Trong khuôn khổ chuyến giao lưu và làm việc tại Việt Nam, sáng 16-10, tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam nhà văn Italia Gianrico Carofiglio đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn Việt Nam, cùng đông đảo sinh viên khoa Viết văn – Báo chí (ĐH Văn hóa, Hà Nội). Có mặt tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Italia tại Việt Nam, ngài Lorenzo Angeloni và Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cùng bày tỏ sự mong muốn về quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn học giữa hai quốc gia được tăng cường phát triển.

PVVNT đã ghi lại những tâm sự của nhà văn Gianrico Carofiglio tại cuộc gặp gỡ này

Ước mơ trong quá khứ

Từng đạt giải thưởng văn học uy tín Premio Bancarella năm 2005 (giải thưởng đã vinh danh Ernest Hemingway) với “Quá khứ là miền đất lạ”, Gianrico Carofiglio còn thể hiện mình  là nhà văn đa phong cách khi thử sức và thành công với với tiểu thuyết đồ họa Cacciatori nelle tenebre (Những kẻ đi săn trong bóng tối) năm 2007 trong vai trò họa sĩ, với truyện ngắn Non esiste saggezza (Không khôn ngoan) và với khả năng viết tiểu luận vô cùng sắc sảo.

Đam mê văn chương đã nhen nhóm trong ông khi mới 8, 9 tuổi. Trong suốt quãng thời gian từ 8 đến 15 tuổi ông đã say sưa viết và đến nay vẫn còn lưu giữ những bản thảo này. Nhưng rồi sau đó ông dừng việc sáng tác. Gần 30 năm sau, Gianrico Carofiglio mới quyết định quay trở lại văn chương.

Thực ra ao ước được viết vẫn thôi thúc trong ông, nhưng ông tự thấy mình không còn đủ sức mạnh, đủ dũng khí để viết. Khi cảm thấy đã tích lũy đủ kinh nghiệm sống, và ý tưởng đã chín muồi, ông mới tự tin để quay lại giấc mơ viết lách từ thuở nhỏ. Gianrico Carofiglio chia sẻ: “cuộc sống đã ưu ái cho tôi quá nhiều. Nếu đánh giá hạnh phúc theo quy chuẩn khi chúng ta lớn lên có thực hiện được những mơ ước trong quá khứ hay không thì tôi là người thật hạnh phúc.”

Sau nhiều năm làm việc ở Tòa án, khi thấy ông thử sức với văn chương, nhiều người đã đặt câu hỏi: tại sao ông viết văn? Khi đó Gianrico Carofiglio đã đùa rằng: Tại sao mọi người không hỏi một đứa trẻ mong muốn trở thành nhà văn như tôi lại làm trong ngành tòa án, và đã lâu như thế mà tôi còn chưa viết ra được dòng nào?

Nhà văn Gianrico Carofiglio chia sẻ: Nhiều năm làm việc ở Tòa án , được tiếp xúc với những câu chuyện, những con người ở các thành phần xã hội khác nhau, đa dạng và phức tạp chính là chất liệu quý giá, là “năng lượng” cho “cỗ máy sáng tạo” trong ông.

Chống lại tội ác bằng cái Đẹp

Nhiều tác phẩm của mình, Gianrico Carofiglio đã dựng lên cuộc chiến cam go với tội phạm. Ông cho rằng tội phạm như nấm độc, lan truyền rất nhanh nhưng không có rễ. Vì thế không có gì là không tiêu diệt được chúng.

“Khác với hình ảnh mafia các bạn thường thấy trên phim truyền hình, là những tên tội phạm mặc comple , đeo kính đen, đi xe đắt tiền, thì thực tế chúng khác hẳn.”- Gianrico Carofiglio khẳng định – “ Ở Italia đã từng có cuốn sách viết về sự vớ vẩn và tầm thường của tội phạm.”

Cuộc chiến với tội phạm của các nhà văn ở Italia cũng như nhiều nước trên thế giới hiện diễn ra nhiều cấp bậc và nhiều cách thức khác nhau. Có người viết ra những cuốn sách đánh thẳng vào những tổ chức mafia. Cách này gọi là “đánh trực diện”. Nhưng dù cách thức nào đi chăng nữa, thì chúng phải hay. Bất kể thể loại nào cũng cần phải quan tâm đến chất lượng tác phẩm. Văn học muốn chống lại tội phạm càng cần có những tác phẩm hay, lay động người đọc, giúp thay đổi nhận thức của con người.

“Một cuốn sách thành công phải là một cuốn sách hay. Chống lại cái xấu, phải dùng cái đẹp, cái thông minh, tinh tế của văn học. Đây là cách đầu tiên, dễ nhận ra. Ngoài ra còn nhiều cách khác để văn học chống lại tội phạm” – Gianrico Carofiglio chia sẻ – “Vài năm trước tôi có bắt giữ một thanh niên về tội cướp của giết người. Sau đó anh ta bị tống giam. Một năm sau, tôi nhận được lá thư của anh ta gửi đến. Việc này không khiến tôi bất ngờ vì tôi thường xuyên nhận được thư từ của tù nhân vì họ muốn viết thư thanh minh rằng mình vô tội và muốn ra tù. Tuy nhiên người thanh niên này khiến tôi ngạc nhiên, vì thay bằng việc kêu mình vô tội, anh ta nói biết việc tôi viết sách. Anh ta nói: ở tù cô đơn quá, và liệu có cách nào để anh ta đọc được những cuốn sách của tôi hay không?

Lá thư khiến tôi rất xúc động. Tôi đã quyết định gửi toàn bộ những cuốn sách đã xuất bản của mình vào tù cho người thanh niên đó.

Sau đó anh ta tiếp tục viết thư cho tôi, bày tỏ sự bất ngờ của mình về việc tôi đã gửi sách cho anh ta, và sự ngạc nhiên của anh ta về những cuốn sách của tôi. “Không ngờ ông viết được như vậy!”. Anh ra bảo, cuộc đời anh ta kể từ đó đã thay đổi.

Câu chuyện này có ý nghĩa hết sức đặc biệt với Gianrico Carofiglio. Nó chứng tỏ sức mạnh của văn chương. Văn chương có thể làm thay đổi nhận thức của người đọc, và có thể thay đổi cả thế giới.

Ông nhớ mãi câu mà người thanh niên kia đã viết cho ông: “bây giờ tôi đã nhìn cuộc đời bằng con mắt khác”

Marcel Proust đã từng nói: văn học là một hành trình khám phá mà không phải có con đường mới mà là có những con mắt mới, cách nhìn mới.

Vai trò của văn học trong cuộc chiến tội phạm, và chống lại những cái xấu, cái ác là nhằm trang bị cho người đọc những con mắt mới, cách nhìn mới. Theo Gianrico Carofiglio , hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta biết cần phải viết như thế nào.

Kể như chưa ai từng kể

Mỗi người một văn phong, nhưng mỗi người cần có một cách chưa ai từng viết, từng kể như thế. Đây là một điều rất khó. Ví dụ như chuyện tình yêu, rất nhiều người đã viết. Thách thức của văn học là vẫn một câu chuyện muôn thuở như thế, anh nhìn với con mắt chưa ai nhìn cả

Gianrico Carofiglio đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm viết của mình về tiêu chuẩn để tạo ra một nhà văn hấp dẫn. Cách của Gianrico Carofiglio là lấy nguyên mẫu từ đời thực, một người ta đã từng biết, có thể là tốt, nhưng đưa vào tác phẩm là một nhân vật xấu và ngược lại. Làm điều này để làm gì? Theo Gianrico Carofiglio, đây là cách để chúng ta hoán chuyển cách nhìn về nhân vật, biết nhìn các nhân vật, sự kiện một cách toàn diện , đa chiều hơn.

Trả lời câu hỏi của một sinh viên rằng: một nhà văn giỏi cần gì? Gianrico Carofiglio kể lại câu chuyện cười của một nhà văn Anh nổi tiếng: Bí mật nào giúp trở thành nhà văn giỏi và bán được nhiều sách? Có 3 bí quyết. Nhưng bất hạnh là không ai biết bí quyết đó là gì.

Tất nhiên đây chỉ là câu chuyện cười, nhưng thực tế thật khó để trả lời câu hỏi làm thế nào để trở thành nhà văn giỏi. Tuy nhiên cũng có những quy tắc để chúng ta viết được những tác phẩm hay. Gianrico Carofiglio đã đưa ra hai vấn đề để bàn bạc, đó là văn phong và nội dung

Về văn phong, ông cho biết có một cuốn sách của Mỹ nhan đề là “Yếu tố phong cách” trong đó đưa ra 30 quy tắc, tuy nhiên ông quan tâm nhất đến điều thứ 17: không một yếu tố nào thừa.

Điều này nhắc nhở người viết hãy dùng từ chính xác để nói điều mình muốn nói,đừng đưa từ nào thừa . Nhiều khi người viết chúng ta thích tuôn ra những từ ngữ để thể hiện vốn từ của mình. Điều này cũng tương tự như một cầu thủ muốn chứng tỏ mình giỏi bằng việc mải mê dắt bóng, chùng chình lâu ở tuyến giữa, trong khi nhiệm vụ của cầu thủ giỏi chính là ghi bàn.

Về nội dung, nhà văn Gianrico Carofiglio chia sẻ: chúng ta cần phải nói ra sự thực. Điều đó không đồng nghĩa với việc kể lể, sao chép lại một câu chuyện có thực, mà là nói lên đúng sự thật về tâm hồn của nhân vật mà chúng ta viết. Một câu chuyện chúng ta viết ra có thể hầu như được viết ra bằng sự tưởng tượng, nhưng nhà văn giỏi phải biết chứa đựng sự thật trong đó.

Người viết trẻ và sự hoang tưởng

Nhà văn Gianrico Carofiglio chia sẻ cùng các nhà văn trẻ về sự khó khăn của việc chuyển từ một người mới viết sang một người có tác phẩm được xuất bản. Điều này có nguyên nhân bởi một số người viết không trở thành nhà văn nhưng họ vẫn thích viết. Gianrico Carofiglio kể, ông từng đến Nxb xuất bản sách của mình. Ông bắt gặp ở đó những bản thảo cao chất ngất. Ông đã đề nghị được xem qua những bản thảo đó và được biên tập viên chấp thuận. Sau khi xem qua, Gianrico Carofiglio nhận ra một sự thực là phần lớn các bản thảo đều viết rất dở. Nhiều tác giả, họ thấy rằng tác phẩm của mình thay đổi diện mạo của cả một nền văn học. Nhưng điều đó thật hoang đường.

Cái khóc của người viết mới, đó là làm thế nào giữa rừng tác phẩm tầm thường như vậy, anh biết vượt lên, để người khác nhận ra tác phẩm của mình.

Bản thân Gianrico Carofiglio từng gửi tác phẩm của mình đến một Nxb nọ, và nó bị từ chối vì lý do không có khả năng về mặt thị trường. Tuy nhiên cuốn sách đó đã được in bởi một Nxb khác và chúng lập tức trở thành cuốn sách bán rất chạy.

Cũng có lần, ông gửi bản thảo đến một Nxb, và sau hai năm mới nhận được thư trả lời rằng: tác phẩm của ông viết không hay, và không thể xuất bản được. Nhưng thực tế khi nhạn được lá thư đó thì cuốn sách đã được một Nxb khác in và bán được 8 tháng. Sauk hi nhận được thư từ chối, Gianrico Carofiglio đã viết thư lại cho Nxb kia rằng: cảm ơn vì Nxb đã cho ông một kinh nghiệm sống siêu thực: bị từ chối sau khi tác phẩm đã được xuất bản.

“Văn chương giống như đi một mình trên sa mạc. Nếu bạn có phẩm chất, bạn hãy kiên cường” – Gianrico Carofiglio kết luận.

Box

Gianrico Carofiglio (sinh năm 1961) là một trong những nhà văn trinh thám có sách bán chạy nhất Italia . Ông chính là tác giả của loạt tiểu thuyết trinh thám pháp lý ăn khách về luật sư Guido Guerrieri. Cho đến nay, các tiểu thuyết của ông đã bán được trên 3 triệu bản, dịch ra gần 20 thứ tiếng cũng như được chuyển thể thành phim điện ảnh và phim truyền hình dài tập ăn khách. Gianrico Carofiglio nguyên là công tố viên chống mafia ở thành phố cảng Bari. Hiện ông đã tham gia chính trường và trở thành thượng nghị sĩ của quốc hội Italia. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch danh dự của giải Edinburgh Gadda, một giải thưởng vinh danh Carlo Emilio Gadda.