“Những ngày sau, tôi vẫn kiếm cớ đi quanh hồ Thiền Quang để thỏa chí tò mò. Tôi nhìn thấy nhiều người đàn ông lai vãng đến đó và tò mò không biết họ có phải là gay như mình không? Thực sự, tôi cảm thấy khó nhận biết. Ngược lại, họ cũng không thể rõ về tôi. Chúng tôi cứ đi gần nhau mà không ai vượt qua được bức tường vô hình. Trừ những người mặc quần áo của phụ nữ mà tôi thỉnh thoảng nhìn thấy còn những người đàn ông đang ngồi bên hồ một mình kia, liệu họ là những người bình thường hay là những người đồng tính đang đi tìm bạn tình”?
(Không lạc loài, tự truyện Phạm Thành Trung, NXB Hội Nhà văn, 2008).
Vào những ngày này, khi cư dân mạng đồng loạt phủ màu lục sắc lên avatar trên Facebook của mình, như một cách công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định công nhận hôn nhân đồng tính của Tòa án tối cao Mỹ; thì có lẽ chẳng mấy ai còn nhớ những gì xảy ra chưa đầy 10 năm về trước. Ngày đó những chuyện đồng tính gây kinh khủng như thế nào.
Năm 2008, người nổ trái bom đầu tiên phá tan bức màn chia rẽ thế giới người đồng tính với thế giới… bình thường chính là Phạm Thành Trung với tự truyện Không lạc loài (Lê Anh Hoài chắp bút).
Thật ra, những người đồng tính, hay còn bị gọi là gay, bóng vốn chẳng xa lạ với mọi người vào thời điểm đó, hay trước đó. Họ vẫn xuất hiện đây đó, lúc lộ, lúc kín khiến người ta vô cùng tò mò, pha chút sợ hãi và cả… ngưỡng mộ nữa.
Trong bối cảnh đó, Trung là người đầu tiên dám công khai mình là người đồng tính theo cách tận cùng nhất: “tự lột trần” con người mình trong một cuốn tự truyện. Cuốn sách này sau đó đã gây bão dư luận theo nhiều chiều hướng khác nhau, nhưng không ai có thể phủ nhận tính chân thật của nó.
Tôi không bàn đến tính chân thật của nó ở chi tiết nọ, kia từng gây tranh cãi là có đúng với sự thật hay không, hay đó chỉ là sự tự đánh bóng của tác giả, hay chỉ là sự hư cấu của người chắp bút (nhà văn Lê Anh Hoài). Có một sự thật lớn hơn mà cuốn sách này đã “phơi bày” được, là hành trình cô độc của một cậu bé để tìm ra giới tính thật của mình.
Trong quá trình dậy thì (nói nôm na là phát dục), bất kỳ ai, kể cả người bình thường (mà từ nay chúng ta nên gọi chính xác là người dị tính) cũng phải trải qua nỗi cô đơn, sợ hãi khi những bản năng giới tính của mình trỗi dậy. Nhưng chúng ta được giáo dục về tình yêu và tình dục để trưởng thành. Tâm lý học nhận ra rằng, “dục lực” cũng chính là nguồn động lực mạnh mẽ để hình thành nhân cách.
Còn với những người đồng tính như Trung trong tự truyện, “dục lực” ấy đã lạc loài trong thế giới của những người dị tính. Và đoạn văn nêu trên, trích trong chương 11, mô tả cuộc tìm kiếm âm thầm của Trung khi đi đôi giày bata giả vờ chạy tập thể dục trên bờ hồ Thiền Quang (Hà Nội), nơi cậu biết là nơi tụ tập của những người đồng tính. Đoạn văn đã cho thấy nỗi cô đơn và bất lực tột cùng của cậu bé đồng tính.
Tôi cứ hình dung cảnh Trung đi đôi giày bata chạy trên bờ hồ ngày đó như cậu bé phù thủy Harry Potter ngơ ngác trong cái nhà ga của thế giới bình thường. Đâm đầu vào bờ tường hay cái cột của nhà ga là có thể bước vào thế giới phù thủy. Nhưng cậu bé không biết rõ điều đó và cũng không dám đâm đầu. Cuối cùng cậu đã phải tìm ở một nơi khác. Đó chính là chat trên Internet.
Nhận thức về người đồng tính của chúng ta thường đi từ thái cực này, sang thái cực khác. Từ chỗ cấm kỵ đến chỗ ngạc nhiên, tò mò, cảm thông…., và rồi vài năm qua lại có những biểu hiện quá đà khi lạm dụng đề tài đồng tính. Nhiều tác phẩm coi đồng tính là… thời thượng. Trong cuộc sống, đồng tính đôi khi còn như… mốt.
Trong Không lạc loài, Phạm Thành Trung đã cố nói cho mọi người hiểu rằng, thế giới đồng tính của mình là như thế, rằng mình cũng như tất cả mọi người, chỉ có tình yêu và tình dục là khác.
Nước Mỹ giờ đã công nhận hôn nhân đồng tính. Điều đó có nghĩa, dần dà cả thế giới sẽ coi đồng tính là… bình thường. Hy vọng rằng, văn chương, báo chí từ nay sẽ không xía vào chuyện đồng tính để giật gân, câu khách hay tỏ ra thời thượng nữa. Hãy đưa nó trở về đúng vị trí của nó – chỉ là một xu hướng tình dục mà thế giới đã đang và sẽ coi là bình thường.
Theo Đông Kinh – Thể thao & Văn hóa cuối tuần