Nguyễn Thế Kiên (còn gọi là Kiên lục bát), sinh năm 1971, quê Nam Định, hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định, hiện quản lý công ty CP Văn hóa Đất Việt tại Hà Nội. Đến nay, Nguyễn Thế Kiên đã có 8 tác phẩm đã xuất bản: Gọi hồn quê – NXB Hội Nhà văn; Sữa đất – NXB Hội Nhà văn; Đường về – NXB Hội Nhà văn; Bóng đất – NXB Văn học;  Tản mản lòng tay – NXB Hội Nhà văn; Bùa yêu – NXB Hội Nhà văn; Đối diện đêm – NXB Hội Nhà văn; Mãi tin vào những kiếp người – NXB Hội Nhà văn. Anh đã được trao các Giải thưởng văn học: Tập thơ Gọi hồn quê – Giải C Lương Thế Vinh của UBND tỉnh Nam Định (2006 – 2010);  Tập thơ Bóng đất – Giải Khuyến khích của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2012. Trong khi rất nhiều tác giả trẻ hôm nay xa rời với với thể thơ lục bát- hồn cốt của bản sắc thi ca dân tộc thì Nguyễn Thế Kiên lại lặng lẽ và thủy chung với nhịp điệu thơ truyền thống đó. Điều đáng nói, thơ lục bát của Nguyễn Thế Kiên không chịu dễ dãi với sự ngọt ngào quen thuộc của thi điệu sáu-tám mà trong thơ anh, tính thế sự, tính đời sống dường như đã ngấm vào từng con chữ để làm nên một gương mặt thi ca trẻ rất đáng chú ý của dòng chảy thi ca đương đại. VanVN.Net giới thiệu chùm thơ đặc sắc dưới đây của nhà thơ trẻ Nguyễn Thế Kiên.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Thế Kiên


NGÀN NĂM LỤC BÁT

Trước ngàn năm cứ ngây thơ

Sông Hồng ơi, chẳng bao giờ già nua

Từ đêm sen nở thành chùa*

Câu thơ lục bát vẫn chưa lấy chồng.

________________

*Chùa Một Cột ra đời từ giấc mơ của vua nhà Lý


LỜI RU MẸ ÂU CƠ GỬI ĐẢO


Dẫn con về phía biển xanh

Thương cha, mẹ khóc lệ thành đảo xa

Mấy đời xẻ bảy chia ba

Sục sôi biển cứ thiết tha cùng người.


Sóng ngầm vạn kiếp chưa thôi

Mẹ ru đá ngủ trong lời nước non

À ơi mấy cuộc vuông tròn

Máu cha còn gửi cội nguồn đất đai


Núi cao, biển rộng sông dài

Lời ru mẹ vọng bên ngoài nước non

Nước mắt mẹ ứa màu son

Mẹ ru cho lặng sóng cồn biển xanh…


Nhà ta kẻ cắp rập rình

Quên lời mẹ, tưởng bình minh là hồng,

Em cầm nón trắng sang sông

Phút nông nổi lỡ mang giông bão về.


Biển cồn trăm nỗi tái tê

Lời cha ông dẫn lối về mai sau

“Trời xanh còn ở trên đầu

Mấy ngàn năm đã cũ đâu, kẻ thù”!


May còn vang vọng lời ru

Còn nước mắt mẹ nhân từ trong tim

À ơi, đảo nổi đảo chìm

Từ cay đắng mẹ – mà nên đất này.


NÓI VỚI EM VỀ PHO TƯỢNG XÀ THẦN


Mỗi vảy đá một nghẹn ngào

Nỗi xưa nham nhám đọng vào ngàn năm

Tay em chắp lại ngực rằm

Tiếng mùa xuân khấn giữa lầm rầm mưa.


Oan này trả lại ngày xưa

Nịnh hay trung cũng theo vua cả rồi

Khí thiêng đá nhập vào đời

Xé thân mình giữa thế thời đục trong.


Em ơi, mắt đá lưng tròng

Hàm răng cắn chặt mấy vòng oan khiên

Điều gì như thể thành quen

Cúi đầu chẳng dám nhìn lên cõi này.


Cao hay thấp, mỏng hay dày

Bao nhiêu nước mắt bỏng tay kiếp người

Khói hương xông thẳng lên trời

Cỏ xanh

tràn biếc đỉnh đồi

vô tư.

_________________

1. Tượng đá Xà Thần “Miệng cắn thân, chân xé mình”  tại miếu Xà Thần, nơi thờ Thái sư Lê Văn Thịnh ở Bảo Tháp – Gia Bình –  Bắc Ninh.


ĐÀN BÀ !

Có nhỏ lại

Trời vẫn xanh,

Miền yêu

Một thoáng rùng mình

Vẫn thiêng !


Đêm cuồn cuộn

Đêm nằm nghiêng

Tàn…

Im lặng

Lại bùng lên nhiệm mầu.


Em chín đỏ

Cõi thẳm sâu

Bao tơi tả, đỡ hai đầu đêm – em.


Dẫu nông nổi gọi thành tên

Kệ…

Em cứ cháy thành em: Đàn bà !

Tan mình vào cuộc sinh ra

Em mang thai cả hồn ta… mỗi ngày !


NHỮNG LO ÂU MÀU TRẮNG…


Quay vòng giặc giã, bão giông

Mà nên cái dáng lưng cong đất này

Lúa khoai chinh chiến dạn dày

Lá cây vạt nhọn bóng ngày binh đao


Núi rừng, biển rộng trời cao

Có giàu đâu? Bạc vàng nào của ta

Lòng tay lịch sử mở ra

Lạy giời, máu đỏ thấm qua vạn đời…


Chân hương đỏ chọc lên trời

Tàn nhang cong dấu hỏi rơi xuống mồ

Tôi đi qua những điện thờ

Dựng trong nước mắt mịt mờ thẳm sâu


Chiều nay biển động bờ đau

Lối xưa… trắng những lo âu ngược về….


CHUYỆN QUÊ


Người quê gieo những âm thầm

Để cho mưa nắng bật mầm mà xanh

Phố trườn thêm một đoạn lành

Chạm quê nhìn cái long lanh thở dài.


Cúi đầu thì gặp đất đai

Thời nào chả có chông gai thế này

Nước non đầy những vơi đầy

Gia tài trắng, nổi đắng cay trên đầu.


Nghe từ gió cả sông sâu

Dạy chung sống với lo âu vạn đời

Mẹ quê thấp thỏm đứng ngồi

Chắp tay cầu chiến chinh thôi đừng về.


Con từ giã tuổi thơ đi

Giảng đường sau phía mùa thi kia rồi

Lặng im cha nghẹn tiếng cười

Tấm huân chưong đỏ ứa nơi ngọn nguồn


Lúa dậy thì, mẹ bán non

Mùa vui có trọn tuổi con đong đầy?

Bà ngồi bấm đốt ngón tay

Nụ cười rân rấn như ngày tiễn ông

Tai bà đã nặng đau thương

Chỉ văng vẳng nỗi gió sương cánh đồng…


Chuyện quê mưa nắng xoay vòng

Niềm hy vọng mãi phập phồng… chuyện quê.


CHUYỆN MỘT THỜI…


Một thời giờ hóa khói sương

Văn chương từ mặt đau thương kiếp người

Bình minh mắc ngược chân trời

Con chim khướu hót những lời vu vơ.


Một thời thơ bỏ xa thơ

Ngây ngô ru ngủ bến bờ nhân gian.

Đem khoe những cái nghèo nàn

Thành gia sản giữa miên man thánh thần

Chỉ riêng mặt đất cởi trần

Hóa thân thành gạo cứ ngằn ngặt thơm.


Một thời dẫm gót rạ rơm

Mà ra rả những ngọn nguồn sớm mai

Đi qua mấy cuộc rộng dài

Về nghe bùn đất sớm mai thì thào:

Câu thơ chìm nghỉm đáy ao


Sáng nay chẳng biết cõi nào vớt lên!


VỚI PHỖNG SÀNH


Chiều còn một nhúm trời xanh

Ta ngồi với gã phỗng sành tỉ tê


Kéo bao nhiêu nỗi bộn bề

Nhập lời im lặng vào tê tái chiều


Mắt này, phỗng tuổi bao nhiêu

Mà sành sứ cả những điều dại khôn?


Tai này, hai lỗ vô hồn

Lời tươi non đã nén dồn ngàn năm


Miệng này… hai nửa nụ trầm

Phỗng hay ta giữa lặng câm tảo tần.


XƯA MÀ CHƯA CŨ


Đứng đây từ trước cổng chùa

Hai ông hộ pháp già nua cả rồi

(Mấy trăm năm chửa thành người

Phải chăng tu vụng… giữa đời vẫn ông)

Từ gạch nát, đến bê tông

Hoá thân vạn kiếp mà không là mình,

Cỏ kia ngả xuống đất lành

Một lần lửa cháy đã thành mây bay…

 

Theo Hội Nhà văn Việt Nam

Exit mobile version