Ngày 8-4, nhân tái bản có bổ sung bộ sách “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” dày dặn gồm 3 tập, đại diện NXB Kim Đồng cùng các đơn vị truyền thông đã tới thăm gia đình cố nhà văn để tìm hiểu thêm về việc giữ gìn và khai thác nguồn tư liệu quý giá này. Hàng chục cuốn nhật ký được cất giữ cẩn thận nhờ tình yêu thương, thái độ trân trọng của người bạn đời nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đặt ra câu chuyện lớn về việc gìn giữ và khai thác di cảo của các nhà văn.

Những trang nhật ký viết tay của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được gia đình lưu giữ cẩn thận.


Gia tài để lại cho đời

Nhật ký – thể loại có tính riêng tư nhưng góp phần lưu giữ những câu chuyện chung của gia đình, cộng đồng, đất nước, không phải ngẫu nhiên mà có được vị trí đặc biệt trong đời sống văn học. Từng có những công trình tư liệu về chuyện đời, chuyện văn, trong đó có phần về nhật ký, di cảo của nhà văn, đã đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội như “Dĩ vãng phía trước” của Ngô Thảo, tác phẩm nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… Đó là những tác phẩm làm dậy sóng những trái tim yêu nước, trở thành hiện tượng xuất bản nước nhà.

Bộ “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” tái bản có bổ sung mang đến cho người yêu văn học, giới nghiên cứu thêm những trang viết mà nhà văn thực hiện trong khoảng gần một năm – trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến (1946). Đây cũng là khoảng thời gian nhà văn nhận trách nhiệm đưa đoàn văn nghệ sĩ lên chiến khu, hòa vào cuộc cách mạng chung của dân tộc bằng vũ khí – ngòi bút của mình. Vì vậy, có thể nói, những trang nhật ký bé nhỏ đã chuyển tải chân thực một phần bầu không khí cách mạng, gương mặt của văn nghệ sĩ trong thời gian khó mà xúc động ấy. Văn học, lịch sử, tư tưởng, tinh thần những người chiến sĩ văn hóa hòa trộn tự nhiên qua trang viết, lan tỏa tới người đọc với vẻ đẹp của sự chân thực. Từ “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng”, có thể thấy, nguồn di cảo của các nhà văn khác, từ thư tay, bản thảo đến bài viết, nghiên cứu… chưa công bố, được xem như một lối dẫn về quá khứ, giúp hiểu thêm về nhà văn, đời văn và cả một phần ký ức dân tộc. Như mới đây, trong lần tham dự ngày Thơ Việt Nam 2016, nhà văn, nhà nghiên cứu Jean Pierre Orban (Bỉ, Giải thưởng Sách Châu Âu) cũng khẳng định rằng ông luôn tìm kiếm di cảo các nhà văn để có thể hiểu được rõ ràng tinh thần, tư tưởng của tác giả, tác phẩm.

Ngẫm việc học văn hôm nay, lại nghĩ, biết đâu, việc hiểu được số phận, nỗi buồn vui, sự khắc nghiệt trong hoàn cảnh ra đời trang viết qua di cảo nhà văn được công bố sẽ khiến lớp trẻ có thêm rung cảm để lĩnh hội, cộng hưởng với thông điệp mà tác phẩm gửi gắm. Chắc chắn hơn khi các em không hiểu gì về tác giả, vỏn vẹn trong đầu những con chữ văn bản cô đọng về những gì khá xa lạ với thời các em sống…

Cần những hành động cụ thể

Phần bổ sung trong bộ “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” được tái bản lần này chính là nội dung nằm trong cuốn nhật ký khổ nhỏ, chỉ bằng bàn tay, từng bị thất lạc… ngay trong gia đình nhà văn. Chuyện là, mấy chục năm trước, bà Trịnh Thị Uyên – người bạn đời của nhà văn – luôn mang theo mình hai chiếc va li đựng di cảo của Nguyễn Huy Tưởng. Một chiếc đựng toàn bộ nhật ký, chiếc kia gồm toàn bộ sổ công tác. Cuốn nhật ký nhỏ bé nói trên bị để nhầm trong va li đựng sổ công tác, mãi sau này mới được con trai nhà văn – ông Nguyễn Huy Thắng – tìm lại và đưa vào bộ nhật ký tái bản.

Dẫn câu chuyện về sự thất lạc nói trên, muốn nói rằng biến động thời cuộc là thử thách lớn đối với việc giữ lại “phần ký ức” của rất nhiều nhà văn và người thân của họ. Không phải nhà văn nào cũng được gia đình, người thân cất công gìn giữ bản thảo, nhật ký, nhất là trong thời buổi mà nỗi lo cơm áo chế ngự tâm tư con người. Theo biên tập viên Nguyễn Thúy Loan (NXB Kim Đồng), có những trường hợp rất đáng tiếc. Như nhà văn Nghiêm Đa Văn, sau khi ông mất đi, di cảo thất lạc khiến việc biên tập, giới thiệu tác phẩm của tác giả gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, giữ được di cảo mới chỉ là một phần của việc tạo ra “lối về quá khứ”. Viết nhật ký, bản thảo là viết cho mình đọc, để mình tự sửa chữa trước khi công bố nên chữ nghĩa thường ở dạng “của mình, mình hiểu”. Nhưng, khi tác giả ra đi, không dễ tìm ra người đọc được, hiểu được câu chữ của nhà văn. Có khi là con cháu, nhưng cũng có khi là bạn bè tri âm, tri kỷ mới dám “dịch”, chuyển tải thông điệp của họ. Có gia đình một nhà văn lớn hiện đang tập trung biên soạn di cảo của ông để in thành sách, nhưng công việc gặp nhiều khó khăn do trang viết để lại thuộc dạng không dễ đọc. Cũng như gần đây, khi xử lý những trang ghi chép của Nguyễn Thi để đưa vào tập 4 “Toàn tập Nguyễn Thi” (do NXB Văn học tái bản), nhà phê bình Ngô Thảo đã phải mất hai năm đọc đi đọc lại số tài liệu này.

Thời gian qua đi, sự vẹn toàn của di cảo nhà văn càng chịu thêm thử thách. Bởi thế, với nguồn tư liệu quý giá này, rất cần những việc làm cụ thể để có thể giữ gìn chúng, giúp thế hệ sau hiểu về nhà văn, tác phẩm và một phần ký ức của ông cha.

Nhà phê bình Ngô Thảo: Tôi đã gửi gần như toàn bộ phần di cảo có được về nhà văn Nguyễn Thi vào Bảo tàng Văn học Việt Nam. Cũng không nên giữ mãi cho riêng mình những tư liệu quý mà có thể sau này không chắc mình có thể gìn giữ tốt được. Tuy nhiên, tôi mong bảo tàng không chỉ là nơi gìn giữ, mà còn phải là nơi tổ chức khai thác, công bố những di cảo quý giá của nhà văn. Việc đó vừa giúp cho nhà nghiên cứu, vừa giúp cho công chúng hiểu thêm về cách sống, cách nghĩ, cách viết một thời. Hà Dương ghi

Theo Thi Thi – Hà Nội mới