“You can never truly understand someone until you have walked a mile in their skin”.

(To kill a mockingbird – Harper Lee)

Giết con chim nhại – To kill a mockingbird là một trong những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của lịch sử văn học Mỹ trong thế kỷ 20. Điều đáng nói, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và cũng là tác phẩm duy nhất của nữ văn sĩ Harper Lee. Hành trình từ một tác phẩm đầu tay đến một kiệt tác văn học có lẽ sẽ mang đến cho nhiều nhà văn trẻ nước ta những gợi ý thú vị…

1.Hiện tượng kỳ lạ của văn học

GCCN là một tác phẩm văn học kỳ lạ. Đây là tác phẩm nhiều năm liền thống trị danh sách best seller của Mỹ. Số bản in dự tính đã xuất bản cho đến ngày nay là khoảng 30 triệu bản. GCCN cũng nằm trong danh sách “Những cuốn sách phải đọc trước khi chết”, được giảng dạy rộng rãi ở các bậc học ở Mỹ và là một trong những cuốn sách phổ biến nhất thế kỷ 20. Tuy nhiên, đây là tác phẩm văn học kinh điển có ít người phê bình nhất. Cứ 1 triệu bản sách in, chỉ có tương ứng 1 bài phê bình.

GCCN kể về những câu chuyện xảy ra ở thị trấn Maycomb qua đôi mắt nhìn của cô bé Scout Finch. Scout cùng với anh trai Jem Finch và cậu bạn thân Dill Harris rất tò mò về cuộc sống của người hàng xóm bí ẩn Boo Radley. Có rất nhiều lời đồn đại rùng rợn xung quanh nếp sinh hoạt lạ kỳ của Boo. Lũ trẻ bị ảnh hưởng bởi mọi người, cũng dành cho Boo nhiều ác cảm pha trộn với sự sợ hãi. Trong khi đó, một người da đen tên là Tom Robinson bị buộc tội hãm hiếp một cô gái người da trắng tên là Mayella Ewell. Cha của Scout là Atticus Finch hành nghề luật sư, nhận lời bào chữa cho Tom. Chính vì vậy, ông Atticus bị nhiều người kỳ thị do bênh vực người da đen còn đám trẻ thì bị lũ bạn trêu chọc ở trường. Trong phiên tòa, ông Atticus đã chứng minh Tom Robinson hoàn toàn vô tội với những bằng chứng thuyết phục và rõ ràng. Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn bỏ qua sự thật hiển nhiên và kết tội Tom. Cha của Mayella là Bob Ewell do bị Atticus vạch trần tại phiên tòa vì tội nói dối và đánh đập con nên đã tìm cách trả thù Atticus bằng cách tấn công anh em Scout và Jem. Từ những tình tiết truyện, tác giả đã khéo léo vẽ ra một bức tranh sống động về nông thôn Mỹ, những bất công xã hội nhức nhối, những tàn tích của chế độ nô lệ và những bài học luân lý v.v… thể hiện qua đôi mắt trong veo của nhân vật chính Scout Finch.

Ngay từ khi ra đời, GCCN đã lập tức trở thành một trong những tác phẩm có mức độ thành công rực rỡ cả về mặt thương mại và nghệ thuật. Năm 1961, GCCN đoạt Giải Pulitzer dành cho tiểu thuyết và liên tục đứng đầu danh sách best seller trong nhiều năm. Tuần báo Liberal Jornal bình chọn GCCN là “Tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ”. Tạp chí Book Magazine bình chọn Atticus Finch vị trí thứ 7 trong danh sách 20 nhân vật tiểu thuyết đặc sắc nhất thế kỷ 20. Khi được chuyển thể thành phim, GCCN giành hàng loạt giải thưởng danh giá nhất như giải Oscar, giải Quả cầu vàng, giải Cannes và nằm trong danh sách 25 bộ phim hay nhất mọi thời đại.

Tuy nhiên, liệu GCCN có xứng đáng với vị thế đang có hay không? Bài viết này xin đưa ra một vài quan điểm …

 

2.GCCN: Kinh điển bình thường!??

GCCN có hay không? Xin khẳng định, đó là một tác phẩm hay.

Nhưng đó không phải là một tác phẩm xuất sắc. Càng chưa thể coi đó là một tác phẩm kinh điển của mọi thời đại.

Vậy tại sao GCCN lại giành được một vị thế đặc biệt đến vậy trong lịch sử văn học?

Thứ nhất, về mặt thời điểm, GCCN ra đời vào năm 1960, đó là khi phong trào đòi quyền bình đẳng của người da đen phát triển mạnh mẽ nhất. Trong khi đó, văn học Mỹ nói chung và văn học thế giới nói riêng khá thiếu vắng tác phẩm hay về chủ đề này. Cuốn sách nói về người da đen nổi tiếng nhất trước GCCN có lẽ là Túp lều của bác Tôm – Uncle Tom’s Cabin của tác giả Harriet Beecher Stowe. Đây là cuốn sách có giá trị, được nhiều nhà phê bình đánh giá cao, được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, cộng đồng người da đen lại không thích tác phẩm này. Việc mô tả một bác Tôm nhẫn nhục, hiền lành, cam chịu một cách thái quá khiến không ít người da đen không hài lòng. Cho đến tận bây giờ, nếu một người da đen bị gọi là “Bác Tôm”, đó sẽ là một sự sỉ nhục.

GCCN giành được thành công đặc biệt bởi nó đã đi thẳng vào chủ đề phân biệt chủng tộc đầy nhạy cảm. Tác phẩm có sức thuyết phục, thổi lửa vào phong trào bình quyền màu da, chống phân biệt chủng tộc, góp phần xây dựng nên những điều luật bảo vệ người da màu tạo thành tác động xã hội mạnh mẽ. Với sự lan rộng của phong trào chống phân biệt chủng tộc, GCCN càng được đón nhận rộng rãi và mạnh mẽ.

Thứ hai, Harper Lee khi bắt tay vào viết GCCN, bà có được những thuận lợi khá bất ngờ. Đó là việc hai người bạn nhạc sĩ Michael Brown và Joy Brown đã tặng Harper một món quà Giáng Sinh đặc biệt: Một tấm séc trị giá 1 năm tiền lương cùng với lời nhắn: “Bạn có 1 năm nghỉ ngơi để viết bất cứ điều gì bạn muốn”. Sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, nó lại được người bạn thân thủa thiếu thời là Truman Capote, một nhà văn chuyên nghiệp – hình mẫu của nhân vật Dill trong GCCN – giới thiệu nhiệt thành đến các NXB và giới truyền thông mà Truman biết. Đây là những lợi thế giúp cho tác phẩm có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, khởi đầu cho một hiện tượng văn học.

Tuy có được một vị thế đặc biệt, nhưng có thể nói GCCN đã được đánh giá vượt giá trị thực của nó…

 

3.Một tác phẩm vượt giá trị thực?

Có lẽ tại thời điểm ra đời, tác phẩm GCCN thực sự là một bước đột phá. Đồng thời với đó, những tác động của GCCN lên hành trình pháp lý, lên những hoạt động đòi bình đẳng cho người da màu đã khiến GCCN được tung hô nhiệt thành. Tác động xã hội lớn lao giúp cho tác phẩm có được cảm tình lớn từ phía người đọc. Tuy nhiên, sòng phẳng mà nói, GCCN được ngợi khen quá giá trị thực nội tại của tác phẩm. Theo người viết, đó cũng là lý do tại sao số lượng bài phê bình về GCCN rất hiếm hoi. Bởi nếu thực sự đặt tác phẩm này lên bàn cân phê bình, ta lập tức nhìn thấy khá nhiều khiếm khuyết.

Xét về mặt cấu trúc, GCCN là một tác phẩm khá lỏng lẻo. Đường dây câu truyện ban đầu giữa quan hệ của lũ trẻ với người hàng xóm bí ẩn Boo Radley được kết nối với vụ án Tom Robinson còn thiếu chặt chẽ. Nhiều nhà phê bình đã chỉ ra sự lúng của Harper Lee trong việc cố gắng một kết nối hai phần của câu chuyện trong tiểu thuyết một cách khá khiên cưỡng. Đây được coi là một khiếm khuyết khá trầm trọng của tác phẩm. Nhà phê bình Allen Barra đã viết trên tờ The Wall Street Journal: “Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận thẳng thắng giá trị của GCCN. Còn xa nữa, GCCN mới có thể sánh ngang được với những tác phẩm văn học kinh điển”. Trong khi đó, nhà phê bình Thomas Mallon trên tờ The New Yorker đã nhận định: “Việc sử dụng giọng kể qua con mắt của cô bé Scout làm “mềm” đi rất nhiều vấn đề gai góc được đặt ra trong tác phẩm, tạo ra một cảm giác khách quan. Nhưng đôi chỗ, tác giả lại đưa những nhận định của người trưởng thành vào suy tư của nhân vật chính, đây là một sự lẫn lộn non nớt”. Lỗi kỹ thuật này ta cũng có thể nhận thấy khi đọc tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Nhân vật Nương tuy là một cô gái ít va chạm với cuộc sống thực nhưng đôi khi có những nhận định rất già đời, đầy kinh nghiệm (như việc nhận định về đòi hỏi tình dục của cô cave Sương, về khát khao giới tính của cậu em Điền v.v…). Trong GCCN, Harper Lee cũng vấp phải lỗi kỹ thuật tương tự.

Nhiều người có thể sẽ phản đối, tại sao với những kẽ hở như vậy mà GCCN lại được nhiều người coi là một tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ thế kỷ 20? Trước tiên, xét trên tổng thể, GCCN có những ưu điểm rõ rệt. Người đọc có thể nhận ra một số bất hợp lý và sự khiên cưỡng nhưng giọng văn đặc trưng miền Nam, những mô tả tinh tế về cảnh vật, về con người nước Mỹ với cảm xúc dạt dào của tác giả đã thực sự cuốn người đọc vào mạch văn, tạo sự tương tác mạnh mẽ và đồng cảm lớn lao đối với tác phẩm. Dẫu sao, đây cũng là tiểu thuyết đầu tay của Harper và những thiếu sót của bà âu cũng là chuyện bình thường. Bản thân Harper Lee cũng rụt rè khi tác phẩm mới ra đời: “Tôi sợ rằng tác phẩm của mình không trụ được trước những nhà phê bình. Tôi chỉ mong tác phẩm của mình có được vài người đọc và chia sẻ. Dẫu sao, đây cũng là tác phẩm đầu tay”.

Harper Lee là nhà văn có tài! Nhưng ta đều nhìn thấy, tài năng của bà không đạt đến tầm cỡ của những nhà văn vĩ đại. Sau khi viết GCCN, bà không viết thêm tác phẩm nào nữa.

Tôi tin tưởng nhiều nhà văn trẻ Việt Nam có văn tài không kém gì Harper Lee!

GCCN là một tác phẩm kinh điển nhưng còn có nhiều khiếm khuyết.

Tôi tin tưởng nhiều nhà văn trẻ Việt Nam có thể viết nên những tác phẩm ít khiếm khuyết hơn và hấp dẫn hơn GCCN!

Tuy nhiên, vào đầu những năm 1960, khi vấn nạn kỳ thị chủng tộc còn diễn ra mạnh mẽ, khi sự bất bình đẳng giữa người da đen và người da trắng là một thực tại nhức nhối, người phụ nữ nhỏ bé Harper Lee từ tỉnh lẻ miền Nam lên New York đã chắp bút viết nên tác phẩm đầu tay của mình bằng cách chọn một đề tài nhạy cảm nhất và gai góc nhất. Đó là quả thực dũng khí của một nhà văn chân chính!

Dũng khí đó, tôi mong rằng những nhà văn trẻ Việt Nam sẽ có, phải có!

Chỉ với dũng khí như vậy, văn học Việt Nam mới mong có những tác phẩm lớn, nóng hổi, phản ánh thời đại và mang trong mình những giá trị trường tồn…

Hoàng Tùng

Tham khảo: To Kill a Mockingbird voted Greatest Novel Of All Time – The Daily Telegraph, Structuring the Narrator’s Rebellion in To Kill a Mockingbird – Tennessee Press, ‘Mockingbird’ still sings after 50 years – The Chicago Tribune, What ‘To Kill a Mocking Bird Isn’t – The Wall Street Journal và các đường link khác.

Nguồn: Văn nghệ Trẻ.