Nguyễn Chí Hoan-Phạm Vân Anh có nhiều hình ảnh ẩn dụ dồn nén cảm xúc trong tác phẩm tươi mới này, chẳng hạn một hình ảnh lặp đi lặp lại về những người lính đã màu-cờ-loang-ngực-áo: “Một trung đội màu cờ loang ngực áo. Một hàng sa mộc vẫy ngang đèo. Nghiêm cẩn chào cột mốc.”

Nhà thơ Phạm Vân Anh

Khiến trạnh nhớ một ca khúc rất đẹp đầy suy tư của Trần Long Ẩn – “Một đời người một rừng cây” với câu mở đầu có lẽ anh lính nào từng trải nghiệm biên thùy cũng sẽ nghe rung đến đáy lòng: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây. …”

Tương tự cái hình ảnh ví von sâu sắc rừng cây-đời người, hình ảnh có tính biểu tượng của cây “Sa mộc” của Vân Anh là một hình ảnh hiếm gặp trong văn chương lâu nay, và chứa chất xúc cảm. Trước kia, cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi đánh dấu điểm cực Bắc của nước ta là một cây sa mộc lớn. Phạm Vân Anh đem hình ảnh cây sa mộc làm một hình tượng “điểm tựa” để kể câu chuyện của xúc cảm về biên cương Tổ quốc. Không thể không trước hết liên tưởng rằng vùng đất đặc trưng cây sa mộc chỉ kéo dài hơn một ngàn ba trăm cây số trên toàn bộ hơn bốn ngàn năm trăm cây số đường biên đất liền của xứ sở chúng ta, nhưng đó cũng là hơn ngàn cây số chất chứa chịu đựng nhiều nhất những thăng trầm của thời hiện đại.

Trong chương mở đầu trường ca này, chương “Miền biên dã,” Vân Anh tạo tính biểu tượng của cây sa mộc như “những thân cây độc hành xé đá sinh sôi,” và từ cái âm hưởng “độc hành-xé đá” như thế nữ thi sĩ  khai triển mạch thơ mô tả hoạt kê toàn tuyến biên giới đất liền, từ bắc xuống nam. Bức tranh hoạt kê với giọng kể phong cách hùng ca đó vạch dựng cõi biên cương đầy màu sắc nhân chủng và văn hóa tộc người – một đường biên-thùy-bằng-người, lấp lánh bao nhiêu vẻ sáng rực rỡ của phong tục lạ thường, bao nhiêu lễ hội đẹp sơ nguyên huyền hoặc, với các huyền thoại và huyền sử, chẳng hạn “Về quả bầu sinh ra người Xá, người Thái, người Lự, người Lào… Vỏ bầu ít hóa người Dao, Mèo quản núi cao. Cùi bầu vừa hóa người Tày, Nùng lo bình địa. Hạt bầu nhiều thành người Kinh xuống khai khẩn đồng bằng. Người Việt mình là cây chung gốc. Nào Ba-na, Ê-đê, Xơ-đăng. Nào S’tiêng, Ja-rai, Kinh, Thổ” …

Phác lên một tầm nhìn như thế về diện mạo con người-huyền sử của cõi biên cương lịch sử của đất nước, kết nối toàn tuyến biên giới đó vào hình tượng cây sa mộc – loài cây từ xưa đã được trồng để ngăn cát xâm lấn – quả là một ý tưởng sáng giá. Phải chăng nữ thi sĩ nên dành nhiều chỗ hơn cho việc khai triển các tiềm thế của rất nhiều câu chuyện đã hé mở trong những đoạn thơ của chương mở đầu đặt nền tảng này. Nhưng đó chỉ là một trong những liên tưởng được gợi lên.

Trong chương thứ hai mang tên “Ký thác,” cái có lẽ là ý tưởng chính của trường ca này bước ra từ cái tập hợp vừa đa dạng vừa nhất thể  – cái tập hợp người-sa mộc kia. Biên cương là biên cương trong ý nghĩa kết nối máu thịt với toàn lãnh thổ, từ những ngọn núi đầu sông đến chân trời ngoài biển cả. Cho nên chương này mở đầu từ “máu”: “Những đồi sau sau đỏ thế lá ơi. Máu của cây hay máu người yêu nước. … Đỏ âm thầm cương vực… Đêm biên cương bao lời ký thác. Sông núi thương người đi giữ đất. Mây tụ về hóa lũy thép thành đồng.”

Giọng với nhịp điệu hùng ca-sử thi như thế có khả năng lôi cuốn nhiều người, trong đó có chính người viết, và bởi vậy nó dễ khiến người ta sa đà theo các đồng vọng sẵn có của những đại tự sự khuôn mẫu về mạch truyện, ý tưởng và biểu hiện. Vân Anh cố gắng tạo một thế cân bằng giữa mô thức anh hùng của quá khứ với cái sinh động phức tạp của hiện tại. Trong nỗ lực đó, nữ thi sĩ cho thấy sự dồn nén tốt về cảm xúc, trong khi chính mạch cảm xúc đã tạo nên sức tươi mới cũng như kết cấu vững vàng của trường ca này – cảm xúc, chứ không phải cốt truyện thơ hay nhân vật thơ.

Trong hai trường đoạn cuối của chương “Ký thác,” hình ảnh những “ngôi nhà trổ cửa hướng biên cương” là một biểu hiện nổi bật và thuyết phục về sự dồn nén và tính sinh động hiện thực trong thơ đó. “Xin dừng chân ngôi nhà trổ cửa hướng biên cương. Chẳng ngại gió Lào, không nề gió Bấc… Những ngôi nhà trổ cửa hướng biên cương. Trái luật tục ngàn đời vì đất đai Tổ quốc… Nơi biên dã có cần chi sổ đỏ… Họ lặng thầm giữ sổ quê hương… Nghìn năm trổ cửa hướng biên cương. Mỗi nếp nhà một chốt canh đứng đợi.”

Những câu và đoạn thơ như vậy đạt được sự giản dị hàm súc. Hình ảnh những ngôi nhà cùng mở cửa về hướng bắc, được nhân lên qua mô tả trùng điệp, đẩy tới cao trào “Mỗi nếp nhà một chốt canh” hàm ngụ  hình ảnh lớn rộng hơn có bề sâu của một trận thế. Tập hợp hình ảnh đó, với những gợi ý như “Trái luật tục ngàn đời…” hay “cần chi sổ đỏ”… đều giàu cảm xúc trong sự dồn nén – tạo ra được một độ căng của lời và ý, tạo ra sức ám dụ: Khiến liên tưởng đến việc những “ngôi nhà” như thế, những con người như “Họ” đang đối mặt với một thực tế nhiều phức tạp đan xen và luôn luôn sẵn sàng ứng phó không để bị bất ngờ.

Chương thứ ba “Thang trời” là chương chuyển tiếp, trong đó tác giả quay sang tái hiện chủ đề hình ảnh cây sa mộc, phát triển hình ảnh này lên một bậc tổng hợp mới: Cây sa mộc không chỉ tượng trưng cho rừng núi và các sắc dân biên thùy mà còn là tượng trưng cho người lính biên phòng, và rộng ra là tất cả những người lính đã chiến đấu hy sinh giữ gìn cương thổ quốc gia: “Sa mộc ưỡn ngực trai. Đồn xa xanh áo lính” ở những khu những miền mà “Nếu đá là tài sản. Thì nơi đâu giàu có hơn chốn này?” cũng là nơi “Sa mộc nghìn năm xanh. Lá sắc bắn vào bình minh. Đất nơi này không thể mất. Cho kẻ giành sông giật núi đã quen.”

Và những câu ở đoạn kết chương này tiếp tục thể hiện sự dồn nén rất tốt về cảm xúc để tạo nên một sức gợi lớn hơn: “Nếu xương máu là tài sản. Thì nơi đâu giàu có bằng biên cương. Nơi đâu xương máu bằng biên cương. Nơi đâu xót xa dâu biển bằng biên cương.”  Thủ pháp ngoa dụ trong những câu thơ này có âm hưởng dân gian rõ nét và tiếp tục một cách hợp lẽ vẻ hài hước lạc quan dân dã từ câu “Nếu đá là tài sản…”.

Nhưng âm hưởng chung của đoạn kết chương như vậy là một âm hưởng bi tráng, với nhịp điệu hiện đại, sinh động, thoát khỏi các mô thức trầm bổng thuận tai quen thuộc. Âm hưởng này cũng thoát khỏi tính khoa trương thường gặp trong phong cách trường ca khi biểu hiện những cảm xúc về người-anh-hùng-hy-sinh. Có lẽ một phần là bởi sự hy sinh ở đây vẫn ở thời hiện tại, vẫn tiếp diễn.

Điều đó hiển hiện trong hai chương thứ tư và thứ năm, “Mưa Giêng Hai” và “Gối đầu lên ban mai.” Hai chương thơ này khiến nhớ đến loại hình các chương chậm hay hành khúc tang lễ của nhạc hòa tấu, là những bộ phận cấu thành của tác phẩm, chủ yếu phát triển các khía cạnh trữ tình-suy ngẫm, tụng ca chủ đề tác phẩm.

Tính hồi tưởng, như một kích thước tích cực của tang chế, quán xuyến chương thứ tư, với những hình ảnh gợi âm u nhưng gắn vào sự sống hơn là cái chết – mà ở đây, luôn luôn mang hình hài ẩn dụ: “Độc thoại giữa miền trời. Cú kêu bạc đường mây. Muốn bay… Mà đêm đặc. Muốn trôi… Mà nước sánh. Lại một đêm con tan chảy. Mưa Giêng Hai, mẹ ạ… Lũ chúng con… Từng mảnh đêm. Hòa vào ánh sáng! – Con gặp lại tuổi mình trong người lính trẻ đêm nay.”

Dấu hiệu ẩn dụ bao trùm ở đây chính là cái tên chương “Mưa Giêng Hai” gợi nhắc biên cương một mùa xuân xa khi “Lứa chúng con lớn vội. Bỏ quên tuổi mình. Quáng quàng ba lô, quáng quàng đạn pháo. Quân chưa đầy năm đã ngược Hà-Tuyên xuôi Thanh-Nghệ” và khi “Chít vành sa đầu núi. Mây gió để tang người. Uống ngụm gió Bấc. Cột mốc bơ phờ lặng mặc đời trôi. Điếu thuốc chưa thơm râu. Người đã đi quá vội. Chầm chậm màu cờ loang ngực áo mồ hôi.”

Chương này đúng thực là một chương hành khúc tang lễ mà những đoạn hồi tưởng sống động, đầy hình ảnh, cho thấy đâu có phải là “Chiến tranh đã ngủ yên trong ngăn kéo lãng quên. Như nắm đất khô không níu nổi bước thời gian bôi xóa.” Bởi các đoạn thơ thác lời những anh linh trẻ nói với “mẹ” đã đem tới một ẩn dụ bao trùm nữa: ẩn dụ về ký ức tập thể của Dân và Nước, ký ức có tính thiêng liêng, có tính ràng buộc và không thể “bôi xóa.”

Chương thứ năm “Gối đầu lên ban mai” có vẻ như đoạn kết nối dài của chương bốn, với âm hưởng mạnh và gay gắt hơn. Tuy nhiên cũng là hợp lý về kết cấu một chương riêng như vậy, vì lẽ chương bốn thiên về trữ tình tưởng nhớ nhưng cái ký ức lớn gợi lên ở đó lại vươn vào hiện tại: “Nằm lại đỉnh sầu. Gối đầu lên ban mai nhuốm máu. Nơi khuất tít ngỡ trời yên biển lặng. Hay đâu biên cương chưa một ngày thanh thản. Loang không gian sóng hờn, biển thét phía tiền duyên.”

Hình ảnh những người chiến sĩ năm ấy nằm lại “Gối đầu lên ban mai” thoạt hình dung có vẻ phô trương nhưng thực sự là một hình ảnh ẩn dụ rất đạt, một ý tưởng sáng giá. Cái “ban mai” ấy là hiện tại, cũng là về phía tương lai. Bởi thế mới dẫn đến những suy ngẫm về sự “Cả tin đường dài có người đỡ gánh. Cả tin góc bể em ngã anh nâng.” Và dẫn đến nỗi băn khoăn lớn hơn nữa về một số phận chung, đau đáu, tối thượng: “Tập làm con thạch sùng lười. Tặc lưỡi cắn đuôi mình. Lá rời cành trả vía cho đất. Ta trả vía cho ai?”.

Dường như câu hỏi đó mới là chủ đề của cảm xúc dẫn dắt chương thơ này, ở bè trầm, dày dặn, sâu sắc, cũng rất gợi mở, lặp lại và phát triển qua các đoạn thơ, để cuối cùng treo trên hình ảnh hoành tráng ở hai câu kết chương: “Hồn nước dọc miền lau trắng. Quốc kỳ lộng gió biên cương.”

Hai chương cuối của trường ca đầu tiên về biên giới quốc gia này, chương sáu “Mở núi,” chương bảy “Thức cùng non sông” là hai chương nhanh linh hoạt, nhộn nhịp, tái hiện một bức tranh lớn cõi biên thùy nơi Dân giữ đất cùng Quân giữ nước. Đồng bào các dân tộc miền biên viễn “Mở chin tầng trời … Mở mười tầng núi” để không bỏ trống bỏ rơi một tấc đất nào trên cương giới tổ tiên đã vạch dựng,  thì người lính biên thùy cũng nhìn rõ sứ mạng: “Mất biên giới, mất quê hương ta thành người hành khất. Minh triết núi rừng giản dị vậy thôi.”

Những hình ảnh thơ rạng rỡ ở hai chương này vẫn giữ được vẻ trong sáng dân gian của biểu đạt có khẩu khí người vùng cao, kiến tạo được những hình ảnh ẩn dụ nảy nở tự nhiên trong khi vẫn chuyển tải chất cảm xúc cao thượng, chân thành, thấm thía, rất có ấn tượng của những trải nghiệm thực: “Nhìn thế núi mạch sông nhận cương vực ngàn đời. Ngửi sương mây nhận vết cáo cầy. Trông dệ cỏ biết chân người chân thú. Chạm vết hằn trên thân cột mốc. Thấy mình đau!”.

Trường ca “Sa mộc” khép lại trong ấn tượng mở rộng về loài cây ngăn tuyết sương và gió cát, kiên cường “độc hành xé đá sinh sôi.” Xúc cảm chứa chất trong hai chữ “độc hành” đã được giải trừ qua suốt sự phát triển của trường ca, để làm nổi bật ở phần kết ấn tượng về sức sống “xé đá sinh sôi” của con người biên viễn – con người gồm đủ các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam, tượng trưng một cách tự nhiên cho cả một dân tộc những ngày “trổ cửa hướng biên cương”, một biên giới lòng dân, một biên-thùy-người.

Nguồn Văn nghệ

 

Exit mobile version