TVVHĐ – Nhắc đến Hà Giang là người ta nghĩ ngay đến cổng trời. Trong tập thơ “Viết trên cổng trời” của nhà thơ Huyền Minh có những câu viết rất đúng tâm tư của người miền núi: “Ta là con của núi/ Mơ ước được đi xa/ Ta sinh ra từ đá/ Nên khát mảnh nương bằng…”.

Trang bìa tập thơ.

Huyền Minh vốn gốc gác miền xuôi nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Giang nên chị rất hiểu núi non, sông suối, cỏ cây và con người Hà Giang. Nói đến Hà Giang là nói đến cổng trời và nói đến đá. Đá chất chồng lớp lớp, đá nhiều hơn đất đai, cây cỏ. Với tâm hồn của người làm thơ, Huyền Minh nhìn thấy đá luôn luôn sống động: “Giống như cây/ Đá cũng có rễ/ Miên man rừng/ Làm nên cao nguyên…” (Rễ đá). Chị yêu đá thật đấy nhưng có lúc chị đã nói với đá rằng: “Thì cứ chung tình/ Xin đừng hóa kiếp”. Đó là khi chị viết trong bài “Nói cùng Tô Thị” khi lên Lạng Sơn nhìn thấy nàng Tô Thị đứng hoá đá chờ chồng. Từ nhỏ chơi với đá, lớn lên biết làm thơ chị lại gửi hồn mình vào đá nên đi đến đâu đá cũng làm cho chị dễ dàng rung động.

Thơ Huyền Minh có những bài viết về tình cảm rất chân thành và sâu sắc. Những câu thơ này khi đọc lên người nghe cũng cảm thấy bồn chồn như đang đứng cùng tác giả chờ đợi bạn tình ngày xưa trong chợ tình Khau Vai huyện Mèo Vạc, chợ tình này mỗi năm chỉ có một phiên. “Phiên chợ tình tháng ba/ Buồn bã lời hát ống/ Con dốc mỏi mòn trông/ Dạ em bồn chồn ngóng”. (Xin Giàng một điều ước). Hoặc là bài “Màu nhớ”, một linh cảm tự nhiên mà chỉ người phụ nữ mới có được khi miêu tả về nỗi nhớ mong “như đứng đống lửa như ngồi đống than”. Huyền Minh viết rất dung dị mà ý tứ bền sâu: “Bây giờ nắng hè đổ lửa/ Em về mang áo ra phơi/ Biết đâu cuối bể chân trời/ Lòng anh cũng như đổ lửa”. (Màu nhớ). Sự liên tưởng bắc cầu ba chiều: lửa lòng nhung nhớ của người đi xa – chiếc áo hong khô – lửa của nắng trời đã làm cho nỗi nhớ như được khắc sâu thêm, tăng lên theo cấp số nhân.

Những bài thơ viết về cha mẹ, anh chị em trong gia đình và bạn bè bao giờ Huyền Minh cũng dành cho những tình cảm đặc biệt. Khi viết về mẹ với một cuộc đời biết bao vất vả: “Đôi vai gầy tất bật/ Mặc sương giá lưng trời/ Ngô đầy bồ đầy bếp/ Rét vẫn mồ hôi mướt/ Chân bấm đá vẹt mòn” (Mẹ). Huyền Minh luôn dành sự thương cảm nhiều nhất cho mẹ.

Sống trên cao nguyên Hà Giang cuộc sống muôn vàn khó khăn, không phải cuộc sống của tác giả lúc nào cũngbình lặng. Đôi lúc Huyền Minh cũng tự dằn vặt với chính bản thân mình bởi những nỗi niềm riêng tư. Bài thơ “Ngắm trăng mùa đông” là một trong những bài nói về điều đó:
“Em ngước nhìn mảnh trăng mùa đông
Trăng giống em cô đơn ăm ắp
Gió lạnh lẽo tràn vào trang viết
Một mùa đông vĩnh viễn trong lòng”.
Đọc tập thơ này của Huyền Minh người đọc sẽ hiểu hơn về tác giả và những con người đang sống trên mảnh đất địa đầu còn nhiều gian khó. Tập thơ đã đánh dấu thêm bước trưởng thành của tác giả.

Nhà thơ Dương Thuấn

Nhà thơ Huyền Minh, là cử nhân Văn hoá, sinh ngày 09/11/1969. Hiện là Phó Trưởng phòng Biên tập – Xuất bản kiêm Thư ký toà soạn Tạp chí Văn nghệ Hà Giang.

Các giải thưởng:

– Giải nhì Thơ viết cho trẻ em Hà Giang.

– Giải nhì Truyện ngắn Hà Giang (Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh)

– Giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tây Côn Lĩnh tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2005 – 2010.

Đã xuất bản hai tập thơ: Ta về và Điều giản dị (NXB Văn hoá Dân tộc)