Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Thị Tú Ngọc

Gồm các truyện ngắn sau:

– Chợ ký ức

– Lặng yên sau cơn mưa

– Gió bên bờ vịnh

– Ngụ ngôn tháng Tư

– Tiếng rền của đá

Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc

Sinh ngày 7/4/1984 tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh

Hiện đang công tác tại trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh

Tác phẩm đã xuất bản:

Ngụ ngôn tháng Tư – Tập truyện ngắn-  NXB Dân trí. 2019

 Linh mộc – Tập truyện ngắn-  NXB Dân trí. 2022

Giải thưởng:

+ Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Bình Định

+ Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

+ Giải Ba cuộc thi Thương nhớ miền Trung báo Thanh Niên

+ Giải Khuyến khích cuộc thi Truyện ngắn Sống đẹp báo Thanh Niên

 + Giải Nhì cuộc thi Truyện và ký Tạp chí Hồng Lĩnh.

+ Giải C của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam + Giải B giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ VII .

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh

Nhận định của nhà văn Uông Triều:

“Trần Thị Tú Ngọc viết văn chưa lâu nhưng nhanh chóng chứng tỏ mình là cây bút chuyên nghiệp. Văn của Tú Ngọc chắc chắn, vững vàng, đa dạng về đề tài, bút pháp, kể cả có những thử nghiệm mới mẻ. Pha trộn giữa hiện thực và huyền ảo là một kiểu viết của Trần Thị Tú Ngọc, sự đan trộn này thường làm mới lại những câu chuyện truyền thuyết và vẫn neo bám vào hiện tại, nó giống như một bức tranh mờ ảo nhưng vẫn thấy được những đường nét của cuộc đời thực”

Nhân định của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy:

Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính luôn là thử thách ngay cả với những nhà văn thuộc lực lượng vũ trang hay từng có những năm tháng sống đời sống quân ngũ, nhất là khi chiến tranh ngày càng lùi xa, và những trang viết về đề tài này ngày một dày lên theo năm tháng với những sáng tạo tìm tòi phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức từ người viết các thế hệ. Nhưng một điều đáng mừng là vẫn có những người viết trẻ dành tâm huyết cho đề tài.

Mỗi nhà văn có một cách đi thực tế khác nhau, nhưng với Trần Thị Tú Ngọc, có vẻ những chuyến xâm nhập vào đời sống thường lập tức trở thành nguồn cảm hứng cho tác phẩm.

Nhân định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

“Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc đã mang tới cho tôi một không gian bàng bạc, xa xăm, mộng mị nhưng cũng khiến tôi tìm thấy những vẻ đẹp xác thực của đời sống con người trong cách kể chuyện rất tài hoa và xúc động nao lòng. Chính vì cách đó mà tôi cảm thấy những người đã mất vẫn trở về trọn vẹn. Nghệ thuật đã thật sự làm sống lại những gì đã chết bằng quyền năng kỳ lạ của nó”

Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc tâm sự:

Trong hiện thực cuộc sống vô cùng rộng lớn, mỗi nhà văn sẽ lựa chọn một số đề tài phù hợp nhất với thiên hướng của mình. Tôi vốn là một người hơi hoài cổ, vì thế ban đầu truyện ngắn của tôi chủ yếu viết về lịch sử. Khi mở rộng biên độ sáng tác, sự thật là chính bản thân tôi cũng rất bất ngờ khi mình thử sức với đề tài chiến tranh cách mạng, mảng đề tài đầy thách thức với người viết trẻ. Tôi nghĩ rằng đây là đề tài khó nhưng nếu càng theo đuổi, bạn sẽ càng phát hiện ra nhiều tầng vỉa vô cùng quý giá.

Khá nhiều bạn viết văn khi gặp gỡ đã tỏ ra ngạc nhiên khi biết tôi là một giáo viên địa lí. Tuy nhiên cần phải nói rằng chính sự am hiểu về chuyên môn đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình sáng tạo bởi công việc này đòi hỏi phải có vốn hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, kinh tế của mọi vùng đất trên thế giới. Những tư liệu và trải nghiệm tích lũy được đã để lại dấu ấn đậm nét trên từng trang viết của tôi.

GIÓ BÊN BỜ VỊNH

     (Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn Bình Định 2018 -2019 )

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều:

“Những đoạn tưởng rời rạc chứa đầy cảm giác hững hờ, mệt mỏi lại gắn kết lại với nhau tạo nên một câu chuyện ám ảnh, cuốn hút đã lột tả tận cùng những vô cảm trong cuộc sống này. Căn bệnh làm cho con người trở nên tồi tệ và hủy diệt những năng lực sống chính là sự vô cảm. Nhưng ở đâu đấy quanh cuộc sống, luôn có một bàn tay vừa vô hình, vừa hiện hữu đưa về phía con người để mang cho họ sự ấm nóng và dẫn họ đi tới những giá trị đích thực của kiếp người.

Một người già nằm nghe đọc báo, một con voi rừng rống lên buồn bã, một đám mây trắng trôi qua, một bàn tay luôn rỉ mồ hôi, sự thật ra đời của một con người…, là những chi tiết độc đáo mà tác giả dựng lên và gắn kết chúng thật điêu luyện bằng một sợi dây vô hình là trí tưởng tượng và khả năng trực giác. Truyện ngắn này minh chứng một điều quan trọng nhất của nghệ thuật sáng tạo: cái nhìn riêng biệt của nhà văn trong một hiện thực chung mà ai cũng được chứng kiến”

 GIÓ BÊN BỜ VỊNH

Tôi giấu nỗi sợ hãi trong lòng bàn tay. Nỗi sợ hãi phập phồng khiến bàn tay tôi luôn ứa mồ hôi, lạnh và ướt. Nguyên không nhận ra điều đó bởi khá lâu rồi chúng tôi chưa nắm tay nhau.

“Anh sợ lắm”.

Tin nhắn ngập ngừng mãi trong máy tôi không gửi được sang Nguyên bởi chiếc điện thoại đang thoi thóp những nhịp cuối cùng trước khi cạn kiệt pin rồi tắt lịm. Lúc đó tôi bị tắc đường ở ngã tư Thiên Sơn, gần chỗ giao nhau với cao tốc mới, xung quanh kín đặc toàn người. Thành phố chạng vạng chiều chật chội đến nỗi tưởng như tất cả mọi thứ từ sâu trong ngóc ngách đều tuôn cả ra đường, tôi ngẩng đầu lên hớp hớp chút ít không khí để thở như con cá mắc cạn, đột nhiên nhìn thấy một đám mây trắng khổng lồ trôi qua ngang trời.

Cũng khoảnh khắc ấy sâu trong rặng núi trơ trụi phía tây cao nguyên Xư Công Lê, con voi trắng đã tiến tới bên mép vực. Nó quay thân mình nặng nề lại để nhìn  bình nguyên bao la trải ra dưới ánh tà dương đỏ ối, hươ vòi lên cao rống một tiếng dài nửa như giận dữ, nửa như than khóc rồi từ từ lui bước.

Tôi thoáng rùng mình. Cảm giác đó lướt qua rất nhanh bởi tiếng còi xe gắt gỏng phía sau. Chen chúc trong dòng chảy ngờm ngợp giữa bụi và người cho tới khi đến được phòng khám của bác sĩ Trương thì cơ thể tôi tê cứng như được phủ trong một lớp chì xám xịt.

Vị bác sĩ đã đợi sẵn ở đó theo đúng lịch hẹn, trông ông có vẻ mệt mỏi với gương mặt tái nhợt. Ông ngồi trầm ngâm trước tập hồ sơ, lật qua lật lại, đẩy cặp gọng kính trễ xuống dưới sống mũi rồi rất lâu sau mới nhíu mày nói thật chậm:

– Tôi rất lấy làm tiếc, kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy tình hình vẫn không có gì tiến triển. Vấn đề của anh không chỉ ở sinh lí mà còn là tâm lí.

Bàn tay tôi lại trở nên lạnh ngắt, các ngón tay giật giật, duỗi ra rồi buông thõng xuống. Nỗi sợ hãi trong tay bắt đầu rỉ nước. Ngay cả đêm tân hôn nó vẫn rên rỉ như thế giữa những ngón tay khép chặt khiến tôi và Nguyên vật lộn trong tuyệt vọng mà chẳng thể có cách nào đến với nhau. Không còn nghe được vị bác sĩ đáng kính nói tiếp những câu gì, tôi nhìn ra màn mưa mịt mù bên ngoài khung cửa sổ phòng khám, nghĩ đến một ngày xa xôi nào đó rữa nát dưới mưa mình sẽ chẳng để lại gì ngoài những hại bụi.

***

Khi tôi lên lớp tám, ông nội bắt đầu yếu dần nên bố tôi quyết định không cho ông ở quê nữa mà đón lên thành phố để tiện chăm sóc. Bố mẹ bận rộn suốt cả ngày, sợ ông buồn nên bố giao cho tôi nhiệm vụ đi học về là lên phòng đọc cho ông nghe tờ báo mà ông đã quen đọc từ những năm tháng còn ở chiến trường. Đó thực sự là một công việc nặng nề chán ngắt so với niềm say mê mặc quần đùi chạy rông đá bóng với lũ bạn ở ngoài hè phố. Thế nhưng bố dễ dàng thuyết phục tôi bằng cách dúi vào tay một tờ tiền xanh xanh, ngay lập tức sức mạnh của tờ tiền mỏng mảnh đó nhấc chân tôi qua mười bảy bậc cầu thang để lên căn gác nhỏ của ông nhẹ bẫng.

Hôm đầu tiên tôi hăm hở hoàn thành công việc của mình bằng cách đọc một mạch từ đầu tới cuối bốn trang nội dung chẳng bỏ sót chữ nào. Đến khi thở phào gấp báo lại nuốt nước bọt khan, tôi chợt nhận ra ông tôi thôi không lắc lư mình trên chiếc ghế xích đu cũ kỹ nữa mà ngồi lặng đi. Những nếp nhăn trên mặt ông bị xô lệch trong tiếng nấc nghèn nghẹn, từ trong hốc mắt già nua mờ đục, một giọt nước mắt chảy ra chầm chậm lăn qua vết sẹo nơi gò má.

Tối đó ông buồn bã đến nỗi hầu như không ăn. Cả nhà tôi cuống quýt cả lên. Bố gườm gườm nhìn tôi, tôi tái mét mặt nói con chỉ lên chỗ ông để đọc báo như bố dặn. Sau khi săm soi thật kĩ tờ báo ngày nào cũng được cấp về cơ quan nhưng bận quá chưa bao giờ có thời gian để đọc, bố khẽ lắc đầu: Con còn khờ dại lắm, con ạ.

Bố quyết định đưa cho tôi thêm một tờ tiền xanh xanh nữa để ngày ngày tô lại màu cho thế giới trước khi mang đến chỗ ông.

Đó là một trò chơi lộn ngược hết sức buồn cười. Bài phóng sự điều tra “Hàng trăm héc ta đất nông nghiệp bị thu hồi làm sân gôn với giá rẻ mạt, nông dân khóc ròng” qua miệng tôi trở thành “Hàng trăm héc ta đất nông nghiệp được cải tạo làm sân gôn để phát triển kinh tế, nông dân vui mừng phấn khởi”. Mẩu tin vắn tắt nơi góc báo ghi “Vượt sông mùa mưa đến trường, ba trẻ em chết đuối thương tâm” được tôi biến ra là “Nụ cười hân hoan của trẻ em vùng rốn lũ tới trường trên những cây cầu mới được đầu tư”. Tôi vừa đọc vừa lấm lét nhìn ông, mồ hôi rịn ra ướt đẫm cả mấy ngón tay cầm tờ báo.

Thi thoảng ngẩng đầu lên để nghỉ, tôi thảng thốt bắt gặp ông đang chăm chú nhìn tôi, ánh mắt người già lạ lùng như sương khói.

Những trang báo đọc ngược theo tôi vào trong giấc ngủ chập chờn. Nửa đêm giật mình tỉnh dậy, tôi nhận ra có một nỗi sợ hãi cựa quậy trong lòng bàn tay dấp dính. Tôi chạy vào phòng tắm mở vòi nước thật mạnh rồi dùng xà phòng chà xát nhưng nó vẫn bám vào đó không trôi. Tôi mang theo nỗi sợ hãi đến trường, nó lớn dần trong lòng bàn tay phả ra hơi thở lạnh toát.

***

Ngôi nhà tôi và Nguyên ở nằm bên con đường dẫn ra bờ vịnh Gió, nơi đây từng có những bức tường được sơn màu rực rỡ nhưng mưa nhiều quá nên ngày nay đã bị bạc màu. Chúng tôi thường đi ngủ lúc mười một giờ đêm, khung cửa sổ hướng về phía biển mở ra đủ để nghe tiếng sóng rì rầm nhè nhẹ.

“Hôm nay anh đã gặp bác sĩ Trương chưa?”

“Anh đến rồi. Ông ấy nói mọi thứ đều ổn cả”

“Vậy chuyện này xảy ra do đâu”

“Giá mà anh biết được”. Tôi ôm nàng vào lòng. “Tại trời mưa nên những con cò ướt cánh chưa mang trẻ con đến cho chúng ta”.

Im lặng đến nỗi tôi nghe thấy tiếng thở khe khẽ của nỗi sợ hãi trong lòng bàn tay.

“Anh biết không, trên cao nguyên Xư Công Lê có một chú voi con ba tháng tuổi bị sa lầy vừa được cứu hộ thành công. Thế nhưng sau đó người ta nỗ lực cho nó tái nhập đàn đến năm lần đều bị bầy voi rừng từ chối”

“Tại sao”

“Họ nói rằng bầy voi rừng vẫn quanh quẩn ở đó nhưng hễ voi con chạy lại gần thì cả đàn bỗng gào rú lên đầy giận dữ rồi kiên quyết không cho nó đi theo. Có lẽ vì chú voi con đã tiếp xúc với con người nên mang theo mùi lạ”

“Ngay cả voi mẹ cũng bỏ rơi con mình sao, anh cứ tưởng chúng là giống loài tinh khôn và tình nghĩa”

“Chúng nghi ngờ con người”

“Lẽ ra chúng nên tin tưởng ở con người”.

Gió bắt đầu hú lên từ góc bên kia bờ vịnh, sóng ầm ì dội vào vách đá vọng về tiếng biển đang rạn vỡ. Tôi xoay người sang Nguyên, dưới ánh đèn phòng ngủ sáng mờ đôi mắt em sẫm lại như bầu trời đêm thăm thẳm. Ngày mới yêu chúng tôi vẫn thường thức trắng bên nhau trong những đêm biển động, Nguyên nói rằng tiếng sóng làm em nhớ đến cơn gió xạc xào lướt qua những cánh rừng trên Xư Công Lê. Ở đó em từng có thời thơ ấu bình yên cho đến khi cơn hạn khua cái lưỡi đỏ lòm thèm khát khắp cao nguyên. Rừng bị đốn trụi, nước ngầm khô kiệt, đất đai bạc màu, bỏ lại sau lưng rẫy cà phê chết đứng giữa trời cha mẹ dắt em lang thang kiếm sống cho đến khi bước chân lưu lạc dừng lại nơi thành phố. Buổi chiều hôm ấy tôi đẩy xe lăn đưa ông đi dạo dọc công viên Nhớ Cát. Trong một khoảnh khắc tỉnh táo hiếm hoi ông tôi chợt nhận ra người đàn ông bốc vác rách rưới đang ngồi gặm bánh mì ở ghế đá chính là người lính ở đơn vị cũ. Người lính sững sờ gặp lại thủ trưởng của mình nay đã thành một ông già còm cõi bên dòng đời tấp nập ngược xuôi, hai tay run run lén chùi giọt nước mắt hội ngộ mừng mừng tủi tủi.

Tôi đi qua thời sinh viên bằng những xế chiều lên xuống giữa mười bảy bậc cầu thang, mang báo lên đọc cho ông và mang những món quà nho nhỏ ông gửi tới cho gia đình Nguyên. Trong túp lều tạm bợ dưới chân chiếc cầu sắt cũ, mẹ Nguyên nhen lên một đống lửa nhỏ bên bữa cơm chiều, cha Nguyên cất giọng khàn khàn hát vài đoạn sử thi cũ xưa buồn bã. Tôi và Nguyên lặng lẽ ngồi nghe, khói bay cay xè mắt.

Ngày tiễn ông về với cát bụi, tôi gục đầu vào vai Nguyên bật khóc. Ông chọn cho mình một góc khiêm nhường để đặt lọ tro nơi ngôi chùa cổ. Đống báo cũ chất chồng trên căn gác nhỏ được mang ra đốt, tôi hóa vàng những phận người xuôi ngược, những gương mặt lẫn lộn trắng đen, những khóc cười thoảng qua cõi nhân gian mù mịt. 

***

Có một lần, tôi đã đọc cho ông nghe toàn bộ tờ báo mà không sửa một chi tiết nào. Đó là năm tôi học lớp mười hai còn ông đã yếu đến mức hầu như phải nằm liệt trên giường. Hai tai ông điếc đặc từ lâu nên bố nhận thấy không còn cần thiết đặt vào tay tôi những tờ tiền xanh xanh vào mỗi buổi chiều nữa. Thế nhưng cứ tan học về nhà, tôi lại bước qua mười bảy bậc cầu thang để lên phòng ông, cầm tờ báo đọc ngược mọi thứ như thực hiện một nghi lễ tẩy rửa tâm hồn khỏi đống rác đầy ắp tin tức giật gân ập vào mặt mỗi ngày.

Chiều hôm đó Trung tâm ngoại ngữ tổ chức thi xong nên được về sớm hơn mọi khi, ngang qua phòng bố mẹ, tôi dừng lại vì nghe thấy tiếng cãi nhau rất gay gắt.

– Tôi không thể chịu nổi bộ mặt giả dối của anh nữa. Chỉ cần thằng Khang vào Đại học là ngay lập tức tôi sẽ li hôn.

– Cô nghĩ tôi muốn sống với con người mưu mô như cô chắc. Đừng tưởng tôi không biết việc cô lợi dụng uy tín của cha tôi để huy động bao nhiêu vốn cho những dự án ma – Bố tôi rít lên – Tôi xin thề là nếu cha tôi chết vào tối nay thì ngay sáng mai tôi sẽ đưa cô ra tòa đường ai nấy đi cho rảnh nợ.

– Thế anh cho rằng tự nhiên cái ghế Chủ tịch rơi vào anh sao? Tôi đã đổ bao nhiêu tiền kê mông anh lên đó trong khi anh lại dùng tiền kiếm được từ nó để bao nuôi lũ con gái đú đởn bên ngoài?

Tiếp theo là những tiếng động nối tiếp nhau của đồ vật bị ném xuống nền nhà, tiếng thanh mỏng của bình pha lê Đức, tiếng trầm đục của bình sứ Trung Hoa kiểu cổ, tiếng ngân rền của bình bạc Hà Lan. Chắc hẳn những tiếng động này đã âm thầm hiện hữu trong nhà từ lâu nhưng tôi không hề hay biết vì mọi mảnh vỡ đều được dọn đi gọn ghẽ.

Tôi run rẩy bước qua mười bảy bậc cầu thang lên tầng gác mái. Ông nằm im trên giường, người hơi quay về bên ngoài cửa sổ. Ở đó hình như có một đám mây trắng ngập ngừng bay qua. Tôi ngồi xuống chiếc ghế xích đu cũ kỹ những ngày trước ông vẫn hay ngồi, cầm tờ báo lên và chậm rãi đọc.

“Đội tuyển Olimpic Toán giành thắng lợi rực rỡ với ba huy chương vàng, bốn huy chương bạc”

“Thiếu tiền chơi game, nghịch tử đâm chết mẹ đẻ”

“Công ty An Phú nhận trách nhiệm trong sự cố xả thải ra sông Sê An”

“Khai mạc đường sách Nguyễn Huệ. Người trẻ ngày càng bày tỏ mối quan tâm nhiều hơn tới văn hóa đọc”

“Hoa dã quỳ vàng rực trên cao nguyên Xư Công Lê”

Đọc hết bốn trang báo, tôi đột nhiên muốn khóc. Cuộc sống thật mỏi mệt biết bao khi ta mười tám tuổi, rồi ngày mai tôi phải làm sao để bước qua những mảnh vỡ lộn xộn dưới nhà mà chân không tứa máu. Giá như tôi có thể ở đây mãi mãi với ông, giữa những đám mây trắng bay ngang trời và kí ức về thế giới của những người anh hùng, những người chính trực. Tôi nghe thấy tiếng ông cựa mình khe khẽ trên giường. Bên ngoài cửa sổ, đám mây trắng đã tan đi từ lâu, cơn gió thổi qua bình nguyên cũ mang đến mùi thơm xa xôi của những loài hoa dại. Ông chớp chớp đôi mắt mờ đục lấp loáng như đọng nước, khó nhọc đưa cánh tay chằng chịt vết lấy ven lên nắm lấy tay tôi. Tôi để yên bàn tay mình trong tay ông ấm nóng.

***

Ba tháng mười ngày sau khi ông nội mất, tôi quyết định rời đi.

“Để xem mày sống như thế nào khi không có tao”. Bố tôi lạnh lùng xé tờ quyết định bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban quản lí dự án Xây dựng hạ tầng đề tên tôi do chính tay ông kí.

“Mẹ phải cực nhọc biết bao mới sinh ra con”. Mẹ tôi ôm mặt khóc.

Sự thật thì chẳng có cánh cò nào mang trẻ em qua cửa sổ những ngôi nhà. Tôi được sinh ra từ một con giống của bố đã được lọc kỹ càng trong phòng khám tư cùng với quả trứng tẩm đẫm hóa chất của những lần kích trứng đau đớn trên bụng mẹ. Đã rất lâu rồi bố mẹ tôi không ngủ cùng nhau và sự ra đời của tôi từ trong ống nghiệm chẳng thể nào kéo họ xích lại gần thêm chút nào trên chiếc giường lớn đã chia thành hai nửa.

Tôi đến thắp hương cho ông nội, tình cờ thấy cha Nguyên ở đó. Cùng với việc chấp nhận đơn xin thôi việc tại Sở của tôi, bố tôi đã tuyển dụng luôn hai nhân viên mới thay thế vị trí lao động hợp đồng dọn dẹp vệ sinh mà ngày trước ông bố trí cho cha mẹ Nguyên theo nguyện vọng của ông nội. “Trên cao nguyên Xư Công Lê đã có mưa rồi, chào thủ trưởng em lại về làm rẫy”, cha Nguyên đặt ba bông cúc vàng trước tấm bia nhỏ, đưa bàn tay chếch trên trán trong một khoảnh khắc nghiêm trang.

Nguyên ở lại cùng tôi. Chúng tôi vay vốn đầu tư khởi nghiệp bằng cách thiết kế các mẫu túi gửi cho xưởng đan cói, sau đó nhận túi mộc về vẽ lên những hình ảnh ngộ nghĩnh hoặc trang trí hoa lá cỏ cây rồi bán cho các cửa hàng lưu niệm. Mỗi chiếc túi cói là một sản phẩm thủ công riêng biệt độc đáo đến nỗi ngay cả những người thợ lành nghề nhất cũng không thể làm lại một chiếc giống in như thế lần thứ hai. Công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, chúng tôi vay thêm tiền mở rộng nhà xưởng, thuê thêm nhân công, tìm kiếm các hợp đồng với khách nước ngoài.

Thế rồi một vụ cháy lớn đột ngột xảy ra.

Nó xảy ra ngay khi lô hàng cực lớn dành cho đối tác Nhật Bản sử dụng trong một hội nghị xúc tiến đầu tư đã đóng gói chờ xuất xưởng. May mắn không có thiệt hại về người nhưng toàn bộ cơ nghiệp chúng tôi vừa gây dựng nên đã bị thiêu rụi, cộng với khoản tiền đền bù hợp đồng lên đến con số khổng lồ so với khả năng hiện có, hai chúng tôi bỗng chốc nợ nần chồng chất.

Bố đến tìm tôi, đưa ra đề nghị giúp đỡ đổi lại việc tôi quay về tiếp tục đảm nhận vị trí Trưởng ban quản lí dự án Xây dựng hạ tầng ông vẫn đang cố tình để trống. Tôi ngậm ngùi gấp chiếc áo đầy màu vẽ xuống đáy rương, khoác lên mình bộ vest lịch lãm, trở lại làm đứa trẻ lớp tám ngày xưa đọc ngược lại những gì nhìn thấy khi ngồi trong phòng máy lạnh giúp bố duyệt hồ sơ dự án. “Đã đánh giá đầy đủ các tác động về môi trường”. “Ưu tiên chuyển đổi đất nông nghiệp sang xây dựng các khu du lịch là nhiệm vụ cấp thiết để chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. “Cần khẩn trương đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng nhằm thực hiện thắng lợi dự án trọng điểm”. Ký tên. Bắt tay. Vỗ tay. Lại ký tên. Sau mỗi chữ ký thành phố phình to thêm vùi lấp những phận người bé mọn. Tay tôi cầm tờ tiền xanh xanh. Tay bố cầm con dấu đo đỏ. Bố vung tay dõng dạc trước các hội nghị để nói về một thế giới chỉ toàn điều đẹp đẽ. Tôi úp mặt vào hai bàn tay nghe nỗi sợ hãi phập phồng nức nở suốt đêm đêm.

***

Gió tiếp tục nổi lên bên kia bờ vịnh.

“Tay anh lạnh quá”

“Anh bị như thế này từ lâu rồi”

“Không phải đâu. Anh còn nhớ hồi chúng mình còn cùng nhau vẽ tranh lên túi để bán chứ, lúc đó mỗi khi nắm tay em đều thấy anh thật ấm áp”.

Tôi chợt nghĩ về khoảng thời gian ngắn ngủi nỗi sợ hãi biến mất khỏi bàn tay mà lòng ngập tràn nuối tiếc. Trong tập cáo trạng dài hai nghìn trang về vụ đại án kinh tế đang được đưa ra xử, có mấy dòng ngắn ngủi nói về ai đó đã từng trả tiền để thuê người thiêu rụi một xưởng gia công túi cói vẽ tranh xuất khẩu mà chưa điều tra rõ được nguyên nhân. Bị cáo đứng trước tòa, không xác nhận cũng không phản đối. Người điều khiển cỗ xe khổng lồ lăn bánh trên đường làm sao nhớ hết được có bao nhiêu cỏ hèn gai mọn bị cán nát dưới chân.

“Tha thứ cho bố nếu đã làm điều gì không phải với con”. Bố gọi tôi vào phòng, thầm thì thú nhận. Bố mẹ đã li hôn để mẹ kịp xin được thẻ định cư nước ngoài trước khi mọi chuyện có nguy cơ vở lỡ. Hồ sơ của tôi đã được tẩy trắng sạch sẽ, đó là cố gắng cuối cùng của bố mẹ để đảm bảo cho tôi tiếp tục có một cuộc sống tốt đẹp theo cách nghĩ của hai người. “Còn lại một mình bố chắc chắn không có vấn đề gì đâu, có những chuyện chỉ riêng hai bố con mình mới biết”. Bố tôi im lặng dõi theo cơn gió gầm gừ quét qua vịnh biển, hai bàn tay nắm chặt phấp phỏng âu lo.

“Em nghĩ đàn voi rừng có lí do nên mới từ chối nhận lại voi con. Chắc chúng cho rằng voi con sẽ an toàn ở trung tâm bảo tồn hơn là lang thang trong những cánh rừng chật chội đầy cạm bẫy”

“Nếu đúng như thế thì thật là đáng thương. Anh hy vọng chú voi con sẽ được cứu sống”

“Em hy vọng chúng mình sẽ có một đứa con”.

Nguyên quay mặt về phía biển, tôi quay sang cùng nỗi sợ hãi vẫn còn đang thức. Cũng giống như tôi, áng sử thi đẹp đẽ Nguyên từng nghe được trên cao nguyên Xư Công Lê thủa nhỏ không thể nào ru nỗi sợ hãi ngủ yên. Tôi lắng tai nghe tiếng con voi trắng rống lên buồn bã khi chiều tắt nắng, nghĩ đến một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ giống như những sinh vật tội nghiệp kia, bị săn đuổi nên căng thẳng tới mức không thể làm tình và sinh đẻ, hoàn toàn mất bản năng giống loài, chỉ còn là những cỗ máy vô hồn cõng trên lưng gánh nặng nhọc nhằn vì đã trót sinh ra lạc chỗ.

Nỗi sợ hãi mở mắt chằm chằm nhìn tôi, nếu ngày mai tôi đưa hai bàn tay ra phơi trước ánh sáng chắc chắn nó sẽ phải bỏ đi. Tôi muốn dành những năm tháng rộng dài về sau để nắm tay Nguyên bằng bàn tay ấm áp.

Ở trên kia, có lẽ ông tôi đã hóa thành làn mây trắng./.

T.T.T.N

Exit mobile version