Khi quang âm của một ngày hối hả vụt tắt cũng là lúc dòng Đà Giang trở lại với vẻ trầm mặc, ánh dương tàn rắc trên mặt nước, gió thổi ruổi sóng gợn, nước trời hòa sắc nom như kho báu đầy ngồn ngộn. Bây giờ, người đã về hết, trả sự yên tĩnh cho sông. Cạnh bờ là một chiếc thuyền con, khoang rỗng thu vào cửa không, cứ vậy lắc lư với sóng. Rêu bám nơi những hòn đá lớn nhỏ đã khô nên bong tróc, trên phiến đá bằng có bức tượng phật Di Lặc mà sắc nâu đã sẫm, vẫn đang cười ngạo nghễ với nhân gian.
Bắt ngọn Vân Nam, sông Đà – còn giữ cho mình cái tên sông Bờ, sông Đen (mà tới giờ tôi vẫn không rõ vì sao người Pháp lại có thể dằn nơi này ra để đặt một cái danh như vậy) – xẻ một đường, ruổi đi theo hướng Tây Bắc – Đông Nam rồi đột ngột trở tính, lại ngoặt bắc làm một chuyến rong chơi, rồi mới đồng ý chan hòa vào dòng Nhĩ Hà nặng đỏ phù sa, cũng góp phần bồi lấp một rẻo đồng bằng màu mỡ, làm nên nền văn minh sông Hồng.
Sông đã thôi những ngày rốt ráo hăm hở để trở nên bình thản. Giờ đây có lẽ chúng ta đã không còn nhìn thấy sự hùng vĩ như thuở người lái đò của nhà văn Nguyễn Tuân lèo lái trên mặt nước nữa . Bài thơ của vua Lê Thái Tổ khắc trên vách đá buổi ngược sông Đà để dẹp loạn Đèo Cát Hãn giờ đi vắng, chỉ còn âm vẳng mấy câu: “Ba trăm ghềnh thác hóa hư ảo/nay thuận thuyền trôi nước xuôi dòng.” Thác Bờ réo gào năm xưa lưu giữ truyền thuyết ông Đùng gánh đá trị thủy giờ đã nằm sâu dưới lòng nước, chỉ còn ngọn đa mảnh khảnh nhô lên bên cạnh những vách đá nơi Thung Nai rồi một mai cũng sẽ nát tan thành cát bụi. Thế nhưng dường vẫn ẩn hiện đâu đây tiếng cuộn trào ác hiểm của sông mỗi khi mùa mưa bão đến hòng kéo trôi biết bao kiếp người vào hang Hùm “đã vào là không thấy đường ra”, xé toạc con thác dữ đầy những cá Dầm Xanh, Anh Vũ.
Phố Bờ hay chợ Bờ thuộc huyện Đà Bắc, thành lập khoảng năm 1886 thời vua Đồng Khánh triều Nguyễn. Nơi đây chỉ có số ít hộ dân, song dân cư lại đa dạng gồm cả người Kinh, người Mường, người Hoa, người Dao cùng nhau thuận hòa sinh sống. Chợ phiên họp một tuần một lần, buôn bán đủ thức, đứng từ bên này trông sang Dốc Chủa khuất sau rặng núi, có thể dần thấy thấp thoáng bóng những bước chân trèo đèo băng rừng để đi chợ. Xuôi xuống một khúc, bến phà Bờ có tiếng gọi đò vang. Thuở ấy, hoa gạo nở đỏ, chùa miếu cổ kính nghi ngút khói hương. Dưới bãi cát vàng lại thấy vạt sỏi đủ màu sắc trải dài lấp lánh nom như kim cương đá quý, ông tôi thường nhặt sỏi ấy về chặn giấy, miệng bảo: “có vàng đấy.” Tinh sương, vài chiếc thuyền độc mộc thong dong giữa dòng. Những con cá bạc nhảy lách tách trong khoang thuyền của dân chài lưới trở về sau một đêm vật lộn với đám sinh vật tinh ranh.
Bờ lau bến lách, có những đôi trai gái yêu nhau trốn cha mẹ ra bờ sông tâm tình. Để rồi khi đến gặp mặt hai bên gia đình, họ lại phải chịu ngăn cách bởi một cây đèn dầu tù mù và ánh nhìn nghiêm khắc của bậc trưởng thượng đôi họ. Trên cao trăng tỏ, phải chăng họ cũng sẽ học theo cổ nhân thề nguyện trọn đời? Sông Đà dịu dàng tựa một người mẹ phó thác cuộc đời của con cái mình, mong chúng được sống một kiếp bình an đã chứng kiến và thành duyên cho biết bao cuộc tình như vậy.
Khu phố này đầy rẫy những tích truyện để nói tới sự linh thiêng của thánh thần non cao. Ví như chuyện đền Chín Cô có cặp rắn thần mình trắng như ngà, đầu có mào đỏ trấn giữ, một ngày kia bỗng đứa trẻ ngây thơ nọ vào bẻ trộm hoa bị các bà hành cho một trận ốm sống dở chết dở. Ví như chuyện ông Khánh móc hai mắt của bức tượng chúa sơn lâm để chơi đùa rồi gặp bệnh suýt mù. Ví như chuyện về cặp thuồng luồng ẩn mình dưới lòng sông, hễ có bão thì sẽ dựng mình thẳng như cột nhà mà chống giữa đất trời, phải chăng ấy chính là hiện thân của ông Đùng ngày trước?
Nhưng tất cả điều đó đều đã lùi xa. “Biển nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên”, quả vậy, những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, công trình thủy điện Hòa Bình khởi xây, tiến hành ngăn nước sông Đà làm hai bận, dân cư phố Bờ bắt đầu phải di tản. Chuyển lòng hồ – điều cần làm nhưng vẫn gieo nỗi vướng bận bởi sự gắn bó với con sông hào phóng này là không thể phủ nhận. Hai tiếng nổ lớn vang lên, nước ào ào siết chảy tựa trận hồng thủy nhấn ngập tất cả. Đền chùa miếu mạo, thác Bờ phố nhỏ, gốc gạo cây si nay chìm giữa lòng sông, cất giấu biết bao câu chuyện về một thế hệ mở đất.
Thời niên thiếu, một lòng mong muốn vượt qua con sông ấy để mang bước chân non nớt đạp trên những đoạn đường dài không có đích đến, tự nguyện để cho bản thân bị cát bụi phủ lấp, cốt chỉ vì để tìm lại trái tim thuở nguyên sơ. Nhưng cho tới khi kinh qua nắng mưa thì tâm tình cũng đã không còn như trước, lại chỉ cầu một đời thong dong bình thản.
Đã uống nước Đà Giang rồi thì làm sao dứt nổi? Trông ra mặt sông in bóng nhà bè, ánh điện quang tỏa và những tòa nhà cao trỏ thẳng lên trời xanh, chợt thèm lắm một vệt khói ấm lững lờ trôi trên mái nhà gianh. Giờ đây, dòng Đà Giang tựa một giai nhân luống tuổi, trên gương mặt đã in hằn vết cắt tháng năm, nhận đủ cơn lạnh bạc của người và của trời. Cái phong vị “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” tan đi, chỉ có cơn gió thổi mạnh là thành thực.
Trăm năm cũng một cuộc vuông tròn.
(Tản văn Phạm Thị Thúy Quỳnh – Báo VNHB)