Nhà văn-Nhà giáo Trọng Duy Kha, sinh năm 1970, tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ ngôn Văn học Hán ngữ Trường Đại học Sư phạm Sơn Đông, bút danh Cửu Sơn Nhu Tử, nam, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học Quách Lý, thành phố Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông, Hội viên Hội Nhà văn thành phố Trâu Thành, Hội viên Hội Nhà văn viết truyện cực ngắn thành phố Trịnh Châu.

Nhà văn-Nhà giáo Trọng Duy Kha.

Đã công bố trên 200 tác phẩm các thể loại, đăng rải rác trên 70 loại báo, tạp chí văn học “Văn học Trung Quốc”, “Truyện cực ngắn chọn lọc”, “Truyện mini chọn lọc”,  “Văn nghệ Phật Sơn”, “Đại thế giới truyện cực ngắn”, v.v…

Có trên 40 tác phẩm được chọn in trong 30 loại tuyển tập “300 truyện mini Trung Quốc”, “Truyện cực ngắn tinh tuyển”, “Truyện cực ngắn hay năm 2006”, “Truyện cực ngắn Trung Quốc tinh tuyển năm 2008”, v.v…

Tác phẩm “Giám đốc, Nhà văn và chó cảnh” của Trọng Duy Kha, là một trong những truyện con kiến được giải thưởng, được chọn in trên tạp chí điện tử “Đọc truyện cực ngắn” (www.xiaoxiaoshuo.com), ngày 25-8-2010.

***

Trong những nhà văn ở trong cái thành phố nhỏ này, không có ai lại may mắn, vận đỏ bằng tôi, tôi cho rằng như vậy.

Mỗi tháng, ngoài tiền nhuận bút trên ngàn đồng (1 nhân dân tệ tương đương 3.000 VNĐ-ND), tôi còn kiếm được một “công tác đẹp tuyệt”: Dắt chó cảnh đi dạo cùng  ông Trần, Giám đốc Công ty Thành Đông.

Giám đốc Trần của công ty Thành Đông, có thể nói là “Đại gia đặc biệt” ở thành phố nhỏ bé này.

Ông ấy đã từng nói với tôi rằng: “Lợi nhuận mỗi ngày của Công ty có thừa khả năng nuôi sống một năm tất cả những nhà văn chúng tôi trong toàn thành phố!”

Sở dĩ tôi coi đây là một “công tác đẹp tuyệt”, là bởi vì công việc này quá ư nhẹ nhàng – 6 giờ chiều hàng ngày đến cổng công ty chờ đón giám đốc Trần, rồi sau đó dắt “chó cảnh của ông chủ”, cùng ông chủ đi tản bộ trong công viên, trong thời gian khoảng một tiếng đồng hồ, ông giám đốc Trần dắt chó quay trở về “Phủ giám đốc”, thì tôi cũng hết ca làm việc. Về tiền bồi dưỡng, mỗi lần ông xuất công quỹ 100 tệ trả cho tôi – Cuối  tháng thư ký của ông ấy sẽ mang tiền đến tận nhà tôi.

Cuối tháng, thư ký của giám đốc Trần quả thật mang một sấp tiền giấy một trăm đồng đỏ au đến nhà tôi, tôi sướng quá vội hô toáng lên như muốn kể khổ: “Viết văn thật không đáng giá – Nhọc xác đau đầu không nói làm gì, nhuận bút còn thấp tè tè…”

Ngay lập tức câu nói của vợ tôi lại như gai đâm vào lưng, vui mừng không nổi nữa: “Lớn bé anh cũng là một văn nhân, trong công viên dắt chó theo hầu ông giám đốc Trần giải sầu, nếu như gặp những bạn nhà văn của anh, thì liệu có lúng túng như gà mắc tóc không! Hay là…”

Mỗi ngày thiếu đi khoản thu nhập một trăm đồng, đối với gia đình thu nhập thấp như chúng tôi phải nói là ảnh hưởng rất lớn. Nhằm thuyết phục vợ, tôi nghĩ ra biện pháp bắn một mũi tên trúng hai đích, vẹn cả đôi đường.

Tôi dùng tháng lương đầu tiên mà giám đốc Trần cấp cho tôi, ra chợ thú cảnh mua lấy một con chó cảnh nhỏ, đương nhiên tuyệt đối không thể so sánh được với chú  chó cảnh quý phái của ông giám đốc Trần.

Chiều tối hàng ngày, trong công viên, mọi người vẫn thường nhìn thấy hai người dắt chó với thân hình khác nhau một trời một vực: Một vị cao gầy lênh khênh đeo kính trắng, một vị thân hình phốp pháp mặt to tai lớn.

Mọi người trong công viên đều nói rằng: Hai chúng tôi là chủ nhân chân thành nhất của thú cảnh, tình yêu động vật thật đáng ca ngợi.

Nghe họ nói vậy, tôi sung sướng râm ran khắp cả thể xác và tâm hồn.

Ngay lập tức một câu nói của giám đốc Trần lại đánh gục tôi trở về với “Mười tám tầng địa ngục”.

Ông ta nói với thư ký đi sau lưng rằng: “Nhà văn cũng thật khó khăn, từ ngày mai trở đi, chế độ đãi ngộ cho anh ta cặp kè với tôi, mỗi ngày nâng lên 150 đồng, cao bằng tiền ăn của “Bá Bá”!(*)

Truyện con kiến: Trọng Duy Kha (Trung Quốc)

Vũ Phong Tạo giới thiệu và dịch

___________________

(*): Bá Bá là tên con chó cảnh của giám đốc Trần.

Exit mobile version