Cánh cửa mùa xuân mở ra một buổi sáng tháng Tư trong lành, rực rỡ nắng và sắc màu của các loài hoa tại cố đô Nam Kinh, Trung Quốc. Đón tôi vào mùa xuân tại Nam Kinh là nụ cười hiền hậu và ấm áp của giáo sư (GS) Chúc Ngưỡng Tu, một trong những dịch giả văn học Việt Nam hàng đầu, người đã miệt mài và hết lòng truyền bá ngôn ngữ, văn hoá và văn học Việt Nam hàng chục năm qua.
GS Chúc Ngưỡng Tu (bên trái) và nhà báo, dịch giả Vũ Phong Tạo
Tôi gặp GS Chúc Ngưỡng Tu lần đầu tiên tại Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam, được tổ chức tại Hà Nội vào đầu năm 2010. Trong số hàng chục dịch giả đến từ các nước, ông nổi bật với phong thái điềm đạm, ung dung, và vốn tiếng Việt trôi chảy, tự nhiên như…người bản xứ. Cách nói chuyện hài hước, nụ cười cởi mở của ông đã để lại ấn tượng đẹp đối với những người tham gia hội nghị. Nhưng chỉ đến khi nghe ông đọc bài tham luận, với câu kết “bây giờ, tuổi tôi ngày càng cao, ước muốn duy nhất của tôi là có được sức khoẻ tốt, nhằm chăm sóc cháu nội của mình, đồng thời dịch và giới thiệu văn học Việt Nam,” tôi mới tự hỏi rằng điều gì đã khiến Việt Nam và văn học Việt trở nên quan trọng với ông đến thế.
Chỉ qua nhiều lần làm việc cùng GS Chúc Ngưỡng Tu, đặc biệt là trong Liên hoan Thơ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất gần đây, và trong chuyến thăm của tôi đến Nam Kinh, Trung Quốc, nơi ông hiện sống và làm việc, tôi mới có thể “giải mã” được phần nào thắc mắc của mình: GS Chúc Ngưỡng Tu đam mê việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam vì ông yêu Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.
Ít ai biết được rằng, vị GS có tri thức uyên thâm xấp xỉ ở tuổi bảy mươi này (GS Chúc Ngưỡng Tu sinh năm 1943, tại Sơn Đông, Trung Quốc) lại có một “mối tình” dài và sâu đậm với Việt Nam đến thế. Ông từng chia sẻ với những khó khăn, gian khổ của người Hà Nội trong chiến tranh, bao gồm cả bom rơi, đạn nổ, khi sang Hà Nội du học từ năm 1965 đến năm 1969. “Lúc đầu, nghe tiếng máy bay gầm rú trên đầu, rồi tiếng bom đạn, tôi cũng sợ lắm. Nhưng rồi cũng quen dần. Xung quanh chúng tôi, những người Hà Nội sống kham khổ lắm. Các thầy cô giáo của chúng tôi chỉ được ăn hai bữa một ngày. Vậy mà, các du học sinh Trung Quốc như tôi được ăn ba bữa, và nghe nói, học bổng hàng tháng của chúng tôi ngang bằng với lương của một thứ trưởng Việt Nam lúc bấy giờ”.
Có lẽ tình cảm mến khách của người Việt đã làm GS Chúc Ngưỡng Tu cảm động, nhưng ông cảm động hơn khi tận mắt chứng kiến sự anh dũng, quật cường của người Việt Nam trong lửa đạn chiến tranh. “Cảnh tượng làm tôi nhớ nhất là một đêm khuya bên Bờ Hồ Gươm, khi tôi được nhìn thấy một nữ du kích nhỏ nhắn đang áp giải một phi công Mỹ to lớn, cao lênh khênh trên đường. Hình ảnh đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều về chiến tranh, và sự khâm phục của mình dành cho người Việt”.
Trở về Trung Quốc, GS Chúc Ngưỡng Tu đã nỗ lực đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước của Việt Nam: ông làm việc trong quân đội, phiên dịch cho những phi công Việt Nam được đào tạo ở Trung Quốc. Và ông cảm thấy rất hạnh phúc khi những người phi công ấy đã trưởng thành, và đóng góp không nhỏ vào thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam.
Hoà bình lập lại, GS Chúc Ngưỡng Tu rời quân đội, trở thành một trong những học giả ngôn ngữ và văn hoá Việt hàng đầu Trung Quốc. Ông tập trung nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hoá truyền thống, và văn học Việt. Với thâm niên giảng dạy về ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam trên 40 năm tại các trường đại học của Trung Quốc, ông đã giúp cho hàng nghìn sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu và độc giả Trung Quốc có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về Việt Nam.
Thật hạnh phúc đối với bản thân ông, từ năm 1994-1995, GS Chúc Ngưỡng Tu lại có dịp trở về Hà Nội, và học tiếng Việt nâng cao tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. “Sau bao năm xa cách mới được trở lại Hà Nội, tôi đi bộ từ Ký túc xá B7 bis – phường Bách Khoa đến Bờ Hồ, hạnh phúc lâng lâng như được trở về nhà, hạnh phúc khi vẫn nhớ từng con đường, từng góc phố mặc dù mọi vật đã đổi thay rất nhiều”. Giáo sư Chúc Ngưỡng Tu tâm sự, những trải nghiệm Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách sống của ông. “Một ảnh hưởng lớn nhất là cách ăn uống. Khác với bạn bè Trung Quốc, tôi không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ mà thích ăn thức ăn hấp và luộc, nhiều rau như người Việt Nam. Bạn bè tôi không hiểu tại sao tôi có thể chịu được việc ăn uống như thế. Nhưng tôi thấy rất ngon miệng và biết rằng đó là bí quyết giữ gìn sức khoẻ của mình”. GS Chúc Ngưỡng Tu cười sảng khoái.
Sau khoá học nâng cao tại Hà Nội vào năm 1995 ấy, GS Chúc Ngưỡng Tu tâm huyết nhiều hơn cho việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam. Dù đã có thâm niên hơn một chục năm dịch văn học Việt, ông vẫn cho rằng mình đang có quá nhiều việc cần phải làm. “Cho đến thời điểm hiện tại, người Trung Quốc rất ít quan tâm đến văn học Việt Nam, mà quan tâm nhiều đến văn học của các cường quốc về kinh tế như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Văn học Việt Nam vẫn bị xem như văn học của nước thứ ba. Thêm vào đó, một số người Trung Quốc bây giờ “no cái bụng, đói cái đầu”. Họ đọc rất ít, đọc sách báo trên mạng là chính. Việc xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam ở Trung Quốc vì thế rất khó khăn.”
Biết đến các khó khăn trong việc xuất bản văn học Việt tại Trung Quốc, mới trân trọng những nỗ lực vượt bậc của GS Chúc Ngưỡng Tu trong việc dịch và phát hành các tác phẩm văn học Việt Nam tại đất nước của ông. Cùng dịch giả Thành Hán Bình, GS Chúc Ngưỡng Tu đã chuyển ngữ tiểu thuyết “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai sang tiếng Trung, với tên sách là “Cơ mật tuyệt đối”, gồm 2 tập, dày 712 trang, do Nhà xuất bản Nghị văn Quân sự (Trung Quốc) ấn hành tháng 1 năm 1999. Ông còn tham gia biên soạn bộ sách “Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam” do Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh phát hành năm 2004, gồm 3 tập, và là giáo trình bắt buộc đối với sinh viên học môn tiếng Việt ở các trường đại học, cao đẳng, học viện của Trung Quốc. Thêm vào đó, Giáo sư Chúc Ngưỡng Tu đã chủ biên (với sự cộng tác của giảng viên tiếng Việt, nhà giáo Hoàng Hoa Hiến), bộ giáo trình hướng dẫn viết văn bằng tiếng Việt do Nhà xuất bản Đại học Trùng Khánh ấn hành tháng 8 năm 2008, dày 271 trang.
Trở về từ Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam, GS Chúc Ngưỡng Tu đã miệt mài bắt tay vào dịch tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tác phẩm này vừa được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, song ngữ Việt – Trung. Ông cho biết: “Tôi hy vọng tác phẩm sẽ nhận được phản hồi tốt của độc giả Việt Nam, và sẽ cố gắng giới thiệu tác phẩm với nhà xuất bản Trung Quốc. Hiện nay, nhà xuất bản Trung Quốc hầu như không nhận in tác phẩm, nếu họ không đảm bảo rằng sẽ bán được 5.000 quyển là con số hòa vốn cho mỗi bản in. Các tác phẩm văn học Việt Nam vì thế rất khó in ở Trung quốc nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ phía Việt Nam”.
Theo GS Chúc Ngưỡng Tu, chính phủ Trung Quốc có một chương trình giới thiệu văn học Trung Quốc khá bài bản, bao gồm kế hoạch dịch và giới thiệu những tác phẩm văn học chủ đạo, cùng với một nguồn quỹ giúp cho việc in ấn và phát hành tác phẩm ở nước ngoài. “Tôi hy vọng một ngày gần đây, chính phủ Việt Nam cũng có sự đầu tư thích đáng và bài bản như thế vào việc giới thiệu văn học Việt Nam”.
Bất chấp những sự trăn trở về việc in ấn và phát hành các tác phẩm dịch, ngọn lửa đam mê văn học Việt trong lòng GS Chúc Ngưỡng Tu vẫn không ngừng cháy trong nhiều năm qua. Hầu như hàng ngày, ông đều bỏ thời gian để dịch văn học Việt. Ông đọc rất nhiều truyện ngắn của các tác giả cổ điển và đương đại Việt Nam, rồi dịch ra tiếng Trung, để thoả đam mê, chứ không màng đến tiền công dịch thuật, và việc liệu tác phẩm có được in ấn hay không.
“Dịch văn học khó lắm. Dù thông thạo tiếng Việt, tôi vẫn chưa dám dịch thơ Việt Nam sang tiếng Trung, vì công việc đó chỉ một nhà thơ mới làm tốt được. Dịch văn xuôi dễ hơn thơ, nhưng cũng rất khó, khó hơn dịch thông thường rất nhiều. Làm sao bản dịch phải hay, phải chuyển tải được hồn cốt, vẻ đẹp, văn phong của tác phẩm. Cũng có tác phẩm văn xuôi làm tôi “bó tay”, vì ngôn ngữ – văn hóa giữa hai dân tộc Trung-Việt có nhiều nét bất đồng nên khó tìm thấy được khái niệm tương ứng. Ví dụ, gần đây tôi mất gần 2 tuần để dịch truyện ngắn “Cánh đồng truyền thuyết” của nhà văn Đỗ Chu, nhưng không dám đưa đi in, vì tôi chưa thoả mãn với chất lượng dịch. Trong phiên bản tiếng Việt của Đỗ Chu, nếu ví “Cánh đồng truyền thuyết” là một cô gái đẹp, thì trong bản dịch của tôi, tôi cảm tưởng đó chỉ là một bà già xấu xí. Thế thì hỏng, chưa tốt. Có lẽ tôi chỉ nên gửi tặng bản dịch cho ông Đỗ Chu làm kỷ niệm chứ không thể cho in được”.
GS Chúc Ngưỡng Tu đã kể cho tôi rất nhiều về những truyện ngắn Việt Nam mà ông đã dịch gần đây, của các tác giả như Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Võ Thị Xuân Hà, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Nguyễn Trọng Tân… Ông nhớ rõ từng chi tiết của các tác phẩm, và nói về chúng say mê như nói về những người con tinh thần của chính mình. Nghe ông nói, mới biết rằng ông đã đắm chìm vào từng tác phẩm đến nhường nào để có thể sáng tạo lại nó bằng ngôn ngữ tiếng Trung. Nghe ông nói, mới biết rằng ông thực sự đam mê và nghiêm túc với nghề dịch văn học của mình – một cái nghề mà ông luôn ưu tiên, mặc dù nó không đem lại cho ông thu nhập – so với những tài liệu kinh tế và kỹ thuật mà ông có thể “dịch không cần suy nghĩ, và có thể đem lại thù lao rất tốt”.
Thật vui khi những tác phẩm truyện ngắn mà GS Chúc Ngưỡng Tu đang đầu tư công sức để chuyển ngữ sẽ được ra mắt trong tuyển tập “Truyện ngắn đương đại Việt Nam”, do dịch giả Điền Tiểu Hoa chủ biên, Nhà xuất bản Nhân dân Thiên Tân ấn hành. Qua những tác phẩm này, hy vọng độc giả Trung Quốc sẽ có cái nhìn thân thiện hơn về vẻ đẹp và chiều sâu của văn học Việt Nam. Hy vọng, văn học Việt Nam, qua những bản dịch chỉn chu của GS Chúc Ngưỡng Tu, sẽ không còn bị xem là “văn học của nước thứ ba” nữa.
Trong thời gian ở Nam Kinh, tôi đã gặp các sinh viên Việt Nam, những người luôn được GS Chúc Ngưỡng Tu giúp đỡ và dành cho ông những tình cảm kính trọng và biết ơn nhất. Anh Phạm Nguyễn Chính Công, sinh viên trường Đại học Y Nam Kinh đã cho tôi biết: “Thầy Chúc Ngưỡng Tu là một người hết lòng giúp đỡ các sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nam Kinh. Là người có kiến thức uyên bác và là một GS rất có uy tín và tên tuổi, Thầy Chúc Ngưỡng Tu có cuộc sống rất giản dị, thanh bạch, được rất nhiều người yêu mến. Dù tuổi gần 70, Thầy Chúc Ngưỡng Tu vẫn rất năng động, làm việc không ngừng nghỉ. Sức làm việc của Thầy làm chúng em vô cùng nể phục”.
Chuyến tàu chở tôi rời ga Nam Kinh, tôi ngoái lại nhìn dáng của GS Chúc Ngưỡng Tu đang đứng vẫy tay tạm biệt giữa nhà ga ồn ào và đông đúc. Mắt tôi cay khi biết hàng đêm, GS vẫn một mình cặm cụi chuyển ngữ những trang văn học Việt, giữa một thành phố của những dòng xoáy vươn mình về những nấc thang tiền tài và danh vọng. Mắt tôi cay khi nghĩ về lời tâm sự của GS Chúc Ngưỡng Tu: “Mấy năm gần đây, khoảng hai năm một lần, tôi được mời sang Việt Nam dự một sự kiện văn học. Không biết, lần tới được mời, tôi có đủ sức khoẻ để sang không. Tuổi 70 sắp tới, tôi sợ mình không có nhiều thời gian nữa để dịch và giới thiệu văn học Việt. Đối với tôi, dịch văn học Việt Nam là nguồn vui sống”.
Và tôi biết tôi không phải là người duy nhất cầu chúc cho GS Chúc Ngưỡng Tu thật nhiều sức khoẻ để có thể giới thiệu nhiều hơn nữa những tinh hoa của văn học Việt.
(Bản do nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai gửi VanVN.Net)
Nguồn: Vanvn.net