Giàn hoa Ti Gôn

Tác giả: Nguyễn Phương Ngọc

– Chị, chị à…!

Đơn đứng phía sau cánh cửa phòng hé mở, cô ngập ngừng một lúc lâu mới mấp máy môi cất lên được tiếng gọi. Cái sự đời đầy nghiệt ngã, oái ăm kết lại tạo thành một bức tường vô hình mà tàn nhẫn ngăn cách hai chị em họ.

– Chị ra ăn bát cơm với em và bố đi… cũng lâu lắm rồi em mới lại về nhà…

Lành vẫn ngồi im không nhúc nhích hay hé môi nói lấy nửa lời. Ngồi yên trên giường, ánh mắt cô u ám, trĩu nặng và mệt mỏi nhìn ra cửa sổ. Căn phòng cô đang ở cũng một màu u ám như tâm trạng cô từ lúc nào đến giờ. Cả căn phòng có độc nhất một cái tủ quần áo màu tro lạnh, một cái bàn màu xám đã phủ bụi, trên đó có một cuốn album cũ. Những tia nắng le lói buổi sáng không làm cho căn phòng tươi tỉnh hơn. Phía ngoài cửa sổ, giàn hoa ti gôn đang khoe sắc hồng rực rỡ dưới ánh nắng mai, bất chợt trên khóe môi cô nhích lên một tí – một nụ cười, không hẳn là một nụ cười thực sự, nó như là cái phản ứng trước nỗi đau đang nghẹn ứ lại, chỉ chực sắp sửa trào ra, cô cảm thấy đắng nghét nơi cổ họng, bỗng nhiên cô đưa tay lên úp mặt: đã bao lâu rồi cô vẫn chịu đựng được, cô không cho phép mình được khóc, được yếu đuối trước mặt người khác, người cô co rúm lại, khẽ run lên… cô tự đày đọa mình vào cái ốc đảo cô đơn mà cô cố tình tạo ra cho mình.


Đơn nhìn chị, cô khẽ quay người ra, thẫn thờ dựa lưng vào tường, phải mất một lúc cô mới trấn tĩnh lại được. Cô cố gắng kìm nén mọi sự dày vò bản thân mỗi khi bước vào ngôi nhà gắn bó với mình tuổi ấu thơ. Tiến lại bàn ăn, bắt gặp ánh mắt bố như muốn hỏi “chị đâu rồi?”, cô lặng lẽ nói:

– Chị không ra bố ạ… chắc là chị mệt !

– Ừ, bố hiểu.

Cô không dám nhìn thẳng vào mắt bố, đôi mắt ám ảnh có nét giống với Lành.

– Con sẽ cất cơm, tí nữa chị sẽ ăn sau vậy.

Vậy là bữa ăn sau năm tháng xa nhà của cô chỉ có hai bố con. Suốt bữa ăn, hai người ít nói chuyện qua lại, lâu lâu người cha hỏi tình hình công việc của cô thế nào, cô trả lời cho có chuyện rồi lại lặng lẽ ăn hết chén cơm dang dở. Giữa họ hình như không có chuyện gì để nói với nhau. Tiếng cười trong căn nhà này đã vắng bao nhiêu lâu rồi, từ khi người đàn bà đó bỏ đi. Trong phút giây, ông bố nhớ lại tiếng cười giòn giã của hai cô con gái bé bỏng lúc trước mỗi khi ông đi xa về, chúng cãi nhau, tranh giành nhau, cười, khóc lóc và kêu thét lên gọi ông mỗi khi đứa kia giành được món quà đẹp hơn, rồi lại cùng vui đùa chia nhau hộp kẹo đủ màu… cái kí ức vui tươi đó cứ trôi bồng bềnh, bồng bềnh, nhảy múa, chập chờn lúc hiện lúc mất như một trò chơi trốn tìm trong tâm hồn ông. Ông khẽ lắc đầu, cái khao khát hạnh phúc nhỏ nhoi đời thường của ông dường như chỉ còn lại trong kí ức xa vời, tít tắp mà hiện tại ông với tay không bao giờ đến.

Ông hận người đàn bà đó, người mà ông tin tưởng giao trọn hạnh phúc và niềm tin cuộc đời mình cho họ. Người đàn bà, vốn trước khi gặp ông đã có một đời chồng và một đứa con. Ông chồng nghiện ngập bỏ bà ta mà đi, để lại đứa con gầy còm với gian nhà dột nát. Hai mẹ con đi làm thuê leo lắt sống với nhau qua ngày. Ngày đó, anh – một người đàn ông từng trải ngoài ba tư tuổi mà vẫn chưa biết đến một mái ấm gia đình, vì công việc buôn bán, kinh doanh nên anh phải nay đây mai đó, chưa có một chốn yên bình, ổn định để trở về. Và rồi, một ngày anh đến nơi đó kí kết một vụ làm ăn, anh đã gặp người đàn bà ấy. Người đàn bà nhận công việc nấu ăn, dọn dẹp trong thời gian anh ở tại làng. Có lẽ do thiếu bàn tay người phụ nữ chăm sóc đã lâu – từ khi người mẹ thân yêu nhất của anh qua đời – nên sự dịu dàng, ân cần, quan tâm từ những điều nhỏ nhất từ cô đã làm anh cảm động: từ bát cơm, chén canh, miếng nước, đến cái khăn mặt, giặt giũ quần áo hàng ngày cô đều lo cho anh cẩn thận, nhiều lúc thấy anh mệt mỏi cô lại hỏi thăm, động viên an ủi, có khi anh ốm cô lo lắng băng mấy cây số đường rừng mua thuốc, rồi nấu cháo cho anh… Có người đàn ông nào mà không gục ngã trước sự ân cần đến thế của một người đàn bà?

Hai tâm hồn cô đơn gặp nhau, và vượt qua mọi định kiến, mọi lời dị nghị của bà con làng xóm nơi ấy, của họ hàng và gia đình, anh bất chấp tất cả đưa cô về làm vợ, nuôi và yêu thương đứa con riêng của cô hết mực. Hai vợ chồng về quê anh ở tận Tây Nguyên, xây một ngôi nhà khá khang trang, tiện nghi đầy đủ với mong muốn bù đắp lại những ngày khốn khó cho vợ, và để mong mình thực sự có một mái ấm một khi đi làm trở về.

– Đàn bà là con quỷ, là ma cả!

Ông lại run lên giận dữ, thốt lên câu đó mỗi khi nghe ai nhắc đến phụ nữ. Ông hận, hận hết mọi đàn bà trên thế giới này. Khi còn khó khăn thì họ ân cần, chăm sóc và quý trọng mình lắm, khi đời thay đổi rồi thì quay đầu là sao. Ông ghét…

Người đàn bà về sống với ông một thời gian, sinh cho ông hai cô con gái đẹp tựa thiên thần, mỗi khi ông đi xa về là chúng ríu rít lao vào vòng tay bố hôn lấy hôn để, bám lấy ông không muốn rời xa. Những tưởng vậy là cuộc đời ông hạnh phúc nhất rồi.

Nhưng sự đời đâu dễ chiều lòng ai, công việc đòi hỏi ông phải đi xa suốt, có khi hàng tháng trời mới về nhà một lần, về rồi lại đi. Và đàn bà ai chả thế, cái máu Hoạn Thư trong người bà vợ cứ lớn dần lên. Ông đi xa, việc duy nhất ông có thể làm là hàng tháng gửi một số tiền về cho vợ con, và sự nghi ngờ bắt đầu từ đó. “Tiền ông làm ra nhiều vậy ông để đi đâu?”, “Ông không cho đàn bà thì làm gì?”… bao nhiêu câu hỏi cứ bám víu lấy ông mỗi khi ông trở về cái mái ấm gia đình đó. Và cái nhà đó trở thành địa ngục đối với ông từ bao giờ không hay. Những cuộc cãi vã, nghi ngờ lẫn nhau dần dần thêm sâu sắc mà không gì cứu vãn được. Mỗi lần bố mẹ cãi vã, hai đứa con lại ôm nhau vào một góc tường và khóc. Oái oăm hơn, về sau mỗi lần về ông và vợ lại như hai người xa lạ, có xảy ra xích mích gì thì bà vợ đuổi ông ra khỏi nhà, nhiều khi ông thấy tại sao mình lại hèn kém đến vậy?


Nhưng có là gì đâu nếu bà ta không hẹn hò với tình nhân ngay trong chính ngôi nhà của mình. Những lúc ông đi vắng, bà lại gặp gỡ tình nhân, có khi ngay trước mặt ba đứa con của mình. Hai cô con gái biết mẹ mình phản bội bố nhưng vì sợ, nhất là sợ bố biết sẽ càng đau lòng nên lặng im không nói, chịu đựng nỗi đau đến từ nguời mẹ phản bội. Cái sự chịu đựng nỗi đau tinh thần ngày một lớn khiến nó trở thành vết thương lớn không dễ gì xóa bỏ trong tâm hồn hai đứa trẻ cho đến mãi về sau.

Rồi sự việc cũng đến tai ông, hai vợ chồng ông li dị, người vợ sau khi cầm được số tiền lớn từ ông thì bỏ đi với người đàn ông khác. Nhiều lúc ông cười mà cay đắng ngậm ngùi: người ta không có tiền thì khổ, khổ thiệt, nhưng mình thì có tiền đó mà cũng có sướng đâu. Ai đó nói đâu có sai: không có tiền thì chắc chắn khổ, nhưng có tiền chưa chắc đã sướng, lại có người đang sung sướng ngồi trên đống vàng mà không biết mình sướng, cứ chạy theo cái mơ mộng phù du đâu xa. Vả lại cái tội gì thì ông có thể tha thứ được, chịu đựng được, nhưng cái tội phản bội trơ trẽn thì không bao giờ. Bà vợ bỏ đi, đứa con trai của bà thì đi du học nước ngoài rồi ở bên đó luôn, chỉ còn hai đứa con gái vẫn ở với ông. Từ đó ông hạn chế đi xa, ở gần nuôi nấng chăm lo cho hai đứa con, và mãi mãi đời ông ôm hận đàn bà, phải, tất cả đàn bà đối với ông đều giống nhau hết, ông hận, ông hận hết.

Ăn cơm xong, Đơn soạn sửa rồi đi thăm mấy người bà con họ hàng, làng xóm. Còn người bố chầm chậm tiến tới phòng Lành, ông đứng yên quan sát con gái, cô vẫn ngồi đó, im lặng, bất động và cô đơn bủa vậy khắp người. Bất chợt ông lấy tay mở toang cánh cửa căn phòng, rồi ông lại tới mở rộng cả hai cánh cửa sổ cho ánh nắng tràn vào, gắng nở một nụ cười thật tươi lại bên ngồi gần con gái ông nói:

– Sáng lắm rồi, con dậy ăn cơm rồi ra chợ mua cho bố một ít hạt dưa giống và café nhé? Nhà mình hết café rồi, với lại bố đang làm vạt đất vãi ít luống dưa con à.

Ông nói rồi chợt nghĩ, café với dưa thì có liên quan gì đến nhau chứ?

Lành nhìn bố không nói gì, im lặng một lúc cô ngại ngần:

– Dạ, thế để con đi mua.

Ông bố mỉm cười, lấy tay vỗ vỗ vào vai con gái rồi đứng lên, vươn hai tay lên khoan khoái định bước ra khỏi phòng. Bất chợt đưa mắt nhìn căn phòng, ông nói chắc nịch:

– Con mua thêm ít hoa tươi nữa nhé, nhất định bố phải sửa sang lại cái căn phòng này cho con, không thể để nó thế này mãi được.

Lành vẫn nhìn bố không nói, đoạn cô đứng dậy lầm lũi bước ra khỏi phòng. Ông nhìn theo sau lưng con gái, lặng đi một giây lát, ông quá hiểu đứa con gái của ông, nhất định ông phải tìm cách trả lại niềm vui cho nó, nhất định không thể để cuộc đời nó tối tăm mãi như cái cuộc đời già cỗi của ông.

Một lúc sau, Lành cầm cái giỏ bước ra khỏi nhà, cô đi chầm chậm qua giàn hoa ti gôn đang rực rỡ trước ngõ. Ông bố đứng sau cánh cửa nhìn theo, cái dáng người đó sao giống bà ta đến thế: nhỏ nhỏ, mảnh mai, toát lên sự khéo léo và dễ thu hút người khác, chính ông từng bị hấp dẫn bởi cái dáng người này. Nhưng không, đừng vội so sánh vì khập khiễng lắm, đứa con gái ông tuyệt vời gấp trăm ngàn lần so với người mẹ bội bạc của nó.

Tôi là một cô gái yếu đuối. Có lẽ vậy. Yếu đuối vì tôi đã không thể làm gì khi mất đi người mình yêu thương nhất, càng yếu đuối hơn khi biết rõ anh ta xấu xa đến vậy mà vẫn yêu. Nếu tôi mạnh mẽ có lẽ đã khác. Nhiều người nói, anh ta là đồ đáng bỏ đi, không xứng để tôi yêu anh nhiều đến vậy. Quen nhau từ hồi học năm thứ hai đại học, tôi và anh đã có với nhau một mối tình sinh viên tuyệt đẹp. Là mơ ước của bao nhiêu cô gái khi tôi có một người yêu vừa đẹp trai, lại hào hoa, năng động, học giỏi đến vậy. Tôi luôn tự dặn mình, tôi không thể như người mẹ của tôi, người mẹ vẫn luôn ám ảnh cả trong giấc mơ của tôi về những vết thương tuổi thơ tồi tệ, tôi phải khác mẹ, không thể sống giống bà ta dù là trong ý nghĩ. Và vì vậy, tôi hết mực yêu thương và chung thủy với người yêu của mình. Ra trường mỗi người một việc, bận rộn hơn nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian quan tâm nhau, nhưng càng về sau, tôi lại thấy anh có vài biểu hiện gì lạ lắm. Anh thường nói dối tôi, anh ít gặp tôi hơn và thường lấy lí do bận việc vào mỗi ngày cuối tuần. Tôi nghĩ, có thể do tâm lí mỗi người, nhiều lúc cuộc sống bộn bề anh ấy cần có thời gian và khoảng trống nào đó cho riêng mình, vì vậy những lúc ấy tôi thường không trách móc anh nhiều, vì tôi biết tôi yêu anh đến nhường nào. Tôi đã nghĩ về một đám cưới gần nhất, tôi sẽ chung thủy, hết lòng chăm lo cho mái ấm gia đình chứ không như mẹ tôi. Mỗi lần gặp thấy thái độ mong muốn, thấp thỏm chờ đợi anh ngỏ lời cầu hôn của tôi, anh lại tìm cách làm ngơ và lảng tránh. Nghe bạn bè nói anh có người khác, tôi không tin, đúng hơn là không muốn tin.

Và rồi chuyện gì đến sẽ đến, tối hôm đó tôi đến phòng anh, bắt gặp anh đang thân mật với người con gái khác. Tôi gần như đứng chết lặng, hai tai ù đi, chân đứng không vững trước cảnh tượng đang diễn ra trước mặt mình: hai người đang không mảnh vải che thân, quấn quýt lấy nhau ngay trước mắt tôi… tôi khuỵu hẳn chân xuống, sụp đổ hoàn toàn… Em gái của tôi! Trời ơi… là em gái tôi! Tại sao lại là em? Cô em gái mà tôi yêu thương nhất?…

Từ ngày đó tôi trở nên lầm lũi, ít nói, tôi không muốn gặp và không hề gặp anh dù anh tìm đến đòi gặp bao nhiêu lần. Và cả Đơn, tôi cũng không muốn gặp, tôi không đủ mạnh mẽ để đối diện trực tiếp với hiện thực rõ ràng: người yêu tôi đã phản bội tôi, với cô em gái yêu nhất của tôi. Thật buồn cười, quá buồn cười, đây có phải là thực không? Làm sao tôi có thể vượt qua được cú sốc tinh thần lớn đến vậy. Càng yêu, càng chung thủy bao nhiêu cuối cùng chỉ để làm trò vui cho người khác? Phải chăng tôi đã sai? Yêu thật lòng là sai hay sao? Chẳng lẽ sống như mẹ tôi, yêu thương vật vờ, nghi ngờ và phản bội mới là đúng? Và tại sao lại phải là em gái tôi? Tôi không còn biết thế nào mới là đúng, là sai… bao nhiêu đau khổ, nước mắt tôi cố nuốt vào trong, im lặng cúi đầu khi gặp ai đó biết chuyện, tối về tôi đóng cửa phòng lại và khóc. Mỗi lần nhớ lại cảnh tượng bắt gặp hôm đó là đầu tôi lại nóng bừng lên, cơn tức giận, đau khổ và trái tim quặn thắt đến điên người lại kéo đến, lấy răng cắn thật chặt vào gối, cuộn người lại và run lên để chịu đựng nỗi đau quá lớn. Rồi tôi bắt mình không được khóc. Tôi xin nghỉ việc ở cơ quan về ở với bố. Tôi biết Đơn làm việc ở xa sẽ ít về, không dám về, sao cô có thể còn dám đối mặt với tôi sau khi đã đối xử với tôi đến như vậy.

Bao quanh căn nhà của chúng tôi là những giàn hoa ti gôn, những bông hoa dáng trái tim vỡ không khi nào dừng khoe sắc. Bố tôi bắt đầu trồng hoa ti gôn xung quanh nhà sau khi mẹ tôi bỏ đi. Tuy biết chuyện bố mẹ nhưng hồi nhỏ tôi vẫn không hiểu vì sao ông trồng nhiều loại hoa này đến thế. Bố thích loài hoa này, có những chiều tôi thấy ông một mình đứng nhìn mãi những bông hoa bé xíu, hồi đó có lần tôi đã hỏi bố:

–  Sao bố trồng nhiều hoa này thế, khắp nhà mình toàn hoa ti gôn không à, con thấy ai đi qua cũng nhìn cả, kì lắm bố ơi!

Bố im lặng một hồi rồi bảo:

– Vì bố tìm thấy mình trong đó khi nhìn nó con ạ. Đôi lúc bố ghét nó lắm, muốn nhổ hết đi nhưng rồi lại không làm được. Bố sẽ còn sống với nó rất lâu… à mà thôi, bố nói linh tinh gì với con thế này… lớn lên rồi con sẽ hiểu.

Bây giờ thì tôi đã hiểu. Tôi không chỉ hiểu mà còn thích loài hoa này hơn cả bố tôi nữa. Như bố nói, tôi cũng tìm thấy mình khi nhìn nó – trái tim vỡ, sự dày vò, bứt rứt tới tận tâm can, tận cùng của nỗi đau đớn không gì bù đắp được. Tuy nhiên, dù biết là ngu ngốc nhưng tôi vẫn phải thừa nhận với chính tôi, rằng dù bị lừa dối nhưng tình yêu trong tôi vẫn chưa bao giờ mất, vẫn như cái màu hồng rực rỡ kia không thể mất đi dù trái tim nó đã vỡ từ lúc nào, ngược lại nó càng ngày càng rực rỡ hơn. Nhưng trái tim đã vỡ thì không thể nào hàn gắn lại, đó là điều tôi chắc chắn. Từ đó tới nay tôi sống cô đơn trong căn nhà ngập tràn hoa ti gôn, ít tiếp xúc với người ngoài, cuộc sống khép kín như chính tâm hồn tôi.

Đơn chỉ mới ghé thăm nhà thường xuyên hơn thời gian gần đây, dù hai chị em vẫn né tránh nhau, tuy có thể thông cảm cho nhau nhưng cả hai vẫn chưa dứt bỏ được những ám ảnh trong quá khứ. Tôi không gặp Đơn mấy năm liên tục – cô em gái tôi yêu thương nhất mà cũng đầy hận thù mỗi khi nghĩ về nó – kể từ hôm đó. Trong mấy năm đó Đơn có về thăm nhà nhưng mỗi khi nó về, tôi lại tìm cách lẩn trốn ko gặp. Một hôm đang ngồi ngắm giàn ti gôn thì tôi nhận được một bức thư: đó là thư của Đơn. Tôi nghĩ Đơn không dám đối diện trực tiếp và không gặp được chị sau hôm đó nên đành gửi thư. Lúc đầu tôi định không đọc, tôi không cần một lời giải thích hay phân trần gì hết, còn gì để nói đâu khi sự thực đã phơi bày ra trước mắt không một lời chối cãi. Nhưng cuối cùng tay tôi vẫn run run xé chiếc phòng bì, tôi cần phải mạnh mẽ hơn, phải dám đối mặt với nỗi đau và hiện thực đã khiến tôi trở thành người như vậy.

“…Dù biết đó là người mà chị yêu thương nhất, người mà không bao lâu nữa sẽ trở thành anh rể của em… nhưng em đã không thể cưỡng lại được những lời ngọt ngào  và sức cuốn hút của anh ấy. Biết anh ấy và cả em như vậy là phản bội và lừa dối chị, nhưng em vẫn không thể nào thoát ra được cạm bẫy tình yêu mà anh giăng ra. Có lẽ đó là điểm yếu của tất cả những người đàn bà trên đời này, như em và chị và… cả mẹ nữa… Sau khi chị phát hiện ra, em sống trong sự hối hận, day dứt đến điên cuồng không có lối thoát. Sau lần đó, em không gặp lại anh ta, nhưng nỗi đau và sự hối hận đó khiến em trở nên khờ dại, không thể chịu đựng sự ám ảnh mỗi ngày, không còn là bản thân mình, em bắt đầu tìm cách giải tỏa bằng cách trút căng thẳng lên những người đàn ông khác. Em gặp gỡ họ, hết người này đến người khác trong thời gian ngắn, tìm thấy bình yên trong thú vui xác thịt… nhưng rồi em càng chìm sâu, ngập lụt hơn trong vũng bùn đen tối đó. Em sẽ cố gắng thoát ra, sẽ cố gắng làm được…

Em sẽ tha thứ cho mẹ, người đàn bà cũng khờ dại như em…

Ngay bây giờ em chỉ biết nói rằng, em thực sự xin lỗi chị, hãy tha lỗi cho em…”

Ông bố vẫn nhìn theo lưng Lành, rồi đưa ánh mắt nhìn giàn ti gôn, dưới ánh nắng  chói chang của buổi sớm mai, sắc màu của nó càng ánh lên rực rỡ, rạng ngời cả một góc trời… Phải chăng khi nỗi đau càng quá lớn, người ta sẽ càng phải cố gắng mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn? Ông chợt nghĩ, ông sẽ phải đi tìm thật nhiều loài hoa khác về trồng trong vườn, cần phải có nhiều màu sắc hơn trong cuộc sống của cha con ông, và ông cũng chợt nhận ra rằng, bên cạnh những nỗi đau thì tình yêu vẫn luôn luôn tồn tại… như loài hoa ti gôn, càng có nhiều trái tim vỡ, thì nó càng khoe sắc hồng rạng rỡ hơn.

Exit mobile version