Làm thơ thời nào cũng khó nhưng những cây viết trẻ vẫn ngày đêm miệt mài sáng tạo, tổ chức những hoạt động để cùng nhau giữ lửa cho thơ
Thời bây giờ, ai thích thơ, ai mua thơ, ai đọc thơ? Trả lời câu hỏi này không dễ khi những tập thơ chỉ có thể được xuất bản để… vui lòng người sáng tác. Xuất bản được một tập sách khó bán thực sự là một kỳ công bởi các nhà xuất bản (NXB) đều biết trước là sách chỉ bày trên giá, cất trong kho hoặc mang tặng, cho nên thường là nhà thơ phải tự bỏ tiền ra in.
Bi kịch là vì đã làm thơ, mấy ai giàu? Nhà thơ tự cổ chí kim, đời thường, ai cũng long đong, đối mặt với chuyện cơm áo gạo tiền. Đặc biệt, sáng tạo thi ca là một trong những sáng tạo ngặt nghèo nhất vì số lượng chữ phải thật tinh tế và dường như bao nhiêu thơ hay thì tiền nhân đã sáng tạo hết cả rồi. Thế nhưng, vẫn có hàng ngàn người viết ở khắp mọi nơi cặm cụi sáng tạo, trăn trở với từng chữ, từng vần và miệt mài cố gắng hội tụ, cùng nhau nhen lửa yêu thơ.
Các tập thơ xuất bản thời gian qua
Người yêu thơ vẫn thường xuyên gặp gỡ những thế hệ thành danh tại các sự kiện Ngày Thơ Việt Nam, đều đặn xuất hiện những gương mặt gạo cội trình diễn trên sân khấu và xuất bản những tập thơ càng lúc càng sang trọng, bắt mắt, tinh tế như “Thơ Dương Tường – Mea Culpa và những bài khác” (các phụ bản của họa sĩ Trần Trọng Vũ), Cây ánh sáng của Nguyễn Quang Thiều (tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương), Thơ và trường ca của Nguyễn Trọng Tạo, Đường gió của nữ thi sĩ Giáng Vân…
Vi Thùy Linh được mệnh danh là “thi sĩ của ái quyền” sau khi xuất bản tập thơ tình thứ 5 Phim đôi – Tình tự chậm. Hồi năm 2012, cô kêu gọi tài trợ tổ chức hẳn live show thơ hoành tráng ở Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nguyễn Phong Việt 2 năm xuất bản 1 tập, bán thơ đắt hàng, trở thành “hiện tượng” với Đi qua thương nhớ (2013) lẫn Từ yêu đến thương (2014).
Nguyễn Thị Việt Hà gây ấn tượng mạnh bởi giọng thơ mềm mại, duyên dáng, trữ tình, sức sống mạnh mẽ. Thơ Việt Hà càng trở nên ấn tượng và được bạn đọc biết đến nhiều hơn sau vụ bị Phạm Hồng Phước “xài chùa” bài thơ Khi chúng ta già phổ nhạc thành ca khúc ăn khách.
Khác với những sự kiện ồn ào trên truyền thông như vậy, trong những ngõ nhỏ, phố nhỏ, đường đêm quán cóc thầm lặng nào đó của mảnh đất ồn ào nắng nóng phương Nam, nơi mà bình thường mọi người rất ít khi nghĩ rằng thơ có đất để tồn tại, thì lại tồn tại những hồn thơ dẻo dai, mạnh mẽ, đầy sức sống.
Rất trầm mặc, ít khi chịu xuất hiện trước công chúng nhưng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gây bất ngờ khi năm 2013 ra mắt độc giả tập thơ Chấm. “Những ngày rong ruổi trên đất lạ/tôi một lần đứng lại hỏi con đường/lối nào sẽ dẫn đến con người…” – trích bài thơ Hỏi đường của Nguyễn Ngọc Tư.
Ly Hoàng Ly cũng ẩn mình khá kỹ kể từ thời nổi bật với Lô Lô (2005) nhưng chị vẫn công bố đều đặn những bài thơ mới. Nguyễn Thúy Hằng – nhà thơ, họa sĩ – một thời khiến truyền thông bối rối vì 3 tập thơ Thời hôm nay, Khoái cảm và Điên rồ hợp lý (năm 2006), năm 2008 cô có thêm Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ và năm 2012 lại ra mắt Họ – Bột hư ảo.
Mới đây, gặp lại Thúy Hằng giữa TP HCM, cô đã ở trong vai trò “bà bầu” cho một số “cuộc chơi thơ” vô cùng thú vị tại Saigon Ranger. Thúy Hằng tổ chức liền mấy cuộc trình diễn thơ song ngữ trong quán bar khá thu hút cộng đồng bởi những sáng tạo trong một không gian độc đáo. Nơi mà mọi người nghĩ chỉ có rượu bia và những trò quậy phá thì lại xuất hiện nhạc, tranh và thơ.
Còn nếu chỉ trông vào nhuận bút đăng thơ thì như Ngô Liêm Khoan – tác giả Những tấm ván trên cầu Hiền Lương – thừa nhận vừa làm thơ vừa mưu sinh quả thật quá vất vả. Không ai sống nổi với những đồng nhuận bút ít ỏi ấy, nói thế nhưng anh vẫn miệt mài sáng tạo thi ca khiến độc giả say đắm với con chữ về những tấm ván “làm phận lát cầu và cõng trên mình lịch sử”. “Với tôi, thơ là thứ binh pháp gợi lên ước vọng hòa bình” – Ngô Liêm Khoan nói. Và ở sự kiện Ngày thơ 2015 này, anh xuất hiện trở lại trong tập thơ in chung Sài Gòn độc bản của 40 tác giả sinh sau ngày đất nước thống nhất, trưởng thành và sống tại phía Nam. Cũng tại Ngày thơ phía Nam (5-3) ở 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM, các nhà thơ trẻ Hạnh Ngộ, Vương Chi Lan, Chiêu Anh Nguyễn, Miên Du, Sâm Cầm, Hồ Huy Sơn, Phương Huyền… xuất hiện và trình diễn thơ dưới sự điều hành của nhà thơ trẻ Ngô Thị Hạnh.
Làm thơ vất vả, đau đớn, gian nan lắm nhưng vẫn cứ yêu thơ bởi vì như nhà thơ Giáng Vân – tác giả của Hoa thạch thảo, Yên tĩnh (nhạc sĩ Phú Quang phổ thành ca khúc nổi tiếng Đâu phải bởi mùa thu) – chị “chỉ làm thơ những lúc không thể viết” và viết xong rồi lại phải phũ phàng quên đi những “đứa con tinh thần” dứt ruột đẻ ra: Câu thơ đã viết/Giống như hơi thở/Đã thở rồi/Không thở sẽ chết/Nhưng không thể còn thở lại”.
Ngày thơ Việt Nam hướng về biển đảo
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào sáng 5-3 (tức rằm tháng Giêng) với chủ đề chính là hướng về biển đảo. Sự góp mặt của các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng và khoảng 150 nhà thơ, nhà văn, dịch giả quốc tế đang tham dự Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương và hội nghị quảng bá văn học Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn.
Khác với những năm trước, năm nay, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức với 2 sân thơ chính là truyền thống và vòng tay bạn bè. Thêm vào đó là những chương trình giao lưu, gặp gỡ với các nhà thơ quốc tế tiêu biểu cùng 10 nhà xuất bản được mời tham dự giới thiệu các tác phẩm viết về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động bên lề tại Ngày Thơ Việt Nam sẽ bao gồm triển lãm giao lưu văn học quốc tế, các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch, xuất bản ở nước ngoài; trưng bày và giới thiệu sách của các nhà xuất bản trong nước; khu phố nghệ thuật với sự tham gia của 30 câu lạc bộ thơ, 8 địa phương trong cả nước, 6 trường đại học với các hoạt động xuất bản, thư pháp, trình diễn nghệ thuật dân gian.Y.Anh
Hòa Bình – nld.com.vn