Cuốn hồi ký “Một thời giông bão” của nghệ sĩ Thương Tín đang nhận được những dư luận trái chiều. Người cho rằng, những câu chuyện Thương Tín kể là bất nhẫn với những người phụ nữ đã đi qua đời anh. Nhưng nhiều ý kiến ngược lại, hồi ký là câu chuyện cuộc đời, và điều quan trọng nhất của nó là sự trung thực.
Ai cũng hiểu viết hồi ký là chạm tới những sự thật, công bố những sự thật về cuộc đời một con người. Thế nhưng, bao nhiêu sự thật được chạm tới và chạm như thế nào, bởi khi đã xuất bản cuốn sách trở thành một tác phẩm văn hóa, có những ảnh hưởng xã hội nhất định.
Còn nhớ, hồi trước, cuốn hồi ký “Lê Vân, yêu và sống” cũng đã gây bão dư luận khi chị kể lại những câu chuyện động chạm tới một gia đình nghệ sĩ lớn ở đất Bắc, chuyện tình yêu liên quan đến những người nổi tiếng. Lần đó nhiều người lên án Lê Vân bởi cách chị kể đã làm tổn thương đến những người yêu thương chị. Nhưng Lê Vân viết cuốn sách đó với mục đích sám hối và gần như những nhân vật trong sách đều được viết tắt. Những ì xèo về câu chuyện của chị rồi cũng lắng xuống theo thời gian.
Trở lại cuốn hồi ký của Thương Tín, tôi thực sự thất vọng khi đọc nó. Với một cuộc đời giông bão của diễn viên tài hoa như Thương Tín, người chấp bút có thể chọn một cách viết khác hơn, chuyển tải được câu chuyện lớn về cuộc đời một nghệ sĩ đã từng “làm mưa làm gió” trên màn ảnh Việt. Đành rằng viết hồi ký là kể lại những câu chuyện có thật trong cuộc đời. Nhưng cuốn hồi ký của Thương Tín chỉ nhằm vào những chi tiết, những câu chuyện giật gân như yêu đương, tình ái…
Cuốn hồi ký của diễn viên Thương Tín đang gây ra những ý kiến trái chiều.
Mặc dù trước khi phát hành cuốn hồi ký này, Thương Tín có nói rằng, anh xin lỗi nếu những chia sẻ của anh sẽ làm tổn thương những người đàn bà bây giờ họ đang có cuộc sống yên ổn khác. Nhiều người cho rằng, Thương Tín đang kiếm tiền trên nỗi đau của những người phụ nữ đã đi qua đời anh. Đó là cách anh đang bắn súng lục vào quá khứ. Và cuốn hồi ký, một cách nào đó, đã góp phần giết chết hình ảnh của Thương Tín trong lòng khán giả.
Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là giới hạn nào cho một cuốn hồi ký, khi yêu cầu tiên quyết nhất là sự thật. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Đạo đức của tự truyện không nằm ở chỗ nói ra hay không nói ra những sự thật, có thể xấu xa của chính người viết, nhất là khi sự thật đó liên quan tới những người khác. Vì nếu không muốn nói ra thì dẹp ngay từ đầu ý định viết tự truyện, nghĩa là những sự thật kia sẽ im lặng cùng chủ nhân xuống mồ”.
Những cuốn hồi ký của các nhà văn lớn như Nguyên Hồng, Tô Hoài, hay Ma Văn Kháng đều có những sự thật động chạm tới những người nổi tiếng, thậm chí, công bố những sự thật gây sốc trong làng văn nghệ. Nhưng đó vẫn là những cuốn hồi ký giá trị, vì đã ghi lại cuộc đời những con người có ảnh hưởng lớn và qua đó, ta thấy được những biến động của lịch sử, của thời cuộc.
Diễn viên Thương Tín và diễn viên Diễm My tại buổi ra mắt cuốn hồi ký.
Mọi sự so sánh đều khập khễnh, nhưng cuốn hồi ký của Thương Tín khiến nhiều người thất vọng và phản ứng, bởi chính cách lựa chọn câu chuyện của người kể và người chấp bút. Thiết nghĩ, giới hạn của một cuốn hồi ký là sự thật và qua những sự thật đó để hiểu hơn một cuộc đời, một số phận trong một giai đoạn của lịch sử, chứ không chỉ là câu chuyện của cá nhân.
Khi cuốn sách đã xuất bản, dù là câu chuyện của cá nhân, thì nó cũng mang một thông điệp nhân văn. Thế nên, hãy viết hồi ký như một câu chuyện của cuộc đời, chứ không nên chỉ chú trọng vào những chi tiết gây sốc để bán sách. Đó cũng là cách mà người kể và người chấp bút coi thường độc giả của mình. Khi Thương Tín ra mắt “Một thời giông bão”, ông cũng nói rằng, ông viết để kiếm tiền cho con gái nhỏ của ông.
Điều đó cũng chính đáng thôi, nhưng cái cách lựa chọn câu chuyện của ông đã vô tình giết chết hình ảnh của Thương Tín. Bởi, đó không phải là cách để hồi ký tồn tại, vì sự PR nào, dù khôn khéo đến mấy, cũng chỉ đạt được mục đích tức thời. Cuốn sách sống mãi, là cuốn sách chạm tới nhiều vấn đề, là câu chuyện một cuộc đời đã sống và cống hiến cho nghệ thuật.
Hồi ký là sự thật. Nhưng sự thật được chấp bút như thế nào, được kể bằng cách nào, đó là cả một vấn đề. Cuộc đời Thương Tín đáng để viết hồi ký. Nhưng cách lựa chọn câu chuyện của người kể và người chấp bút đã thất bại. Không phải ai nổi tiếng cũng có thể viết hồi ký thành công. Và càng không thể thành công, khi người viết mượn thể loại hồi ký để chỉ nhăm nhăm kể những câu chuyện ăn khách, chạy theo thị hiếu.
Nhà phê bình văn học Đoàn Ánh Dương: Đạo đức số một của người viết tự truyện là kể trung thành
Mình chưa đọc hồi ký của Thương Tín nhưng hồi ký thường kể những chuyện từ ngày xưa. Đó là những câu chuyện có thật. Nếu anh đã ghi là hồi ký thì những gì kể ra phải là sự thật. Anh bớt đi hoặc thêm một vài chi tiết thì nó không thành hồi ký nữa. Còn việc sự thật đó gây ra phản cảm hay không đó là việc của người đọc mà thôi. Bởi vì khi người đó kể, họ chỉ muốn kể trung thành những gì mình đã trải qua.
Ở đây, trong câu chuyện cuốn sách của Thương Tín, chi tiết cô ca sỹ Hồng Nhung (không phải Hồng Nhung “Bống”) bị đả kích nhiều nhất – thì với người kể, đó là một câu chuyện bình thường. Bởi họ đã cốt tâm kể những câu chuyện của mình, họ phải kể những chuyện ấy. Còn người ngoài đọc vào có thể thấy họ ác hoặc thế này thế kia thì nó lại là chuyện khác và tùy cách tiếp nhận của từng người. Ví dụ như việc chồng diễn viên Diễm My cho cô ấy đến tham dự buổi ra mắt cuốn sách của Thương Tín chẳng hạn. Người kể chỉ có một tâm niệm, đó là đã đến lúc tôi cần kể trung thành cuộc đời của tôi. Trường hợp Lê Vân trước đây cũng thế, chị ấy kể những câu chuyện chị ấy đã trải qua và cho rằng nó là đúng với nhận thức của mình. Thương Tín cũng thế thôi. Còn lại, với người khác, họ không quan tâm. Họ chỉ kể câu chuyện của mình thôi, tiếp nhận như thế nào, phán xét ra sao là ở phía người đọc. Cái đó họ không cần trả lời.
Khi hồi ký được xuất bản, trở thành một sản phẩm đại chúng. Lúc đó người ta sẽ đặt ra câu chuyện đạo đức của người viết tự truyện. Thể loại hồi ký cho phép người ta kể những câu chuyện của mình và sự thật ấy đến đâu và có cần thiết phải có trách nhiệm gì đó với xã hội hay không? Về điều này, ta có thể thấy rằng lý thuyết luôn có vấn đề. Với người viết tự truyện, đạo đức số một của họ là phải kể trung thực, không vì độc giả đón nhận như thế nào mà thêm hay bớt.
Chẳng hạn như họ kể cô ca sỹ Hồng Nhung nào đó 5 lần phá thai đang gây ra phản ứng của nhiều người, tôi cho rằng, kể cả 10 lần đi chăng nữa, họ cũng phải kể tất cả. Đó là đạo đức của người viết hồi ký xét từ góc độ hồi ký. Nhưng họ lại va chạm đạo đức xã hội. Lúc đó đạo đức xã hội sẽ đặt ra câu hỏi rằng, có nên như thế không, anh như thế liệu có quá tàn nhẫn không? Người ta chọn lựa cho mình đạo đức nào, quan sát như thế nào thì sẽ thành như thế. Chứ không có gì rạch ròi giữa chuyện anh buộc phải theo cái này hay theo cái kia cả. Nếu người đọc nhìn cuốn hồi ký đó như một tác phẩm văn học thì sẽ thấy rằng có những chuyện buộc người kể phải chia sẻ với người viết. Bởi vì đó là quy luật. Ngược lại, nếu bạn đọc nhìn dưới góc độ đạo đức thông thường, bạn sẽ thấy người đó không tốt.
TS Nguyễn Thị Hậu: Hiểu biết của người chấp bút hay người kể là yếu tố quyết định ảnh hưởng của cuốn hồi ký
Khen chê từ mỗi người sẽ khác nhau, cách nhìn của một nhà phê bình văn học có lẽ khác xa sự cảm nhận của một người bình thường. Là một người đọc, tôi thấy mỗi người đều có chuyện để mà hồi tưởng và ghi chép lại. Mỗi người trong một bối cảnh xã hội khác nhau, có những ký ức và mối quan hệ khác nhau mà người sống cùng thời cùng bối cảnh sẽ thích thú, đồng cảm và mong muốn được nhớ lại, được biết thêm qua hồi ký của họ. Mình không sống cùng họ, sống như họ thì khi đọc họ cũng hiểu thêm được nhiều điều. Hồi ký là quá khứ cá nhân nhưng phản ánh một phần quá khứ chung.
Sao lại có thể phán xét rằng, người này, người kia có hay không có chuyện để viết hồi ký? Nếu mỗi người đừng “độc quyền quá khứ” chỉ là “của tôi hay của chúng tôi” thì lịch sử sẽ xác thực, đa dạng và rõ ràng hơn.
Chưa nói đến nội dung thì giọng văn, cách viết của hồi ký cần thể hiện dấu ấn cá nhân, vì vậy thích hay không thì cũng tùy từng người đọc. Hồi ký, theo mình đó là phần quan trọng của cuộc đời một cá nhân, có thể thích hay không nhưng đánh giá giá trị cần cẩn trọng, càng cẩn trọng hơn khi nhận xét tác giả. Mình thì luôn thích những tác giả hồi ký viết chân thành, tất nhiên, trung thực nữa, có thể vụng về mộc mạc câu chữ nhưng đừng “diễn” khi nói về sự thật, nhất là sự thật của bản thân.
Tuy nhiên, có sự thật đau đớn nhưng khi nói ra, kể lại vẫn thấy lấp lánh ở đó sự nhân văn, tình yêu thương và lòng biết ơn. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại, sự thật trần trụi được phơi bày mang lại cảm giác bất an. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết của người viết hồi ký và cả người chấp bút.
Hơn ai hết, người chấp bút là người đọc đầu tiên, có thể đánh giá được ảnh hưởng của việc công bố những sự kiện đến người liên quan như thế nào, tác động đến đa số người đọc ra sao.
Theo Hà Dung – Công an nhân dân