Nếu nói “văn là người” thì trong trường hợp nhà văn Hồng Nhu, tôi thấy thật sát hợp và thấm thía lời cổ nhân. Con người Hồng Nhu, như tôi hình dung, đàng hoàng cả trong gian khổ, rộng rãi cả lúc thiếu thốn trăm bề, tự tin cả trong khi người khác hoang mang, và cười ngạo nghễ cả trên thất bại tạm thời…
1. Văn là người
Đến Tuyển tập Hồng Nhu (2011), nhà văn chính gốc Thừa Thiên Huế đã cập tuổi bát tuần (ông sinh năm Nhâm Thân, 1932, dù cho tuổi hồ sơ công chức ghi sinh năm 1934). Tuổi này sang thì sang thật nhưng lận đận, phải thiên di, phải làm nhiều việc có khi rất trái tay (bằng chứng là có 13 năm trong quân ngũ từ 1948-1961, ba năm là cán bộ kĩ thuật thủy lợi Nghệ An từ 1962-1965, rồi lòng vòng “cõng” văn chương chạy theo việc nhập – chia tỉnh Nghệ -Tĩnh… Từ 1987 mới tạm yên ổn trú ngụ và làm việc ở quê nhà cho đến khi nghỉ hưu, vui thú cảnh già và cầm bút – hay gõ máy – viết văn. Nhà văn Hồng Nhu từng là TBT Tạp chí Sông Hương rất có uy tín với độc giả trong và ngoài nước). Tính đến năm 2012, nhà văn Hồng Nhu là tác giả của 21 tác phẩm bao gồm các thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến thơ và chủ nhân của 11 giải thưởng văn chương các cấp. Một đời tận tâm, tận tụy sống và viết, tôi nhĩ, đó là chân dung tinh thần của nhà văn Hồng Nhu. Là một người chu đáo khiến đôi khi ngạc nhiên, ít nhất là riêng với tôi. Còn nhớ một kỉ niệm với nhà văn tài hoa đáng kính của xứ Huế: cách đây dăm năm tôi có viết một bài nho nhỏ Đi trong mưa ngâu cùng nhà văn Hồng Nhu (in trên tạp chí Sông Hương, về sau in lại trên Tạp chí Nhà văn). Thực tình khi viết là xuất phát từ lòng ngưỡng mộ văn chương của ông, còn quan hệ riêng tây thì hoàn toàn không. Thế mà ông đã qua các bạn văn ở Huế như Phạm Phú Phong, Hồ Thế Hà tìm được địa chỉ của tôi để tặng sách và có lời tri ân. Đó là tác phẩm Vịt trời lông tía bay về – Tuyển tập truyện ngắn Hồng Nhu (Nxb Hội Nhà văn, 2006).
Nếu nói “văn là người” thì trong trường hợp nhà văn Hồng Nhu, tôi thấy thật sát hợp và thấm thía lời cổ nhân. Con người Hồng Nhu, như tôi hình dung, đàng hoàng cả trong gian khổ, rộng rãi cả lúc thiếu thốn trăm bề, tự tin cả trong khi người khác hoang mang, và cười ngạo nghễ cả trên thất bại tạm thời… Đặc biệt với văn chương, nhà văn Hồng Nhu chưa bao giờ dám lơ là, tạm bợ, trái lại coi đó là chốn thiêng liêng và người cầm bút phải thể hiện tinh thần công dân tích cực của mình. Một dạo có cây bút trẻ cổ súy đồng nghiệp tung hô một thứ triết lí vặt, coi văn chương chỉ là “một trò chơi vô tăm tích”. Nhân dịp nhận giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội 1996 cho truyện Vịt trời lông tía bay về, nhà văn Hồng Nhu có viết, đại ý, để viết được một truyện ngắn như truyện vừa được giải, nhà văn đã bỏ công sức và tâm huyết nhiều năm trời, nên không thể coi văn chương là một “trò chơi vô tăm tích” được. Có lẽ nhà văn coi công việc ngồi trước tờ giấy trắng để suy nghĩ và viết khác nào đối diện với “pháp trường trắng”. Tâm sự nghề của nhà văn Hồng Nhu cho độc giả thấy rõ hơn “Tôi thường tâm niệm với lời dạy của các bậc thầy, bậc đàn anh phải “sống chết” với nghề. Đã là nghề thì phải học tập không ngừng, rèn luyện tay nghề không ngừng để sản phẩm làm ra ngày một đẹp hơn, tốt hơn, hay hơn. Vì vậy, tôi thường viết năm ba chọn lấy một, tự mình sàng lọc lấy mình. Điều tôi kinh hãi nhất đối với người viết là sản phẩm làm nhiều nhưng chất lượng ít” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr.311). Cách tuyển chọn văn xuôi hoặc thơ, với nhà văn Hồng Nhu cũng không theo thông lệ trật tự thời gian xuất hiện tác phẩm (một ví dụ nhỏ: Vịt trời lông tía bay về -1993 – được đặt trước Thuyền đi trong mưa ngâu – 1978).
2. Từ văn xuôi đến thơ ca
Cũng không phải là nhiều trong giới sáng tác, như chúng tôi vẫn nói đùa là “hai tay hai súng”, vừa viết văn xuôi, vừa làm thơ như nhà văn Hồng Nhu. Thoạt đầu đến với văn chương là văn xuôi, trình làng văn bằng tập bút kí Rừng thông cao vút (1968) và liên tục sau đó là các tập truyện ngắn Ý nghĩ mùa thu (1971), Tiếng nói chìm sâu (1976), Đêm trầm (1976), Gió đồi (1978)… Nhưng ấn tượng nhất vẫn là các tập truyện ngắn Thuyền đi trong mưa ngâu (1995), Lễ hội ăn mày (2001), Trà thiếu phụ (2003) và Vịt trời lông tía bay về (Tuyển tập truyện ngắn, 2006), Biển ở ngay thềm nhà (2006), Chuyện một tình yêu (2007), Bao nhiêu là cát (2007). Năm 2008, đến giai đoạn chất sống đã dồn ứa, nhà văn như thấy phải viết một tác phẩm dài hơi hơn để có thể ôm trùm và đào sâu hơn hiện thực, Đồi trở gió được viết ra như là một cuộc thể nghiệm của một vận động viên lâu nay thường chạy cự li 100 mét (trong truyện ngắn và thơ) nay thử sức ở cự li maratông (trong tiểu thuyết, với cự li hơn 40 km, gấp 4000 lần). Tôi nghĩ đây là một cuộc thám hiểm chinh phục đỉnh Evơret của một nhà văn sắp bước vào ngưỡng bát tuần.
Nàng Thơ đến với nhà văn Hồng Nhu muộn hơn nhưng không hẳn vì thế mà kém phần mãnh liệt và sâu sắc hơn so với Chàng Văn. Làm thơ từ rất sớm cùng với viết văn xuôi, nhưng phải đến năm 1988 ông mới trình làng tập thơ đầu tay Ngẫu hứng về chiều. Thơ ông được độc giả đón đọc và yêu mến, rồi như có một cú hích sáng tạo, ông cho ra đời tiếp các tập thơ Nước mắt đàn ông (1992), Chiếc tàu cau thơ (1995), Rêu đá (1998). Tập thơ đầu tay của nhà văn Hồng Nhu xuất hiện muộn hơn tập văn xuôi đầu tay 20 năm. Nhưng chậm mà chắc, nhưng chậm mới có điều kiện chưng cất chất đời, mới lao động chữ nghĩa một cách hiệu quả vì thơ lúc nào cũng kiêu kì và kén chọn ngôn từ hơn so với văn xuôi.
Trong Hồng Nhu – Tuyển tập, tôi đọc thấy sự khiêm tốn của một nhà văn khi ở vào tuổi 80, cầm bút sáng tác gần nửa thế kỉ, mà chỉ vỏn vẹn tuyển chọn ngót 500 trang in (khổ sách 14,5 x 20,5) gồm 15 truyện ngắn (234 trang), 3 truyện vừa (150 trang), 14 truyện thiếu nhi (31 trang) và 58 bài thơ (con số có vẻ áp đảo nhưng thực ra toàn bộ thơ cũng chỉ chiếm có chưa đầy 80 trang sách). Không biết là ngẫu nhiên hay tất nhiên mà trong tác phẩm tuyển chọn nghiệp văn của mình nhà văn Hồng Nhu lại xếp thứ tự: Truyện ngắn – Truyện vừa – Truyện thiếu nhi – Thơ. Độc giả yêu mến tác phẩm của nhà văn Hồng Nhu tự chia ra làm hai phe: một bên yêu văn xuôi, một bên yêu thơ của ông. Riêng tôi, đứng về phe yêu văn xuôi của nhà văn Hồng Nhu, mặc dù đọc thơ ông tôi vẫn rất thích và thậm chí đôi khi run rẩy cảm xúc vì những hình ảnh, câu chữ, tâm trạng và đặc biệt là cái “điệu tâm hồn” của thi sĩ.
3. Ấn tượng văn chương
Ấn tượng một: Tôi thích những trang văn xuôi như những ”hơi thở nhẹ”, có thể làm ta ”say nắng” kiểu như Vịt trời lông tía bay về, Thuyền đi trong mưa ngâu, Gió thổi chéo mặt hồ, Trà thiếu phụ, Bến Bội Đình… Đọc những trang văn xuôi này, tôi nghĩ nhà văn Hồng Nhu là người có ý thức chắt chiu cái đẹp bằng nghệ thuật ngôn từ. Truyện ngắn của nhà văn Hồng Nhu góp vào dòng chảy văn xuôi trữ tình, giàu chất thơ trong văn chương hiện đại Việt Nam mà người khơi dòng không ai khác chính là nhà văn tài năng Thạch Lam (1910-1942). Trong bài viết Đi cùng Hồng Nhu trong mưa ngâu, tôi đã hơn một lần trích dẫn những câu văn thuộc loại ”văn xuôi có cánh” của tác giả này (dạo đó có người cho rằng tôi hơi quá lời, nhưng tôi biết chắc chắn rằng người đó chưa đọc một dòng nào văn xuôi của nhà văn Hồng Nhu). Viết truyện ngắn, tôi nghĩ, nhà văn Hồng Nhu rất chú ý trước tiên tìm ”cấu tứ” hay cho truyện. Cấu tứ là linh hồn của tác phẩm, là độ chín của sự sống và kinh nghiệm nghệ thuật của nhà văn. Truyện thiếu cấu tứ, theo cách ví von của nhà văn Dạ Ngân, khác nào người đàn ông thắng một bộ complet rất ”mốt” nhưng lại đi một đôi dép da. Trà thiếu phụ, Thuyền đi trong mưa ngâu, Gió thổi chéo mặt hồ… là những truyện ngắn hay, neo được vào tâm trí độc giả trước hết nhờ những ”cấu tứ” độc đáo của chúng. Văn xuôi của nhà văn Hồng Nhu giàu chất thơ, không phải vì ông là người làm thơ (đã thấy nhỡn tiền có người làm thơ nhưng khi viết văn xuôi lại rất trần trụi), mà vì cách cảm, cách thể hiện được chi phối, quyết định bởi sự run bật của cảm xúc khi viết.
Ấn tượng hai: Một lần đã lâu qua Huế, trong cuộc tao ngộ văn chương, một bạn văn sở tại bỗng ngẫu hứng đọc một vài bài thơ của Hồng Nhu và bật lên một nhận xét xanh rờn ”Thơ Hồng Nhu có màu rêu đá”. Quả thật Rêu đá (1988) là tên một tập thơ, mà tôi chắc rằng nhà thơ lấy làm bằng lòng về đứa con tinh thần của mình. Nhiều độc giả cũng vậy. Hình ảnh ”rêu đá” gợi một cái gì đó phong sương, cổ kính và đôi khi xa vắng, cũ kĩ. Trong phần thơ tuyển, tôi tỉ mẩn đếm được 4 lần nữa hình ảnh ”rêu” xuất hiện như là vô tình, như là bao phủ lấy từng chữ thơ ”Bởi sắc rêu huyền tích” (Tây Hồ), ”Lên thảm rêu sợi mắt thoắt đan gài” (Hội An), ”Rêu xanh ngăn ngắt tường vôi” (Qua đền Cuông với người yêu), ”Am rêu cỏ nến lập loè trang thơ thảo” (Tặng một nhà thơ thiền). Thơ Hồng Nhu khác 180 độ với thơ trẻ 8X và 9X bây giờ, thậm chí cũng rất khác thơ thế hệ U50, nhiều chữ nghĩa, kêu to và nhiều hơi hướng ”hậu hiện đại”. Bề ngoài thơ Hồng Nhu có vẻ như hơi cũ, nhưng đọc chậm và đọc kĩ sẽ thấy ngọt và mát như người quê tôi thời trước khi đói lòng ăn khoai gieo. Cái tinh thần thời đại thẩm thấu vào thơ Hồng Nhu một cách kín đáo, tinh tế kiểu như Chiếc cà vạt của Êxênhin tự bạch, Nói trước với vợ, Mùa thu tội nghiệp, Nước mắt đàn ông, Viết trong sương mù, Cảm thụ Vinh… Đọc thơ của nhà văn Hồng Nhu tôi hình dung ông thuộc kiểu nhà thơ lặng lẽ sống, lặng lẽ vui buồn, lặng lẽ viết và lặng lẽ góp nhặt những hi vọng Gom nhặt chút nắng trời/ Tôi viền lên khát vọng hoặc Từ ngửa nghiêng đổ nát/ Tôi gom nhặt chính tôi” (Gom nhặt sau bão). Thơ của nhà văn Hồng Nhu nặng tình nặng nhĩa, nhà thơ hình dung đến một ngày kia mình sẽ chết như một quy luật sinh tồn của con người ”sinh lão bệnh tử”, nên ông Nói trước với vợ (riêng tôi rất thích bài này) bằng những lời trần tình sâu lắng nhất ”Sẽ đến một ngày/ Anh chào nắng gió/ Mang hạt mưa bay/ Về nằm trong cỏ”. Mấy ai mà bình tĩnh nói về cái chết được báo trước của đời mình như nhà thơ?! Tôi thích cái tứ của bài thơ này ”Đau như hạnh phúc” vì ”Cháy là ngọn nến/ Đừng khóc em ơi”. Phải thú thực là tôi không rành về thơ chứ đừng nói là sành thơ, nên mỗi lần bình thơ ai đó tôi đều có mặc cảm mình ”lấn sân” thậm chí ”múa rìu qua mắt thợ”. Nhưng đọc thơ của nhà văn Hồng Nhu, tự nhiên tôi thấy mình có cái khả năng, dù rất ít, thẩm được vào thơ ông. Nhà văn Hồng Nhu, cũng như các tác giả khác, cũng triết lí trong thơ. Nhưng tôi thấy ông triết lí nhuần nhuyễn và tinh tế kiểu như Chiêm nghiệm 2, Trữ lượng hạ, Chiếc cà vạt của Êxênhin tự bạch, Đan Thiềm…
Ấn tượng ba: Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, thái độ và công sức chăm sóc ngôn từ là thước đo văn hoá của một nhà văn bất kì. Một cuộc cách mạng văn chương như phong trào Thơ mới (1932 -1945), ắt hẳn không chỉ có cách mạng về tiếng Việt, nhưng đó là một phương diện quan trọng. Tiếng Việt hiện nay đang bị ”tùng xẻo” bởi rất nhiều lí do ngoài văn hoá. Nhà văn hơn ai hết là người có nhiệm vụ bảo vệ vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Theo quan điểm truyền thống thì ”chữ và nghĩa” phải đi liền nhau, chữ không phải chỉ có ”xác” mà phải có ”hồn”. Đọc văn chương bây giờ, thường khi người ta chỉ chú ý đến cái ”chuyện” (trong văn xuôi) hoặc những gì lạ lẫm thỏa mãn tính hiếu kì mặc dù đôi khi thậm chí vô lí (trong thơ). Không ít người chơi chữ, thậm chí làm xiếc chữ biến chúng thành ”xác chữ”. Nhà văn Hồng Nhu thuộc số tác giả có ý thức tìm tòi và có trách nhiệm với câu chữ của văn chương. Thường khi nói đến phong cách nghệ thuật của một nhà văn người ta hay nói đến ngôn từ và giọng điệu (ví dụ giọng triết luận của Nguyễn Khải, giọng thương cảm của Thạch Lam, giọng tâm tình của Nguyễn Thành Long, giọng hài hước đậm chất dân gian của Nguyễn Công Hoan…). Riêng với nhà văn Hồng Nhu, khi có một ấn tượng về tác phẩm (văn hoặc thơ) của ông, tôi nghĩ tới cái gọi là ”nhịp điệu” (rythme – tiếng Pháp) của ngôn từ. Phạm trù này ít được giới nghiên cứu, lí luận và phê bình văn học ở ta quan tâm. Nhịp điệu tạo nên ”điệu tâm hồn” của một nhà văn. Nhà văn Hồng Nhu ngoài đời thuộc tip người sống chậm, tìm vào nội tâm, thiên lương và tiết tháo (đấy là tôi hình dung về ông, còn thật ra thì tôi mới chỉ gặp ông có một lần ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, đâu chỉ dăm phút, và cũng đã rất lâu rồi). Văn Hồng Nhu có cái vẻ ”chầm chậm tới mình” và cũng chầm chậm đến với người khác. Khi viết ông tựa hẳn vào cảm xúc, đương nhiên, nhưng là thứ cảm xúc được trực giác mách bảo, dẫn dắt. Trong truyện Gió thổi chéo mặt hồ, kể chuyện nhạc sĩ Nguyên Hà đến trại sáng tác một thời gian dài để hoàn thành một nhạc phẩm quan trọng, ở đó bằng trực giác ông đã phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn của một cô gái chuyên mặc áo đỏ tên Chuyền. Cô gái này đã im lặng chờ đợi người yêu mất tích trong chiến tranh đã hơn mười năm trời. Một tình huống tâm trạng như thế đã làm bộc lộ những ứng xử của nhạc sĩ Nguyên Hà, vì thế câu văn tương ứng cũng rất tương xứng ”Ông thoáng mỉm cười”, ”Ông không khỏi sửng sốt”, ”Bất giác Nguyên Hà nhìn theo cô gái”, ”Trong phút chốc, nó bỗng gợi lên trong ông một liên tưởng bất ngờ”, ”Ông sực nhớ”, ”Ông nảy ra một ý”, ”Vừa bơi ông vừa nghiêng tai nghe”, ”Nguyên Hà sực nhớ”, ”Ông à lên một tiếng nhẹ”… Về phương diện thi pháp học, sự xuất hiện của kiểu cấu trúc lời văn nghệ thuật như thế cho chúng ta cơ sở để nói về nhịp điệu văn xuôi Hồng Nhu – bình thản, trầm lắng, hướng nội. Trong thơ Hồng Nhu cũng vậy, tôi tìm thấy một nhịp rất Huế đặc trưng ”Bây chừ còn có chi mô/ Dặt dìu con nước ngẩn ngơ mạn đò/ Dòng sông cứ mực lững lờ/ Chảy như quên chảy và bờ… cũng quên” (Uống cùng Huế). Và cũng rất Huế ngay cả khi viết về vẻ đẹp cảnh vật Bắc Hà ”Chiều nấn ná dài thêm trong tiếc nuối/ Vẻ thâm u mà lả lướt Tây Hồ/ Sương như sóng và liễu thì như khói/ Mặt người đi ai cũng nét đang mơ” (Tây Hồ). Dường như chỉ có người xứ Huế mới có cái cảm thức về thời gian và tạo vật theo lối ”chảy như quên chảy”, hoặc ”nấn ná dài thêm trong nuối tiếc”.
Nếu có một điều gì còn chưa thỏa mãn khi viết về một đời văn Hồng Nhu, riêng tôi thấy, có vẻ như nhà văn quá khiêm tốn và kiệm lời nên không hề biết PR cho mình. Thêm nữa cũng ít người viết phê bình thậm chí đã vô tình đi ngang qua cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông. Bài viết nhỏ của tôi như thay một lời chúc thọ nhà văn Hồng Nhu tám mươi tuổi vẫn chưa già, chưa ngừng sáng tạo.
Hà Nội, tháng 8-2012
Nguồn tin: TCNV 10-2012