Tiểu thuyết Nắng tháng Tám (Light In August, 1932) được đánh giá là một trong tứ đại kỳ thư của văn hào William Faulkner (1897-1962, Nobel văn học 1949), cùng với Âm thanh và cuồng nộ (The Sound And The Fury, 1929), Khi tôi nằm chết (As I Lay Dying, 1930), Absalom, Absalom! (1936). Sau hơn 80 năm kể từ ngày xuất hiện, nay Nắng tháng Tám lần đầu được dịch sang tiếng Việt.
Cũng cần nói ngay rằng, còn rất nhiều tiểu thuyết thuộc hàng tinh hoa đã được dịch sang tiếng Việt, nhưng tại sao Nắng tháng Tám lại được chú ý đặc biệt? Có lẽ chỉ vì một lý do: William Faulkner là tác giả “cao tay nghề”, nên trước tác của ông luôn là đối tượng của nghiên cứu, của dịch thuật. Đã có hàng chục chuyên gia hàng đầu thế giới ra sách phân tích, chú giải về Nắng tháng Tám; đã có hàng trăm chuyên gia và hàng ngàn nghiên cứu có thẩm quyền về văn nghiệp của William Faulkner.
|
Cao thủ và kỳ thư
Về “cao thủ” William Faulkner, ít nhất có 7 chủ nhân của Nobel Văn học là Ernest Hemingway, Jean-Paul Sartre, Kawabata Yasunari, Gabriel García Márquez, Toni Morrison, J.M.Coetzee, Mạc Ngôn… ca ngợi, hoặc tự nhận mình chịu ảnh hưởng sâu sắc. Đơn cử Mạc Ngôn, trong diễn từ giải Nobel Văn học năm ngoái ở Stockholm, đã tự nhận ảnh hưởng lớn từ W.Faulkner và Marquez. Hoặc ngoài đời họ có thể “không đợi trời chung”, như E.Hemingway chẳng hạn, nhưng khi nói về đồng nghiệp của mình, vẫn công nhận “Faulkner viết văn hay hơn tôi”.
“Cao thủ” William Faulkner còn ảnh hưởng sâu đậm đến Harper Lee, Flannery O’Conner, Thomas Pynchon, Carlos Fuentes, Cormac McCarthy, Joyce Carol Oates, Flannery O’Connor, Philip Roth, Don DeLillo, Guram Dochanashvili, Bret Easton Ellis, Ralph Ellison, Malcolm Lowry, Peter Carey… Những người này là ai? Nói đơn giản, đây là những “bậc thầy mới”, mà bất cứ nền văn học nào cũng sẽ lấy làm tự hào, nếu có được tên tuổi của họ.
Tất nhiên, William Faulkner cũng tự nhận mình chịu ảnh hưởng bởi nhiều tiền bối, mà trong đó James Joyce, Thomas Mann, Miguel de Cervantes, Fyodor Dostoyevsky, William Shakespeare, Leo Tolstoy, Herman Melville… là rõ nét hơn.
Nắng tháng Tám ra đời vào thời kỳ mà William Faulkner ném ra toàn kiệt tác, sau Âm thanh và cuồng nộ, Khi tôi nằm chết và trước Absalom, Absalom!. Chen giữa những tác phẩm tân kỳ và phức tạp ấy, Nắng tháng Tám dường như dễ đọc hơn cả, cho dù nó dài hơn 200.000 từ! Nghệ thuật kể chuyện qua nhiều điểm nhìn, qua những làn sóng ý thức ở những kiệt tác trước đã lắng đi. Nhưng không phải vì vậy mà tiểu thuyết này đơn giản hơn những bộ kia. Đây là hào quang của những gương mặt người. Và bao nhiêu chân dung là bấy nhiêu tính cách. Vẫn là những đối thoại đa thanh, những đối truyện đa thể, những độc thoại nội tâm đa đoan, những đảo chuyển thời gian đa tuyến và vô số suy tưởng đa nghĩa”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu phân tích.
“Việc dịch Faulkner, với tôi, trong tư cách một người đọc và giảng dạy văn học, luôn là một tín hiệu đáng mừng giữa một thị trường sách đang ngập tràn sách ngôn tình và xuyên không của Trung Quốc. Quan trọng hơn nữa, khi mà hoạt động dịch thuật hiện nay quá chú trọng đến những hiện tượng đương đại, hầu như chúng ta có không nhiều những nỗ lực khai thác các giá trị kinh điển”, Trần Ngọc Hiếu (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết.
Trong lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển năm 1950, có đoạn viết: “Gần như cứ mỗi tác phẩm mới Faulkner lại càng thâm nhập sâu hơn vào tâm lý con người, vào cái cao cả to tát của con người, sức mạnh của sự hy sinh, sự thèm khát quyền lực, sự tham lam, sự nghèo nàn về tinh thần, sự thiển cận trong tâm trí, sự bướng bỉnh đến độ nực cười, khổ đau, khiếp hãi, và những thác loạn đốn mạt của con người. Với tư cách một nhà tâm lý thấu suốt, ông là bậc thầy chẳng ai sánh kịp trong số những nhà tiểu thuyết Anh và Mỹ hiện còn sống”.
Dịch như “vượt vũ môn”
Trên thế giới, dịch tứ đại kỳ thư của William Faulkner luôn là một thách thức lớn, nên thường được xem là công cuộc vượt vũ môn của dịch giả. Tại Việt Nam, chỉ còn Absalom, Absalom! là chưa ai đụng đến, riêng kiệt tác Âm thanh và cuồng nộ thì được dịch 2-3 lần.
“Dịch Faulkner đương nhiên thách thức, vì tiếng Anh của ông ấy khôngđơn giản, nó là ngôn ngữ của miền Nam nước Mỹ. Tôi đã mua và đọc hết các sách của Faulkner được dịch ra tiếng Việt, nhưng nói thật có những cuốn đọc mãi cũng không vào được, vì cách xử lý tiếng Việt của dịch giả cực kỳ mù mịt (điển hình như bản dịch Khi tôi nằm chết). Tuy nhiên, việc dịch những tác phẩm có độ khó về ngôn ngữ như thế luôn là cần thiết, vì nó khiến dịch giả phải lao động sáng tạo trên cơ sở ngôn ngữ dân tộc. Dịch Joyce, Faulkner, Nabokov… có thể không nhằm đến đại chúng, nhưng tại sao hầu như các nền văn học ngoài khối tiếng Anh đều phải làm, thậm chí dịch nhiều lần. Đó không chỉ đơn giản là nhằm có cách tiếp cận đúng hơn đối với văn bản, mà còn vì mục đích làm cho ngôn ngữ dân tộc chuyển mình, phong phú, đa dạng hơn. Vì thế, thay vì mạt sát nhau dịch đúng, dịch sai ở cấp độ tiểu tiết, có lẽ nên có những đối thoại cởi mở hơn”, Trần Ngọc Hiếu phân tích.
Dịch giả Nắng tháng Tám, Quế Sơn cho biết: “Faulkner nổi tiếng là người có phong cách viết văn cầu kỳ, khó đọc… câu văn không nhữngrất dài, có thể ví như cái cây với cành lá sum suê, mà còn phức tạp về cú pháp, lại chuyên chở nhiều suy tưởng, nhiều quy chiếu đa nghĩa. Có những chỗ cả trang giấy không có lấy một dấu chấm, dấu phẩy, đọc muốn hụt hơi luôn. Đó là một thách thức lớn đối với tôi. Tôi mất gần 2 tháng để tìm hiểu, tra cứu về tác giả cũng như tác phẩm Nắng tháng Tám, đọc và ghi chú những sách báo tìm được, phần lớn ở trên mạng, cũng như nghe trên Youtube những bài giảng của Giáo sư Wai Chee Dimock về Nắng tháng Tám ở ĐH Yale. Ngoài ra tôi cũng tìm đọc những tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt để học hỏi thêm kinh nghiệm người đi trước. Sau đó thì bắt tay vào dịch, hai ba tháng đầu thì thong thả nhưng mấy tháng sau thì cặm cụi… lúc đầu thì khó thật, sau quen dần thấy “dễ thở” hơn. Dịch được chừng năm bảy chục trang thì đưa cho anh Nhật Chiêu (người biên tập) đọc và góp ý để điều chỉnh cho đúng hơn, cho hay hơn. Và đều đặn như thế sau 8 tháng thì việc dịch, đọc lại, rà soát và sửa chữa bản thảo xong xuôi. Sau đó, tôi cũng cảm thấy an tâm hơn khi Phương Nam Book (nhà đầu tư) chấp nhận cho đọc lại bản thảo đã được dàn trang để tôi có dịp sửa chữa hay “thay lời, đổi chữ” những nơi mà mình nghĩ là hay hơn. Tôi đã dành gần một tuần lễ cho việc này, mỗi ngày 5-6 tiếng liên tục. Tôi cũng không quên rà soát lại gần 150 chú thích do tôi soạn ra hầu giúp người đọc thấy rõ hơn những quy chiếu của tác giả liên quan đến các bối cảnh xã hội, lịch sử, tôn giáo, tình dục… ở miền Nam nước Mỹ. Nói cho gọn, tôi đã dành gần một năm chỉ lo cho cuốn sách này thôi”
Các tác phẩm của Faulkner là nơi hợp lưu, là điểm hội tụ giữa cái lịch sử và cái vĩnh hằng. Cái lịch sử thì bám sâu vào vùng đất quê hương ông, nơi ông hư cấu thành quận Yoknapatawpha trong các tác phẩm. Cái vĩnh hằng thì gắn chặt với thân phận con người sống trong một bối cảnh xã hội và lịch sử được phân định rõ ràng đó, với cái khổ, cái đau, cái ác vừa song hành, vừa giằng co túi bụi với cái vui, cái sướng, cái thiện. Và từ chỗ hợp lưu này, người ta thấy được con người vẫn thắng thế, vẫn vượt qua những nghịch cảnh đau buồn đầy dẫy trong cõi nhân sinh
Dịch giả Quế Sơn
|
TT&VH