Đọc tập thơ “Những ngọn gió đồng” của Bình Nguyên, NXB Hội Nhà văn, 2015.
“Những ngọn gió đồng” là tập thơ thứ 5 trên hành trình thơ gần hai mươi năm của Bình Nguyên. Dù đến với thơ khá muộn, 5 tập thơ chưa phải là nhiều, nhưng chân dung thơ anh đã hiện rõ dần trên thi đàn qua mỗi tập thơ, mỗi cuộc thi thơ.
Thơ Bình Nguyên nặng tính triết lý, nghiêng về suy tưởng, ẩn dụ, liên tưởng, tưởng tượng… Tôi đặt tên cho bài viết về anh “Gió đồng trong mắt bão” cũng là ngầm võ đoán, liệu có phải chăng về những ý tưởng nung nấu làm nên thi pháp Bình Nguyên?
Ở bài viết này, tôi không có ý định đi sâu viết về sự thành công của tập thơ, ở nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, mà chỉ khai thác ở một số bài đại diện, minh chứng cho thi pháp Bình Nguyên. Khi đã làm nên thi pháp riêng thì đó không chỉ là thành công của tập thơ mà nó đã khẳng định vận số, tên tuổi một nhà thơ rồi.
Mở đầu tập là bài thơ “Dưới bóng cây”, đó có lẽ cũng là một trong những bài thơ khó đoán định nhất đối với người đọc ở tập thơ này. Vòm cây, mà nào có thấy lá, thấy cây? Ở đó chỉ là chuỗi dài những tưởng tượng, những giả thiết, suy đoán theo khúc quanh tâm trạng của nhà thơ cho đến tận khổ kết: “Dưới bóng cây ta muốn gột rửa mình/ Muốn nhặt một tiếng chim dưới bầu trời sạch sẽ/ Những tiếng chim đã rơi từ đơn lẻ/ Xuống vòm trăng khát tiếng gọi em về“.
Hóa ra vòm cây chỉ là cái cớ, là một không gian ảo cho những hoài bão, ước mơ khao khát bay bổng về thế giới tâm hồn, thế giới nhân sinh. Thế đấy, cái vòm cây, cái khoảng mát mà chỉ có những người trong khô khát, bỏng rát, ngột ngạt, giàu liên tưởng mới thấy. Để người đọc có thể đồng tình, nhà thơ đã phải trông cậy vào sự suy tưởng, mơ hồ, biến ảo: “Những, ngọn gió thổi đêm vẫn thường lật mặt”, rồi “cây phải lớn lên từ bóng tối/ Bởi những mầm cây xuyên đêm sẽ không bao giờ lạc lối/ Qua úa tàn lại biết tự hồi sinh“…
Đó là những định hướng vận động chân thiện, sinh tồn trong cõi thế, làm nên tư tưởng thâm hậu cho thơ. Để có những tiếng chim rơi xuống không gian thơ đầy mộng mị, biến ảo này, là cả một quá trình tự nhận thức đến hành động quyết liệt nhiều thế hệ, cả cộng đồng, bằng mồ hôi và nước mắt.
Bìa cuốn “Những ngọn gió đồng” của nhà thơ Bình Nguyên.
Nhà thơ nào cũng có những thi phẩm nặng lòng với quê hương. Quê hương trong thơ Bình Nguyên là những hoài niệm, trắc ẩn, lấy cảm hứng chủ đạo từ bùn đất, nắng, gió, cỏ, cây…
Từ những điều giản dị, gần gũi ấy mà nhà thơ đã có những thi tứ độc đáo, đủ sức khái quát, liên tưởng tìm về những vấn đề xã hội đương đại phức hợp lớn lao, về nguồn cội thiêng liêng, thương khó, sâu xa.
“Những ngọn gió đồng” là bài thơ được đặt tên chung cho tập thơ, cũng mang tâm thế ấy. Ngọn gió đồng muôn đời hiền hòa, trong lành, nâng đỡ tâm hồn con người, nó như là dưỡng khí, là máu thịt người quê.
Dời phố thị, là dời xa: Hiệu ứng nhà kính, khí thải ngột ngạt, dời xa nỗi bức xúc lừa lọc, bon chen. Là được thả hồn mình, hòa vào những ngọn gió đồng thân thiện quấn quýt như gọi, như mời: “Dời phố phường tôi gặp ngọn gió quê/ Gió thổi một thổi đôi thổi như dắt tôi giữa những bầy gió chạy/ Tôi đông cứng gió thổi tôi mềm lại“…
Và còn gì sung sướng, hạnh phúc hơn khi được hòa đồng, sưởi ấm bằng tình mẹ, tình quê. Người thơ được ngụp lặn trong suối nguồn ký ức thương yêu và xa xót của cha mẹ, quê hương đã nuôi dưỡng, làm giàu có phong phú tâm hồn, tâm trạng thơ mình: “Tôi trở về gặp buổi chiều mẹ vục bóng vào sông/ Gió thổi áo nâu mềm lại ngày muối mặn/ Thổi buốt tháng năm thổi tràn ký ức/ Thổi mát những đau buồn còn nằm khuất đâu đây… Nhưng gió biết thổi cho nhau biết tự mình mở lối/ Ôi những ngọn gió quê muốn ghim tôi vào đồng nội/ Tôi bước ngược cánh đồng gió lại thổi ngược tôi“. Gió thế đâu chỉ còn là gió, mà là sức bền, sức mạnh nguồn cội, như phép lạ “siêu nhiên”?
Với cỏ, một loài cây thấp bé, yếu mềm, được thi sỹ mọi thời gửi gắm, ký thác những nỗi niềm nhân thế. Đọc bài “Cỏ quê”, ta nghe như anh trò chuyện tâm tình với cỏ mà lòng người đọc day dứt từ những bảng lảng đâu đâu: “Xa quê, gọi cỏ nghe gần lắm/ Ta bỏ quê đi cỏ đợi về/ Này hương không chắt từ bùn đất/ Nào có thơm đầy kiếp nón mê“. Kiếp nón mê là kiếp sống của những người lao khổ, có lòng bao dung, nhân hậu, kiên nhẫn, khiêm nhường mà quyết liệt.
Với nhà thơ, cỏ thân gần, như thể cùng sinh ra, chắt lọc ra từ hương thơm bùn đất, cùng gắn bó bởi hương vị đặc trưng, hương vị đồng quê: “Ta bỏ quê đi cỏ đợi về/… Ta xa mùa cỏ ngày giông bão/ Cỏ gục xuống chiều níu chân đi… Này ai có tuổi cao hơn cỏ/ Thấp xuống mà nghe cỏ nói gì“…
Tình cỏ mật thiết thế, thì sao dễ dàng “dứt áo ra đi” được? Cũng chính vì thế mà cỏ có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, trường tồn. Và Cỏ – thảo dân, có nói gì chăng nữa, cũng không ngoài sự khẳng định: Nhân dân có thể “nâng nổi thuyền”, cũng có thể “lật chìm thuyền”, vì tiến hóa nhân loại. Bởi vậy không chỉ “Cỏ quê” mà cả 8 bài thơ khác trong tập anh cậy nhờ cỏ để thổ lộ giãi bày.
Đọc thơ Bình Nguyên, ta mãi như còn nghe được tiếng rên xiết bánh sắt con tàu, nghiến vào đường ray, nghiến vào tiếng mẹ gọi con đến hụt hơi, như muốn kéo lùi cả đoàn tàu đưa con ra mặt trận trong bài thơ “Sân ga năm ấy”: “Mẹ gọi con, tiếng gọi lăn theo đường ray/ Rồi những bánh xe đưa con vào Nam nghiến lên tiếng gọi/ Mẹ cứ chạy, vập tiếng theo tiếng còi lăn bánh/ Hai tay bấu vào vệt khói dài/ Bấu như thể kéo chuyến tàu đứng lại…/ Rồi mẹ trở về với mái nhà đã quen tốc gió/ Chực ngã bao lần nhưng chẳng ngã đâu/ Bởi mẹ đợi ngày hòa bình trở lại/ Lại đến sân ga chạy dọc những con tàu“. Cuộc đời dài dặc, xót đau của người mẹ được xô đi kéo lại trong khắc khoải đợi chờ gây xúc động, ám ảnh người đọc.
Ngay cả trong mảng thơ tình, Bình Nguyên cũng vẫn nghiêng về những mất mát, thiếu hụt cần được nâng đỡ, sẻ chia chứ không chỉ có sự viên mãn tròn đầy. Ta lại thấy nhà thơ sử dụng rất điệu nghệ hình tượng gió trong một thi phẩm: Vẫn là gió, nhưng là “Gió qua cầu”, vẫn là từ những ẩn dụ, mơ hồ… đã làm nên tứ thơ tình khác lạ: “Bữa ấy gió qua cầu/ Anh rút ván để em bầm vết xước/ Chẳng bắt được giấc mơ/ Anh đuổi theo rồi chìm vào tiếng nấc/ Rồi trượt ngã xuống em/ Sau một lần thức giấc…”.
Những lời thơ, những câu thơ tưởng vu vơ chẳng nhắm tới đâu, đó lại là thể hiện một sự ân hận, dằn vặt về một lỗi lầm. Không biết “anh” hữu ý hay vô tình, đã gây ra lỗi lầm gì làm tổn thương “em”? Chắc là nặng nề, nghiêm trọng lắm nên mới liên tưởng tới thành ngữ “qua cầu rút ván”.
Dẫu ẩn dụ, người đọc vẫn sẽ nhận ra: “anh” qua cầu rút ván, chứ đâu phải “gió”. Vì vậy mặc cảm lỗi lầm cứ bám riết truy sát “anh” đến tận giấc ngủ, làm giật thột, vấp ngã trong cơn mê sảng. Và rồi cái kết mới lộ ra “gió”.
Người thơ đã điều khiển “gió” như có phép màu: “Ta trở lại mùa sau/ Em đã lành vết xước/ Nhưng anh ạ làm sao em ấm được/ Cứ mỗi lần trở gió để anh đau“. Giờ là em đau và đây mới là nỗi đau “vĩnh cửu” của tình yêu dâng hiến lứa đôi. Bởi có bao giờ hết gió, cứ gió lên là anh lại nhớ và ân hận, nên sự ân hận không thể chữa lành. Tình yêu là thế, xin “nương nhẹ” thận trọng giữ gìn đừng để tổn thương nhau.
Đọc tập thơ của Bình Nguyên, ta dễ dàng bắt gặp những cách nghĩ lạ, mang dấu ấn riêng của tác giả. Vậy để có được dấu ấn riêng làm nên hiệu quả thơ, nhà thơ đã phải khổ công tìm kiếm con đường đi cho thơ như thế nào? Ta hãy nghe anh trần tình:
Trang anh
Mỗi dòng xuống trang anh
Anh có thấy nét mình trong màu mực
Nét đầu tiên
Nét cuối
Có thể chẳng còn gì suốt một đời vắt sức.
Dép cũ
Áo sờn
Gấp nếp từ mấy mươi năm trước
Mấy mươi năm theo bụi phủ anh dần.
Chôn trong từng sợi tóc
Từng ý nghĩ rơi đêm
Anh đã thấy những cái nhô lên
Cát lại vùi xuống cát.
Anh đã gặp
Những màu nước đánh phèn
Những ngôn từ vón cục
Cái rất tối chạy ra ngoài ánh sáng
Chạy ra rồi không biết lại tối hơn.
Anh thường chọn cho mình góc khuất
Và yên tĩnh với anh như một niềm hạnh phúc
Càng xa lánh cái bon chen
Càng nhìn rõ những cái gì đen bạc.
Thiết nghĩ không cần nói gì thêm, khi đã đọc bài thơ, bạn đọc cũng đã cảm thông và chia sẻ với Bình Nguyên về nỗi cực nhọc biết chừng nào trên con đường tìm kiếm thi pháp thơ mình. Bởi nó là: được, mất chông chênh giữa đỉnh cao và vực thẳm, là lặng lẽ cô đơn trong “cõi” người thơ chấp nhận dấn thân.
Một công việc mà ngay như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – chủ soái cách tân thơ, cũng còn phải thốt lên: “Đã có một giai đoạn tôi thường sa vào tính dị biệt trong các sáng tác của mình. Nhưng ngay sau đó tôi đã nhận ra sai lầm của mình và đã rời bỏ. Ví như câu thơ tôi viết: Những ngón tay không móng đang nhổ cỏ. Viết như vậy, quả thực chẳng mang lại điều gì cả về nghệ thuật lẫn nội dung” (Văn nghệ số 51 ngày 19/12/2015).
Bình Nguyên đã âm thầm, bền bỉ, thận trọng và rất quyết liệt, nghiêm khắc, cảnh tỉnh với chính mình: “Cái rất tối chạy ra ngoài ánh sáng/ Chạy ra rồi không biết lại tối hơn”. Nhờ “nhìn người ngẫm mình” mà “cái tối” đã không thể “hù dọa”, “níu chân”… thơ.
Ninh Bình, 10/1/2016
Theo Lâm Xuân Vi – Văn nghệ công an