Giáo sư Đinh Gia Khánh mất ở tuổi 79, cái tuổi nghiệt ngã với nhiều tài năng như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải… Ông là người xây dựng nền móng cho ngành văn hoá và văn học dân gian, văn học trung đại, người thầy giáo được nhiều học trò quý mến và tôn trọng.


Trong những năm học ở trường Đại học Tổng hợp, bên cạnh những thầy giáo cao tuổi như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị, có một thầy giáo trẻ làm trợ giảng, tuổi khoảng trên dưới 30 tên là Đinh Gia Khánh. Ông có ngoại hình cao to, trắng trẻo, đẹp trai. Tôi chưa được nghe ông lên lớp buổi nào, có thể vì đây là thời kỳ đầu ông hỗ trợ các thầy giáo trong công tác giảng dạy.

Năm 1956, ông xây dựng gia đình, kết hôn với một hoa khôi người Hà Nội. Vui duyên mới nhưng không quên nhiệm vụ, thầy giáo Đinh Gia Khánh vẫn cần mẫn nghiên cứu khoa học. Ông có vốn tiếng Anh, Pháp, học thêm Hán văn và nhanh chóng thành thục. Thầy Khánh cùng ông Nguyễn Ngọc San tham gia dịch thuật hai tác phẩm “Lĩnh Nam chích quái” và “Việt điện u linh”. Ông cùng giáo sư Nguyễn Lương Ngọc dịch “Thiên Nam ngữ lục” – một tác phẩm thách thức và đòi hỏi nhiều nỗ lực trong biên soạn và dịch thuật. Từ 1960, ông phụ trách tổ văn học dân gian và trung đại của khoa Văn, Đại học Tổng hợp.

Điều đáng ghi nhận trong công tác giảng dạy của ông là hỗ trợ, giúp đỡ các thầy giáo trẻ Bùi Duy Tân, Chu Xuân Diên, Mai Cao Chương xây dựng bộ giáo trình đầu tiên giàu có về tư liệu và kiến thức khoa học.

Ông sống bình dị, chan hoà với mọi người, đúng với tư cách của nhà văn hoá dân gian. Ông là người năng động, mọi việc đều giải quyết nhanh, đặc biệt là nói nhanh. Lên lớp giảng bài sinh viên thích nhưng có chỗ không luận ra. Bên cạnh việc giảng dạy, ông chuyên tâm nghiên cứu về văn học dân gian, văn học trung đại. Cùng một thế hệ chênh nhau ít tuổi với các giáo sư Bạch Năng Thi, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Như Mai, giáo sư Đinh Gia Khánh vẫn chuẩn bị cho sự nghiệp lâu dài của mình và ông có những bứt phá ngoạn mục so với những thầy giáo cùng trang lứa.

Cuộc bứt phá ngoạn mục thứ nhất của ông là giành giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu năm 1996. Tháng 6 năm 1995, tôi về làm Viện trưởng Viện Văn học. Vào cuối năm có thông báo của Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình khoa học, văn học, nghệ thuật. Lần này chưa tổ chức trao giải thưởng Nhà nước.

Buổi đầu thật khó khăn trong việc chọn người xác định tiêu chuẩn. Tôi nhớ trong lần họp đầu tiên, tại Uỷ ban Khoa học Xã hội do hai giáo sư Nguyễn Duy Quý và Vũ Khiêu chủ trì, cùng được mời họp có các giáo sư Hoàng Trinh, Đinh Gia Khánh, Đặng Xuân Kỳ, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và tôi.

Giáo sư Nguyễn Duy Quý lần lượt giới thiệu từng người để cuộc họp trao đổi và chấp thuận. Giáo sư Vũ Khiêu và Đặng Thai Mai được thông qua nhanh chóng. Giáo sư Hoàng Trinh được giáo sư Đặng Xuân Kỳ nhấn mạnh là ông có uy tín quốc tế. Các giáo sư Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông cũng được đề cập nhưng hội nghị thống nhất là để đến đợt sau. Giáo sư Nguyễn Duy Quý đề nghị các giáo sư Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn nhưng mọi người đều từ chối với lý do là để thế hệ đàn anh đi trước. Riêng tôi, tôi nói là tôi có nhiều móc xích với bạn bè nên cũng không dám vội vàng.

Giữa chừng cuộc họp có một cán bộ sĩ quan quân đội chuyển hồ sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến. Trong cuộc họp tôi phát biểu: Hồ sơ của Đại tướng nên chuyển về một Hội đồng quân sự cao cấp và cuộc họp hôm nay về khoa học xã hội nên không thể luận bàn về một trường hợp đặc biệt cao cấp này. Ý của tôi cũng được tán thành và hồ sơ đã được chuyển sang một cấp khác. Một vài tháng sau, các giáo sư Vũ Khiêu, Đặng Thai Mai, Đinh Gia Khánh, Hoàng Trinh đều được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Câu châm ngôn, “Vạn sự khởi đầu nan” nói chung là đúng nhưng cũng không phù hợp với cuộc bầu giải thưởng Hồ Chí Minh lần đầu này. Mọi việc nhẹ nhõm và thuận lợi.

Cuộc bứt phá ngoạn mục thứ hai của giáo sư Đinh Gia Khánh và thực sự là một đóng góp quan trọng khi được đề cử và nhận chức Chủ tịch của Hội đồng Tổng tập văn học Việt Nam, từ văn học dân gian cho đến văn học thời kỳ hiện đại. Đây là một bộ sách lớn với hàng trăm nhà nghiên cứu khoa học tham gia gồm trên 50 tập, có tập dày hàng nghìn trang. Chỉ riêng việc phân chia và xác lập nội dung của từng tập, ranh giới giữa các tập cũng hết sức vất vả. Công việc khó khăn nhưng ông vẫn tươi cười và nhẹ nhàng. Tôi được ông trao cho phần Thơ mới và văn xuôi lãng mạn. Gặp tôi, ông vỗ vai và bảo: “Tôi trao cho ông hai tập này. Ông mát tính, nhẹ nhàng nên hợp với thơ văn lãng mạn”. Ông chia mấy chục tập cho các giáo sư, các nhà nghiên cứu nhìn chung là hợp lý và cuối cùng chúng ta đã có một bộ “Tổng tập văn học Việt Nam”, một bộ sách quý.

Về cuộc sống thường ngày, giáo sư Đinh Gia Khánh thể hiện sự hoà hợp giữa lối sống dân gian giản dị, chan hoà với những đổi mới hiện đại hoá mà ông hiểu biết, ghi nhận. Thời kỳ làm trợ giảng ở trường Đại học Tổng hợp, ông thường mặc đại cán, nước da trắng, khuôn mặt đẹp, lại mặc áo dạ tím nên là một điểm sáng giữa các thầy giáo cao tuổi. Sau này trong chiến tranh, ít thấy ông mặc âu phục hoặc quần áo có tính chất nghi lễ mà thường ăn vận xuềnh xoàng. Người nhà cho biết, ông ăn uống cũng giản dị, thích tôm cá cua ốc. Tôi chứng thực điều này. Một lần gặp ông ở đầu phố Hoà Mã, có một hàng bún nổi tiếng, trong đó có món bún ốc, ốc luộc. Tôi mời ông vào thưởng thức và hỏi: “Anh thích ăn món gì?”. Ông trả lời: “Ốc mít luộc”. Nhà hàng bưng ra một bát to ốc mít luộc, những con ốc màu vàng sẫm và đen bốc khói. Ông vui vẻ bảo: “Mình thích ăn cái này, giòn, thơm, ngon miệng”.

Trong cuộc sống, ông thường đem lại niềm vui cho mọi người. Ông khích lệ những người yếu kém. Ông tìm cách hoà giải những mâu thuẫn. Tôi quý ông về sự năng động trong khoa học, về những tri thức kết hợp được những giá trị của văn học dân tộc trong xu hướng hiện đại hoá. Ông cũng quan tâm đến tôi. Trong một lần bầu giáo sư, tôi và giáo sư Phan Cự Đệ đều dự kiến được bầu làm giáo sư cùng với giáo sư Bùi Văn Nguyên. Thầy Hoàng Xuân Nhị nói với tôi: “Đồng chí Đức về nói với Bùi Văn Nguyên ủng hộ hai đồng chí là xong”. Ông Nguyên là phó giáo sư nhưng cũng được mời tham dự hội đồng. Ông Nguyên chỉ bảo: “Các ông còn trẻ, để rồi xem xem”. Đợt ấy, giáo sư Bùi Văn Nguyên trúng giáo sư, tôi và ông Đệ đều thiếu một phiếu. Đi họp về, giáo sư Đinh Gia Khánh gặp tôi, ông vỗ vai và bảo: “Tưởng là thuận nhưng khó, thiếu một phiếu, Hà Minh Đức chỉ là phó dài”. Tôi cám ơn ông và buồn cười. Ông không muốn gieo nỗi buồn cho người khác.

Năm 2000, trong cuộc họp bầu giải thường Hồ Chí Minh, tôi cũng ở trong hội đồng cùng ông. Ông nhận lời phản biện cho những công trình của tôi gồm ba cuốn: Thơ và một số vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại; Mác Ăngghen, Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ; Nam Cao đời văn và tác phẩm. Ông đặc biệt khen cuốn Mác Ăngghen, Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ. “Mình tưởng ông sao chép vì là vấn đề khó, nhưng cuốn sách hay, có kiến giải riêng” – ông bảo tôi. Kết quả là bầu cử, tôi thiếu 0,25 khi làm tròn lên 12 phiếu, được xem là điểm chuẩn. Giáo sư Đinh Gia Khánh lại khích lệ tôi: “Ông còn sức, thua trận này ta bày trận khác”. Tôi cám ơn ông. 10 năm sau tôi mới được đánh giá phù hợp với khả năng của mình.

Giáo sư Đinh Gia Khánh mất ở tuổi 79, cái tuổi nghiệt ngã với nhiều tài năng như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải… Ông là người xây dựng nền móng cho ngành văn hoá và văn học dân gian, văn học trung đại, người thầy giáo được nhiều học trò quý mến và tôn trọng.

THEO ĐĐK