Nhà văn Rick Gekoski, Chủ tịch hội đồng giám khảo giải văn học uy tín Man Booker, nói về lý do khiến nhà văn khó viết về tình dục và không có giải thưởng nào tôn vinh văn viết về chủ đề này, đối lập với giải Bad Sex.

Việc đoạt giải thưởng văn học thường là “tấm vé” giúp nhà văn và tác phẩm cập “bến bờ” ăn khách. Một nhà văn chiến thắng tại giải Man Booker từng chia sẻ: “Tôi chẳng phải lo về tiền bạc nữa”. Có lẽ, ngoại lệ duy nhất là giải Bad Sex của tạp chí Literary Review, nơi người chiến thắng không được đảm bảo chút gì về doanh số sách, bởi đây là một giải thưởng ngược – trao giải cho những trang văn dở nhất về tình dục.

Viết trên tờ Guardian, nhà văn Mỹ Rick Gekoski nhận xét, người ta trao giải thưởng có tính tích cực dành cho những cuốn sách hay, nhưng phải chăng tình dục vẫn là một lĩnh vực cấm kỵ, khi chỉ có giải thưởng tiêu cực Bad Sex mà không có giải Good Sex?


Nhà văn Rick Gekoski. Ảnh: Theage.

Ông phân tích: “Tất cả chúng ta đều biết rất khó viết về tình dục. Tại sao lại chế nhạo những tác giả viết không tốt, trong khi họ đã mạo hiểm viết, dù thất bại. Giải Bad Sex phần nào có tác động không tốt đến mảng văn chương này, không có tính xây dựng và khích lệ nhà văn”.

“Nhưng nếu chúng ta nhất quyết có một giải Bad Sex, vậy cũng nên có giải Good Sex cho những trang viết hay về tình dục chứ? Chẳng lẽ khó khăn vì có quá ít ứng cử viên?”. Theo nghiên cứu của Rick Gekoski, khi đọc qua một loạt tiểu thuyết, ông tìm thấy khá ít tác phẩm viết hay về tình dục, chẳng hạn Landscape with Animals của Sonya Hartnett. Và thậm chí trong tác phẩm đó cũng có những đoạn không hay lắm, nếu trích dẫn riêng ra thì càng tệ.

Nhà văn Anh Martin Amis từng nói: “Cảnh sex đẹp dường như không ai có thể viết nên nổi, bởi mỗi người có gu khác nhau về lĩnh vực này. Chỉ đơn giản đó là một thứ mà tiểu thuyết không mô tả được, giống như giấc mơ vậy. Hầu hết sex trong văn của tôi đều là thảm họa. Sex đưa ra cười đùa thì dễ, nhưng khiến nó gợi cảm lại rất khó”.

Trích lời Amis, Gekoski phản biện: “Nhưng chúng ta đều có gu khác nhau về ẩm thực, thời trang, du lịch hay thể thao; điều đó đâu có nghĩa là chúng ta không viết nổi về những lĩnh vực đó. Chúng ta cũng chỉ mới bàn đến các trang viết về tình dục trong tiếng Anh. Thế còn với các ngôn ngữ khác, các thời kỳ khác, hay nền văn hóa khác?”.

“Và liệu bản thân vấn đề có nằm ở chính chủ đề là tình dục?”, nhà văn này đặt câu hỏi.

Rick Gekoski là một nhà văn, nhà hoạt động truyền thông, người sưu tầm sách hiếm và cựu giảng viên đại học tại Mỹ.

Hạ Huyền

Nguồn: eVan.


Exit mobile version