Phần Thơ số này có góp mặt của các tác giả Dương Kỳ Anh, Tạ Văn Sỹ, Hồ Thế Hà, Vũ Toàn, Vũ Duy Thông, Đặng Hồng Thiệp, Nghiêm Nhan, Thúy Nga, Nguyễn Thanh, Đỗ Thị Hồng Nhung.

Phần Văn có truyện ngắn Lời nguyền của rừng xanh của tác giả Hoàng Tùng. Lấy ý từ câu cách ngôn “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, truyện ngắn là một bài học cảnh tỉnh cho những kẻ vì lợi nhuận trước mắt mà đang tâm phá rừng để rồi tự nhận cho mình những hình phạt thảm khốc. Ngoài ra, còn có truyện ngắn Chung dòng của tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa, bút ký Khám phá miền Tây sông nước của dịch giả Lê Bá Thự, truyện ngắn Dị vật trên đầu của nhà văn Nguyễn Hiệp. Tạp chí kỳ này cũng giới thiệu đến độc giả câu chuyện Ở hay về của tác giả Do.Honza (Đỗ Ngọc Việt Dũng, người từng nhiều năm sống và lao động tại CH Sec), trích trong cuốn sách 3 cuộc đời-Chuyện Tây Ta vừa xuất bản (NXB Lao động).

Phần Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình kỳ này dành hai bài về nhà văn Vũ Trọng Phụng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông: bài viết của nhà văn Hoàng Minh Tường mang tên Vũ Trọng Phụng-người khổng lồ tiên phong của văn chương tả chân và bài thứ hai của tác giả Lê Thị Đức Hạnh-Tính nhân đạo trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng. Với chuyên đề Phê bình sinh thái (các bài đáng chú ý như Phê bình sinh thái-cội nguồn và sự phát triển do Đỗ Văn Hiếu dịch, Thi pháp sinh thái của tác giả Frederick Turner), tạp chí Nhà văn là nơi công bố đầu tiên trong nước về chuyên đề này. Ngoài ra còn có các bài viết khác như bài viết của Dương Thị Quỳnh Trang mang tên Trần Nhuận Minh với thể thơ tự do, Hoàng Thanh Hương viết về Những ám ảnh hiện sinh trong tiểu thuyết nhà văn Thuận, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi Bàn về cấu trúc một tuyến nhân vật truyện Phế đô trên cơ sở đồ hậu thiên bát quái-Kinh Dịch.

Chuyên mục Nhà văn và cuộc sống có bài viết của Nguyễn Trác về nhà thơ Mai Phương: Mai Phương-vùng mỏ đời người và cây bút.

Phần Văn học thế giới giới thiệu truyện ngắn Một buổi tối với Bhookh Kumarri của nhà văn Ấn Độ Krishwa Baldev Vaid, do Trần Hồ Ngọc Trường chuyển ngữ.

Phần Tư liệuCâu chuyện vào nghề của nhà biên kịch Lê Ngọc Minh, dựa trên những kinh nghiệm của nhà biên kịch nổi tiếng người Nga Gbrilovits.

Các chuyên mục khác có những bài viết hay, hấp dẫn.

 

Trân trọng giới thiệu.

Tạp chí Nhà văn

Exit mobile version