Dù còn nhiều ý kiến khen chê, nhưng những cuốn sách tạm gọi là sách tranh – một kiểu sách “hình nhiều hơn chữ” mới xuất hiện vào thị trường sách thời gian gần đây đã “phủ sóng” giới trẻ và liên tục đứng top ở các nhà sách trên mạng.
Sinh ra từ mạng xã hội
Chỉ hơn 6 tháng sau khi chấp bút cho cuốn sách đầu tiên “Đời về cơ bản là buồn cười”, mới đây, nhóm tác giả Lê Bích đã cho ra mắt đứa con tinh thần thứ hai “Dịch từ tiếng Yêu sang tiếng Việt”. Vẫn lấy Lê Bích – anh chàng bụng phệ trông có vẻ bất cần nhưng luôn có những phát ngôn để đời làm trung tâm, cuốn sách này tập trung khai thác chuyện tình yêu với đủ các trạng thái, hoàn cảnh, từ tán tỉnh, tặng quà, hôn nhân cho đến đau khổ, thất tình. Chưa biết sách bán có chạy không, nhưng khi nghe tin Lê Bích “phiên bản 2” sắp xuất xưởng, đã có một lượng độc giả hăng hái “đặt chỗ”.
Trước Lê Bích, Thành Phong được coi là người tiên phong trong việc gắn những câu nói của giới trẻ vào trong các bức tranh minh họa với tập “Sát thủ đầu mưng mủ” hay “Phê như con tê tê”.
Tập “thành ngữ sành điệu bằng tranh” được coi là mở màn cho trào lưu sách tranh đang “sốt xình xịch” trong giới trẻ. Điểm chung của những cuốn sách này là đều được sinh ra từ mạng xã hội và có tiếng tăm với cộng đồng mạng trước đó. Bởi vậy sau khi xuất bản, những cuốn sách này được người hâm mộ đổ xô đi mua, nhiều khi nhà xuất bản không đủ sách để bán.
Theo như BTV Trần Lê Thùy Linh của Công ty sách Nhã Nam, cuốn “Đời về cơ bản là buồn cười” đã tạo nên kỷ lục về số bản in. Chị cho rằng, hình như người trẻ đọc Lê Bích còn nhiều hơn sách… ngôn tình vì đi đâu cũng thấy họ cầm cuốn sách này. Thậm chí, các shop thời trang cũng mang cuốn sách ra để chụp ảnh làm mẫu thể hiện tuyên ngôn của giới trẻ.
Bắt đúng mạch giới trẻ
Khó có thể gọi chính xác những cuốn sách của Thành Phong, Lê Bích hay Huỳnh Thái Ngọc là thể loại gì. Một số nói đây có thể coi là sách tranh hay sách comic, nhưng một số khác cho rằng nó chỉ là một phiên bản “facebook giấy”.
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh, “cha đẻ” của Lê Bích thì khẳng định, ngay từ khi ra mắt “Đời về cơ bản là buồn cười”, nhóm tác giả đã không quan tâm xem cuốn sách thuộc thể loại gì. Miễn là làm cho độc giả cười thì nó là sách gối đầu giường cũng được mà để… kê chân cũng xong. Bởi vậy, ngay cả khi nhiều người nghĩ rằng những cuốn sách kiểu Lê Bích sẽ “chết yểu” vì nó đơn thuần chỉ mua vui, giải trí, đùa cợt không nghiêm túc chứ chẳng có nội dung gì thì những cuốn sách như thế này vẫn lưu hành tốt trên thị trường.
Sau thành công của “Đời về cơ bản là buồn cười” thì nhóm tác giả Lê Bích tự tin tuyên bố là nhân vật này sẽ còn tiếp tục có mặt trong 2, 3 cuốn sách nữa. Thậm chí, họ còn ấp ủ sẽ có chuyên đề riêng cho độc giả 18+. Còn cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” của Thành Phong đã bị “tuýt còi” vì những chi tiết không phù hợp, nhưng vẫn đàng hoàng quay trở lại với phiên bản nâng cấp “Phê như con tê tê”. Lý do tác giả đưa ra là nhu cầu của độc giả là quá lớn.
Có thể nói những cuốn sách kiểu này đã bắt được đúng mạch tâm lý, ngôn ngữ của giới trẻ. Những câu “thành ngữ sáng tạo” của Thành Phong hay những “tuyên ngôn” về những chuyện yêu đương, học hành… của Lê Bích hay “Thỏ bảy màu” lại tiệm cận với cách nhìn, cách nhận thức của người trẻ. Bởi vậy, ngay cả khi bị xếp vào thể loại tiêu khiển hay “đọc cho vui”, có bị cho là những biến thể về ngôn ngữ thì số đông người đọc vẫn cứ mua sách vì nó đơn thuần là tiếng cười mà họ cần. Và đằng sau tiếng cười ấy, họ thu lại được điều gì.
Nhận định về điều này, Tiến sỹ văn học Trần Ngọc Hiếu cho rằng: “Không phải ai cũng biết đùa. Muốn đùa hay thì phải có trí tuệ, phải rất thông minh. Đùa làm người ta nhận thức nhưng không làm họ tổn thương, tôi nghĩ rằng, Lê Bích hay Thành Phong đã làm được. Bạn đọc có thể xem những cuốn sách như vậy là giải trí, nhưng tôi tin giải trí không có lỗi. Nếu người ta thích nó thì hãy tìm hiểu xem vì sao người ta thích cái đã”.
Theo Mai An – An ninh thủ đô