Nếu có thể dùng thang điểm 10 để chấm thì Giữa hai khoảng trống (NXB Thanh niên, 2013) chỉ được tối đa 6/10, thế nhưng thời gian qua tập thơ này lại gây được sự chú ý, kể cũng lạ.

Dù có thể Kiều Maily không thích nhắc đến điều này, nhưng chắc chắn nhiều độc giả mua tập thơ (đã bán hơn 700 tập) là vì nguyên quán của cô. Sinh năm 1985 tại làng Pablap, ở Ninh Thuận, Kiều Maily tiếp nối thế hệ các tác giả Chăm gần đây như Trà Vigia, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Bá Minh Trí, Diễm Sơn, Chế Mỹ Lan, Trà Ma Hani… để viết nên bản sắc của mình.


Tập Giữa hai khoảng trống

Cảm giác háo hức với tác giả dân tộc ít người là điều có thật, ngay cả Inrasara khi xuất bản Tháp nắng giữa thập niên 1990, cũng không loại trừ.

Điểm đặc biệt nhất của tập này là tâm trạng xa lạ, lạc lõng mà tác giả gọi “khoảng trống”. Kiều Maily lạ hơn nhiều tác giả dân tộc ít người khác, khi mà họ: hoặc cố tình giữ gìn bản sắc, hoặc cố tình “phổ thông hóa” câu chuyện của mình. Mà trong thơ, vốn là nhu cầu tự tại, mọi sự cố tỏ ra đều không thể tự nhiên, chân thật. Kiều Maily sống giữa hai miền văn hóa, chung đụng đa văn hóa, ấy là một cơ may và thách thức, tập thơ diễn tả lại tâm trạng này, nên có nét riêng. Trong bài Mương Cái – mương Đực, Kiều Maily viết: “Mương Cái xuôi về palei em/ Mương Đực đổ qua làng anh/cả hai chảy tan vào biển/ Tìm nhau/ dòng nước phải ngược lên nguồn suối”. “Palei em” và “làng anh” đều diễn tả quê hương bản quán, nhưng lại khác nhau như cái với đực. Nên tác giả mới hỏi tiếp: “Anh dám mang phần số loài cá hồi không?/ cùng em, ngược về nguồn cội/ tìm nhau”.

Mỗi năm Việt Nam phát hành hơn 1.000 tập thơ, Giữa hai khoảng trống chưa thật hay nhưng đáng đọc hơn vô số tập khác, ấy đã là một hy vọng. Tập thơ gồm 46 bài, có 45 bài thơ tự do, cũng như nhiều cây bút nữ gần đây, Kiều Maily chọn thể loại này để được thong dong bày tỏ hết cảm xúc của mình.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version