Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Đài TNVN phát sóng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946/2016), sáng 19-12-2016, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã tổ chức lễ giới thiệu cuốn sách “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” của nhà văn, nhà báo Phan Quang, Nguyên Tổng giám đốc Đài TNVN.
Tới dự có nguyên Tổng Bí thư – Lê Khả Phiêu; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt… cùng nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học và các thế hệ độc giả.
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu chúc mừng nhà văn, nhà báo Phan Quang. Ảnh VOV
Sau lễ kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến và cũng là 70 năm ngày Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên làn sóng của Đài TNVN, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ đã giới thiệu tới các đại biểu cuốn sách “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” của nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam,hội vien Hội nhà văn Việt Nam.
“Những trang viết sống động, chân thực được chắt lọc từ những ghi chép của nhà báo Phan Quang chắc chắn sẽ giúp cho chúng ta hiểu hơn về những năm tháng kháng chiến, kiến quốc hào hùng, đau thương nhưng cũng thật đẹp, nhiều ý nghĩa. Đó cũng là cách chúng ta trân trọng quá khứ vẻ vang, học tập các nhà báo, nhà văn thế hệ đi trước cho thực hiện nhiệm vụ vẻ vang hôm nay” – Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ nói.
Tác giả cuốn sách – nhà báo Phan Quang chia sẻ: Cuốn “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm không phải là sáng tác văn học, cũng không hẳn là một bút ký được chuẩn bị từ đầu, chỉ là bản ghi chép vội, rút từ sổ tay nhật ký phóng viên ghi lại bất kỳ ở đâu và không kể khi nào… Về không gian, những ghi chép của tôi khởi đầu tại chiến khu Ba Lòng – thượng nguồn sông Thạch Hãn, qua nội thành Huế, từ cửa Tư Hiền, cửa Thuận Nam, cửa Việt, cửa Tùng, Vĩnh Linh và kết thúc bên bờ Hồ Gươm giữa Thủ đô thanh bình”. Những dòng nghi chép trong cuốn sách giới thiệu hôm nay là một phần nhỏ trong suốt 70 năm qua mà tôi không hề có ý định công bố, coi như đây là “một mảnh tình riêng ta với ta”. Vậy mà hôm nay, đúng vào ngày trọng đại kỷ niệm 70 năm Hồ Chí Minh phát động lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cuốn “Từ dòng Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” vinh dự được trình lên các vị lãnh đạo, các đồng nghiệp và độc giả trong cả nước trước khi phát hành rộng rãi, còn có phần thưởng nào cao quý hơn cho một cuộc đời làm báo” – nhà văn Phan Quang bày tỏ
Giáo sư Phong Lê phát biểu: “Nghĩ đến nhà báo, nhà văn Phan Quang, tôi không nghĩ anh chỉ là nhà báo đâu. Đối với tôi trong anh tổng hợp nhà báo, nhà văn, và cao hơn là nhà văn hóa”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: “Tôi thấy nhà văn, nhà báo Phan Quang là một nhà văn hóa tiêu biểu của cách mạng và kháng chiến. Ông ý thức về văn hóa dân tộc rất sâu sắc. Vì là một nhà văn hóa trí thức tiêu biểu nên nhà văn, nhà báo Phan Quang có thể viết bất cứ đề tài gì cũng hấp dẫn, sâu sắc, rất nhiều gửi gắm và đặc biệt là tính mẫu mực trong văn chương, giàu ý tưởng”.
Nhà thơ Mai Nam Thắng (vanvn.net) phát biểu cho biết: Anh đã đọc tác phẩm này qua bản PDF trước lúc sách phát hành và hết sức ấn tượng bởi sự quan sát, ghi chép công phu,tỉ mỉ, chi tiết của một nhà báo, nhà văn trong hoàn cảnh thời chiến và điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ. Có thể coi đây như một mẫu mực lao động tích lũy của một nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp. Đọc tác phẩm, người đọc không chỉ hiểu biết thêm về nhiều sự kiện lịch sử của đất nước trong một giai đoạn, mà còn hiểu thêm về nhiều vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật, như: bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” của Chế Lan Viên; bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương; tác giả bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” v.v…
Kết thúc buổi lễ giới thiệu sách, tác giả Phan Quang đã ký tặng sách cho các độc giả hâm mộ ông và các tác phẩm của ông từ nhiều năm nay…
Tuyên Hoá – Vanvn.net