NDĐT – Câu chuyện về quá khứ bao cấp của những con người có số phận đặc biệt trong tác phẩm văn học đã được chia sẻ qua bộc bạch của tác giả, và đón nhận sự đồng điệu, trân trọng của cử tọa như một phần của “ký ức cộng đồng”.
Cái nhìn nhân ái
Cuộc gặp gỡ, chia sẻ thân tình đã diễn ra giữa nhà văn Phong Điệp và bạn đọc cùng các tác giả bạn bè đã diễn ra sáng 31-10 tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, trong khuôn khổ Hội sách mùa thu 2015.
NXB Trẻ, đơn vị ấn hành “Ga ký ức”, cuốn tiểu thuyết thứ ba của Phong Điệp, cùng giúp tác giả đưa cử tọa về những khoảng không gian, thời gian nhọc nhằn của cả nước và của mỗi gia đình trong cơ chế bao cấp.
Giai đoạn đó, cách quản lý cũ kỹ, bảo thủ đã ngăn cản những khát vọng làm giàu chính đáng và ước mơ thay đổi cuộc sống, khiến cho nhiều gia đình, nhiều con người lâm vào cảnh thiếu thốn, đói kém. Bối cảnh chung nhọc nhằn của xã hội, cộng thêm những quan niệm lạc hậu rơi rớt từ truyền thống càng vây bủa, chèn ép những cuộc đời sống trong đó. Nhà văn Phong Điệp đã từ cái nền ấy gây dựng nên hành trình các nhân vật của mình, để họ di chuyển từ tuổi thơ buồn đau, mất mát đến tuổi trẻ còn mang nặng nhiều dằn vặt, đến cánh cửa dù hẹp nhưng đã hé mở ra tương lai bình yên hơn cho mỗi người khi họ đến với nhau như cuộc gắn kết từ những cảnh ngộ rời rạc.
Chia sẻ về động lực viết nên tiểu thuyết này, tác giả cho rằng, chúng ta đã sống một chặng đường dài vất vả với không ít những điều không bằng lòng. Có điều ngày hôm nay, dù quá khứ là không thể quên nhưng cái nhìn của chúng ta với quá khứ buồn khổ ấy, sẽ quyết định việc chúng ta đi tiếp, đi vào tương lai như thế nào. Và hoài niệm với cái nhìn nhân ái cùng tình yêu thương, sẻ chia trong hiện tại chính là phương tiện tốt đẹp cho chúng ta sống một cách nhân văn, sống có ý nghĩa.
Trân trọng cách nhìn và đánh giá cao cách khai thác, thể hiện của nhà văn Phong Điệp, nhà phê bình Nguyễn Hòa cho rằng, những câu chuyện được thêu dệt nên trong tiểu thuyết “Ga ký ức” không nặng nề, u ám hay mang con mắt hằn học, mà được truyền tải nhẹ nhàng, ấm áp, có cả những chi tiết mang dư vị hài hước, cả một chút tự trào với nhân vật cô bé dường như mang ít nhiều hình bóng ấu thơ của tác giả.
Trải nghiệm để nâng mình lên
Nhà phê bình Nguyễn Hòa cho biết, nhìn lại, ông đã chứng kiến quá trình phát triển văn nghiệp của Phong Điệp gần 20 năm qua. Điều đáng quý là nữ nhà văn rất có ý thức thay nâng cao, thay đổi mình, phát triển nghệ thuật, bút pháp qua mỗi đoạn đường, mỗi lần ra sách. Và nếu coi hai cuốn tiểu thuyết trước của Phong Điệp – “Lạc chốn thị thành” và “Blogger” – là cách đặt vấn đề và triển khai thì dường như với “Ga ký ức”, Phong Điệp đã tìm được lời lý giải cho sự tồn tại, sự cố gắng hoàn thiện mình hơn giữa bối cảnh sống vốn nhiều phức tạp, gian truân và không ít cám dỗ.
Đặc biệt, khi trong năm nay, sau tiểu thuyết “Ga ký ức”, nhà văn Phong Điệp đã kịp ra thêm tập truyện ngắn “Biên bản bão” (NXB Phụ nữ) và tiểu thuyết “Vực gió” (NXB CAND), đưa tổng số đầu sách của mình lên đến 20.
Một số nữ nhà văn, nhà thơ thế hệ trước yêu quý Phong Điệp đã có những chia sẻ chân tình về cuốn tiểu thuyết “Ga ký ức” cùng nỗ lực làm việc của chị. Nhà thơ Hoàng Việt Hằng đánh giá cao tâm huyết với văn chương của Phong Điệp với số lượng tác phẩm dồi dào trên đường sáng tác. Nhà thơ thể hiện cái nhìn bình đẳng với thế hệ sau khi chia sẻ, chính mình cũng phải học tập Phong Điệp trong việc viết văn.
Nhà thơ Bùi Kim Anh cho biết, bà đọc miệt bài tiểu thuyết “Ga ký ức” để tự mình cũng sống lại những hình ảnh, câu chuyện bản thân, gia đình trong những năm tháng khó khăn chung của thời cuộc. Những gì mà rất nhiều người đã trải qua thời bao cấp là vô cùng phong phú, nhưng những điều mà Phong Điệp thu lượm được để đưa vào tác phẩm của mình đã là đáng kể. Nhà văn Lê Phương Liên đề cao những trải nghiệm, khai thác thực tế của Phong Điệp khi thể hiện nhiều câu chuyện, chi tiết đời sống thời bao cấp và mong chờ “con tàu” của Phong Điệp sẽ còn vươn đến những chặng đường xa, những sân ga mới bằng sự tích lũy nhiều hơn nữa trên những nẻo đường của đất nước.
Phải sống đến một chặng thời gian nhất định, phải trải qua nhiều tâm trạng, cảm xúc, phải tiếp xúc với rất nhiều người, nhiều cuộc đời, cùng độ chín nhất định về tuổi tác, tôi mới có thể nghĩ đến và bắt tay vào việc tái hiện ký ức từ quá khứ của mình và những người khác, nhà văn Phong Điệp chia sẻ. Chị cũng cho biết, gần đây, cuốn tiểu thuyết này của chị đã được giới thiệu và thể hiện một số trích đoạn trong một hội thảo tại Pháp với sự có mặt của tác giả.
Theo Dương Xuân – Nhân dân online