Giáo sư mượn hình ảnh đôi giày thể hiện tình yêu nước qua thơ
Đôi giày được tác giả Lê Quý Anh nhân cách hóa như một chứng nhân cho sự biến thiên của cuộc sống, số phận con người gắn liền với vận mệnh đất nước.
Từng viết nhiều sách về chính trị, triết học, văn hóa, nhưng đây là lần đầu tiên giáo sư Vũ Gia Hiền xuất bản một tác phẩm thơ, kể lại lịch sử oai hùng của dân tộc kéo dài suốt một thế kỷ, từ những ngày đầu thế kỷ XX lúc Việt Nam dưới gót giày xâm lược của thực dân Pháp đến đại lễ Nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Với mười nghìn lẻ một câu thơ ngũ ngôn, Trường ca Đôi giày dự định được in thành ba tập, mỗi tập dài khoảng 100 trang.
Tác phẩm là câu chuyện thơ về sự chung thủy của con người. Bằng hình thức nhân cách hóa, tác giả để cho đôi giày như là một “người kể chuyện” chứng kiến lịch sử đất nước và bày tỏ những hoài bão, ước mơ.
“Trường ca anh Bộ đội,
Trường ca của giày đôi,
Không ai đi một chiếc,
Nhớ từ thuở thôi nôi…”
Đôi giày được mô tả cùng cuộc đời anh bộ đội, từ cậu bé đánh giày mơ ước có được việc đánh giày cho người Tây, cho đến ngày độc lập 1945, cậu bé ấy là anh bộ đội theo kháng chiến, rồi lại tiếp tục con đường thống nhất đất nước. Ngày duyệt binh tại quảng trường Ba Đình, anh bộ đội nay đã là vị tướng. Nhưng không ngờ biên giới phương Nam, diệt chủng Pôn Pốt xâm lấn, anh bộ đội lại phải tiếp tục cuộc trường chinh chống diệt chủng Pôn Pốt, chống bành trướng phương Bắc. Kết thúc chiến dịch giúp bạn Campuchia, đôi giày trở thành biểu tượng của ước mơ có “phép thần” và phát triển đến tương lai.
Đôi giày gắn liền với anh bộ đội là nhân vật kể lại lịch sử dân tộc trong “Trường ca Đôi giày”. Ảnh: Quân đội Nhân dân.
Giáo sư Vũ Gia Hiền tên thật là Lê Quý Anh. Ông sinh ra trong một gia đình Cách mạng, có ông nội từng theo cụ Phan Châu Trinh chống thực dân Pháp. Giáo sư ban đầu vốn học ngành cơ khí, sau đó học triết học và vật lý quang phổ, vì vậy, ông luôn chú ý đến các con số. Đó cũng là lý do tại sao bài thơ lại là mười nghìn lẻ một câu. Ông giải thích: “Mười ngàn lẻ một (10.001) tượng trưng cho đôi đũa và ba hạt gạo, cũng là toán tử về kỹ thuật số. Việc ta sinh ra được yêu thương là một (số một đầu), làm người như thế nào đó khi rời trần thế vẫn là một con người đã sống ở đời (số một cuối). Còn ngũ ngôn giống như bước quân hành “một hai, một hai, một…”.
Trong cuộc đời lao động, học tập, nghiên cứu và phổ biến khoa học, ông đã xuất bản nhiều tác phẩm nhưng đó đều là những tác phẩm khoa học nên kén người đọc, vì vậy ông quyết định tìm đến thơ để “lôi người đọc vào tác phẩm” .
Khi tập làm và nghiên cứu về thơ, ông thấy Ấn Độ có hai bài thơ trên trăm nghìn câu, Hy Lạp có hai bài trên mười nghìn câu, tất cả đều được sáng tác trước Công nguyên. Sau Công nguyên chưa ai làm bài thơ dài trên mười nghìn câu. Với tư duy chính xác của nghề cơ khí và thái độ rõ ràng của nhà triết học, ông không thể làm thơ chỉ vì một sự lãng mạn. Nhân sự kiện cả nước tưng bừng không khí chuẩn bị kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Hà Nội, ông quyết định làm một bài thơ dài để kỷ niệm.
Khi viết, giáo sư đã tham khảo nhiều tư liệu, từ nhiều cuốn sách lịch sử như Từ Đồng Quan đến Điện Biên Phủ của Đại tướng Lê Trọng Tấn, Chung một bóng cờ (về Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam), Hiệp định Paris về Việt Nam – Cuộc đấu chiến lược, Đại Việt Sử lược, Đại tướng Lê Đức Anh và chuyên san Hồ sơ sự kiện nhiều số.
Hình tượng đôi giày xuất hiện khi một lần ông cùng bạn uống cà phê, có em bé đánh giày đến ngỏ lời mời. Em lấy đôi dép trên tay để vào chân một người, còn tháo ngay đôi dép ở chân mình để vào chân khách còn lại, và đem hai đôi giày đi đánh xi. Hình ảnh em bé đi đất để làm đẹp cho khách khiến ông cảm xúc dâng trào, và làm cho bài thơ ấp ủ bao lâu nay xuất hiện nhân vật: Em bé đánh giày. Em bé đánh giày là biểu tượng đô thị Hà Nội đầu thế kỷ XX, em bé đánh giày mà không có giày đi, giống như Hà Nội – Việt Nam lúc đó có nước mà không có độc lập.
Bài thơ hoàn thành đã lâu nhưng ông cố giữ lại để đến dịp mừng 70 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân vào tháng 12 năm nay mới xuất bản. Ấn phẩm do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP HCM phát hành.
Kim Anh
Nguồn: vnexpress.net