Tuổi thơ của những đứa trẻ miền núi như tôi không chỉ có quẩn quanh chuyện ăn, ngủ, học hành… mà ngoài giờ lên lớp, đứa nào cũng phải phụ giúp cha mẹ việc nhà. Đủ thứ công việc cần đến những lao động “nhí”: đi thả bò, hái rau cho lợn, vào rừng kiếm củi, trông em, nấu cơm rửa bát, giặt giũ dọn dẹp… Nhà đứa nào cũng nghèo, cha mẹ đi làm theo ca, lại còn tranh thủ tăng ca để thêm thu nhập, vì thế chẳng đứa nào trong lũ trẻ con hồi ấy cảm thấy vất vả, thiệt thòi khi không có thời gian và điều kiện để tiếp cận những thú vui giải trí. Tan học về đến nhà cất cặp sách, thay quần áo đi học (ngày đó đứa nào được may tới hai bộ quần áo tử tế để mặc thay đổi là oách lắm rồi), ăn cơm xong vội vã bắt tay ngay vào công việc đã được phân công sẵn trong nhà.

So với bạn bè cùng lớp, tôi có phần “sung sướng” hơn vì nhà không nuôi bò, không phải đi kiếm rau lợn nhưng cũng phải luôn chân luôn tay mới hoàn tất được các công việc của người nội trợ. Việc nặng nhọc nhất là giặt giũ quần áo cho cả nhà. Ở miền núi, giếng khơi phải đào sâu tới 12 mét mới có mạch nước ngầm, vì thế sợi dây thừng kéo nước cũng phải dài tới 10 mét. Nhà nào cũng có một cái giếng nước, cạnh giếng “trồng” một cây gỗ để buộc cần giếng, một đầu cần buộc mấy viên gạch chỉ hoặc hòn đá hộc để làm cục đối trọng cho gầu nước ở phía bên này. Cái cục đối trọng kia giúp cho gầu nước đầy được kéo lên dễ dàng, thế nhưng khi kéo cần để thả gầu xuống giếng là cả một thử thách với đứa bé chưa đầy mười tuổi là tôi lúc đó. Quần áo của cả nhà tắm táp vào cuối ngày vứt vào một cái chậu nhôm Liên Xô to tướng, trưa ngày hôm sau đi học về tôi sẽ phải giải quyết sạch sẽ. Mùa hè còn đỡ, vì quần áo mỏng nhẹ, sang đến mùa đông mỗi lần nhìn chậu quần áo bẩn ngồn ngộn là tôi hãi lắm.

Trước khi giặt bao giờ tôi cũng phải phân loại quần áo dễ phai màu và áo sáng màu, riêng những chiếc áo của cha tôi thì được ngâm giặt ở một chậu riêng. Hồi đó nhà tôi làm máy xay xát gạo, nghiền ngô sắn phục vụ bà con trong vùng. Khách hàng gánh lúa, chở ngô đến từ rất sớm, cũng có người đi làm đồng về mới tranh thủ đi xát gạo cho nên cha tôi phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến khi nào hết khách. Cả ngày đứng máy xay xát, quần áo đầu tóc cha cứ được phủ dần từng lớp từng lớp bụi cám nhỏ mịn. Đến cuối ngày thì chiếc áo sơ mi cũ trở nên nặng trình trịch, những lớp bụi cám như quết chặt vào vải áo vì trộn với mồ hôi của cha rịn ra. Giặt áo của cha phải giũ vài lượt nước, đến khi trong chậu không còn màu đùng đục của cám mới bắt đầu vò xà phòng rồi dùng bàn chải chà thật kĩ từ cổ áo, tay áo đến vạt trước vạt sau, mặc dù chiếc áo đó cha mặc để làm việc, cứ sau mỗi ngày lại bám đầy bụi quyện mồ hôi. Tôi yêu cái mùi thơm tho của nắng gió xứ Đoài còn đọng lại trong từng thớ vải và chỉ có thể yên tâm khi tất cả đống quần áo của cả nhà được giặt sạch, phơi khô.

Thời gian sau, cha bỏ nghề xay xát gạo, chuyển qua chạy xe tải chuyên chở hàng nông lâm sản từ trên núi xuống thị xã. Không đủ tiền mua xe mới, chiếc xe của cha có tuổi đời gấp đôi độ tuổi trăng tròn của tôi nên vài bữa lại dở chứng ậm ạch chết máy giữa đường. Không biết có phải ngày xưa các trường đào tạo lái xe dạy luôn cả sửa chữa hay vì mua phải chiếc xe cũ mà cha có tay nghề ngang với thợ sửa xe từ lúc nào. Những hôm xe hỏng lại đúng lúc trời mưa, cha phải chui xuống gầm xe nằm ngửa lên để sửa, ngày hôm sau tôi sẽ phải mất thêm nhiều công đoạn để xử lí chiếc áo bám đầy bùn đất và dầu máy. Thật lạ là cho dù chiếc áo của cha có ngấm bao nhiêu bùn, dính bao nhiêu dầu mỡ, có giặt bao nhiêu nước, phơi bao nhiêu nắng thì vẫn thoảng mùi mồ hôi rất riêng mà chị em tôi thường gọi là “mùi của cha” (để phân biệt với mùi bồ kết, hương nhu, lá sả trong tóc mẹ).

Về sau chúng tôi lớn lên và đời sống khá giả dần, không còn giặt tay nữa mà đã có máy giặt đời mới có nhiều nút điều khiển phù hợp với độ dày mỏng của từng loại trang phục. Tôi cũng đi xa nhà nhiều hơn, vài tháng mới thu xếp về thăm cha mẹ được một lần, lại cứ bận rộn với những giao đãi bạn cũ bạn mới, đến bữa cơm còn ít có mặt ở nhà. Một buổi chiều cất quần áo ngoài dây phơi mới sực nhớ hình như đã lâu mình không còn giặt áo cho cha nữa. Và cũng lâu lắm rồi không bắt gặp mùi mồ hôi trên áo cha. Hay là những công thức giặt tẩy của bột giặt thế hệ mới cộng với chế độ được cài đặt tự động đã đánh bay tất cả những vấn vương của hơi ấm?

…Hôm nay tôi lại ngồi giặt áo cho cha. Cha tôi vừa nhập viện làm phẫu thuật polyp dạ dày, phải mặc quần áo bệnh nhân theo quy định của bệnh viện. Cha thay áo để tôi mang về giặt. Áo của cha bây giờ không bám dày bụi cám, không ám đặc bùn đất và dầu máy, chỉ lạnh lùng mùi cồn sát trùng của bệnh viện phả vào. Cỡ áo cha mặc đã nhỏ hơn ngày trước tới hai số… Tay vò tấm áo mà mắt bỗng nhòe nước. Bao nhiêu là năm tháng trôi qua đời người, bao nhiêu là ấm lạnh đắp đổi qua mùa, sao đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng cha đã già đi, đã yếu đi nhiều quá. Không dám nghĩ đến đoạn đường của những ngày sẽ tới trong cái vòng sinh – lão – bệnh – tử, chỉ biết nắm tay thật chặt để tin rằng, một ngày còn được giặt áo cho cha là còn nắm giữ được hạnh phúc đầy tay trong cuộc đời này.

 

Theo Vanvn