Ba Lan đã có tất cả bốn nhà thơ, nhà văn được trao Nobel văn học. Đó là Henryk Sienkiewicz (1905), Wladyslaw Stanislaw Reymont (1924), Czestaw Milosz (1986) và Wislawa Szymborska (1996).

Nhà thơ Wislawa Szymborska

Nhìn vào các con số, có thể thấy để có hai Nobel về văn xuôi, Ba Lan cần 19 năm, để có hai Nobel về thơ, số năm này rút xuống còn 16 năm. Việc Ba Lan có hai Nobel văn học về thơ trong một thời gian ngắn như vậy hình như không khiến ai phải ngạc nhiên vì từ lâu mọi người hầu như thống nhất trong nhận định: Ba Lan là đất nước của thơ và nhạc. Tuy vậy cũng cần nhấn mạnh ở đây một đặc điểm rất riêng của văn học Ba Lan: Thơ có vị trí vô cùng đặc biệt.

Trong văn học Ba Lan, từ 200 năm nay, sau khi đất nước mất nền độc lập vào năm 1795, điều đó cũng đồng nghĩa với mất nước, trong vòng hơn 100 năm, tính đến khi giành được độc lập, chủ quyền vào năm 1918, thơ Ba Lan trở thành phương tiện chuyển tải ý thức dân tộc Ba Lan. Thơ gánh vác nhiệm vụ thúc đẩy quá trình hình thành thái độ công dân yêu nước, người Ba Lan tìm thấy trong thơ ca niềm động viên, khích lệ khi đất nước gặp tình cảnh khó khăn, bi kịch nhất của lịch sử dân tộc. Nhà thơ từ đó đến nay luôn nhận được sự kính trọng, tôn vinh, song cũng được chờ mỏi, mong đợi, giao trách nhiệm phải viết nên một cái gì đó “hệ trọng”. Có nhà phê bình thơ Ba Lan khẳng định rằng thậm chí khi một nhà thơ Ba Lan muốn đùa một chút cho vui thì bạn đọc vẫn đòi hỏi ở họ  sự vui đùa có chủ đề liên quan đến các vấn đề công dân, xã hội và triết lý cuộc sống. Thơ trữ tình thuần túy giải trí nói chung không được tiếp nhận nhiệt thành, ngược lại bị coi thường ở Ba Lan. Một nhận định khác cũng khá phổ biến là người Ba Lan kính trọng các cây bút văn xuôi của họ, song các nhà thơ thì được yêu quý và chờ đợi thực hiện sứ mệnh cao cả.

Sự kiện đáng chú ý nhất là hai Nobel văn học được trao cho Czeslaw Milosz và Wislawa Szymborska. Đây là sự thừa nhận đối với chất lượng các tác phẩm thơ trữ tình của hai nhà thơ sinh ra bên dòng sông Visla. Nhưng điều đặc biệt đáng nói ở hai thi sĩ lớn này là sau khi nhận giải thưởng có giá trị lớn lao về nhiều mặt, họ không gác bút. Có người gọi Nobel văn học là “nụ hôn thần chết” xuất phát từ một thực tế là sau khi được trao giải, nhiều người kết thúc sự nghiệp sáng tác của mình. Lý do có thể có nhiều, song chủ yếu là việc không thể tập trung thời gian cho sáng tác, sợ các tác phẩm viết ra sau này không đạt trình độ các sáng tác trước khi nhận giải… Czeslaw Milosz và Wislawa Szymborska thật sự là những ngoại lệ. Hai thi sĩ Ba lan này không chỉ tiếp tục viết mà còn viết hay hơn, viết nhiều hơn và quả thật họ đã làm giàu có thêm di sản văn học của mình và càng về sau càng chứng tỏ họ là những nghệ sĩ – trí thức Ba Lan quan trọng nhất thời đại mình. Trong trường hợp Wislawa Szymborska, điều này càng đặc biệt rõ. Tác phẩm của bà in đậm dấu ấn tài năng cá nhân đặc sắc, không lặp lại ở bất cứ đâu, không tìm thấy ở bất cứ người nào khác.

Nobel văn học dành cho Czeslaw Milosz mang một ý nghĩa hơi khác, bởi vì nó được trao trong bối cảnh có những sự kiện mang tính bước ngoặt về chính trị. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, Ba Lan nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô, lực lượng đối lập cả về chính trị lẫn văn học hoạt động ở nước ngoài (chủ yếu ở Mỹ, Anh, Pháp). Czestaw Milosz cũng nằm trong lực lượng đó vì từ năm 1951 ông chính thức xin tị nạn tại Pháp. Việc ông nhận Nobel văn học được coi là sự cổ vũ cho xu hướng tự do, dân chủ trong tình hình thế giới đã có nhiều biến đổi.

Dưới đây là một số bài thơ của hai nhà thơ Ba Lan được trao giải Nobel văn học.

Nhà thơ Czeslaw Milosz

Czeslaw Milosz

QUÀ TẶNG

Có một ngày may mắn thế này.

Sương tan sớm, trong vườn tôi cuốc đất

Lũ chim ruồi nhằm bụi hoa kim ngân sà thấp

Trên mặt đất không có thứ gì khiến tôi thấy mà thèm

Tôi không biết ai là người để tôi phải phát ghen

Những gì tồi tệ xảy ra, tôi không giữ trong trí nhớ

Khi nghĩ mình đã là ai, đang là ai, tôi không xấu hổ

Tôi không cảm thấy trong thân thể mình đang có một nỗi đau

Tôi vươn mình, thấy biển xanh và những cánh buồm nâu.

HY VỌNG

Có niềm hy vọng khi ai đó tin rằng

Trái đất không phải là giấc mơ mà là cơ thể sống

Rằng thị giác, xúc giác hay thính giác không bao giờ lừa dối

Còn tất cả những gì tôi biết ở đây

Đều giống như một khu vườn, khi bạn đứng bên cánh cổng.

Vào thì không thể được. Nhưng có điều chắc chắn

Nếu chúng ta nhìn nó kỹ hơn, nhìn nó thông minh hơn

Ta sẽ thấy trong cái vườn thế giới ấy

Một bông hoa mới nở và không chỉ một vì sao.

Một số người bảo rằng con mắt gây ảo tưởng cho ta

Rằng không có bất cứ thứ gì, rằng chỉ vì ta cứ tự nghĩ ra

Nhưng họ là những người không bao giờ hy vọng

Chính họ nghĩ khi con người quay lưng lại

Thì cả thế giới sau họ lập tức cũng không còn

Như thể chúng bị cướp đi bởi trộm cắp, du côn.

Ý NGHĨA

Khi nào tôi chết, tôi sẽ thấy mọi ngóc ngách của thế giới này

Thấy mặt kia của nó, sau tiếng chim, dãy núi và sau khi vầng dương lặn

Thấy cái ý nghĩa đích thực đòi hỏi phải biết đọc nó lên

Thấy cái gì chưa thống nhất trước đây giờ sẽ thống nhất

Cái gì chưa hiểu trước đây bây giờ sẽ hiểu.

Nhưng nếu thế giới không có ngóc ngách thì sao?

Nếu chú chim họa mi trên cành hoàn toàn không phải dấu hiệu

Chỉ là chú họa mi trên cành, nếu ngày và đêm

Chỉ thay nhau tiếp diễn, không quan tâm ý nghĩa

Và không có gì trên trái đất này ngoài trái đất ra?

Một khi chỉ có vậy thôi thì vẫn còn lại

Một lời được nói ra qua cửa miệng, không đọng lại lâu,

Nhưng bay đi, bay đi, không dừng lại, như một sứ giả không biết mệt

Giữa dải ngân hà bao la giữa các vì sao

Và phản đối, và kêu gọi, và thét gào.

NGÀY TẬN THẾ

TRONG NGÀY TẬN THẾ

CHÚ ONG LƯỢN VÒNG QUANH BÔNG HOA SEN CẠN

NGƯỜI ĐÁNH CÁ VÁ CHIẾC LƯỚI LẤP LÁNH DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI.

ĐÀN CÁ CÁ HEO NHẢY TRÊN MẶT BIỂN REO VUI,

TRÊN MÁNG XỐI LŨ SẺ ĐANG RÍU RÍT

VÀ CON RẮN CÓ TẤM DA VÀNG, NHƯ NÓ CẦN PHẢI CÓ.

TRONG NGÀY TẬN THẾ

ĐOÀN PHỤ NỮ ĐI QUA CÁNH ĐỒNG DƯỚI NHỮNG CHIẾC Ô CHE,

NGƯỜI SAY RƯỢU NẰM NGỦ BÊN VỆ CỎ,

TRÊN ĐƯỜNG PHỐ VANG TIẾNG RAO BÁN QUẢ

Và chiếc thuyền con cánh buồm vàng nhằm phía đảo đang bơi 
Âm thanh cây đàn violon vang mãi không thôi
Và đêm đầy sao đang dần khép lại.
Còn những ai đã mất công chờ đợi sấm vang chớp giật

Họ đã bị thất vọng tràn trề.

Còn những ai đợi chờ tiếng kèn của thần tiên

Họ không tin điều này đang đến.
Khi mặt trời và mặt trăng vẫn đang ở tận trên kia,
Một khi chú ong vẫn đến thăm bông hồng rực rỡ,
Một khi những đứa trẻ em chào đời với làn da đo đỏ,
Không ai tin điều trên kia xảy ra.
Chỉ có ông già đầu tóc bạc phơ có thể trở thành nhà tiên tri,
Nhưng ông không là nhà tiên tri, vì ông còn có bao công việc khác,
Ông vừa kể chuyện vừa buộc những túm cà chua cho chặt:
Sẽ không có ngày tận thế nào đâu,
Sẽ không có ngày tận thế nào đâu.

HÃY QUÊN ĐI

Hãy quên đi những đớn đau,
Bạn tự gây cho mình.
Hãy quên đi những đớn đau,
Người đời gây cho bạn.
Nước vẫn chảy và chảy,
Mùa xuân vẫn rực rỡ rồi tàn,
Bạn đi trên mảnh đất chỉ còn mang máng nhớ.
Thỉnh thoảng nghe vang lên một khúc ca.
Điều này nghĩa là gì, bạn đưa ra câu hỏi,
Ai đang hát kia?
Mặt trời trẻ thơ đang lên,
Cháu và chắt chào đời.
Giờ chúng dắt tay bạn.
Trong bạn tên những dòng sông vẫn còn đọng lại.
Những dòng sông biết chảy thật lâu.
Những cánh đồng của bạn, bị bỏ hoang,
Những tháp cao thành phố, trông đã khác.
Bạn đứng bên ngưỡng cửa, không nói  nên lời.

NGƯƠI, KẺ NHỤC MẠ NGƯỜI KHÁC

 
Ngươi, kẻ nhục mạ một người chất phác
Rồi sằng sặc cười sau khi xỉ nhục anh ta,
Một nhóm những tên hề người tập hợp quanh mình
Để lẫn lộn những điều thiện, ác,
 
Cho dù trước mặt ngươi tất cả cúi khom chào
Rồi gán cho ngươi nào thông minh, nào đạo đức,
Rèn cho ngươi những tấm huân chương vàng rực,
Và cảm thấy vui khi một ngày nữa qua đi,
 
Ngươi đừng thấy mình bình yên. Nhà thơ sẽ nhớ .
Ngươi có thể giết người này – người mới sẽ sinh ra.
Hành động và câu chuyện về ngươi sẽ được chép ghi.
 
Đối với ngươi thế giới mùa đông có thể tốt hơn
Và sợi dây và cành cây oằn xuống dưới sức nặng thân thể ngươi đó.

Wislawa Szymborska

SỐNG PHẢI NHỚ THẬT KHÓ

Tôi là vị thính giả tồi của trí nhớ chính mình.

Trí nhớ muốn tôi luôn nghe lời nó,

mà tôi thì cứ quanh quẩn ra vào,

lầu bầu cái gì nghe chẳng rõ,

khi thì nghe, lúc lại không,

tôi ra khỏi nhà, rồi quay về, rồi lại bước ra đường.

Trí nhớ muốn tôi dành cho nó trọn thời gian và tâm trí.

Khi tôi ngủ, điều này tương đối dễ,

Còn ban ngày thì muôn màu muôn vẻ hơn, nên nó có ý trách móc tôi.

Nó đưa lại gần tôi những bức thư, tấm ảnh nhiệt huyết một thời,

nó đề cập các sự kiện quan trọng và không quan trọng,

nó đưa mắt nhìn những cảnh đã ít nhiều lu mờ qua năm tháng,

và làm chúng sống lại bằng hình ảnh những người thân đã khuất của tôi.

Trong các câu chuyện nó kể tôi luôn trẻ hơn về tuổi đời.

Cái đó thật đáng yêu, chỉ có điều cứ mãi một chủ đề ấy làm gì nhỉ,

Mỗi cái gương đối với tôi chứa đựng những thông tin khác nhau đến thế.

Trí nhớ giận tôi khi tôi bỗng nhún vai

Nó không muốn bỏ qua những lỗi lầm tôi phạm phải,

Những sai lầm nghiêm trọng nhưng sau đã nguôi ngoai,

Nó nhìn thẳng vào mắt tôi và chờ cách tôi phản ứng,

Và cuối cùng an ủi rằng mọi thứ có thể tồi tệ hơn nhiều.

Trí nhớ muốn tôi sống cho nó, với nó, chỉ có bấy nhiêu.

Tốt nhất là sống trong một căn phòng luôn tối tăm, đóng kín,

Mà với tôi thì mặt trời hôm nay phải luôn hiển hiện,

Những đám mây phải trôi và phía trước luôn là những con đường.

ĐÔI KHI TÔI CŨNG CHÁN CẢNH TRÍ NHỚ CỨ LẼO ĐẼO KHÔNG NGỪNG,

TÔI ĐỀ NGHỊ CHIA TAY. TỪ HÔM NAY, CHIA TAY MÃI MÃI,

KHI ẤY TRÍ NHỚ CƯỜI TÔI THƯƠNG HẠI,

BỞI NÓ BIẾT RẰNG ĐÓ SẼ LÀ BẢN ÁN DÀNH CHO CHÍNH BẢN THÂN TÔI.

VERMEER

Cho đến khi người phụ nữ ở Rijksmuseum này

chăm chú ngồi giữa tĩnh lặng được vẽ trong tranh

rót sữa từ bình ra bát

rót suốt ngày này qua ngày khác

thì Thế giới này

không đáng chịu ngày tận thế.

VIỆT NAM

Ê, mụ kia, họ tên mụ là gì? – Tôi không biết.*
Mụ sinh ngày tháng năm nào, quê mụ ở đâu? – Tôi không biết.
Tại sao mụ lại đào hầm trong lòng đất? – Tôi không biết.
Mụ từ đâu đến ẩn náu ở đây? – Tôi không biết.
Sao mụ lại cắn vào ngón tay ta? – Tôi không biết.
Mụ có biết bọn ta không làm điều gì xấu? – Tôi không biết.
Mụ đứng về phía bên nào chiến tuyến? – Tôi không biết.
Thời buổi chiến tranh mụ buộc phải chọn đi. – Tôi không biết.
Xóm làng của mụ còn không? – Tôi không biết.
Đây là những đứa con mụ phải không? – Phải.

____________________

* Một số dịch giả coi đây như là sự hỏi đáp giữa tác giả và người phụ nữ Việt Nam. Không đúng. Bài thơ viết dưới dạng cuộc hỏi đáp giữa tên lính Mỹ với một phụ nữ Việt. (chú thích của người dịch)

THÍ DỤ

Cơn lốc

trong đêm cuốn sạch mọi chiếc lá trên cây

chỉ duy nhất một cái lá nhỏ

còn đây

để mà lung lay một mình trên những cành trụi lá.

Trong thí dụ đó

bạo lực cho thấy rõ

là đôi khi

nó cũng thích đùa.

VIẾT TIỂU SỬ

Cần gì?

Xin mời viết đơn

và cùng với đơn xin đính kèm tiểu sử.

Bất kể cuộc đời dài ngắn ra sao

tiểu sử nên ngắn gọn.

Viết thật súc tích và sự kiện phải chọn lọc kỹ càng

Thay danh lam thắng cảnh bằng những địa chỉ rõ ràng

những hồi ức chưa định hình thay bằng tháng ngày không thay đổi

Từ tất cả các mối tình chỉ cần mối tình có xin có cưới

còn trong số những đứa con ghi lấy những đứa được sinh ra.

Quan trọng hơn là ai biết bạn chứ không phải bạn biết anh ta

Trong các chuyến đi, chỉ có đi nước ngoài mới tính

Khai xem bạn gắn bó với cái gì, còn tại sao không cần biết đến

Huân huy chương chỉ cần khai, không cần ghi rõ vì sao.

Bạn hãy viết như chưa khi nào mình với mình trò chuyện

và giống như chính mình muốn tránh xa mình.

Hãy lặng lẽ bỏ qua cả chó, mèo, chim chóc

những kỷ vật, bạn bè và cả những giấc mơ.

Có lẽ giá quan trọng hơn giá trị

và danh hiệu quý hơn nội dung.

Quan trọng cỡ giầy anh ta bao nhiêu, còn đi đâu không còn quan trọng

cũng như không quan trọng chuyện người ta nghĩ bạn là ai.

Kèm theo đơn là tấm ảnh chụp để lộ một bên tai.

Quan trọng là hình dáng của tai chứ không phải những gì tai nghe thấy.

Nghe thấy gì ư?

Chỉ có tiếng ầm ầm của những cỗ máy đang nghiền giấy.

LY HÔN

Với bọn trẻ, đó là lần đầu tiên trong đời trời sập

Con mèo con có ông chủ mới

Con chó con có bà chủ mới toanh

Những đồ đạc sắm thêm lại kẽo kẹt đi trên các bậc cầu thang

xe chở đi chở về nườm nượp.

Vì gỡ đi mấy bức tranh nên trên tường có những khoảng trống hình vuông

Hàng xóm tầng trệt có thêm đề tài cho câu chuyện phiếm giải buồn.

Ô tô ít nhất có hai thì tốt.

Tiểu thuyết, thơ ca, cần gì, thì đấy, xin mời, cứ nhặt.

Nhưng khó hơn là bộ từ điển bách khoa hay thiết bị nghe nhìn

và khó hơn là làm gì với cuốn sách tư vấn về chính tả

ở đấy có những chỉ dẫn về cách viết tên đôi nam nữ –

liệu có thể vẫn nối hai cái tên bằng liên từ “và”

hay chia hai cái tên ra bằng dấu chấm.

NƠI ĐÂY

Ở đâu thì tôi không biết,

chứ nơi đây, trên Trái đất này, có bao nhiêu thứ.

Nơi đây người ta sản xuất ra ghế ngồi và ra những nỗi buồn,

ra kéo, ra đàn, ra yêu thương và ra đài bán dẫn

xây đập nước, nghĩ ra những câu đùa, làm ra những cái ly.

Có thể nơi nào khác, có các thứ nhiều hơn

nhưng vì lý do nào đó mà các bức tranh lại thiếu,

thiếu đèn hình, thiếu bánh gối và khăn lau nước mắt.

Nơi đây có biết bao nhiêu danh lam thắng cảnh.

một số nơi bạn có thể thích được ngay,

gọi tên chúng theo cách nào tùy bạn

và bảo vệ chúng trước những điều độc ác.

Có thể nơi nào khác cũng có những địa danh giống hệt ở đây,

chỉ có điều không ai coi chúng là đẹp cả.

Có thể không nơi nào, hay ít có nơi nào có thể,

nhưng nơi đây bạn có riêng một tấm thân

và có bao như thứ nó cần,

bạn nhập con bạn vào đám con của những người xa lạ.

ngoài ra còn góp chân, góp tay và cái đầu biết nghĩ.

Nơi đây, nếu thiếu, kiến thức sẽ luôn được bổ sung,

nên phải tính toán cộng trừ, đối chiếu và đo đạc,

từ đó kết luận được rút ra và các nguyên tố được tìm ra.

Tôi biết, tôi biết, bạn đang nghĩ suy gì,

bạn nghĩ nơi đây chẳng có gì bền vững,

từ bao đời nay chỉ thiên nhiên là đầy sức mạnh.

Nhưng bạn hãy xem – thiên nhiên cũng hay mệt mỏi dễ dàng

và đôi khi nó cũng cần phải nghỉ ngơi một thời gian

cho đến lần tác oai sau đấy.

Tôi biết bạn vẫn đang nghĩ thêm gì.

Chiến tranh, chiến tranh, chiến tranh không ngớt.

Nhưng giữa các cuộc chiến tranh, tiếng súng có thể im.

Hô: Nghiêm – khi có những con người xấu.

Hô: Nghỉ – có những người tốt rồi đây.

Đứng nghiêm sản sinh ra những vùng đất trống

Tư thế nghỉ làm trán đẫm mồ hôi khi những ngôi nhà xây dựng

và vào ở trong đó thật nhanh.

Giá sinh hoạt trên đất này có thể không đến nỗi cao,

chẳng hạn như bạn không phải trả cho giấc ngủ một xu nào.

Cho những viển vông – chỉ khi nào mất mát.

Để sở hữu tấm thân – chỉ phải trả bằng thân.

Và như thể ngần ấy thứ vẫn còn quá ít

Bạn không mua vé mà vẫn chơi đu quay giữa các hành tinh,

Và lần này bằng chiếc đu quay, vẫn lậu vé, đi giữa các thiên hà trong bão táp

trong thời đại biến động không ngừng,

đến nỗi trên Trái đất này muốn run cũng không kịp nữa.

Bởi vì bạn hãy nhìn cho kỹ:

Bạn vẫn đứng nguyên nơi nó từng đứng yên,

trên bàn có mẩu giấy, nó được đặt ở trong tư thế

chỉ cần gió thổi nhẹ qua cửa sổ khép hờ

mà trên tường thì không có bất cứ kẽ hở nào có thể

cho bạn nghĩ rằng ngọn gió cuốn bạn đi.

NGUYỄN CHÍ THUẬT dịch

(từ nguyên bản tiếng Ba Lan)

(Vanvn.net)