(Qua bộ ba tiểu thuyết Nháp, Phiên bản và Kín)

Việc tạo ra giọng điệu nghệ thuật riêng là nỗ lực không ngừng của mỗi nhà văn. Giọng điệu ấy được cụ thể hóa qua ngôn từ, lời văn, ngữ điệu và các thủ pháp nghệ thuật trong tác phẩm để bộc lộ “thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả” nhằm thiết lập các mối quan hệ “thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm”. Tổng hòa các sắc thái giọng điệu trong một tác phẩm, người đọc sẽ có cơ sở quan trọng để đánh giá phong cách, sắc thái tình cảm của người viết. Nhìn từ góc độ tương tác thẩm mĩ với yếu tố tính dục, ta thấy tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú nổi bật với bốn kiểu giọng điệu cơ bản: bỗ bã, trào lộng; đắng đót triết lí; hoài niệm xót xa và giọng vô âm sắc.

Giọng bỗ bã, trào lộng

Tiểu thuyết hiện đại áp sát vào đời sống, tiếp xúc suồng sã đến thô bạo hiện thực với sự mở rộng các phạm trù thẩm mĩ, đời thường hóa chúng. Ở đó, cái xấu không dè dặt né tránh mà thể hiện dưới hình thức những cái hài đời. Khi những chuẩn mực bị lệch pha, cái hài, qua giọng điệu bỗ bã, trào lộng, tích cực góp phần nói lên cái vô nghĩa lí ở đời. Viết về lối sống của thế hệ trẻ và văn hóa tính dục ở họ, Nguyễn Đình Tú, qua lăng kính hiện thực, xoáy vào tận cùng cái chua cay, vào vết thương đang sưng tấy của những ẩn ức bản năng.

Mẹ Thạch – người đàn bà không chịu nổi cuộc sống thiếu thốn “son phấn”, ở lại xứ người mà quên đi tổ ấm nhỏ, chỉ vì cái công cụ sinh sản của đàn ông Đức, chỉ vì thoả mãn dục tính của mình, để lại vết thương sâu hoắm trong lòng cha con Thạch cùng nỗi ám ảnh nhược tiểu giống loài. Vết thương đó còn lấy đi cái nhân cách mà đáng lẽ sẽ định hình tốt trong người con trai. Bằng giọng điệu khinh thường, cười cợt nhưng cũng đầy trăn trở, cái xót xa, vô nghĩa trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú nổi lên trong thế đối lập giữa tình thương và tình dục: “Chẳng lẽ người phụ nữ nào đi Tây cũng bỏ chồng chỉ vì cái của nợ ấy của những người đàn ông phương Tây? Nếu thế thì chán cho cái giống người Việt quá. Chán cho cái của quý ấy của đám đàn ông nước mình quá” (Nháp).

Ở người bố, niềm tin vào sự chung thủy của vợ cũng đồng nghĩa với sự hi sinh, nhưng đáp lại tấm lòng yêu thương đó là cái nhìn “tởm lắm” của kẻ đầu ấp tay gối. Tình yêu lúc này trở thành không tưởng trước sự phản bội của người đàn bà khát dục: “Bố tôi như bao người đàn ông mất vợ khác, tin vào tình vợ chồng của mình, tin vào điều viển vông rằng, sự khốn nạn ấy xảy ra với ai chứ không xảy ra với mình” (Nháp).

Trong cảnh sụp đổ hạnh phúc gia đình, người bố mất niềm tin vào cuộc sống, còn Thạch mất đi cái nhìn thiêng liêng về tình yêu, dục tính. Anh ngô nghê, hồn nhiên trong tình yêu dành cho Yến với ý nghĩ chở che của phái mạnh, cuối cùng nhận ra sự giễu cợt trong cái gọi là hòa hợp tình yêu:

Nhưng chính Thạch cũng không đủ bản lĩnh dứt ra cuộc tình “hờ” với cô người yêu bé nhỏ. Người đọc không khỏi băn khoăn tự hỏi: Phải chăng chính anh cũng lệ thuộc vào bản năng của mình? Như một thói quen, giao tiếp của Thạch và Yến dần chuyển sang dạng giao tiếp dục tính: “Danh nghĩa thì chúng tôi vẫn là người yêu của nhau. Bởi vì tôi chưa có người yêu mới, còn Yến thì chưa kịp lấy chồng”.

Từ bi kịch gia đình, Thạch biến thành kẻ mang bi kịch tình yêu lứa đôi. Những ám ảnh nhược tiểu ám vào suy nghĩ ngày càng bấn loạn của anh. Bệnh hoạn với thú vui riêng, Thạch trở thành nạn nhân của xã hội cùng lối sống ngày càng xa rời mọi giá trị và chuẩn mực. Với vẻ bề ngoài đĩnh đạc, văn minh, Thạch cố che đậy cái thú bệnh hoạn luôn ám ảnh trong ý nghĩ. Qua giọng điệu trào lộng, tác giả để nhân vật tự bộc lộ, tự dè bỉu sự trống rỗng trong giá trị con người của mình: “Nhưng tôi không dám chường mặt ra để gặp ai cả. Tôi phải giữ gìn danh phận của mình” – một phóng viên chuyên viết về pháp luật của một tờ báo vốn ra đời là để “góp phần chăm lo, bảo vệ hạnh phúc gia đình như một thực thể cấu thành nên xã hội”.

Đối với Thạch, tình yêu bao hàm cả tình dục, nhưng chính anh đã đẩy tình dục vào cảm xúc riêng lẻ của thỏa mãn đơn thuần: “Mười bốn tuổi Đại đã yêu. Cậu ấy khẳng định như thế. Tôi thì không nghĩ đó là tình yêu. Một thằng bé mười bốn với một cô bé mười hai thì đã biết gì mà yêu? Hơn nữa tôi vẫn luôn cho rằng tình yêu phải bao hàm tình dục. Đại đã khám phá được những gì của cảm xúc bản thân vào cái tuổi ấy”.

Dù sao thì tình yêu đó vẫn tồn tại mãi trong Đại. Nhưng chung tình thì vẫn chung tình, còn việc Đại đến với Duyên từ phút khám phá nhau ở bờ hồ lại là vấn đề khác. Ở Đại tình yêu và tình dục song song nhưng không cùng nhau. Anh dành cho Thảo cái tình trong trắng, không nhuốm màu nhục dục. Còn việc anh đến với Duyên lại là sự cuốn hút giới tính thân quen. Trước sự phũ phàng, tự làm đau mình trong niềm tin vẻ đẹp tuyệt đối ở Đại, Nguyễn Đình Tú để người trong cuộc tự nói lên cái trớ trêu trong quan hệ của mình: “Thật chả ra làm sao! Đi ra biển hú hí với nhau, đã chẳng hứng tình lên được lại đem viên ngọc của người kia ra ngó nghiêng thì có ngao ngán không cơ chứ?”.

Ở Tú, cách nói như bâng quơ, hồn nhiên, để từ sự bâng quơ đó, tác giả cho thấy ý vị thâm trầm, sâu cay từ cái xấu xa, phi lí của cuộc sống. Đặc biệt, vấn đề vốn được xem là nhạy cảm, qua chất trào lộng, đã vượt ra khuôn khổ “kín”, phơi bày tất cả hỉ, nộ, ái, ố với đời. Trước cái gọi là tình yêu, Nguyễn Đình Tú cho ta thấy sự vô nghĩa lí ở chính nơi con người được sống là mình nhất.

Tính trào lộng, mai mỉa sự giả dối, hai mặt, đê tiện thể hiện rõ ở Hưng mã với ý nghĩ dựa vào nhau mang đầy nhục dục, đầy toan tính của y. Nhưng bản thân sự giả dối đó rất hợp tình đối với trái tim cô đơn của Diệu. Chính trong hoàn cảnh ấy, cái phi lí trở thành có lí. Đẩy người yêu vào tình một đêm để thu xếp công việc, đấng nam nhi là Hưng còn có thể làm chỗ dựa cho “người yêu”. Điều đó cho thấy cái khốn nạn của một kiếp người mà Diệu phải vịn vào: “Thôi thì đã là thân bụi đời sá gì gió táp mưa xa. Anh ấy chấp nhận mọi sự khốn nạn của em cơ mà. Đêm nay có khốn nạn nữa thì cũng vẫn là anh ấy bày ra cả. Em chỉ mong không mất đi chỗ vịn của cuộc đời thôi” (Phiên bản).

Trong thế giới hoang hoải, lạc loài của Kín, Quỳnh và những kẻ xung quanh cô sống buông thả bản năng đến rùng mình. Chủ động dùng tình dục để thấy được sự hiện hữu của bản thân, Quỳnh và câu chuyện tình dục của mình đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức, toát lên sự trào lộng vào nhân cách của một thế hệ.

Lấy câu triết lí của cha ông mà vin vào đời sống tình dục phóng khoáng trong Kín, cái giọng giễu nhại, bỗ bã châm biếm của tác giả ý nhị nhưng sâu xa vô cùng: “Các cụ nói cấm có sai. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Nhốt một trai một gái vào chung một nhà thì cái chuyện yêu đương nhất định phải xảy ra”. Và nghịch lí của khát khao, của vị thế tình dục ở nam giới qua hình ảnh ví von xưa là cái cười buồn về sự khác thường của giới trẻ nay: “Mỗi khi Tráng bước ra từ phòng tập, Quỳnh luôn có cái cảm giác miếng tóp mỡ ngào ngạt đang lướt qua mặt mèo” (Kín).

Trước bao sự thay đổi của giá trị, tình yêu đúng nghĩa là điều khó có thể tồn tại; ở đây chỉ có thể là cảm xúc của tình dục. Mà tình dục để thỏa mãn cơn khát thèm thì cần chi chữ tình. Tính dục phóng khoáng được nói một cách hồn nhiên, bật lên cái cười trào lộng sâu sắc: “Cách khỏa lấp tốt nhất hình bóng một người con trai cũ là mang về nhà mình một người con trai mới”.

Cái vô nghĩa lí tồn tại trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú với tất cả các cung bậc qua giọng điệu trào lộng tạo nên bức tranh phi lí, ngổn ngang thể hiện bao điều trăn trở của tác giả. Chỉ có điều, dẫu giọng điệu của Nguyễn Đình Tú trào lộng, chua cay nhưng vẫn nồng ấm trong khắc khoải một cuộc sống tươi sáng hơn.

Giọng bỗ bã, trào lộng như tự nhiên, có khi hóm hỉnh nhưng đôi lúc lắm mỉa mai, chua chát. Bằng cách ấy, nhân vật của nhà văn hiện lên với những cảm xúc trần trụi nhưng có ý nghĩa nhân sinh lớn lao. Nó không chỉ trả con người về với những khát vọng nhân bản, khát vọng của cái đẹp mà còn phản ánh một thế giới hỗn loạn, vô nghĩa lí. Ẩn sau tất cả các sắc thái của giọng bỗ bã, trào lộng là khát khao những giá trị nhân văn ở con người.

Giọng triết lí đắng đót

Với tiểu thuyết hiện đại, nhà văn không chỉ nhìn thấy hiện thực ở bề mặt cuộc đời mà còn tìm hiện thực ẩn chìm bên trong con người, soi ngắm số phận cá nhân để khái quát những vấn đề nhân thế. Tác phẩm thường được cấu trúc như dòng chảy của lịch sử tâm hồn với điểm nhìn của người trần thuật thiên về khám phá, chiêm nghiệm. Giọng điệu triết lí được đan dệt từ lời nhân vật, phối hợp những tâm tư, trải nghiệm ở nhà văn nhằm diễn tả sự phức tạp, nhiêu khê của cuộc sống mà con người không thể lường hết.

Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, sắc điệu triết lí toát lên khi đề cập đến những vấn đề phức tạp trong cuộc sống, trên hành trình nhân vật khắc khoải đi tìm những giá trị đích thực cùng những bày tỏ và nhận định khái quát của tác giả về con người, về cuộc đời. Sự gắn bó với “cô người yêu bé nhỏ” của Thạch cũng là sự lớn lên từng ngày của Yến. Chính quá trình hiểu nhau đó lại khiến mối quan hệ đậm mùi nhục cảm của họ đi vào ngõ cụt. Hơn ai hết, Thạch đã xót xa nhận ra cái kết cục hiển nhiên đó: “Yến đã trưởng thành rồi. Con chim đã mọc đủ lông đủ cánh rồi, nó phải bay theo những đường lượn của riêng nó, không thể cứ bắt nó lượn duy nhất một kiểu trước tổ ấm của mình” (Nháp). Cái chua chát, hoài nghi về cuộc đời và con người xuất phát từ trải nghiệm nhân sinh sâu sắc. Đặc biệt, những phát biểu có tính khái quát ấy thường được lồng vào lời nói, suy nghĩ của nhân vật một cách tự nhiên.

Với cách nói ví von giàu tính suy ngẫm, chiêm nghiệm, Nguyễn Đình Tú sử dụng cái nghịch dị để thể hiện sự hỗn tạp, trớ trêu của cuộc đời. Ở đó, cảm giác cuộc sống thật như một trò đùa để hoài nghi tất cả: “Và sau khi sinh hoạt, thằng nào cũng ngỡ bạn tình của mình chỉ là một con bò cái ngu muội, còn mình là người đã nắm chắc chiếc dây thừng trong tay”.

Tình dục từ xưa được xem là đặc quyền của phái mạnh, mà phái nữ chỉ có thể bị động trong cảm xúc. Nhưng ở thế giới hiện đại với sự phát triển không ngừng của phái nữ, ý thức phái tính ngày càng bộc lộ mạnh mẽ. Sự bình đẳng giới đưa đến đời sống tình dục mới, đôi khi phái yếu lại là người làm chủ, giữ thế thượng phong.

Đời sống phát triển theo nhiều dạng thức, trong đó nổi bật lên với cái gọi là mua bán “khoái cảm trần gian”. Thấu cảm điều này, Nguyễn Đình Tú một mặt hiểu được sự vô nghĩa lí của ham muốn và thỏa mãn, mặt khác thấm thía được cái xót xa, bi đát của những chung chạ kiểu nắng sớm mưa chiều: “Cái trò ăn bánh trả tiền có bao giờ nhuốm màu lãng mạn đâu? Cục súc lắm, thô thiển lắm, tởm lợm lắm, thói đời xưa nay thế cả, mới mẻ gì đâu mà giả dạng ngỡ ngàng, bực bội?”.

Đằng sau mỗi câu chuyện tính dục là những suy tư về cuộc sống, về con người, về tình yêu và hạnh phúc. Ở đó, tình yêu và tình dục chưa hay đã hòa hợp thì khao khát muôn đời của con người vẫn là được sống, được yêu. Mỗi trang văn, vì thế, là những suy nghĩ, những trăn trở, day dứt khôn nguôi của một cây bút đầy nhiệt tâm, giàu trải nghiệm.

Bên dòng suy tưởng của Thạch, hiện lên câu chuyện với ẩn ức nhàu nhĩ trong Đại. Kết cục mà Đại phải trả giá, qua giọng văn cảm thông của nhà văn, như được xoa dịu đi. Giọng điệu triết lí ở đây dù mang tính chủ quan nhưng đồng cảm, sẻ chia với con người: “Hãy suy nghĩ lãng mạn và nhuốm màu triết lý như thế cho sự tồn tại này dễ thở hơn, cho sự sống này có sinh khí hơn, và cho những đắng cay này bớt cay đắng hơn”.

Triết lí về bản thể cũng lặp đi lặp lại trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú. Sau những dòng thổn thức nhẹ nhàng nhưng cuộn trào bởi bản năng là tiếng nói rất người. Sự hòa hợp giữa tình và cảnh là những thổn thức của tự nhiên mà chính những lúc cô đơn con người càng khát khao giao hòa nhất: “Mùa đông thường đem lại cho Kiên sự tủi thân. Trong cơn lạnh giá, dường như con người ta cảm nhận rõ sự cô đơn hơn. Và mỗi khi mùa đông đến, trong lớp chăn ủ ấm, Kiên nhận ra sự rạo rực khác thường của cơ thể” (Kín).

Sự cô đơn trong bản thể còn ở dạng không thể hòa hợp như quy luật vốn có mà đi theo một lối khác vì “xét cho cùng là lỗi ở thượng đế chứ đâu phải lỗi ở Tráng”. Đối với Tráng, Quỳnh có cảm giác ngưỡng vọng, như đứng trước những gì chính cô không lí giải được: “Tráng là một chàng trai trong sạch, thánh thiện và tinh khiết đến vô trùng. Những cái gì thánh thiện người ta thường vọng tâm tôn thờ hơn là kéo vào lòng mình mà yêu thương, ôm siết, cắn cấu”.

Đi tìm bản thể, nhân vật tiểu thuyết đương đại thường rơi vào tâm trạng cô đơn, khủng hoảng. Con người trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú cũng vậy, sau những giờ phút đối diện với bản thể họ đã tìm cái chết hay thả mình vào những ham muốn vô độ, bệnh hoạn như một lựa chọn thích hợp. Thực tại hiện tồn trở nên vô nghĩa. Mỗi tác phẩm là một cuộc tìm kiếm bản thể đầy giằng xé. Ngẫm, suy, triết lí… chính là một trong những yếu tố đậm nổi, chúng làm thành một giọng chủ đạo trong bản hợp âm nhiều chất giọng của nhà văn.

Giọng triết lí trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú không diễn đạt một cách ồn ào mà đắng đót qua từng số phận, từng tình huống nhân vật để từ đó bật lên cái chiêm nghiệm sâu cay của những ẩn ức: “Bao nhiêu đêm thần tiên chế ngự tôi rồi. Bao nhiêu đêm bản thân tôi chế ngự tôi rồi. Đêm nay để quỷ chế ngự xem có khác gì những đêm qua không? Đời người được bao nhiêu đêm!” (Nháp).

Ý nghĩa triết lí bị bóp méo, ý thức vươn đến cuộc sống đúng nghĩa được nhào nặn lại qua bi kịch méo mó tâm hồn của Thạch. Đó là cả thế giới vỡ vụn, thế giới của ảo giác, bản năng, vô thức; thế giới của những con người tìm đến khoái lạc về thân xác nhưng ám ảnh, hoảng loạn về tinh thần. Bi kịch của các nhân vật nằm ở chỗ không tìm được ý nghĩa sống và vì vậy cũng là bi kịch của sự buông thả theo đam mê, nhục vọng. Chính trong buông thả họ càng khát khao được sống, và khi khát khao đến bế tắc, cái chết là sự giải thoát, cái chết cũng mang đầy chiêm nghiệm: “Người ta sống để ăn, để mặc, để học hành, vui chơi, làm việc, giao ái và muộn phiền. Quỳnh đã hưởng hết những điều cần hưởng, đã tiêu hết những thứ cuộc đời ký gởi, nếu có kéo dài thêm sự sống chỉ để nhận về mình những muộn phiền mà thôi”.

Triết lí tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú bắt nguồn từ những cách nghĩ riêng và có phần phi chính thống. Những lời bàn luận đắng đót thường khiến tác phẩm trở nên mới mẻ, bất ngờ. Người đọc, hoặc gật gù đồng ý hoặc cau mày nghi ngại, song đều phải ngẫm nghĩ. Vì vậy, tính vấn đề của tác phẩm, chiều sâu của câu chuyện được nâng cao.

Trước ý nghĩa vô thường của đời người, Nguyễn Đình Tú biết cái tất yếu của việc “trời sinh ra những kiếp ngọc đời thì trời cũng sinh ra kiếp bụi đời” (Phiên bản). Dù vậy qua những kiếp bụi đời đầy mất mát và khổ tâm, ngòi bút nhà văn nồng nàn yêu thương nhưng cũng đầy day trở. Trước nguy cơ tan vỡ tình người, nhà văn với nhạy cảm, nhức nhối về cõi đời, cõi người ấy đã riết róng gióng lên hồi chuông gọi mời tha thiết: “Bây giờ là lúc không phải chỉ dành tặng nhau những tấm lòng. Tình bạn tốt đẹp phải là cùng nhìn về một phía, cùng nắm chặt tay nhau đi cùng một hướng”.

Nhìn chung, điều đáng quý trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú là những suy nghĩ bắt nguồn từ những day dứt của tác giả trước những ẩn ức tình dục của nhân vật với nhiều trạng huống khác nhau. Tuy việc lý giải ở đây vẫn chủ yếu dựa trên cảm tính, nhưng không thể phủ nhận rằng chính giọng điệu triết lí đã đưa người đọc tới sự cảm nhận sâu sắc và thấm thía hơn về tình yêu và tình dục ngày nay.

Giọng hoài niệm xót xa

Không dùng cốt truyện rõ ràng với các tình tiết diễn tiến theo trình tự logic khách quan, tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú được kết cấu theo dòng ý thức của các nhân vật có đời sống tâm linh không an tại và mang nhiều ẩn ức, ám ảnh dồn nén. Bên cạnh đó, sự rối bời của tâm trạng nhân vật cũng khiến những sự kiện, hình ảnh vá víu, chồng chất lên nhau. Đây là môi trường thuận lợi cho sự tồn sinh của sắc giọng hoài niệm gắn liền với hành trình vật vã truy tầm kí ức của nhân vật hòng nhận ra “bản lai diện mục” của mình.

Đa phần các câu chuyện đều bắt đầu ở thì hiện tại, sau đó theo dòng ý thức nhân vật trôi ngược về quá khứ. Thỉnh thoảng kỉ niệm quá khứ giao cắt với cảm giác hiện tại ngầm gợi ra một sự đối chiếu, liên kết đầy bất ngờ, thú vị. Hành trình ngược quá khứ để góp nhặt những kỉ niệm của một thời xa cũ là điều kiện giúp con người sống với chính bản thân, phơi trải tâm can sâu kín với nhiều nỗi xa xót, u hoài.

Nháp mở đầu bằng vụ án mà nhân vật xưng tôi đang tham gia viết bài và trong tôi bỗng xuất hiện những ý nghĩ về Đại. Như một nỗi ám ảnh, từ nỗi băn khoăn về tung tích của Đại đã đưa Thạch về với quá khứ, lúc này kí ức đã dẫn lối về miền xáo trộn những ý nghĩ khôn nguôi. Đời sinh viên, nỗi đau, tình yêu, tình bạn… cùng những trăn trở về cuộc sống hiện tại cứ đan xen vào nhau tạo nên dòng chảy nội tâm phong phú và sống động. Cũng từ dòng ý thức đó hiện lên hình ảnh, câu chuyện của Đại với mảng ký ức quằn quại, đớn đau. Để rồi toàn bộ câu chuyện là sự khai chảy những thổn thức của thế hệ Nháp. Đối với nhân vật Nháp, quá khứ không thể là dĩ vãng mà hiện hữu hàng ngày trong tâm trí họ; chỉ cần một sự gợi nhắc xa xăm đã có thể dậy lên mạch sóng tâm trạng. Tất nhiên, họ không thể sống đủ đầy ở hiện tại, bởi hiện tại mang trong mình bước đi của quá khứ. Hiện tại và quá khứ đan xen nhau trong ý nghĩ rối bời của tôi, cũng đan xen trong sự hoán đổi, là hiện tại nhưng cũng là quá khứ, rồi cũng có thể quá khứ là hiện tại. Việc gặp gỡ giữa các nhận vật khi Đại ra tù và sự dịch chuyển tiêu cực trong Nháp cùng với quãng thời gian trước đó đan xen trong nhiều lớp truyện, vừa nối tiếp vừa chồng lên nhau, đôi khi có vẻ ngẫu nhiên chỉ bằng một mô hình: kể – hồi cố – diễn giải; đồng thời người kể chuyện – nhân vật tôi không thay đổi điểm nhìn mà truyện cho tôi chuyển dịch điểm nhìn của anh ta, lúc thì ở bên ngoài lúc thì ở bên trong câu chuyện anh ta kể. Dịch chuyển đó thường là sự hóa thân của tôi vào một nhân vật trong câu chuyện đang kể. Điều này tạo nên dòng chảy miên man của câu chuyện với “lát cắt đủ dài” trong cuộc đời dằng dặc của các nhân vật. Nhờ thế, người đọc không hẳn là nghe kể chuyện nữa và như đang cảm dòng tâm tư của nhân vật, đang thấy họ sống trước mắt mình.

Giọng hoài niệm thường gắn liền với hồi ức, ảo giác, ẩn ức, chiêm bao… nhằm phơi mở những miền sâu kín của tâm hồn, kể cả vùng nằm ngoài sự kiểm soát của lí trí. Tác phẩm như dòng chảy ào ạt của kí ức. Đó là một dòng ý thức tràn ngập những đam mê, hồi ức, sám hối, ám ảnh, giấc mơ và cả sự mộng du.

Trong Phiên bản, sự phân chia đánh dấu truyện thành các khúc chỉ là bố cục bề mặt của tác phẩm. Với ba ngôi kể: Ta – Em – Thị thì thực chất cái kết cấu bề sâu, ẩn chìm chính là dòng chảy hồi ức của nhân vật “em”. Trong truyện, thời gian không theo bất cứ một trật tự nào, các khúc cũng sắp xếp một cách như ngẫu nhiên, góp nhặt nhưng lại rất phù hợp với tâm lý nhân vật, là thời gian theo cái nhìn bên trong của Diệu.

Cũng như Nháp, thời gian trong Phiên bản bắt đầu ở thời điểm hiện tại, với sự mờ ảo trong khúc kể của ngôi Ta, với dáng dấp của một cuộc hỏi cung, một cuộc vượt thoát để tìm về bản ngã. Đó là hoài nghi: “Ta là ai?”. Đó cũng là khởi đầu của việc đào xới lại kí ức. Trên hành trình tìm câu trả lời, tất cả quá khứ hiện lên dưới nhiều lăng kính qua ba ngôi kể, từ đó phác lộ kí ức, bức chân dung của Diệu hay Hương ga. Nhân vật Em với dòng chảy nội tâm dào dạt đã hướng sự chú ý của người đọc vào bi kịch bên trong của Thị. Rõ ràng chỉ khi con người cô đơn nó mới sống với mình nhiều như thế cùng dòng tâm tư luôn là những dằn vặt, ngờ vực, đớn đau…

Nhìn chung, truyện Nguyễn Đình Tú ngay cả trong cách kể phi tuyến tính thì mạch kể cứ bện xoắn vào nhau theo kiểu đồng hiện kép, song song xen lẫn quá khứ với hiện tại. Vì vậy, giọng hoài niệm thường song hành với thời gian dịch chuyển theo “gia tốc” ngược: hiện tại – quá khứ hoàn thành – quá khứ – hiện tại tiếp diễn. Nỗ lực “đi tìm thời gian đã mất” đã tái hiện chân xác chân dung “con người bên trong con người”, rút ngắn tối đa khoảng cách giữa nhân vật và người đọc.

Đánh dấu như từng chương mục nhưng Kín để chất liệu cuộc sống ngồn ngộn ùa vào, thậm chí thời gian bị lộn trái chiều trong dòng ý thức của Quỳnh. Từ sự nổi loạn, Quỳnh bứt ra khỏi cuộc sống ngột ngạt, đi tìm cho mình quãng kí ức xưa. Cũng từ đó, hành trình hoàn ức của Quỳnh mở ra cả thế giới ngồn ngồn hỉ, nộ, ái, ố của những vòng tròn mồ côi. Trong Kín, người viết để cho các tuyến nhân vật di chuyển đan bện vào nhau, các sự kiện đẩy đưa theo chiều quá khứ – hiện tại, các nhân vật va chạm và xung đột. Đọng lại mạch chảy xuyên suốt là những dòng ký ức của cô bé Lửa Cháy.

Có thể thấy, với giọng hoài niệm, Nguyễn Đình Tú đã chạm vào thế giới tâm linh và phơi mở trước mắt người đọc những miền sâu kín của tâm hồn, miền vô thức của con người. Đó cũng là cách diễn đạt mới của nhà văn về con người và hiện thực cuộc sống nhiều xô bồ, đảo lộn với chân dung phức tạp.

Giọng vô âm sắc

Giọng điệu vô âm sắc là cách trình bày sự kiện từ bên ngoài và mang tính hành vi. Kiểu giọng này phần lớn là trần thuật ở ngôi thứ ba mang tính chất trung tính, thiếu điểm nhìn bên trong. Người kể chuyện với thái độ dửng dưng khi chỉ tái hiện sự việc hay hành động bên ngoài. Nhân vật của Nguyễn Đình Tú là những tâm hồn méo mó trong xã hội rối bời. Điểm nhìn trong tiểu thuyết của anh liên tục chuyển đổi. Đó là những câu chuyện mà nhân vật thay nhau kể, bộc bạch. Người kể chuyện ngôi thứ ba đứng ngoài kể lại với giọng điệu vô âm sắc. Tất cả nhằm tô đậm thế giới khép kín, phần nào khủng hoảng về tâm trạng, niềm tin.

Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, giọng vô âm sắc do người kể chuyện cố ý bẻ vụn câu văn và kìm nén âm giọng. Các câu văn vô âm sắc thường ngắn gọn, những từ ngữ mang sắc thái biểu cảm bị triệt tiêu. Người kể chuyện thậm chí lược bỏ lời chỉ dẫn khi kể lại các đoạn thoại của nhân vật hay bỏ cả chủ thể phát ngôn: “Tôi hỏi một cách thờ ơ: “Thảo nào?”. “Một cô bạn gái của tớ.” “Người yêu à?”. “Không…”. “Đang tán tỉnh à?”. “Không…”. “Bạn bình thường thôi chứ gì?”. “Không…”. “Cô ấy không muốn nhận à?”. “Không phải” (Nháp). Trong trường hợp này, đoạn đối thoại của hai nhân vật giản lược đến mức tối đa. Đó là đối thoại rời rạc, mỗi người giao tiếp theo đuổi một ý nghĩ riêng.

Chú trọng đề cập đến nỗi cô đơn, đến các mối quan hệ riêng của con người hiện đại, suốt chiều dài câu chuyện, đôi lúc là giọng điệu trống rỗng, vô cảm do người kể chuyện không dừng lại để tả hay bình luận, chẳng hạn: “Tuấn chợ trần truồng, nằm quay đơ dưới chân giường. Em nửa nằm nửa ngồi trên giường, cặp đùi trắng nhờn nhợt. Mùi rượu bốc lên nồng nặc” (Phiên bản) hay: “Chẳng còn dấu vết gì cả. Chiếc khăn lau đã được giặt sạch tinh. Lớp da bọc ghế lạnh tanh, sáng bóng như chưa hề có một sự ân ái nào từng diễn ra ở đây” (Nháp). Ở đây, giọng điệu trần thuật vô âm sắc góp phần làm nổi rõ một hiện thực phân rã, vỡ vụn, phi trật tự, qua đó làm nổi lên trạng thái cô đơn của con người. Câu chữ không màu mè, không quá trau chuốt mà trở nên vô cảm, như một lưỡi dao mổ lạnh lùng lách vào sâu thẳm tâm hồn nhân vật.

Người kể chuyện với thái độ lãnh đạm, dửng dưng khi chỉ tái hiện sự việc hay những hành động bên ngoài. Họ hụt hẫng, không tìm thấy chỗ tựa về mặt tinh thần trong một cuộc sống phi lí, xơ cứng về tâm hồn. Cảm thức về cái phi lí, sự đổ vỡ đã chi phối giọng điệu tiểu thuyết: “Để nguyên thân thể mát rượi như thế cô nhảy lên giường với tôi. “Anh mang bao chưa?”. “Từ từ đã chứ”. Đôi vú bánh dầy khá căng. Thân hình lẳn. Cặp đùi hơi ngắn. Khuôn mặt hơi bầu bĩnh và đôi mắt có những ánh nhìn rất trẻ. Đủ hứng thú. Tôi lao vào cô gái. Nhưng cô không hào hứng lắm với giai đoạn khởi đầu. Cô lại hỏi tôi “Bao đâu?”. Tôi đứng dậy lục túi quần lấy condom đưa cho cô ta. Rất nhanh, cô lấy nó ra khỏi lớp túi bằng giấy bạc (…). Ngay khi tôi dừng lại, lập tức cô gái buông tôi ra, tay cô đưa xuống nắn đầu bao cao su. Chắc chắn đã đáng đồng tiền cho sự nhàu nhò tấm thân của mình rồi, cô nhảy ngay xuống giường, tót vào nhà tắm” (Nháp).

Giọng điệu vô âm sắc trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú còn thể hiện những rạn nứt đáng sợ trong đời sống giao tiếp hiện đại: Con người nói với nhau nhưng không hề hiểu nhau. Trong nhiều trường hợp, ngôn ngữ chỉ là cái vỏ rỗng không, phi giao tiếp:

“Hôm nay em có một thông tin cho anh?

Em quyết định lấy Jack?

Vâng.

Anh tưởng thủ tục lâu như thế, đủ để em suy nghĩ lại?

Ngay cả khi lấy Jack rồi em vẫn có thể suy nghĩ lại.

Vậy hôm nay là ngày chúng ta chính thức nói lời chia tay.

Đó chỉ là hình thức. Nhưng dù sao thì hôm nay chúng ta đã có một buổi chia tay không đến nỗi nào”

Ngôn ngữ trần thuật nhiều lúc thiên về khả năng dung chứa thông tin, khả năng phản ánh hơn là khả năng biểu cảm: “Lớp bụng ấy chà xát lên phần rốn của Quỳnh. Nửa dưới thân thể Quỳnh trở nên nóng ran. Cặp đùi của chàng sinh viên gia sư khá mềm. Cánh tay anh ta dài ngoằng và nhiều gân xanh. Ngực anh ta mảnh. Mọi sự cọ xát đều không tự tin. Nhưng anh ta khá dẻo dai và không phải không biết cách thỏa mãn Quỳnh. Chỉ có điều anh ta luôn đóng vai là con bò đực để người dắt sợi dây thừng là Quỳnh” (Kín).

Trên đây là những giọng điệu đa âm luôn có sự hòa kết trong thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú. Bốn sắc giọng chủ yếu này đã góp phần không nhỏ tạo nên một nét phong cách của anh so với những nhà văn trẻ thành danh với đề tài tính dục trong văn xuôi Việt Nam đương đại.

Nguồn: vannghequandoi.com.vn