NHỚ TẾT TRUNG THU XƯA

Tản văn của Hoàng Anh Tuấn

Khi đàn chim sẻ ngoài bờ sông Sò rủ nhau bay về hót ríu ran trong khu vườn bà nội theo bùa mê của quả hồng, quả thị và trăng thu sắp căng mọng lên như một quả bưởi trên mâm trời, đó là lúc tết Trung thu sắp đến. Tết Trung thu chỉ vẻn vẹn một đêm rằm tháng tám, nhưng sự háo hức chờ đợi ở đôi mắt trong veo của bầy trẻ làng Hoành Nha đã có từ trước cả tuần lễ. Những tiết học sôi nổi bỗng dưng uể oải, chậm chạp như  ráng chiều bò qua cửa sổ lớp học. Tôi đang đếm ngược từng ngày để mong tết Trung thu đến thật nhanh, nhưng càng mong thì lại càng lâu, bao giờ chẳng thế. Còn năm ngày nữa, còn ba ngày nữa thôi.

Chiều nay tôi đi học về thấy bố tôi đang ngồi vót cật tre bên thềm nhà để làm đèn ông sao. Những thanh tre đực cứng như sừng trâu được bố tôi khéo léo chẻ nan ra bằng con dao sắc hơn ánh mắt thôn nữ làng Hoành Nha. Rồi bàn tay chắc nịch gọng kìm của bố buộc dây kẽm, phết hồ, dán giấy nhanh thoăn thoắt cho chiếc đèn ông sao nên dáng, thành hình. Bố bảo chiếc khung đèn ông sao năm ngoái trên gác bếp bé quá nên bố làm cho tôi chiếc đèn khác. Tôi ngồi bên cạnh để phụ giúp bố mấy việc vặt rồi sang năm thì sẽ phải tự tay làm một chiếc đèn ông sao, và sau này còn biết làm đèn cho trẻ con chơi, bố không làm cho nữa đâu. Tôi quết mỡ lợn lên giấy trắng trước khi bố dán đèn, làm như vậy giấy sẽ trở nên trong suốt, lúc thắp nến lên, đèn ông sao sẽ lung linh rất đẹp chẳng kém gì dán giấy bóng kính, giấy trang kim bán ở ngoài chợ mỗi ngày rằm, mùng một. Tôi cắt mấy cái tua và hình con giống, bông hoa bằng giấy màu để trang trí cho chiếc đèn ông sao rực rỡ. Nắng như chum mật mía bị ai đánh vỡ đổ chan chảy lên khoảng sân gạch làm ướt rượt cả bộ lông chú mèo mướp. Chú mèo liếm bộ lông mà cứ tưởng chú mèo liếm mật mía. Mèo say nắng lim dim lăn ra ngủ. Tối nay, tôi sẽ rước chiếc đèn ông sao mới toe đi khắp đường thôn, ngõ xóm trong tiếng trống sư tử rộn ràng, dưới ánh trăng rằm vằng vặc. Tôi đã hẹn với thằng Điệp, thằng Thường lúc tan học rồi.

Vườn bà nội có một cây bưởi đào mọc cạnh bờ ao. Bà kể cây bưởi đào này được ông nội trồng mùa xuân năm Bính Ngọ, năm ông lên đường nhập ngũ, đến tết năm Mậu Thân thì ông tôi hi sinh trong một trận đánh sinh tử ác liệt. Máu đã đổ và bom đã rơi trên chiến trường Tịnh Biên khói lửa. Ông tôi hi sinh nhưng cây bưởi thì vẫn còn. Cây bưởi đào quả sai trĩu trịt. Mỗi quả bưởi là một vầng trăng. Cả cây bưởi là một cây trăng. Những vầng trăng đung đưa trên cây bưởi. Trời trở ngọn heo may gọi thu sang, phải chăng heo may của mùa thu đã trốn vào trong từng quả bưởi mà nhuộm phẩm cho cùi bưởi, tép bưởi đến cả hạt bưởi một màu hồng rực. Quả bưởi đào rất nhiều nước, vị rôn rốt, ngọt đằm xen lẫn với chua dịu, rất  hợp với người ăn dở cho dễ đẻ. Chẳng thế mà hồi cô Lan tôi lúc sắp đẻ em Thể, ra vườn ăn liền một lúc ba quả bưởi đào chấm muối ớt. Ăn xong thì cáng ngay ra trạm xá, lên bàn đẻ chưa kịp rặn đã nghe thấy tiếng em bé khóc đinh tai, nhức óc chào đời. Trước rằm, bố tôi hái đầy một thúng bưởi để bà nội đội đến chợ phiên ngồi bán. Chỉ một loáng là hết vì bưởi nhà tôi ngon, rẻ mà tính bà tôi lại xởi lởi, mua vài quả lại thêm cho một quả, mua chịu phiên sau trả cũng được hay đổi bưởi lấy con cá, mớ tép cũng bằng lòng. Bà tôi đội thúng bưởi rất tài, có thể buông cả hai tay mà cái thúng đặt trên đầu vẫn không rơi. Cái dáng bà nội đội thúng vung tay khoan thai như đang bay, đang múa trên đường thu vừa điệu đà lại vừa tha thướt. Dù nắng hạn, mưa giông, dù chớp bể, mưa nguồn, dù vật đổi, sao dời và bao nhiêu năm tháng đã ở phía sau lưng thì tâm trí tôi không thể phai mờ hình dáng đẹp đẽ và mến thương của bà nội mỗi lần đội thúng đi chợ. Bưởi đào bán được bà dành dụm mua một cặp bánh nướng và bánh dẻo. Thứ bánh sang trọng và lạ lẫm với người nghèo.

Lại nói đến bánh nướng và bánh dẻo, tôi không nhớ rõ vị ngọt của bánh mà chỉ nhớ mùi thơm. Vì sao vậy? Vì đó là thứ quà Trung thu ít ỏi, hiếm hoi và đắt tiền nên lấy đâu ra nhiều mà ăn. Một tấm bánh của bà nội phải cắt làm tám phần, tôi nhớ vỏ bánh nướng vàng ươm, nhân thơm nức lá chanh thái chỉ và béo ngậy viên thịt mỡ bé bằng hạt lựu, vỏ bánh dẻo trắng muốt, nhân ngọt lừ mứt bí, mứt sen và bùi giòn mấy hạt vừng rang hơi sém. Bây giờ Trung thu, nhìn bánh nướng, bánh dẻo dù no mắt cũng không thể ăn được nhiều, vì ai nấy đều thừa đạm, thừa mỡ, thừa đường nên ăn thấy ngấy, thấy ngán, thấy chán, khó mà ngon cho được. Mẹ tôi vẫn mua bánh Trung thu hương vị truyền thống, nhưng làm sao mua được hương vị ngày xưa, hương vị tuổi thơ?

Tôi lùa vội bát cơm vì tiếng trống sư tử ngoài đình làng đã thùng thình giục giã những bàn chân và trăng đã bắt đầu nhô lên khỏi rặng tre. Tôi chạy ra ngõ đã thấy thằng Điệp, thằng Thường cầm đèn ông sao và đeo mặt nạ giấy bồi đứng chờ. Vầng trăng như mâm vàng. Ánh trăng như dát bạc. Gió mát như quạt hầu. Ráng vàng như mỡ gà. Mây trắng như mỡ chó. Núi xếp như vành khăn. Sông mềm như dải lụa. Trẻ con như những dòng sông đổ về đình làng. Sư tử đánh nhau với Tôn Ngộ Không trong tiếng reo hò của trẻ con như vỡ đê. Sư tử mệt quá nằm thở phì phò như kéo bễ. Ông địa bụng cóc to kềnh cầm quạt phe phẩy như đuổi ruồi. Tôn Ngộ Không tả xung, hữu đột, gậy trong tay cứ xoay tít như chong chóng. Rồi gánh múa sư tử lại đi sang làng khác. Tiếng trống nhỏ và thưa dần. Trẻ con xếp hàng nối đuôi nhau như đàn kiến lửa lúc trời sắp mưa, như đám cưới chuột trong tranh Đông Hồ. Trăng, sao trên trời xuống, tôm, cá dưới sông lên, Chí Phèo, Thị Nở từ trang văn bước ra, chú Cuội, chị Hằng từ cung trăng giáng thế cũng nhập vào đám rước đèn. Mặt ai cũng hồng hào hoa sen. Miệng ai cũng hớn hở hoa ngâu. Đám rước đèn trôi trên gió, bay trong trăng, rồng rắn lên mây gõ cửa nhà trời. Đám rước đèn đã tan. Nến cắm trong đèn ông sao đã tắt. Tôi, thằng Điệp và thằng Thường đi men theo bờ ruộng. Gió thổi khô mồ hôi lùa vào từng chân tóc mát rượi. Giọng hát trống quân điệu lưu không ở làng bên theo gió cùng trăng loang ra khắp cánh đồng “Có đám mây xanh/Trên trời (thời) có đám mây xanh/Ở giữa (thời) mây trắng (ấy)/Chung quanh mây bển vàng (ư…)”

Trăng đã treo ngang đầu, tôi chạy về nhà phá cỗ trông trăng. Chiếu hoa trải ngoài sân gạch. Mâm cỗ đầy tú hụ với nhiều sản vật trong khu vườn bà nội. Bưởi ngực nõn căng mọng. Na mắt mở tròn xoe. Chuối tay xòe cong vút. Hồng môi son đỏ chót. Ổi áo bào vàng ươm. Cốm thẹn thò úp mặt sau gói lá sen xanh biếc. Bánh dẻo, bánh nướng quý phái như mợ kí, mợ phán trên tỉnh giữa hương đồng, gió nội của lũ gái quê. Tiến sĩ giấy nhìn mâm cỗ thở dài, nhớ về một thời khoa cử vàng son đã chìm vào quá khứ. Còn đâu lều chõng cá chép hóa rồng, hỡi ôi võng lọng vinh quy bái tổ.

Bà nội nằm đưa võng đay mắc trên cột hiên. Môi bà ăn trầu đỏ lòm như gấc chín. Những ngón tay quết trầu cũng đỏ quạch như gạch non. Mùi trầu quế phả vào gió, tan vào trăng, ngát khắp không gian và thơm suốt tuổi thơ tôi lam lũ. Bà nhai trăng, nhổ gió vào cái ống nhổ bằng đồng đã lên nước thời gian bóng loáng. Bà nội lẩy Kiều, giọng bà còn trong và sáng lắm, vừa như ngọc lại vừa như sương “…Gương nga vằng vặc trời trong/Vàng gieo đáy nước, cây lồng bóng sân…”. Thương lắm những câu Kiều đầy nước mắt vẫn vọng về nức nở từ một đêm thu xa lơ, xa lắc.

Tôi ngủ rồi, trong giấc mơ, tôi thấy mình còn thơ dại ngồi xem bố làm đèn ông sao, đi rước đèn cùng chúng bạn, phá cỗ trông trăng và nghe bà nội lẩy Kiều. Nỗi nhớ ấy cứ vang rền như trống ếch đêm rằm và cháy rực như ngọn lửa xanh trên xâu hạt bưởi ai vừa mới đốt để tôi lớn khôn mà đi qua thăm thẳm cõi người, nhưng luôn biết nâng niu, trân trọng những điều bé nhỏ đã nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo. Nhớ thật là nhớ, khi ngồi viết mấy dòng hoài niệm này cho những tết Trung thu đã xa, rất xa…

Exit mobile version