Nhà văn KHÔI VŨ
Tên thật và bút danh viết cho thiếu nhi là: NGUYỄN THÁI HẢI
Nguyên quán: làng Hới, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình
Sống và làm việc tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai từ 1955
Nghề Dược – Nghiệp Văn.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1990 / hội viên Hội VHNT Đồng Nai
Ông là nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, một người hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Đồng Nai…
Đến 2022, đã in 30 tập truyện, tiểu thuyết, tập ký (Khôi Vũ) và 40 tập truyện, truyện dài cho thiếu nhi (Nguyễn Thái Hải).
Ông đã nhận được nhiều giải thưởng Văn học nghệ thuật giá trị.
Tác phẩm quan trọng:
– Lời nguyền hai trăm năm (Tiều thuyết) Giải thưởng hàng năm Hội Nhà văn VN năm 1990
– Cha con Ông Mắt Mèo (Truyện dài) Giải thưởng văn học Thiếu nhi Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh 1993
– Những người nuôi lửa (Tiểu thuyết) – Phù phiếm bên biển (Tập truyện) – Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức tỉnh Đồng Nai năm 2005 và 2010.
– Hai con diều bay thấp (Truyện ngắn) Giải thưởng Quỹ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch 2006
– Sông Luộc ở phương Nam (Tiểu thuyết) Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn VN
Tiến trình lịch sử tính từ thế kỷ XVII đưa nhiều người con từng sinh ra, lớn lên ở miền Bắc, miền Trung phiêu bạt đến lập nghiệp một, hai, ba rồi nhiều đời sau nữa, ở phương Nam, trong đó có vùng đất bên dòng sông Đồng Nai. Họ là những người tha hương thích phiêu lưu tự phát để kiếm sống từ thời nhà Nguyễn, là những người ký công tra làm phu cao su thời Pháp thuộc với hy vọng được đổi đời; họ còn tha hương do thời cuộc, là những người có mặt trong đợt di cư lớn năm 1954; sau tháng 4/1975 lại có thêm một bộ phận di chuyển từ Bắc vào Nam công tác và sinh sống lâu dài…. Tất cả họ đã phải vượt qua bao khó khăn buổi đầu, dần hòa nhập với quê hương mới. Điểm chung của những di dân là dù thành công hay thất bại trong đời, hầu như cho tới khi lìa đời, họ vẫn vọng về nơi chôn nhau cắt rốn.
Sông Luộc là một trong những con sông ở miền Bắc nối sông Hồng với sông Thái Bình. Có một người con của quê hương sông Luộc, và gia đình nhỏ của ông, đã chuyển đến sinh sống bên dòng sông Đồng Nai. Cùng với hàng triệu người miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954, ông và gia đình cũng đã phải trải qua nhiều gian khó để hòa nhập được vào cuộc sống mới. Những gian khó bủa vây họ từ thời cuộc, từ đời sống kinh tế, từ giao tiếp văn hóa, cuộc sống tâm linh… cho tới sự đối phó với nhau của chính những người di cư. Có những giọt mồ hôi đổ, có những dòng nước mắt tuôn, và cả mạng sống bị đe dọa hay đánh đổi…
Sông Luộc ở Phương Nam là cuốn tiểu thuyết hay, đầy tâm huyết của tác giả Khôi Vũ. Tác phẩm mà Khôi Vũ đã ấp ủ nhiều năm, đi thực tế, cảm nhận và ghi chép nhiều từ thực tế để có được tác phẩm hoàn hảo nhất. Đặc biệt, đây cũng là câu chuyện gắn với gia đình tác giả. Từ khi gia đình ông vào sinh sống ở vùng đất mới Biên Hòa, cha mẹ ông khôn nguôi nhớ về Thái Bình, nơi có dòng sông Luộc chở nặng phù sa, có làng Hới với nghề dệt chiếu cói nổi tiếng. Sông Luộc, dòng sông nối giữa sông Hồng và sông Thái Bình, chảy ra đến biển. Trùng hợp, ở phương Nam cũng có con sông Đồng Nai có nguồn nội địa rồi đổ ra biển. Sự giống nhau giữa hai dòng sông ở hai đầu đất nước, nỗi nhớ thương đau đáu của cha mẹ về làng quê xưa đã khiến Khôi Vũ nung nấu ý tưởng sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về những người di cư gốc Bắc.
Cuốn tiểu thuyết dài 158.000 chữ đã nêu bật được tính cách người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Những người vì biến động lịch sử phải dứt áo ra đi, nhưng “tơ lòng” vẫn vấn vương với quê hương, nguồn cội. Trước mỗi một chương là một câu thơ, câu ca dao, tục ngữ hoặc một câu nói nổi tiếng của người nước ngoài. Điều này đã một phần chứng tỏ thành quả của việc nghiên cứu phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống giữa người Việt ở miền Bắc với người Việt ở phương Nam, của người Việt trong nước với người Việt định cư ở nước ngoài, tìm hiểu, lý giải sự cọ sát, chuyển hóa, ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa các vùng miền cho việc viết và hoàn thành Sông Luộc ở phương Nam.
Tiểu thuyết được viết với giọng văn điềm đạm, tình người tình đất, tình quê hương thấm đẫm trong mỗi trang viết.
Sông Luộc ở phương Nam – những trang văn thấm đẫm tình người tình quê hương nguồn cội đã chinh phục Ban giám khảo khó tính và được đánh giá là cuốn tiểu thuyết viết về “văn hóa và quê hương” rất cuốn hút đã thành công nhận được giải cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn VN.
Điều đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết này, vào chương cuối, người đọc nhận ra đây là câu chuyện của hậu duệ bà Nguyễn Thị Lộ, mà cho mãi tới khi đất nước đã hết chia cắt, những người con đi xa tìm về thăm lại quê hương, mới biết rõ về nguồn cội của mình.
Tác giả đã viết:
Trên đất làng Hới, người ta cũng đã xây đền thờ bà Nguyễn Thị Lộ cùng Nguyễn Trãi, trong chính điện đặt hai bức tượng nhỏ của ông bà. Năm 2008 khi tôi về thì mới xong phần đền. Năm sau thì ở phía trước đền thờ, cách một khoảng sân, giữa một cái ao nhỏ hình bán nguyệt là bức tượng bà Lộ màu đồng cao đến hai mét bảy mươi mốt được dựng lên. Tượng bà Lộ một tay cầm sách, một tay cầm bút, dáng ung dung tự tại mà uy nghiêm.
Tôi vào đền thờ thắp hương và ra sân chiêm ngưỡng tượng đức Bà. Dù biết rằng gương mặt của đức Bà trong các bức vẽ và tượng thờ chỉ là do người đời sau tưởng tượng ra, nhưng tự thâm tâm, tôi lại tin đó chính là dung nhan thật của Bà.
Đêm ấy, giữa giấc ngủ sâu ở quê, tôi đã gặp bà Tổ Cô của mình.
Và tác giả, người kể lại câu chuyện này, xin được “vô hạn cảm” với các nhân vật trong truyện – những người tha hương đến vùng đất lạ và đã trụ vững, tính đến cuối câu chuyện là vừa ba thế hệ.
Xin được giới thiệu với độc giả cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc này.
Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official
để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.
Trên một số nền tảng số khác như:
Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial
Website: https://tonvinhvanhoadoc.net
#Võ Thị Xuân Hà
#Cầm Kỳ
#Nàng Thê
Email: [email protected]
Zalo & hotline: 0393 996 018