Tiến sĩ y học Đào Thị Mùi, bút danh là Y Mùi, hội viên Hội nhà văn Hà Nội, đã in 2 tập sách Những nẻo đường tu (tập truyện ngắn) và Lan man buồn (tập tự truyện và tản văn). Vanvn.net giới thiệu 2 truyện ngắn trong tập Những nẻo đường tu của chị.

MẸ NGƯỜI VÀ TÔI

Truyện ngắn của  Y Mùi

1.

Đã gần bốn năm nay tôi quen với bà cụ chủ quán bún sườn quà sáng bình dân ở đầu ngõ một con phố nhỏ của thành phố này.

Lần nào đi ngang qua đó tôi đều ghé vào ăn bát bún ở hàng của bà cụ. Mỗi khi ngồi ăn tôi thường đưa đẩy câu chuyện làm quà. Dần dà, cụ chủ quán trò chuyện với tôi như với người thân quen mặc dù chưa một lần cụ hỏi tên tôi. Tôi cũng chưa biết tên của cụ.

Mỗi lần ngồi chờ ăn, tôi đều ngắm nhìn bà cụ chậm rãi bốc bún vào bát, nhặt từng miếng thịt chân giò luộc thái mỏng tang xếp lên trên bún rồi múc nước dùng chan vào bát cũng chậm rãi như khi bốc bún, nhặt thịt. Bà cụ chăm chú, toàn tâm vào việc chuẩn bị bát bún cho khách. Tôi đoán chừng khách hàng của quán chủ yếu là những người lao động không kiếm được nhiều tiền.

Quán có thêm người chờ hay chỉ mình tôi thì bà cụ vẫn thư thả như thế. Đôi khi, lẽ ra đến lượt tôi được phục vụ, thì bà cụ lại đề nghị tôi nhường cho khách mới vào. Lúc đầu tôi nghĩ bà cụ làm thế vì coi tôi là chỗ người nhà nhưng lâu sau tôi vỡ ra, bà cụ muốn kéo dài thời gian tôi ngồi ở quán. Hình như bà cụ chủ quán bún đã tìm được người chia sẻ, giãi bày.

Mỗi tuần tôi chỉ gặp cụ già ấy một đôi lần không hơn nhưng không biết từ khi nào, tôi và bà cụ trở nên gần gũi. Tôi ngóng lịch học, lịch hẹn thầy hướng dẫn và tạo mọi cớ để tuần nào cũng đi qua con đường ấy vài lần.

Tôi biết người già có nhu cầu được chia sẻ, muốn được quan tâm rất lớn. Có thể nói nhu cầu tình cảm, nhu cầu được giao tiếp của con người lớn theo cấp số nhân cùng với sự tăng dần của tuổi tác. Tôi ghé vào quán bún của cụ già, mục đích ăn quà sáng chỉ là phụ, mục đích chính là được buôn chuyện với một bà cụ lam lũ, thèm người chia sẻ.

Qua những cuộc trò chuyện trong khi chờ ăn, mà nghe cụ già nói là chủ yếu tôi biết rõ hoàn cảnh của cụ. Một bà già ở độ tuổi tám mươi nhưng vẫn phải mưu sinh không chỉ để nuôi bản thân mà còn phải nuôi người chồng hơn bà cụ mười một tuổi, luôn đau ốm. Ngoài ra, bà cụ còn phải thăm nom tiếp tế cho hai người con trai đang ở trong trại cai nghiện. Cụ già có ba người con. Cả hai người con trai của cụ đều theo nhau; người anh trước, người em sau dính vào ma túy. Anh thứ hai chưa kịp vợ con gì đã vào trại, ra trại đến ba lần. Anh con cả có vợ con rồi mới mắc nghiện. Chị vợ đã bỏ về nhà mẹ đẻ, mang đứa cháu gái của cụ đi theo từ khi anh chồng vào trại lần thứ hai. Cô con gái út đã có gia đình riêng. Hai vợ chồng cô này đều làm việc trong một siêu thị lớn.

– Ơn Trời đã cho tôi ba đứa cháu: một cháu nội và hai cháu ngoại. – Cụ khoe về cháu và kể tiếp về con trong tiếng thở dài tưởng chừng kéo đến vô tận:

– Vợ chồng cô con gái tuy có công ăn việc làm nhưng tiền kiếm được cũng chỉ đủ chi tiêu cho gia đình riêng của nó.

Tôi cũng thờ dài theo. Chuyện nhà cụ quá buồn. Tôi chẳng biết nói gì ngoài mấy câu động viên suông:

– Tệ nạn cả xã hội chứ đâu riêng nhà cụ. Thôi đừng nghĩ nhiều mà hại sức khoẻ lắm đấy cụ ạ.

Cụ kể, con gái và chàng rể chỉ lo được cho chính họ thôi thì tôi biết chắc họ chẳng giúp được gì bố mẹ về vật chất. Tôi đưa đẩy để an ủi một người già có con cái hẳn hoi mà còn khổ hơn là không có con:

– Trời cho cụ khoẻ thế này là mừng rồi.

Mà cụ già ấy cũng rất lạ, kể tuốt tuột cho tôi nghe chuyện nhà nhưng chẳng bao giờ hỏi gì về tôi. Nếu là mẹ tôi thì, chắc chắn người bắt chuyện với bà sẽ phải chịu trận với hàng loạt câu hỏi: “Tên là gì? Làm nghề gì? Làm ở đâu? Nhà ở đâu? Được mấy người con? Mấy trai? Mấy gái? Các cháu học lớp mấy rồi?”…, vân vân và vân vân câu hỏi nữa. Nhất định trước khi khách đi mẹ tôi phải có một câu chèo kéo: “Lần sau bác lại đến nhé”.

Cụ già này chưa bao giờ níu kéo tôi quay lại, mặc dù tại con phố nhỏ này thêm một người vào ăn quán mỗi sáng là một sự may mắn cho người bán hàng. Mỗi lần tôi đến quán chỉ thấy đôi ba người khách là nhiều.

Một quán cóc bán quà sáng là món bún chan, dưới cả mức bình dân do một cụ già gần tám mươi tuổi phục vụ từ A đến Z. Nếu chỉ xét về mặt vệ sinh thôi thì tôi cũng đã không muốn ngồi ăn ở đó rồi.

2.

Lần đầu tiên vào quán cụ già là hôm tôi đi thi đầu vào nghiên cứu sinh. Thường thì tôi tự chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà. Bữa sáng của gia đình công chức quèn rất đạm bạc, tiết kiệm nhất có thể; khi là bánh mì kẹp bơ hay trứng rán; khi thì mì tôm úp, đập thêm quả trứng hay thịt bò xào; nhiều khi chỉ là mì tôm không người lái, loại chỉ vài ba ngàn đồng một gói; khi thì xôi mua ở ngay đầu ngõ; hứng lên thì tôi nấu nồi cơm nếp cho cả nhà ăn với ruốc thịt lợn, nhờ cô em chuyên nghề giò chả ở quê làm giúp.

Sau bữa sáng tại gia thì ai đi việc của người đó. Người đi làm thì đến nhiệm sở. Người đi học thì đến trường. Hôm ấy là ngày rất quan trọng với tôi nên tôi dậy rất sớm, ra khỏi nhà cũng sớm. Việc không chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà như thường lệ tôi đã thông báo từ buổi tối. Mỗi người tự lo lấy bữa sáng đó.

Tôi ra khỏi nhà rất sớm. Đi đến đoạn cách địa điểm thi khoảng một ki-lô-mét, tôi thấy một quán bún vỉa hè đang vắng khách. Tôi ghé vào đó tranh thủ ăn để khỏi mất thời gian. Nhìn lướt nhanh hai cái bàn được kê bên trong ngõ và cái bàn để đồ bán hàng kiêm chỗ ngồi cho khách ngay đầu ngõ, tôi đoán mình là khách đầu tiên.

Tôi bắt chuyện với cụ chủ quán:

– Chưa ai mở hàng à cụ?

– Chưa, chị là người đầu tiên đấy.

– Thế ạ. Cháu mở hàng cũng được lắm đấy cụ ạ. Tôi vui vẻ buôn chuyện vì biết chắc một điều người già rất hay chuyện và rất thích khi có người lắng nghe.

– Thế thì tốt quá. Hôm nay nhờ vía của chị cho tôi đắt hàng.

Hôm đó là buổi thi môn chuyên ngành. Một môn thi quan trọng nhất của kỳ thi đầu vào nghiên cứu sinh. Do đã học thuộc tất cả những gì được thầy giới hạn nên tinh thần tôi phấn chấn lắm. Tôi đã rất thích thú buôn chuyện với bà cụ chủ quán bún, dù nhìn bát bún bà cụ đưa tôi đã chẳng còn thấy muốn ăn. Trong đầu trộm nghĩ: “Già rồi làm sao nấu được ngon nữa. Già thế này rồi mà vẫn phải lo kiếm tiền thì khổ quá”.

Tôi thở dài, uể oải lấy thìa, đũa, lọ dấm ớt, kéo bát bún nghèo nàn đủ thứ lại gần hơn. Xem ra lúc đó bà cụ chẳng hứng thú trò chuyện lắm. Tôi thì đang cơn “phê thi cử” nên cứ “buôn” rất “tít”; chủ yếu là các câu hỏi kiểu khai thác thông tin. Từ lâu tôi đã mắc bệnh nghề nghiệp của người chuyên đi điều tra khảo sát. Hôm đó, bà cụ chủ quán đã trở thành người bị phỏng vấn một cách miễn cưỡng.

Buổi đầu tiên vào quán và làm khách mở hàng, tôi đã thu được một số thông tin về bà cụ chủ quán. Tết này cụ sẽ tròn tám mươi tuổi. Nhà cụ ở cách chỗ bán hàng khoảng hơn một ki-lô-mét. Sáng sáng cụ tự đẩy xe hàng ra đây và chỉ bán đến trưa. Hằn trong tâm trí tôi ngay từ buổi đó là hình ảnh một bà cụ đã ở tuổi xưa nay rất hiếm vẫn phải mưu sinh trên vỉa hè, thu nhập chẳng được bao nhiêu và rất bấp bênh.

Bà cụ người gốc Hà Nội này xem ra vất vả hơn mẹ tôi ở quê nhiều. Nét mặt u sầu khắc khổ của bà cụ; đôi tay già nua nhăn nheo; các ngón tay xiêu xiêu vẹo vẹo; các đốt ngón tay thì biến dạng do bệnh viêm khớp dạng thấp và quán bún còm ở con phố đó cứ ám ảnh tôi hoài.

Từ buổi ấy, hôm nào có kế hoạch đi về hướng quán bún của bà cụ hoặc đến cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh, nơi tôi đã thi đỗ đầu vào là tôi không ăn ở nhà, để bụng đến ăn sáng ở quán ấy. Thật ra, tôi thấy món bún sườn kèm thịt chân giò của cụ già chẳng ngon lành gì. Gọi là bún sườn nhưng lần nào tôi cũng chỉ được ăn toàn xương cục. Thi thoảng thấy miếng sườn chẳng có mấy thịt được chặt ngắn chỉ bằng hơn đốt ngón tay. Vài miếng thịt chân giò luộc bày lên trên bát bún thì mỏng tới mức gió có thể thổi bay. Nước dùng không có gì đặc sắc. Gia giảm chỉ có nhúm hành tươi thái nhỏ, vài sợi dọc mùng chần, không giò, không mọc.

Mỗi lần nghé quán bún, trong khi chờ ăn tôi đều được cụ già kể cho nghe một sự kiện gì đó đã hoặc mới xảy ra trong gia đình, hay một việc gì đó cụ sắp phải làm. Lần thì cụ kể, cô con gái vừa cho mấy trăm ngàn. Lần thì cụ bảo sắp phải đi thăm anh con trai mà chưa gom đủ tiền tàu xe, quà cáp. Một lần cụ than thở:

– Hai thằng cải tạo ở hai trại cách xa nhau nên đi lại vất quá.

Lần khác cụ khoe:

– Cô cháu nội đã đỗ vào trường cao đẳng kỹ thuật điện.

Tôi thấy trong đôi mắt già nua của bà cụ ánh lên một niềm kiêu hãnh nhỏ.

Cách đây hai tuần, một sáng tôi có việc đi về phía quán bún của cụ già. Cuộc hẹn với thầy hướng dẫn vào lúc mười giờ nên tôi chẳng có gì phải vội vàng. Hơn chín giờ sáng tôi mới tới quán bún quen thuộc. Tôi vừa dừng xe, cụ già đã bảo:

– Chỉ còn bún thôi. Hết mất thịt rồi.

Bữa đó, trong khi tôi ngồi ăn bát bún không người lái thì bà cụ thông báo:

– Cả hai anh con trai đều sẽ được ra trại dịp Tết này.

Tôi định đưa đẩy rằng, thế thì Tết này nhà cụ vui quá.

Nhưng nhìn vẻ mặt u sầu và giọng nói buồn bã của bà cụ tôi đã không thốt ra được. Điều định nói vẫn găm chặt trong đầu. Chắc chắn cụ già đang tính toán để trang trải cái Tết gia đình đoàn tụ khi hai người con vừa mãn hạn cai nghiện ma túy. Lúc trả tiền, cụ bảo năm ngàn nhưng tôi đưa tờ mười ngàn và nói:

– Cụ cầm cả đi ạ.

– Cảm ơn chị. – Bà cụ bối rối nói lời cảm ơn rồi để tờ tiền vào cái ngăn kéo đựng tiền bán hàng ở cái bàn vừa làm chỗ bày biện hàng vừa cho khách ngồi ăn khi hàng đông.

– Không có gì ạ. – Tôi đáp lại.

Trước khi đứng lên tôi đã nói với cụ già một câu xem ra chẳng ăn nhập gì:

– Mong Trời cho cụ sức khoẻ.

Cụ lại cảm ơn tôi.

3.

Có một ngày giữa tuần thật tệ!

Buổi sáng ấy tôi ghé qua quán bún của cụ già. Lúc tôi đến, quán chỉ có một khách vừa ăn xong, đang trả tiền. Tôi dừng xe, chào bà cụ rồi ngồi ngay ở cái bàn được kê ở đầu ngõ chờ ăn. Một lần nữa tôi lại ngắm bà cụ chủ quán thong thả trong từng thao tác chuẩn bị bát bún bình dân, khó có thể chậm hơn.

Khi đặt bát bún xuống bàn cho tôi cụ kể như tự nói với chính mình:

– Ông lão đang ốm quá, không dậy được khỏi giường. Vẫn phải nhờ người trông để đi chợ vì không thể bỏ bán hàng.

Tôi nghĩ, cụ già này chắc chẳng có ngày nào được thanh thản. Mẹ tôi hơn cụ có năm tuổi nhưng khoảng năm, sáu năm nay không phải vất vả nữa. Hằng ngày công việc của mẹ chỉ là bếp núc, tự phục vụ mình và lũ chó, mèo của mẹ. Chị em tôi rất không muốn cho mẹ chăn nuôi gì, nhưng mẹ bảo: “Nuôi chúng cho nó vui nhà”.

Khi tôi mở cái túi sách tay lấy ví tiền, bà cụ đến bên cạnh, ghé sát tôi, ngập ngừng:

– Tôi hỏi nhỏ chị việc này nhé.

– Vâng ạ. – Tôi ý tứ trả lời cũng chỉ vừa đủ để cụ nghe. Lúc đó đang có hai người ngồi ăn ở bàn phía bên trong.

– Chị có thể cho tôi mượn tạm một trăm ngàn không? Thứ hai chị qua thì tôi sẽ trả.

Tôi hơi bị bất ngờ, thoắt nghĩ: “Làm thế nào bây giờ? Mình không thể từ chối vụ này rồiCho cụ già vay tiền hay biếu cụ ấy luôn đây?”. Tôi chỉ được quyền chọn một trong hai phương án đó. Nếu tôi gặp chuyện này cách đây năm năm về trước, chắc sự việc không trở thành sự cố đối với tôi như lúc này. Khoảng bốn năm nay tiền lương của cả hai vợ chồng tôi chỉ đủ để co kéo chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt tối thiểu của một gia đình bốn người. Nào là khách khứa; nào là hiếu hỉ; nào là thuốc men cho phụ mẫu đôi bên; nào là học hành của con, của mẹ;… Bao nhiêu là việc cần tiền. Tôi chóng cả mặt vì lo tiền chi tiêu mỗi tháng. Chắc cụ già thấy tôi ăn mặc ra vẻ là người có tiền chăng?

Cuối cùng, tôi đã quyết định tặng cụ già năm mươi ngàn đồng. Tôi lấy tiền đưa cụ, nói rất nhỏ:

– Cháu không có nhiều tiền. Chỗ này xin biếu cụ.

– Ấy chết! Kh…ô…ng, không. Ai lại thế, tôi chỉ vay tạm thôi. – Bà cụ luống cuống thì thầm nhỏ hơn cả tôi.

– Cháu biếu cụ mà. Cụ đừng lăn tăn gì cả. – Tôi vừa ấn tờ tiền mệnh giá năm mươi ngàn đồng vào tay bà cụ vừa nói nhỏ, cũng vẫn chỉ vừa đủ nghe.

Bà cụ tiếp tục thầm thì cảm ơn. Tôi thấy làn da mặt nhăn nheo, héo hắt của bà cụ chủ quán hơi hồng lên một chút. Hình như mặt tôi cũng đang đỏ dần lên. Tôi cảm thấy pừng pừng nơi hai gò má và hốc mắt. Trong đầu tôi thì đang vang lên: “Lẽ ra mi phải đưa bà cụ đủ một trăm ngàn như yêu cầu, nhưng mi lại đang rỗng túi. Thật đáng xấu hổ, nhìn mi ăn mặc lụa là thế mà trong túi có lúc không có nổi đôi ba trăm ngàn bạc mọn”. Nước mắt chỉ trực trào ra.

Tôi đi thật nhanh khỏi quán bún. Ngồi yên vị trên xe, tôi hít một hơi dài, tự nhủ: “Cố lên! Tôi ơi!”, rồi phóng đi.

Một ngày buồn đầu Xuân Kỷ Sửu

RỂ PHỐ

Truyện ngắn của Y Mùi

1.

Năm mười bảy tuổi, ra thành phố nó học đúng cái nghề đã truyền (đời) từ cụ kị đến ông bà rồi bố mẹ nó; nghề mà người quê ít chữ quen gọi là “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.

Nhà nghèo. Bố mẹ chỉ lo cho nó mỗi tháng vài trăm ngàn đồng. Hy vọng đổi đời cho con, nên cả nhà đã phải thắt lưng buộc bụng, ăn đói mặc rét để chu cấp cho nó học hành. Còn nó, cũng như ngày còn ở quê, chỉ coi cái sự học là rất phụ. Ra phố nó như con chim sổ lồng, suốt ngày lượn lờ, xem chỗ này, ngó chỗ kia, kiếm bạn mới, tìm thú vui lạ chốn thị thành.

Một ngày kia, nó cặp được với một em xinh xắn, tầm tuổi với nó, gái quê ra phố lập nghiệp. Em Hồng của nó cũng mới học hết phổ thông, ra thành phố bán hàng thuê ở một siêu thị tư nhân theo dẫn dắt của một người chị họ. Hai đứa thuê nhà ở chung như vợ chồng, giống nhiều cặp trai gái khác xa nhà thời nay thường thế.

Kiểu sống như vậy đã quá quen mắt nơi thị thành nên nó cũng không giấu giếm. Thỉnh thoảng, ngày cuối tuần, ngày lễ nó đưa người yêu về quê chơi. Biết cô gái nó đưa về gốc quê, bố mẹ nó rất buồn, bảo: “Cái ngữ ấy và gốc gác ấy thì chỉ có đào mỏ”. Nhưng bố mẹ không vui thì cứ việc không vui. Hai đứa vẫn sống với nhau như vợ chồng ở phố.

Sau hai năm tu nghiệp, đèn sách thì thưa thớt, đèn chơi trò chơi điện tử và chát chít thì nhiều, nó cũng lấy được cái bằng trung cấp kỹ thuật Nông – Lâm. Học một nghề liên quan với đất, nước, giống cây, con và phân bón… nhưng nó nhất định không trở về với đồng đất mà nhất quyết sống cùng em Hồng ở thành phố.

Những năm đầu lập nghiệp, công xá của Hồng chẳng được nhiều, nhưng cũng đủ cho đôi tình nhân tùng tiệm sống. Từ khi nó mang tấm bằng tốt nghiệp về nhà khoe thì bố mẹ bắt phải tự lập. Cắt “viện trợ”, bố mẹ nó nhắm mục tiêu cắt đuôi em Hồng, vì đơn giản nghĩ không tiền thì gái nào theo. Gia đình đâu có biết thằng con yêu quý – niềm kiêu hãnh của chi họ Đới: Đới Hữu Vinh vẫn dựa dẫm vào em Hồng để tồn tại nơi thành phố.

Từ ngày ra trường, Vinh đã làm linh tinh những việc ra tiền, như: tiếp thị điện thoại di động, đưa nước khoáng, nhặt cầu ở sân tennis… Ơn trời! Cuộc sống của hai đứa ổn dần. Chủ yếu là do thu nhập của em Hồng tốt hơn lên so với những ngày mới đi làm.

Hai đứa vui vẻ sống chung hơn sáu năm trời. Đôi tình nhân hy vọng đến một ngày sẽ nên vợ nên chồng và sẽ đi cùng nhau đến hết cuộc đời. Đôi trai gái son rỗi tiết kiệm được một chút tiền sau các khoản chi ăn ở, sinh hoạt. Bố mẹ phụ thêm nên thằng Vinh sắm được con xe Wave, tuy là hàng second-hand, nhưng còn khá ngon lành.

Có phương tiện, Vinh đưa người yêu về quê thường xuyên hơn, nuôi “âm mưu” lớn, chờ lúc nào tiện sẽ báo cáo gia đình cho cưới em Hồng. Một lần, thấy không khí gia đình khá vui vẻ, Vinh chớp thời cơ đưa vấn đề ra thưa gửi. Nhưng thật tội nghiệp cho em Hồng! Nó chỉ vừa mở mồm thì cả nhà nhao nhao phản đối: “Không được”; “Nhất định là không được”; “Cái loại ăn rau má phá đường tàu ấy thì nước non gì”;

Sau hôm đó, đại gia đình tổ chức cuộc họp, bàn bạc một chiến dịch phải phá đám bằng được. Chỉ một người bênh vực cuộc tình của hai đứa là bà cô của Vinh. Bà là một trong số ít người trong nhà biết rõ thằng cháu đích tôn của dòng họ Đới đáng mặt anh hào đến đâu.

Cái lý của bà già U bảy mươi này rất tình ở chỗ, con gái người ta bao bọc con cháu nhà mình từng ấy năm đâu phải ngắn. Người ta coi như tàn một đời hoa. Chẳng lẽ nhà mình lại vuỗi tuột như vậy? Vô đạo đức lắm! Khác hẳn bà cô, ông nội của thằng Vinh rất quyết liệt:

– Mặc xác nhà nó. Dại giai thì thiệt thân. Cho chết. Rồi ông quay sang bà em gái, mắng té tát:

– Đúng là đồ đàn bà cạn nghĩ, chỉ giỏi quẩn quanh trong xó nhà. Tương lai của con cháu nhà mình thì chả lo lại thương hại người dưng.

Bà cô thằng Vinh chỉ còn biết thở dài, im lặng chịu trận giống như gần suốt cuộc đời nhẫn nhịn khi người anh ruột thỉnh thoảng lại phi vào mặt, kiểu: “Khôn ngoan sao vẫn ế chồng”; “Tài giỏi sao vẫn phải làm gái già trong nhà mà không có người rước đi cho”“Cái đồ ế ẩm vô dạng”;

Đại gia đình họ Đới Hữu thống nhất phương án tối ưu cho đứa cháu đích tôn của một dòng họ lần đầu tiên có cơ hội ngẩng mặt lên nhìn làng nước. Rằng, muốn thay đổi phải từ thằng cháu này. Thằng Vinh phải lấy được gái phố thì mới dễ thoát khỏi ruộng đồng; làm rể nhà nào có con một bề thì tuyệt vời; cưới xong ở rể luôn khỏi phải lo nhà cửa; tìm đứa nào con cái nhà cán bộ, có chức có quyền một tí thì hơn cả chuột sa chĩnh gạo; công ăn việc làm không phải lo.

Mẹ thằng Vinh bực mình đến độ không kìm nén nổi sự ấm ức về thằng con dốt nát, dạy mãi không “ăn nhời” đã bật ra:

– Chả hiểu sao mà thằng này ngu thế, đã ra phố lập nghiệp rồi mà còn dính vào một con nhà quê. Hết con gái hay sao mà đâm đầu vào con nhà quê vùng đất đó.

Tất cả những ý kiến họp bàn của các thành viên trong gia đình họ Đới đều lọt cả vào tai của hai đứa. Em Hồng thì khốn khổ, chỉ biết khóc vì đã không thể chọn được cha mẹ và đất để sinh ra.

Một biện pháp mạnh được áp dụng ngay sau cuộc họp đại gia đình. Bố mẹ thằng Vinh bắt nó phải thuê nhà ở riêng, không được chung đụng với “đồ con gái theo trai ấy”. Phương án ấy cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì “con quỷ cái ấy” (cách người nhà thằng Vinh gọi em Hồng), vẫn đến tìm tận chỗ thằng Vinh trọ. Bố mẹ Vinh phải nhờ một người họ hàng xa cho nó về tá túc một thời gian để tránh xa “con yêu tinh thối thây ấy”. Người ta bảo tình yêu như cái cây, không tưới tắm, chăm sóc sớm muộn gì cũng sẽ tàn, sẽ chết.

2.

Rồi cái gì phải đến cũng đã đến. Mới xa em Hồng, người gắn bó sáu năm trời có lẻ được vài tháng thì Vinh đã kịp bập được vào một em, gái phố một trăm phần trăm, tên Mai. Em này không phải do Vinh tự tìm mà do mai mối của gia đình người bà con xa đã cho nó ở nhờ để dứt áo với em Hồng. Chỉ có điều em Mai hơn thằng Vinh đến ba tuổi.

Em Hồng biết chuyện thằng Vinh nhanh chóng tìm đến cô gái khác thì lặng thầm đau khổ. Chỉ người chị họ của cô gái bị “đá” lên tiếng, đã gọi điện cho thằng Vinh chửi bới không tiếc lời. Hôm đó thằng Vinh lĩnh đủ; nào là: “Đồ có mới nới cũ”; nào là: “Đồ Sở Khanh”; nào là: “Đồ ăn hết cả quần lót của đàn bà mà không biết nhơ, biết nhục”;

Thằng Vinh đau điếng, nhưng vẫn không thấm gì với sự nhẫn nhịn, cam chịu của em Hồng. Bà chị kể lại hết với cô em gái bị phụ tình những gì đã nhổ toẹt vào mặt thằng Sở Khanh. Em Hồng chỉ khóc và xin người chị họ đừng làm như thế nữa.

***

Một hôm thằng Vinh hẹn em Hồng đến lấy nốt mấy thứ đồ áo quần, tư trang còn lại ở nhà trọ. Buổi chiều tối đó Vinh quay lại khu nhà trọ quen thuộc, thấy căn phòng trọ nơi nó với em Hồng đã có bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào đang lủng lẳng cái khóa treo nhãn hiệu Việt Tiệp thân thuộc. Nó đã không còn giữ chìa khóa nên tần ngần đứng nhìn cánh cửa đóng im ỉm. Chờ hay đi? Thằng Vinh do dự một chút, định quay xe thì em Hồng lạch xạch cái xe đạp mi ni cà tàng về đến cổng khu nhà trọ.

Em Hồng lên tiếng trước:

– Em xin lỗi. Xe bị thủng săm phải vá nên em về muộn. Anh vào nhà đi. – Vừa nói em Hồng vừa vội vàng mở cửa, rồi phân trần như người mắc lỗi: hôm anh đi bảo cứ cầm chìa khóa thì không nghe. Nếu anh cầm chìa khóa thì đã không phải đứng ngoài thế này.

Thằng Vinh ngắm nhìn người con gái chân quê một thời gian khá dài với nó đã như hình với bóng mà không nói được điều gì. Như thể hột thị đang trong miệng nó vậy. Đôi mắt của em Hồng trông buồn quá! Hình như càng buồn thì vẻ đằm thắm của cô gái gốc quê vốn rất xinh xắn lại càng hút hồn hơn. Và thằng Vinh chợt nghĩ đến em Mai. Làm sao em Mai sánh được với em Hồng cơ chứ? Cái mặt của thằng Vinh đần ra. Nó đứng lặng đi.

Em Hồng phải nhắc lại:

– Anh vào nhà đi.

– Anh lấy nốt đồ rồi cũng phải đi có việc. – Cuối cùng nó cũng đã mở được cái miệng ra.

– Em mua mấy thứ ăn nhanh đây rồi. Ăn xong hãy đi. – Em Hồng mời mọc.

Thằng Vinh lưỡng lự giây lát, rồi khóa cổ xe, theo chân em Hồng vào nhà. Cái ngượng ngập của người là thủ phạm của sự đổ vỡ tan biến khi hai đứa ngồi vào mâm cơm. Gọi là mâm cơm chứ thực ra đồ ăn chỉ có món bún xào rau cần và đĩa lòng gà xào dứa chín.

Chẳng hiểu từ lúc nào hai đứa lại chăm sóc nhau, gắp cho nhau và ép nhau ăn cho hết những thức ăn đã nấu như chưa hề có cuộc chia ly. Rồi hai đứa quấn lấy nhau như cỏ khát gặp mưa, như chưa từng có sự chia lìa đôi lứa, bỏ mặc mâm bát không dọn, rửa.

Thằng Vinh tỉnh lại lúc gần mười hai giờ đêm, mình trần như nhộng. Em Hồng cũng không mảnh vải che thân, đang ngủ say, đầu gối lên cánh tay nó, tin cậy ôm ngang người yêu. Vinh gỡ cánh tay phải khỏi đầu người yêu, nhẹ nhàng nhấc cánh tay đang ôm ngang người nó ra, rồi vẫn nhẹ nhàng ngồi dậy, mặc áo quần. Nó cố không gây ra tiếng động nhưng em Hồng đã cựa mình, bừng tỉnh giấc. Trong giây lát, em Hồng nhớ ra cái thực tại phũ phàng, hỏi người yêu:

– Anh đi luôn à?

– Anh phải về không bác anh lo.

Em Hồng ngoan ngoãn dậy khỏi giường, với cái váy ngủ màu hồng đào treo ở mắc áo cuối giường khoác lên người, tiễn người yêu qua khoảng sân chung của khu nhà trọ, hết con ngõ nhỏ ra đến tận đầu phố mới quay về.

Đó là lần cuối cùng thằng Vinh gặp em Hồng. Mấy thứ đồ cá nhân định lấy ở chỗ người yêu cũ, Vinh cũng bỏ luôn.

3.

Thằng Vinh cuốn vào cuộc tình với cô người yêu mới do người thân sắp đặt. Nó đưa em Mai về ra mắt bố mẹ. Người thân của nó hỉ hả mừng khi biết em Mai là con một, gái phố; biết bố mẹ của Mai đều là cán bộ nhà nước. Đúng là chả còn gì phải bàn, mỹ mãn đạt được cả “ba trong một”.

Ai đó ý kiến rằng em Mai hơi còm. Chả sao, con gái bây giờ mốt người dây. Giá mà em Mai trẻ hơn thằng Vinh một chút thì tốt. Gớm, cái gì cũng muốn, cứ: “Hòa thượng thích đủ thứ” thế kiếm đâu ra. Nhưng phải công nhận em Mai“hơi nhàu nhĩ” và “hơi xấu gái một tí”.

Cái “một tí” mà ông bà ta đong đo mới gọi là tài, mới uyển chuyển làm sao! Cái trán bị trớ một tí. Hai lỗ mũi ngóng trời cũng một tí. Gò má cao cũng chỉ một tí. Không sao, cơ bản các tiêu chuẩn đặt ra đều đạt được là trên cả OK rồi.

Chỉ một người không hoan hỉ đó là bà cô không chồng suy nghĩ chẳng giống ai trong đại gia đình họ Đới. Với Hồng, bà gái già muốn cho thằng cháu làm đám cưới. Còn với Mai, bà lại không mong chúng thành đôi. Bà bảo:

– Cái tướng mạo ấy không có hậu đâu.

Nghe thấy thế ông nội thằng Vinh quắc mắt, quát lớn:

– Bà thì biết cái gì, chỉ nói lung tung là tài. Im mồm đi sẽ tốt hơn đấy.

Thế là bà cô lại im bặt, ngậm tăm.

***

Thủ tục dạm hỏi, cưới xin cô gái phố về làm dâu nhà họ Đới được tiến hành chóng vánh trong vòng một tháng. Thực ra, từ khi hai gia đình chính thức gặp nhau Vinh đã nghiễm nhiên thành người thứ tư trong nhà em Mai. Hằng ngày nó chỉ có việc “cơm no, bò cưỡi”, mặt mày phương phi, phởn phơ hẳn lên. Hơn thế, bố vợ tương lai đã lo được cho Vinh một chân bảo vệ ở cơ quan nơi ông đang công tác.

Tiền trảm hậu tấu, các thủ tục xin dâu, lại mặt đều được giản lược. Chỉ có công đoạn quay băng, làm album ảnh và cỗ cưới là không những không thua kém bất kỳ đám cưới nào, mà còn hoành tráng hơn nhiều so với các đám cưới khác ở quê. Riêng tiền chụp ảnh, quay “Vidéo” đã tới mươi triệu.

Bố mẹ thằng Vinh tổ chức mời họ hàng, bạn bè, chiến hữu ăn cỗ trong hai ngày liền. Ngày đại lễ thật vui. Người vui nhất là bà mẹ của Vinh, vì thằng con của bà không những đã yên bề gia thất mà còn được làm rể chốn phồn hoa.

Hôm nhà gái tổ chức tiệc cưới cho hai đứa bố mẹ chú rể cũng được mời về tham dự. Lần đầu tiên bố mẹ thằng Vinh biết thế nào là đám cưới ở thành phố. Họ được đứng cùng thông gia trên bục danh dự lộng lẫy đèn hoa, nhìn con trai sánh đôi với cô dâu thị thành bước trên thảm đỏ vào phòng cưới.

Tiệc cưới cũng có tiết mục cắt bánh gato. Rượu Sâm banh được rót tràn từ các ly trên xuống các ly dưới; khói trắng bốc mịt mù; cũng pháo hoa giấy muôn mầu sắc bay tới tấp dính đầy đầu, y như trong phim trên tivi. Thật hạnh phúc quá! Bố mẹ thằng Vinh cũng được nở mặt nở mày với xóm giềng. Chả gì thì thằng con của họ cũng đã ăn học nên người và làm rể phố.

Còn thằng Vinh, thật tình chẳng biết với đồng lương hợp đồng hơn một triệu đồng mỗi tháng nó sẽ sống thế nào trong ngôi nhà của bố mẹ vợ nơi phố phường đông đúc, ra khỏi cửa nhà là phải có tiền mà cái gì cũng đắt đỏ. Lương tháng của em Mai đâu đó cũng chỉ gần ba triệu bạc. Nhưng điều quan trọng hơn cả mà những thành viên khôn ngoan trong gia tộc họ Đới lo là cuộc hôn nhân của thằng cháu đích tôn cũng lắm nguy cơ và thiếu bền vững.

Tuy là thông tin vỉa hè nhưng đã đến tai người nhà thằng Vinh, rằng cô con dâu ấy đã có một thời oanh liệt lắm; rằng em Mai là “ca-ve hết đát”. Mọi người xầm xì: “Loại con gái mà hút thuốc lá như điên, uống bia như uống nước lọc thì chỉ có là đồ bỏ đi”“Thật khổ cho thằng trai tơ – gà quê mắc bẫy tình chợ phố nên phải lái máy bay bà già”.

Về thằng Vinh, thật ra nó cũng không kịp tính toán gì nhiều, chỉ bước chân theo sự sắp đặt của số phận. Như vậy nên mới có thơ rằng: “Ở kia nát một đời hoa. Ở đây vớ một đàn bà lừa trai”. Ở cái thời mắc dịch này, cái gì cũng đảo điên, nháo nhào, chụp giật. Vinh thì chụp giật để lấy được gái phố. Em Mai thì chụp giật cho bằng được tấm chồng bất chấp sự chênh lệch không thuận về tuổi tác, sự khác biệt về gốc gác.

***

Còn Hồng, cô gái quê đã cưu mang thằng Vinh những ngày nó lang thang ở phố trước đây thì lại dại trai thêm một lần nữa. Ấy là hôm thằng Vinh đến lấy nốt đồ đạc ở nhà trọ. Tuy biết bị phụ tình nhưng Hồng vẫn còn yêu thằng Vinh nhiều lắm, chẳng muốn dứt tình nên thấy nó là lại lao vào như con thiêu thân lao vào ngọn đèn.

Đúng những ngày nguy hiểm nhưng Hồng quên mất. Cô quên mình hiến dâng, quên mình tận hưởng khoái lạc trời ban cho hai giống. Đến tháng mà không thấy hành kinh, Hồng lo lắng bồn chồn chờ. Một tuần trôi qua. Mười ngày trôi qua. Mười lăm ngày trôi qua. Hai cái vạch màu đỏ trên que thử thai mà Hồng không chờ đợi đã hiển hiện. Em Hồng biết đã “dính chưởng” từ lúc thằng người yêu bạc tình đang lo cưới em Mai. Tin này cũng là do người chị họ của Hồng thông báo cho Vinh chứ em Hồng thì bặt tăm từ sau cái đêm nó đến lấy đồ và về tay không.

– Cậu tính thế nào đây? – Giọng gắt gỏng của bà chị họ người yêu cũ vang trong điện thoại.

– Chị nói với Hồng giải quyết đi giúp em. Rồi em thu xếp sẽ đưa tiền cho cô ấy bồi dưỡng. Hoàn cảnh của em bây giờ…

Thằng Vinh chưa trình bày hết câu thì đầu kia cô chị của Hồng quát to:

– Sở Khanh cũng phải gọi cậu là ông tổ đấy.

Cuộc đàm thoại kết thúc. Ai về với công việc của người ấy.

4.

Đám cưới đã bốn năm mà em Mai vẫn không bầu bí gì. Người nhà thằng Vinh bắt đầu lo. Thật ra, sau đám cưới khoảng một năm thì em Mai bị sảy thai. Sau đó là phục thuốc và chữa vô sinh nhưng cái bụng của em Mai vẫn lép kẹp. Người ác miệng thì nói tưng tửng: “Nguồn cơn chắc tại con vợ thôi, cứ như con cá mắm, khô đét thế thì chửa đẻ làm sao được”.

Cả chi họ Đới Hữu buồn lắm nhưng không ai dám nói ra. Bố thằng Vinh còn giấu được nỗi buồn trong lòng chứ người ông nội trông mới tội làm sao. Ông cụ đã ngấp nghé tuổi tám mươi mà vẫn không có chắt đích tôn thì nhắm mắt làm sao đây. Kẻ ác khẩu thì xầm xì về cái sự vô sinh của người cháu đích tôn chi họ Đới Hữu ở làng: “Tinh tướng nỗi gì, ác giả ác báo”; “Tham thì thâm thôi”;

***

Nhưng như thế vẫn chưa phải là bất hạnh lớn nhất của chi họ Đới Hữu. Tai họa ập đến với gia đình thằng Vinh. Ngày định mệnh ấy đến, minh chứng cho điều đúc rút từ nhân tướng học của ngàn đời. Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ô tô và mấy xe máy đi ngược chiều ở một đại lộ ven đô.

Hôm đó thằng Vinh đang trên đường về nhà sau cuộc picnic với lũ bạn học phổ thông của em Mai. Xe máy của nó và hai xe máy rẻ tiền khác nát tan như vụn bánh đa nướng trên đường ngay tại chỗ xảy ra tai nạn.

Vụ va chạm mạnh đã cướp đi sinh mạng của Vinh tại chỗ. Em Mai và mấy người bị thương khác được đưa đi cấp cứu. Vì chấn thương quá nặng nên em Mai đã đi theo chồng sau gần ba tuần nằm viện, không tỉnh lại một lần nào.

Không hiểu trên đất nước Việt Nam có còn gia đình, dòng họ nào không có người chết, người bị thương/tật do tai nạn giao thông không?

***

Chiếc quan tài để thi hài Vinh được đưa thẳng ra nhà quàn ở đầu nghĩa trang của xã. Đám tang thằng Vinh, họ hàng, làng xóm, thân bằng cố hữu đến rất đông. Ai cũng xót thương, sẻ chia với gia đình người trai xấu số còn quá trẻ, chưa kịp có người nối dõi đã phải từ giã cõi đời một cách đau đớn. “Rõ khổ quá! Chết đường chết chợ. Chết mà không được đưa vào nhà”. – Người làng bảo nhau thế.

Ngày thứ hai sau vụ tai nạn thương tâm, lễ an táng thằng Vinh được cử hành vào đầu buổi chiều. Khi người đại diện cho chính quyền thôn đang đọc điếu văn thì một chiếc xe máy phi nhanh từ đường lớn rẽ vào lối về phía nhà quàn. Đến đầu khu vực cử hành tang lễ, chiếc xe dừng bánh. Phía sau người lái xe là một bé trai khoảng ba, bốn tuổi và một thiếu phụ trẻ. Người nhà và những người gần gũi với gia đình người quá cố nhận ra ngay người phụ nữ đó là ai.

Nét u buồn trên khuôn mặt Hồng không làm giảm đi vẻ đẹp đằm thắm và sự đầy đặn căng tràn sức sống của cô gái một con. Thằng bé có vẻ thiếu tự tin, co rúm người lấp sau mẹ khi thấy nhiều người lạ chăm chú nhìn mẹ con nó. Nó túm chặt vạt áo của người mẹ, nói:

– Mẹ ơi, con sợ.

Hồng chưa kịp trấn an con thì bà gái già của dòng họ Đới nhào tới, ôm choàng lấy cả hai mẹ con Hồng kêu lên:

– Ôi, chắt của tôi! Đúng là con thằng Vinh đây rồi. Cảm ơn ông Trời! Cảm ơn cháu đã cho họ Đới nhà bà có người nối dõi đây rồi.

Sau khi thốt ra những lời chặc nịch ấy bà cô bật khóc òa, dù từ hôm qua kể từ lúc nghe tin hung đến tận bây giờ nước mắt của bà vẫn không thể chảy ra.

Bà cô không chồng của dòng họ Đới vừa tức tưởi khóc vừa ôm chặt hai mẹ con Hồng vào lòng như thể nếu bà buông tay ra thì giấc mơ có chắt đích tôn của chi họ Đới nhà bà sẽ tan biến đi mất.

Y Mùi – Theo Vanvn.net