộ những ý tưởng này! Ông đã đánh trận đầu khéo thua Ô Mã Nhi, nhưng qua cách mà Lưu Sơn Minh lý giải, đã tìm ra cách đánh thích hợp trong trận chiến mang tính quyết định.
Sử không chép rõ Trần Khánh Dư đã làm thế nào để với đạo quân gồm những chiến thuyền bé nhỏ như lá tre có thể thủ thắng được trước các chiến hạm lừng lững của giặc Nguyên. Là tướng hải tặc khét tiếng, Trương Văn Hổ cũng thừa đủ kinh nghiệm để nương chiều gió mà tiến quân, khiến cho việc dùng hỏa công bắn tên dẫn lửa với hy vọng đốt thuyền giặc trên biển là vô cùng gian nan. Trần Khánh Dư không có trong tay một Khổng Minh có thể hô gió gọi mưa để đổi chiều gió giúp cho đánh hỏa công như trong tiểu thuyết Tàu! Vừa bảo đảm tính chính xác của lịch sử, nhưng lại phải đưa ra những kiến giải có lý, đủ hấp dẫn đồng thời có sức thuyết phục người đọc, bởi đây là tiểu thuyết chứ không phải là một cuốn sử viết lại!
Lưu Sơn Minh đã giải quyết được những vấn nạn đau đầu đó bằng con mắt của một sử gia và ngòi bút của một nhà văn. Chỉ đến khi đọc đến trang cuối cuốn tiểu thuyết, người đọc mới giật mình nhận ra tính sử liệu chính xác trong cách mà tác giả mô tả trận chiến, đồng thời với cảm giác tiếc nuối khi mà sức hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết đột ngột chấm dứt…
Trần Khánh Dư là cuốn tiểu thuyết thứ hai trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử mà Lưu Sơn Minh dự định viết, sau cuốn đầu tiên Trần Quốc Toản và cuốn thứ ba, như anh thổ lộ với tôi, là về trận Bạch Đằng Giang lịch sử. Nếu viết xong bộ ba tiểu thuyết lịch sử này, gộp cùng với các tác phẩm của người thầy mình, nhà văn Hà Ân, hy vọng Lưu Sơn Minh sẽ góp phần hoàn thành một bộ tiểu thuyết đồ sộ về đời nhà Trần, một giai đoạn bi tráng và hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc.
Đọc Trần Khánh Dư, tôi tin anh sẽ sớm hoàn thành công việc gian nan nhưng vô cùng hấp dẫn này.
Theo Yên Ba – QĐND