Xã biên giới Quảng Đức (Hải Hà) hiện có trên 700 hộ dân, trong đó  90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Dao. Theo các già làng ở đây, văn hoá của người dân tộc Dao ở xã như lễ cưới hỏi, lễ cấp sắc, lễ thanh minh, lễ cầu trời, lễ ăn lúa mới đang lo sẽ dần mai một nếu như không có biện pháp khôi phục lại. Đơn giản nhất là việc mặc trang phục dân tộc, hầu như chỉ còn người già mặc, còn lớp trẻ ngại vì mặc rất mất thì giờ. Trong khi cuộc sống mới đòi hỏi mọi cái đều phải nhanh, tiện lợi. Nhiều cô gái người Dao ngày nay đã không biết vấn tóc kiểu truyền thống dân tộc mình như thế nào…

Thi mặc trang phục truyền thống trong chương trình ngoại khoá “Giữ gìn nét văn hoá dân tộc Dao Thanh Y” ở Trường PTDT Bán trú THCS Quảng Đức (Hải Hà), năm học 2013-2014.

Được sự chỉ đạo của UBND huyện và Phòng GD-ĐT huyện Hải Hà, Trường PTDT Bán trú THCS Quảng Đức, nơi có 97% là học sinh dân tộc Dao, trong các năm học 2012-2013 và 2013-2014 đã mở các lớp ngoại khoá với chủ đề “Giữ gìn nét văn hoá dân tộc Dao Thanh Y” cho học sinh nhà trường, có sự tham gia nhiệt tình của nhiều phụ huynh học sinh. Cô Nguyễn Thị Điệp, Hiệu phó nhà trường cho biết: “Người Dao Thanh Y ở Quảng Đức có nét văn hoá vô cùng đặc sắc. Tuy nhiên khi đời sống kinh tế phát triển, người dân thường hướng về những cái mới, khiến cho nét riêng truyền thống của dân tộc bị mai một. Do vậy chúng tôi xác định trách nhiệm của nhà trường là phải giáo dục học sinh giữ gìn bảo vệ văn hoá dân tộc mình. Cụ thể, chúng tôi đã lồng ghép những chuyên đề, những buổi ngoại khoá về truyền thống văn hoá dân tộc vào chương trình giảng dạy ngoài giờ lên lớp…”.

Thế nhưng để tiến hành công việc này lại không hề đơn giản. Thầy Phạm Quốc Long, giáo viên môn văn và giáo dục công dân của nhà trường, là giáo viên hướng dẫn chính trong chương trình này, cho biết: Các thầy, cô giáo trong trường đều là người Kinh, nên ban đầu cũng chỉ hiểu sơ sơ về văn hoá của người Dao. Xã đã tìm, giới thiệu cho trường những người có uy tín về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao, để tham mưu, tư vấn những kiến thức cần thiết cho giáo viên. Qua tìm hiểu thực tế, không chỉ giới trẻ, mà ngay cả nhiều người lớn cũng hiểu rất lơ mơ về văn hoá dân tộc mình, chỉ khoảng 1/5 trong số họ còn ăn mặc đúng truyền thống của người Dao. Có đến 98% người dân trong xã không biết vấn tóc kiểu truyền thống, còn lời ca tiếng hát của người Dao thường được thể hiện trong những ngày lễ thì đa số không biết. May mắn sao môn thêu thổ cẩm, nhiều người vẫn giữ được. Các thôn, bản ở Quảng Đức, đường giao thông đã được làm mới, nâng cấp thuận tiện hơn rất nhiều. Việc thông thương cũng giúp cho các văn hoá khác có điều kiện xâm nhập vào đời sống của bà con, khi có cái mới người dân rất dễ quên hoặc tạm quên cái cũ. “Nếu như chúng ta không có những tác động tích cực việc giữ gìn văn hoá dân tộc, thì chỉ khoảng 5 năm nữa là các phong tục tập quán văn hoá mang bản sắc riêng của người Dao ở Quảng Đức coi như không còn” – Thầy giáo Long nhấn mạnh.

Chính vì thế mà hoạt động ngoại khoá của nhà trường về giữ gìn nét văn hoá dân tộc Dao Thanh Y đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các phụ huynh, nhiều người bỏ công việc nhà đến phục vụ hàng tuần cho chương trình ngoại khoá. Năm học 2012-2013, trường đã tổ chức thi gói bánh chưng của người Dao, thi mặc trang phục dân tộc; năm học 2013-2014 thêm thi nấu xôi 3 màu, thi vấn tóc, thi hát các bài hát của người Dao. Chị Lỷ Si Múi là phụ huynh học sinh, đã tham gia rất nhiệt tình chương trình ngoại khoá này, cho biết: “Đây là chương trình rất thiết thực không chỉ với các em học sinh, mà bổ ích với cả người lớn chúng tôi. Qua đây, chúng tôi cũng thấy được trách nhiệm của mình trong việc phục hồi và phát huy văn hoá dân tộc”.

Nguồn: QNCT