PV

Sáng 17/11, buổi giao lưu giữa Hội Nhà văn Việt Nam và đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc diễn ra tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc do nhà phê bình Lý Kính Trạch làm trưởng đoàn thăm và làm việc tại Việt Nam trong vòng 04 ngày.

Toàn cảnh buổi giao lưu

Thắt chặt quan hệ bằng giao lưu văn học

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Không mối giao lưu nào bền chặt bằng mối giao lưu văn học, bởi văn học đi và ở lại lòng người bằng những ấn tượng không bao giờ quên. Do đó, hai nước cần ưu tiên giao lưu văn học bằng cầu hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Chủ tịch HNV Việt Nam cũng đề nghị đoàn đại biểu, HNV Trung Quốc  thông tin thêm về tình hình văn học Trung Quốc đương đại, đặc biệt là lĩnh vực phê bình văn học Trung Quốc. Và làm sao để tăng cường dịch thuật văn học hai nước, để văn học Việt Nam được biết đến ở Trung Quốc nhiều hơn.

Ông Lý Kính Trạch bày tỏ xúc động với chuyến đi đến Việt Nam lần này, bởi ông có cảm giác mình đang về nhà một người hàng xóm, người bạn, người thân. Ông rất vui khi ở Việt Nam, ông nghe nhắc đến nhiều tác giả tên tuổi của Trung Quốc  như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lỗ Tấn,… Và vui khi những tác phẩm văn học đương đại cũng được độc giả Việt Nam đón đọc và yêu thích.

Nói về văn học hay nền lý luận phê bình Trung Quốc, ông cho rằng xã hội Trung Quốc đang ở thời đại mới, trước sự thay đổi lớn đó, không chỉ xã hội mà cả nền văn hóa, văn học cũng đặt ra cho các nhà văn nhiệm vụ mới. Các nhà văn Trung Quốc trước tình hình đó cần tích cực tìm hiểu cuộc sống hơn nữa. Hiện trạng lý luận phê bình cũng không nằm ngoài điều đó. Trước đây, người làm lý luận phê bình giống như là người biểu dương, nhưng cần thay đổi để phát huy tính chân thực của phê bình.

Riêng về giải pháp dịch thuật và đưa văn học Việt Nam đến với độc giả Trung Quốc thì hai bên thực sự chưa có giải pháp cụ thể. Bởi đoàn Trung Quốc cho rằng, văn học dịch chính là cách hội nhập văn hóa từ bên ngoài, điều này cũng giống như sự xâm nhập văn hóa phương Tây một cách tự nhiên. Điều này có làm được hay không phụ thuộc vào mối quan hệ giữa hai Hội Nhà văn.

Đại biểu từ đoàn nhà văn TQ tặng Hội Nhà văn Việt Nam bức thư pháp 

Phát triển thế hệ kế cận cho hai nền văn học
Trước xu thế phát triển của  thế giới, Việt Nam và Trung Quốc cũng không nằm ngoài. Điều quan tâm của các nhà văn hai bên chính là làm sao để phát triển nền văn học đương đại phù hợp với văn hóa dân tộc.

Nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng tâm lý tình cảm của thanh niên Trung Quốc không khác nhiều so với thanh niên Việt Nam. Các nhà văn trẻ Việt Nam cũng đang lúng túng với tư tưởng hậu hiện đại phương tây. Nếu như các nhà văn và phê bình chưa gặp nhau ở điểm chung sáng tạo thì phê bình văn học Trung Quốc có theo kịp các sáng tác của văn học trẻ Trung Quốc không?

Tổng biên tập tờ Văn nghệ Trung Quốc cho rằng, việc tờ báo của bà có một chuyên mục riêng cho văn học 9X để họ nói lên tiếng nói riêng của mình mà trong đó có sự tham gia của đa số các nhà văn trẻ là tín hiệu cho thấy văn học Trung Quốc có thể phát triển trong tương lai. Ban biên tập của bà cũng rất tâm đắc và khuyến khích các nhà văn trẻ sáng tạo, mở rộng nghiên cứu hơn nữa.

Đoàn đại biểu Trung Quốc cũng cho rằng trong thời đại mới, văn hóa và tầm nhìn của Trung Quốc cần mở rộng để đón nhận những tác phẩm văn học đến từ khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Ấn Độ,… Họ cho rằng tư duy mở của giới trẻ sẽ thay đổi quan điểm về văn học. Điều này sẽ thúc đẩy sự giao lưu văn học và mở rộng sự đón nhận của độc giả trẻ hai nước.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version