Võ Thị Xuân Hà
GIÓ NGỪNG THỔI, MƯA NGỪNG RƠI
Truyện ngắn
Ai người trước đã qua
Ai người sau chưa đến
Ngẫm trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ.
– Trần Tử Ngang –
Khi không có gió bầu trời sẽ ra sao?
Khi không có mưa mặt đất sẽ ra sao?
Tôi chào vạn vật qua khung cửa sổ nhà mình. Rồi tuồn vào trong chăn. Nhưng nỗi đau bám theo tôi cả trong giấc ngủ chập chờn.
Bên ngoài mọi người đang sắm tết. Nhưng không phải mua lá gói bánh chưng như xưa. Bây giờ bánh chưng xếp đầy ngoài các sạp hàng. Thịt đầy rẫy ngoài chợ. Hoa quả ngập tràn. Tết là khoảnh khắc lặng câm vĩ đại nhất của năm.
Gió sẽ ngừng thổi, mưa sẽ ngừng rơi, và trong cái khoảnh khắc lặng câm vĩ đại đáng sợ đó, vũ trụ được tái sinh lại. Chồi non len lỏi trong các thân cây khi gió thổi mưa rơi, rồi bỗng lặng phắt lại theo gió theo mưa như bước lấy đà, và sau cái khoảnh khắc lặng câm, những cái chồi non màu xanh đến nao lòng đó vụt bay ra như những con bướm nhỏ. Khi đó hoa đào cũng bật nụ, xoè ra những cái cánh màu hồng mỏng tang như chiếc khăn voan của mẹ choàng thời con gái.
Tôi mở cửa đi ra đường. Đi khắp các sạp hàng để tìm mua hoa lưu ly.
“Người ta đón tết bằng hoa đào. Không ai đón tết bằng lưu ly”
Chàng trai bán hoa có gương mặt thanh tú trút những cánh hoa cuối cùng vào tờ báo, gói lại thật đẹp rồi ngập ngừng cầm chỗ tiền tôi đưa.
“Vậy mà anh lại bán lưu ly?”
“Đào tôi bán hết rồi. Tôi trồng cả một vạt vườn toàn lưu ly. Có một người dặn tôi hàng ngày chờ ở đây. Đã hơn tháng nay, ngày nào tôi cũng chờ anh ấy mà không thấy”
Tôi choáng váng. Những bông lưu ly này, có phải là dành cho tôi? Tôi tưởng tượng bước chân anh lại gần hàng hoa. Anh cười với người thanh niên bán hoa này. Trong đầu anh không nghĩ ngợi gì, chỉ quan tâm xem hoa có được tươi không. Anh kiêu hãnh cầm bó hoa gói bằng tờ báo cũ, trong lòng tự cho là mình đã đem lại rất nhiều niềm vui cho một người đàn bà. Ban đầu tôi cảm nhận được từ bó hoa gói báo không cần giấy bóng kính rực rỡ, rằng đó là sự giản dị, không màu mè. Nhưng cuộc đời này có biết bao nhiêu điều nhạt nhẽo được bọc kín trong vẻ giản dị.
“Không có người này mua thì cũng có người khác mua thôi”
Tôi thốt lên câu nói như để tự an ủi mình. Người thanh niên nhìn tôi cái nhìn dò hỏi. Rồi anh nhìn xa hút con đường quanh co trước mặt.
“Anh ấy khăng khăng là sẽ mua hoa cho tôi thường xuyên, vào những dịp lễ tết, cả những ngày bình thường nhất. Tôi thấy anh ấy nói rất thành thực mà. Lưu ly cũng không thể trồng quanh năm được. Bây giờ còn có cả giống mới ghép, có màu tím sẫm. Nhưng tôi vẫn chỉ trồng giống lưu ly màu tím phớt, đó là loài hoa đồng nội. Anh ấy không bao giờ mặc cả. Tôi chỉ cần gói hoa vào tờ báo cũ, không cầu kỳ gì. Anh ấy nom lành hiền, dáng nho nhã thư sinh. Chắc bạn gái của anh ấy là một cô gái dịu dàng. Họ chắc là rất hạnh phúc. Bây giờ không thấy anh ấy đến mua, tôi cứ thấy lo lắng thế nào, không hiểu họ đang gặp phải chuyện gì?”
“Có thể người ấy sẽ không bao giờ quay lại nữa. Người ta bận hoặc người ta đã chuyển đi nơi khác rồi. Hay là… người ta đã chia tay nhau”
“Sao lại bỏ nhau dễ thế. Có khi anh ấy đang gặp phải chuyện gì chị nhỉ”
Tôi cố gượng một nụ cười.
“Anh đừng lo. Tôi sẽ mua hoa lưu ly hàng ngày cho anh. Tôi cũng rất thích loài hoa này. Lại rẻ nữa”
Tôi cầm bó hoa trong tay, rã rời. Tôi không khóc. Nhưng nếu có mưa vào thời khắc này, mưa sẽ xoá hộ tôi những giọt nước mắt trong cõi lòng. Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Trên đường phố, trong chợ, bên những quầy hàng, mọi người đang hối hả chuẩn bị đón chào năm mới. Những sắc mặt tươi rói, bận rộn. Hoa đào, hoa mai, hoa hồng, hoa cúc, kỳ lân, cẩm chướng… và những trái quất vàng ươm tràn ra mọi ngõ ngách như những vườn hoa di động. Muôn sắc màu nhộn nhịp. Không ai nhận ra mưa đang ngừng rơi, gió đang ngừng thổi. Không ai nhìn thấy một người đàn bà đang khóc. Cũng chẳng có ai biết được vẻ ngoài thư sinh nho nhã của một người con trai lại chứa đựng một trái tim đông cứng. Một cơn gió thổi đến thầm thì, đánh gục trái tim yếu đuối của người đàn bà: Tôi không yêu cô. Tôi không còn yêu cô nữa. Một cơn gió khác vuốt ve lòng tự ái của người đàn bà: Cô là người đàn bà cao cả. Mà tôi chỉ là người bình thường. Là – người – bình – thường. Hàng đêm người bình thường trốn người cao cả để đi đến những sàn nhảy, những phòng karaoke tối thui, đầy ắp tiếng thầm thì náo loạn nhầy nhụa. Hàng trưa người bình thường gọi điện cho người cao cả hỏi em ăn gì chưa, đến đây đi ăn với anh. Dù có ăn rồi, trái tim người cao cả cũng cứ náo loạn thấy đói. Thế là vù xe đi ngay. Chỉ cần nhìn thấy, nghe thấy. Rồi lại một mình phóng xe về cơ quan, lòng bối rối ưu phiền vì một câu nói lấp lửng nào đó của người bình thường. Lòng đau đớn nghi hoặc tối qua anh đi những đâu? Giọng người bình thường trả lời không được bình thường, nhưng chứa đầy sự tức tối. Tôi là người bình thường. Tôi không tốt như em tưởng đâu, người bình thường mà. Em bảo tôi là thằng đểu cũng được. Bao nhiêu ngôn từ xấu xa dành cho tôi cũng không sao. Có điều em đừng tốt quá. Đừng tin người quá, ngay cả tôi em cũng đừng tin hoàn toàn. Khi nói câu đó, anh mạnh mẽ quả quyết đến nỗi tôi cứ ngỡ đấy là một người con trai tự tin, chứa nhiều triết lý sắc bén trong đầu. Tôi lắc đầu cố xua đi những ý nghĩ buồn bã bám dai dẳng từ khi yêu anh. Sao lại phải sống một cuộc sống không được tin ai như thế này? Trên biển cả mênh mông, nếu người thuỷ thủ không tin vào gió thì chỉ thấy bão tố dập vùi. Trên sa mạc khô cằn ở đâu đó, nếu người lữ hành không tin sẽ có mưa, liệu bước chân còn vững chãi? Làm gì có định nghĩa thế nào là người bình thường, thế nào là người cao cả. Hai vợ chồng người bán lòng ngoài chợ kia. Một chiều, khi ráng đỏ ngợp góc chợ, khi khách mua thưa thớt, tôi nhìn thấy người vợ nhìn người chồng e thẹn một điều gì đấy, và người chồng nhìn người vợ âu yếm. Họ chắc chẳng để ý đến chuyện mua hoa tặng nhau. Nhưng họ gắn bó với nhau suốt cuộc đời, chẳng cần thề nguyền. Họ là người bình thường hay người cao cả? Tôi nữa? Một vườn hoa được trồng vì tôi. Nay cả một vườn hoa bị bỏ rơi cũng bởi tôi.
Tôi ngước nhìn bầu trời. Vào lúc đó có một đàn chim đang bay ngang thành phố. Chúng làm tôi nhớ đến người thầy dạy môn Ngữ văn ở đại học của tôi khi ông giang tay mô tả cánh chim tự do. Bây giờ dù có muốn tự do, thầy cũng không còn giang tay được nữa. Mà có khi bây giờ mới là lúc thầy thực sự được tự do. Năm hôm trước thầy vừa mất. Ông nằm xuống đúng vào dịp năm cũ sắp qua đi. Khi sống ông làm được nhiều việc có ích, là giáo sư nổi tiếng; nhưng cũng phạm những sai lầm trong cải cách giáo dục, và ông còn công khai công kích lại cả một nhóm quần chúng có con làm lớp học sinh thí điểm cho công cuộc cải cách. Thực ra đối với người mở đường, xác xuất phạm sai lầm bao giờ cũng cao. Nhưng thái độ không được mềm mỏng của ông làm thất vọng chúng tôi, những cựu sinh viên rất trọng tài thầy. Hơn nữa thầy còn có tiếng đào hoa. Nhưng cho dù là như vậy thì điều này đâu có hạ thấp nhân cách một con người trong xã hội ngày nay. Ngày nay nhân cách một con người được xếp hạng ra sao? Khi sống ông có làm người đàn bà nào đau khổ đến tuyệt vọng? Nếu có thì nay ông cũng đã đem theo bí mật ấy xuống mộ. Ông cũng đã đi qua sự tha thứ hoặc không thể tha thứ của một người đàn bà. Ông vẫn là một giáo sư danh tiếng, với một biệt thự xây theo lối mới, một chú bécgiê nằm canh cổng, một người vợ và những người con thành đạt. Nếu có một người đàn bà phải đau khổ vì ông, trước khi nhắm mắt ông có nhìn ra xa phía bầu trời nơi có những cánh chim nhỏ mải miết bay, lòng tự nhủ nàng là một phần của cuộc đời ta, nàng là chứng nhân cho sự méo mó của ta, là nạn nhân, là cánh chim bay, là gió khi ngừng thổi, mưa khi ngừng rơi. Nàng là thiên thần gánh nạn cho ta. Là quỷ dữ ở địa ngục khi không ngừng làm cho ta day dứt, lấy đi sự vui tươi hoàn thiện của cuộc đời ta. Nàng là cái gai nhọn, là bông hoa tô điểm, là khoảnh khắc. Nàng bé nhỏ như hạt cát, vô nghĩa như tất cả những ngôn từ ta ném ra suốt cả cuộc đời. Nhưng hoá ra nàng là cả cái vũ trụ khi rực rỡ lúc ảm đạm này. Rồi ông nhắm mắt mà không lưu giữ nổi hình ảnh người vợ và các con, những người đang vây quanh ông khóc lóc đau đớn. Đôi mắt ông vĩnh viễn khép lại trước khi in hằn hình ảnh một người đàn bà xa lắc xa lơ trong cuộc đời đâu đó trước đây mà ông đã bỏ rơi.
Tôi cắm lưu ly khắp căn phòng mười lăm mét vuông. Căn phòng này năm ngoái anh đã sửa cho tôi cái chốt cửa gỗ, rồi cầm bay xây lại cái miệng cống. Tôi ngạc nhiên nhìn bàn tay thư sinh cầm bay trộn xi măng. Anh cười nhìn tôi. Ngạc nhiên lắm à? Em biết không ngày ở nhà anh phải vác hàng chục bao tải gạo đi hàng trăm mét từ xe tải ngoài đường vào nhà cho mẹ bán hàng. Mùa đông rét mướt, anh phải đạp xe đi đưa hàng tạ chè, rồi đứng chờ dưới mưa rét để nhặt từng đồng tiền hàng mang về. Khi nhà bị dột, bố đi công tác vắng, anh leo lên mái nhà trát chít lợp lại là chuyện bình thường. Khi nào có tiền, anh sẽ cho bố mẹ làm lên ba tầng, hết cảnh dột nát. Em có thích bài Xe đạp ơi của Ngọc Lễ không? Ngày còn là sinh viên anh cũng thích bài đó. Em không có khái niệm gì nhiều về bài hát đó, vì khi Ngọc Lễ và Phương Thảo hátXe đạp ơi, em đã có xe máy để đi rồi, có điều nhịp điệu cũng hay hay. Tôi nhìn anh xót thương, quên đi mình còn đang nợ đầm đìa tiền mua cái căn phòng này. Tôi có căn phòng mười lăm mét vuông khép kín, sàn trải thảm đỏ, cửa sổ có những bông bằng lăng tím sà xuống sát cạnh. Buổi sáng, những chú chim sâu hót liếu điếu, lích rích. Anh mới ra trường, tiền lương chỉ đủ chi tiêu tùng tiệm, đủ thuê một căn phòng, đủ mỗi tuần đưa tôi đi uống ly trà. Chỉ có lưu ly là anh luôn hào phóng tặng tôi chẳng kể cuối tuần hay ngày lễ. Tôi chép cho anh bài thơ của Trần Tử Ngang. Ai người trước đã qua. Ai người sau chưa đến… Mắt anh u buồn nhìn ra cửa sổ. Em đừng quá sầu luỵ vì những bài thơ. Có thể sau này anh sẽ có lỗi với em. Nhưng em hãy tin rằng nếu em và anh không phải cách biệt nhau quá về hoàn cảnh, anh sẽ không bao giờ để mất em. Kể cả em có trốn chạy ở đâu trên khắp hành tinh này, anh cũng sẽ tìm ra em thôi, trừ phi em không còn yêu anh nữa. Bây giờ lưu ly đang tràn ngập căn phòng của em anh biết không? Cửa sổ nhà em đang mở tung đón nắng để lưu ly em mua cho chính mình không quá cô quạnh. Màu tím dịu dàng tràn ngập căn phòng nhỏ. Một lọ to bằng gốm màu trắng sứ phản ánh sắc tím lưu ly đặt trên tấm thảm đỏ giữa phòng. Một lọ nhỏ men xanh ngọc cắm thưa thớt vài bông đặt trên bàn vi tính. Một lọ gù bằng gốm giả gỗ cắm những bông cành ngắn lá xanh rậm rì đặt trên kệ tủ. Một lọ trong bếp. Một lọ trên giá gương kính trong phòng vệ sinh. Những lọ hoa đều vương vất hình ảnh anh, lúc này lúc khác. Những bông hoa lưu ly màu tím ngấn lệ nhìn tôi. Sao cô không ra ngoài đi. Đến những shop thời trang. Những khu siêu thị lộng lẫy. Để chọn cho mình một đôi kính màu xanh da trời. Chọn một cái thắt lưng da đen bản nhỏ, khoá sáng lấp lánh. Sẽ rất hợp với chiếc quần bò màu xanh thẫm và chiếc áo sơ mi màu đen cố hữu của cô. Cô đi đến sàn nhảy đi. Dáng cô mà nhảy thì tuyệt phải biết. Nhảy đi, vũ điệu Tinamô ngày nào ở Tam Đảo anh ấy xoè tay cho cô nắm, dạy cô nhún những bước ngập ngừng trong tiết trời lạnh mù sương giữa mùa hè. Hãy đưa tay cho một người con trai xa lạ. Anh ấy sẽ giúp cô gạt đi những giọt nước mắt đắng cay. Anh ấy sẽ dìu cô đi trong tiếng nhạc. Trong bóng tối gian trá, hãy đưa đôi môi nóng hổi cho không những cuộc chơi. Mở ra đi tấm thân đang tràn trề khát vọng. Hãy mở toang cho phong phanh giá lạnh. Che chắn làm gì sương giá vô tận. Nhưng cũng đừng cố quên một điều gì. Điều ấy cô sẽ không làm được. Rồi thì cô sẽ quên thôi. Nỗi đau dần sẽ nhạt phai theo thời gian và mưa gió. Anh ấy đã quên cô rồi. Nếu có xin lỗi thì lời xin lỗi cũng chỉ như cơn gió cuốn mà bóng mây đã tàn. Nếu có nhớ thì cũng chỉ là nỗi nhớ xa xôi, không ích gì cho cô. Anh ấy sẽ đem hình bóng cô theo trong hành trang cuộc đời mình, chôn cô trong trái tim đông cứng. Tiếc thương làm gì những tháng ngày đã qua. Bao nhiêu bí ẩn trên đời cô nào đã biết. Hãy cố đi qua khoảnh khắc này, cái khoảnh khắc được khắc hoạ khi gió ngừng thổi, mưa ngừng rơi. Đi qua rồi sẽ đến mùa tái sinh. Khi vạn vật cây cỏ tưng bừng rực rỡ. Khi hoa đào cuốn từng cánh bay đi theo gió, để lại những trái đào non xanh. Khi mưa lại rắc xuống mặt đất những dưỡng chất hào phóng, mặt đất uống no nê những giọt thiên hà, rồi phình lên như đàn bà mang thai. Đến kỳ đến hạn, nở ra tôm cua cá, hổ báo gấu, người khỉ vượn, nở ra suối, nở ra sông, nở ra biển, nở ra đất đá cây cỏ, nở ra vô hạn…
Ngày mai, ngày kia… lưu ly sẽ tàn. Liệu tôi còn đủ sức đến bên hàng hoa kia mà mua tiếp cho mình một bó? Ngày nào cũng như vậy. Cho đến ngày nào? Hãy cứ coi như anh đang đi vắng. Hàng ngày anh vẫn gửi những đoá hoa về. Hàng ngày… Tôi tìm tấm các người bán hoa đưa. Nhanh lên kẻo sắp sang năm mới mà chưa kịp thực hiện một ý định cho mình. Tôi bấm số. Phía đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ lớn tuổi:
“Cháu tìm Minh à? Cháu là bạn gái của nó phải không? Nó đang ở bệnh viện với mẹ nó”
“Mẹ anh ấy bị sao vậy bác?”
“Khổ thân bà Minh, nhà có hai mẹ con, hôm qua bà ấy cuốc đất trồng thêm hoa, thằng Minh đùng đùng đi mua cả đống lưu ly giống về đòi trồng thêm nữa. Già rồi gặp lúc gió cạn mới phải cảm. Nó học giỏi lắm mà phải thi lại hai môn vì nghỉ học đi bán hoa. Cả năm kiếm khá nhất vụ tết mà. Cháu học cùng trường với nó à? Sao không thấy cháu đến chơi? Nó chẳng bao giờ giới thiệu bạn gái với các bác cả. Bác là bác của nó. Cứ ngỡ nó chưa có ai. Mấy hôm nay thấy nó cứ bồn chồn, lại cứ chăm chăm vun xới mấy cái luống lưu ly. Trồng những loài khác còn được nhiều tiền hơn. Khổ, mãi mới thi đỗ vào đại học, lớn tuổi rồi. Cháu đến chơi nhé. Thằng Minh nhà bác hiền lành chăm chỉ lắm”
Phía bên này, tôi im lặng
nghe người bác trò chuyện về đứa cháu trai của mình.
“A lô, cháu vẫn đang nghe đấy chứ?”
“Vâng ạ. Anh ấy… đang chăm mẹ ở bệnh viện nào hả bác?”
Không có việc gì để vội. Hay là mình vào bệnh viện để thăm một người mẹ. Còn hơn là tiêu phí mọi thứ ở một sàn nhảy. Mình đến đó, đặt một bó hoa lên bàn, một hộp mứt tết. Rồi đi. Anh ta sẽ không biết ai đến thăm mẹ mình. Cũng là để trả ơn những ngày tháng chăm sóc lưu ly. Trả ơn người trồng hoa. Sẽ chọn đúng lúc người thanh niên ấy không có ở đấy. Mà không, mình cứ vào gặp luôn anh ta để đặt mua hoa hàng ngày. Như thế hay hơn. Hàng ngày, như là anh vẫn đang ở bên mình. Một bó hoa lưu ly gói bằng báo cũ.
Trước khi bước chân xuống đường, tôi quay nhìn lần nữa căn phòng rực một màu tím lưu ly. Khi trở về nhà rồi thì tôi cũng sẽ bước vào cái không gian màu tím quen thuộc của mình, nhưng có thể khi ấy màu tím không còn làm tôi đau đớn như khoảnh khắc này. Những bông hoa lặng câm cầu khẩn. Hãy đừng quên tôi. Đừng quên tôi. Tôi lắng nghe hơi thở của chúng, lưu giữ hình ảnh của chúng trong lòng. Để khi bước ra đường, không còn nuối tiếc nữa màu tím khi màu hồng của hoa đào tràn ngập.
Và khi gió hết ngừng thổi, mưa hết ngừng rơi, ta sẽ bước sang một cõi khác. Nơi ấy, màu tím lưu ly chỉ còn là hoài niệm, dù chúng vẫn hiện diện quanh ta.
– 23.12.2002 –