Mùa thu tới cũng đồng nghĩa với mùa trao các giải thưởng văn học tại Pháp. Nhất là các giải lớn. Năm nay, văn chương Pháp kỷ niệm một trăm mười năm giải Goncourt. Trong khi mùa trao giải 2013 vừa mới tuyên bố mở màn cuộc tuyển chọn đầu tiên thì Sylvie Ducas lật lại vấn đề về chuyện “đặc Pháp” này trong một tác phẩm lịch sử hóc búa và rất chi tiết (Sylvie Ducas đã được phép tiếp cận những biên bản về bầu chọn giải Goncourt). Tác phẩm với tựa đề: Giải thưởng Văn học, nhưng với cái giá nào? chúng ta cùng bà đi lại đoạn đường một trăm năm của các giải thưởng văn học Pháp, những thăng trầm, những đổi thay đôi khi biến tướng của các giải thưởng này so với tiêu chí ban đầu…
Các giải thưởng văn học khiến đời sống văn chương Pháp thăng hoa từ một thế kỷ qua. Goncourt, Femina, Médicis…, mỗi giải có những trạng thái dinh dưỡng tinh thần của riêng mình, những tập tục, những yếu mềm… Sylvie Ducas đắm mình theo dòng lịch sử với vai trò là một chuyên gia. Câu chuyện bà kể đem đến vài điều ngạc nhiên thú vị.
Giải Goncourt
Theo Albert Thibaudet, vào năm 1925 thì “Hàn lâm Goncourt là một hàn lâm viện của Pháp”. Theo báo chí hiện hành thì nó chỉ còn là một “cuộc chạy đua của các nhà xuất bản”, các Giải thưởng văn học hợp thành với Cuộc đua vòng quanh nước Pháp, Tài liệu hướng dẫn Michelin và Rượu vang Beaujolais mới, điều mà người ta gọi là một “ngoại lệ đặc Pháp”.
Một sự khác biệt lớn nhường ấy xứng đáng để ta đặt câu hỏi về cách thức mà lịch sử văn chương Pháp công nhận và xây dựng lên giá trị các nhà văn của mình. Sự thiếu hụt vốn tượng trưng, sự nhạy cảm trong chỉ định sự kiện công nhận văn chương, dẫu được thèm muốn từ hơn thế kỷ nay, thì cũng ngay lập tức chỉ ra vị trí nước đôi cơ bản của hệ thống các Giải thưởng: cùng lúc, thể chế quốc gia lưu truyền những truyền thống lâu đời trong khung cảnh êm ái tại các nhà hàng Paris danh tiếng và tính thuận lợi cho việc giao du văn chương, và thiết bị truyền thông quảng cáo được đặt ngay trong tâm điểm của các chiến thuật xuất bản và của nền công nghiệp sách của Pháp, nơi mà “những cuộc đua của các nhà xuất bản” đã thế chỗ từ lâu “kỷ nguyên của những cuộc tranh đấu văn chương tầm cỡ”. Lời tố cáo rằng luôn có sự thông đồng giữa ban giám khảo các giải thưởng lớn với giới xuất bản chắc chắn không còn là mới mẻ nữa, bởi từ Goncourt bị tranh cãi liên miên cho tiểu thuyết Cuộc du hành lúc rạng sáng của Celine thì ngay từ năm 1932 đã mở ra một kỷ nguyên ngờ vực về những sự kiện công nhận giá trị văn học, dễ mắc trước những áp lực ngoài-văn chương, trước “sự mua chuộc tình cảm” hay trước “những dị ứng vướng phải của sự phán xét”. Hơn thế nữa, nó như một cái mác sản xuất của một hệ thống được tạo lên để biến văn chương thành một sự kiện và thậm chí còn dùng các vụ xì căng đan, để khơi lại những thể hiện của nền văn chương đã ăn sâu bén rễ trong sự tưởng tượng tập thể. Nói như vậy là hàng năm, những giải thưởng lớn mùa thu minh họa sự thành công nghịch lí của một hệ thống được gọi là để chỉ định“cuốn sách hay nhất trong năm”, trong sự ồn ào và cuồng nhiệt của giới truyền thông, nói cách khác đó là cuốn tiểu thuyết tuyệt hảo về mặt giá trị văn chương, và vờ như đặt một sự lưu ý vĩnh cửu trên ngay cả những tiếng kêu mà chúng đều đặn rung lên và luôn có một nút nơ cornélien (luôn bị chi phối giữa lí trí và tình cảm) cho chính cái giá trị văn chương đó.
Giải Goncourt: chống-hàn lâm viện Pháp và phân phối lại những cấp bậc thẩm mỹ.
Hồi đầu, những mối đặt cược đúng là duy nhất và chỉ có sự hợp pháp văn chương mà thôi! Trên thực tế, sự khởi xướng và thành lập các Giải thưởng đã ghi vào lịch sử những trận đấu vì sự độc quyền trong định nghĩa hợp pháp của nhà văn và những trận tranh đấu ấy đã ghi dấu ấn trong toàn bộ thế kỷ XX. Sự độc quyền mà cho đến tận thời điểm đó vẫn chỉ thuộc về Viện Hàn Lâm Pháp: được ký thác để kiểm định cách sử dụng ngôn ngữ quốc gia (tiếng Pháp) có tốt hay không, thể chế này đảm bảo tính làm gương trong Văn Học Pháp, bằng cách bảo vệ văn phong uyên bác, các thể loại hùng biện hoành tráng, lịch sử và thơ ca trong suốt nhiều thế kỷ nay. Nếu như Giải Goncourt đầu tiên (1903) hé lộ ra những truyền thống xa xưa, chủ yếu là truyền thống các giải được thành lập thời cổ điển do chính Coupole (Hàn lâm Pháp) khánh thành – về mặt này, Viện hàn lâm Goncourt hình như chỉ bắt chước -, thì trên thực tế Goncourt là người kế thừa trực tiếp các hội nhóm và các yến tiệc của các học giả thế kỷ XVIII. Thể thức quyền uy của các văn sỹ được nêu đặc tính rõ nét bởi tư tưởng tập đoàn và ý thức đặc ứng của họ, nhằm lập lên một địa điểm văn chương “tinh khiết” mà tính văn chương chính thống và sự lô-gich thẩm mỹ đặt những tác nhân của mình lên sườn dốc tự chủ trong trường văn chương, sườn dốc tiên phong và cực sản xuất thu hẹp. Thực ra, sự đối lập tượng trưng của Viện Hàn lâm Goncourt với người anh cả của họ ở kè Conti không che đậy được những cá cược xã hội-lịch sử: sáng lập một mốt thừa nhận thể chế của giá trị văn chương của một tác phẩm văn xuôi. Sự đối đầu tượng trưng giữa mười vị trong ban giám khảo với những nhân vật Bất Tử bắt đầu một sự định nghĩa lại những cấp bậc thẩm mỹ giữa thơ và văn xuôi, thay đổi vị trí của văn xuôi trong sáng tác văn học, vào một thời kỳ mà tất cả những điều kiện đều tụ hợp để cho phép một trong những thể thức của mình trở nên nổi tiếng nhất để áp đặt quyền bá chủ của mình: tiểu thuyết văn xuôi.
Theo dòng thời gian
Thứ hai ngày 21 tháng mười hai năm 1903, ba nhà báo bất hạnh đứng chầu chực trước nhà hàng Champeaux, nằm trên quảng trường De la Bourse ở Paris. Cô thu ngân đến thông báo cho họ biết rằng giải Goncourt đầu tiên trong lịch sử đã được trao cho John-Antoine Nau, với tác phẩm Force Ennemie. Người đoạt giải may mắn ấy sẽ được quyền có một mục báo giới thiệu nho nhỏ trên nhật báo Le Figaro. Một thế kỷ sau, tại nhà hàng Drouant, nơi mà nghi lễ quen thuộc đã được chuyển tới đây, thì có cả một rừng micro đợi vị ứng cử viên may mắn được trao vòng nguyệt quế, đến nỗi khiến nhà văn đến chết vì ngạt thở, và chủ đề này sẽ là tít giật lớn nhất trên tất cả các báo viết và là chủ đề mở đầu cho mỗi chương trình thời sự.
Flaubert và Zola hội thẩm Goncourt?
Trong lúc trau truốt bản di chúc, đến tận mức dự tính phải bán đi một số đồ đạc trong gia đình để tài trợ cho giải thưởng tương lai, thì Edmond de Goncourt cũng phác ra một bản danh sách lí tưởng cho hội đồng giám khảo “hàn lâm viện sắp tới của mình”. Ban đó sẽ gồm Flaubert, Zola, Maupassant, Barbey d’Aureville, Vallès, Loti… toàn các nhân vật rực rỡ lấp lánh trong làng văn học Pháp, mà sự ra đi về nơi thiên cổ (Flaubert qua đời năm 1880, còn Zola cũng nối bước theo ông vào năm 1902), cộng thêm những cuộc cãi cọ nảy lửa sẽ chặn đứng giấc mơ tuyệt vời của cha đẻ giải Goncourt. Trong ban giám khảo đầu tiên, năm 1903, dẫu sao ta cũng điểm mặt được những cái tên sáng giá như Huysman (người duy nhất sống sót của nhóm nhà văn theo trào lưu Tự nhiên chủ nghĩa), như Léon Daudet hay cả Octave Mirbeau. Chiểu theo năm 2013, nếu như mười nhân vật có mặt tại nhà hàng Drouant là hiện thân của một hình thể chứng minh địa vị xã hội văn chương của họ, thì năm 1903, những “jeunes-turc” này, tầm tuổi trung bình là 43, lại gần như là hiện thân của những nhà cách mạng. Chống lại những “chòm râu bạc” của Hàn lâm viện Pháp, những “jeune-turc” này muốn khuyến khích một thể loại văn chương vẫn còn rất bị nhóm kia coi thường: tiểu thuyết.
“Không có kẻ mặc váy ở nơi chúng tôi!”
Là những nhà cách mạng thật, nhưng dẫu sao cũng chưa đến độ chấp nhận một phụ nữ vào ban giám khảo của họ, như tiếng kêu thốt ra từ đáy lòng của Huysman đã khiến chúng ta hiểu điều đó! Chúng ta phải đợi đến tận năm 1945 thì mới có một nữ văn sỹ được tuyển bổ xung vào ban giám khảo Goncourt. Đó là Colette, bà thậm chí còn trở thành chủ tịch ban giám khảo vào năm 1949. Năm 1944, lần đầu tiên, những thành viên tại Drouant đã trao giải của mình cho một “người mặc váy”, đó chính là Elsa Triolet, cho tác phẩm Le premier accroc coute 200 francs. Khi thuận những phiếu bầu cho phu nhân của Aragon, thì mười vị giám khảo Goncourt hi vọng có thể sẽ khiến người ta quên đi thái độ ít kháng chiến của họ trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ II diễn ra tại Pháp…
“Những quý bà của Femina”
Một trong những điều tâm đắc mà Sylvie Ducas nêu là cho phép “cá biệt hóa” những giải văn chương quan trọng, điều hình như có thể là đổi lẫn nhau được đối với người thô lỗ. Cũng như Giải Médicis, được thành lập năm 1958, chí ít cũng được coi là nhà tiên phong trong văn chương, như phần đông các nhà văn xuất thân từ Nhà xuất bản Minuit được trao giải này đã tuyên bố. Cũng tựa như Giải Femina, ra đời từ năm 1904 khi phản ứng lại viện hàn lâm Goncourt bị phán là kỳ thị phái nữ. Ủy ban Cuộc đời hạnh phúc – tên của giải Femina cho đến tận năm 1919 – nảy sinh từ sự gặp gỡ giữa các phòng trà thượng lưu – chủ tịch ban giáo khảo đầu tiên là nữ bá tước-thi sỹ Anna de Noailles – và giới báo chí. Trên thực tế, đó là hai tờ báo của phái nữ, La Vie heureuse và Femina, kết hợp với nhau để khởi xướng giải này, mà theo như Sylvie Ducas, “sự tiếm vị của báo chí trong lĩnh vực các sự kiện tôn phong văn chương”. Hiện tượng chủ chốt và nó cứ không ngừng lớn rộng lên, vì điều tốt đẹp nhất cũng như vì điều tồi tệ nhất. Và sự sáng lập giải Renaudot, năm 1926, do mười nhà báo và nhà phê bình văn học trong lúc chờ đợi kết quả giải Goncourt. Nhất là, với sự tăng sinh của các “giải bạn đọc” được khởi xướng bởi giới truyền thông tầm cỡ – Giải Bạn đọc nữ của tạp chí Elle, Giải Sách hay của đài Radio Inter, Giải Bạn đọc của tạp chí Expresse… Những “Giải Mùa thu” này, thường bị chịu rất nhiều ảnh hưởng, sẽ tuân thủ hai mục tiêu: đấu tranh chống “động cơ vụ lợi” và những “cuộc tranh dành” được vay mượn của các giải “lớn”, bằng cách để các bạn đọc “thực sự” lên tiếng, các bạn đọc này tách rời khỏi mọi quan hệ lui tới của các ban biên tập hay tòa soạn, và kích thích việc bán sách trong một thời kỳ hổng trong các hiệu sách.
Sự phục quyền của Hervé Bazin.
Chả có gì là ngạc nhiên trước những gì Sylvie Ducas viết trong tác phẩm của mình khi bà đã tỏ lời khen tụng tác giả của Giết rắn độc, tuy nhiên nhà văn này đã được coi như là l’Homo goncourensis. Được bầu vào viện Hàn lâm Goncourt năm 1960, bầu vào ghế chủ tịch vào năm 1973, Hervé Bazin có lẽ đã nối lại những mối quan hệ với khối nói tiếng Pháp, tung ra một loạt những học bổng cho những tác giả nghèo túng và bảo vệ quy chế và cương vị xã hội của nhà văn. Chắc chắn là khi phân tích phiếu bầu của Bazin, có truyền thống lịch sử gắn liền với nhà xuất bản Grasset và Seuil, quan sát thì thấy những lời phát biểu của ông “đều chống lại nhà xuất bản Gallimard mỗi khi có thể”: chống Modiano năm 1978, chống Yann Queffélec vào năm 1985, chống Pascal Quignard năm 1989, vân vân…. Không biết liệu có phải để dập tắt các “phản ứng” không đúng lúc này mà năm 1983 Gallimard đã gợi ý Bazin một bản hợp đồng dự định in toàn bộ các tác phẩm của ông trong tuyển tập nổi tiếng Pléiade, một biệt đãi chỉ dành cho vài nhà văn khi còn đang sống mà thôi. Sự vụ này đã gây khá nhiều tai tiếng nhưng rốt cục lại đổ bể, nhà xuất bản Seuil từ chối nhượng lại bản quyền những tác phẩm của Bazin cho Gallimard mà họ luôn coi là đối thủ canh tranh của mình. Ông chủ Gallimard hẳn muốn thắt nối lại với những năm tháng tráng lệ huy hoàng sau chiến tranh, thời kỳ mà ông có rất nhiều “bạn hữu” trong các ban giám khảo. Chúng ta nên biết giữa những năm 1949 – 1961, Gallimard đã mang về cho mình tám giải Goncourt và bảy giải Femina… “Giải Goncourt có lẽ là một ví dụ thú vị nhất về sự lạm quyền của sự bảo trợ văn học bởi nền kinh tế thị trường”, Sylvie Ducas kết luận một cách nghiệt ngã.
François Mitterand, Marguerite Duras và tiểu thuyết Người Tình
Di sản của Edmond de Goncourt đã nhanh chóng tan chảy tựa như tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Từ 5.000F-or (năm ngàn frăng-vàng) khi được thành lập, giải đã được chuyển thành… 10E vào năm 2013! Để sống được, viện hàn lâm này cầu cứu những khoản viện trợ, tặng, cho… Sylvie Ducas viết “đôi lúc để cám ơn, họ trao một giải văn học cho một tác giả mà những nhà tặng quà hảo tâm kia yêu mến”! Năm 1984, sau một chuyến thăm thân tình của François Mitterand dành cho các thành viên ban giám khảo Goncourt, thì các vị này nhận được một khoản trợ cấp đặc biệt 100.000 fr (một trăm ngàn frăng) từ Ban lãnh đạo Sách gửi đến. Và năm đó, chính Marguerite Duras đã nhận giải Goncourt cho tác phẩm Người Tình của bà. “Một người bạn của Tổng thống đấy”! Không chỉ riêng Sylvie Ducas, mà hầu như tất cả dân Pháp đều biết Marguerite Duras là một người bạn rất… rất lâu năm của François Mitterand.
Để kết thúc bài viết, xin trích dịch một đoạn trong bài viết của Sylvie Ducas: “Trong một đất nước mà văn xuôi gắn liền với danh phận quốc gia, vậy nên chỉ còn thiếu một thể chế Nhà nước để đảm bảo rằng văn chương tại Pháp là sở hữu công cộng, và điều này là đúng, điều duy nhất của một quốc gia được phú cho một giới văn chương nhà nước nhường ấy. Ấy thế mà, mà có lẽ trên chính điểm này mà Viện hàn lâm Goncourt đã rút ra cho mình sự đặc biệt: nhân danh uy quyền quốc gia, đã thành công tự thiết lập những văn sỹ bằng cách sáng tạo ra một tổ chức các nhà văn chuyên nghiệp có chất lượng để ấn định quy tắc trong lĩnh vực cách tân văn chương. Để có thể tham gia được vào tổ chức này và nhà văn vào được cái vị trí quan viên hành chính tự nguyện chưa từng có này, “điều cần thiết là văn sỹ, không gì ngoài danh phận văn sỹ, người ta sẽ không đón nhận ở đây những lãnh chúa, lẫn chính trị gia”, di chúc của Edmond de Goncourt đã nhấn mạnh điều này, và “bất kỳ sự được bầu chọn vào viện Hàn Lâm Pháp sẽ kéo theo quyền từ chức của thành viên đó và sự từ chối số tiền được lĩnh khi ở vị trí này”, niên kim trọn đời là 6000franc (sáu ngàn frăng), số tiền lương hậu hĩnh được trao cho mỗi người trong mười thành viên ban giám khảo Goncourt.”
Paris 24 tháng chín 2013
Hiệu Constant (sưu tầm, giới thiệu và lược dịch)