Cuối năm là thời điểm bình xét giải thưởng. Nói riêng lĩnh vực văn học nghệ thuật, mặc dù đây là việc năm nào cũng diễn ra nhưng những chuyện xung quanh việc bình xét và kết quả trao giải cuối cùng thì tốn khá nhiều giấy mực.

Lâu nay, bên cạnh các giải thưởng quan trọng về văn học,  nghệ thuật như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, ở các tỉnh, Hội (Liên hiệp Hội) VHNT địa phương cũng tiến hành trao giải thưởng mang tên các danh nhân văn hóa lớn như Giải thưởng VHNT Lê Quý Đôn (Thái Bình), Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông (Thanh Hóa), Giải thưởng VHNT Cố đô Huế (Thừa thiên Huế), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn)… Các giải thưởng này có tuổi đời khác nhau, chất lượng tác phẩm đạt giải cũng phụ thuộc nhiều vào sự phát triển VHNT ở từng địa phương. Nhìn chung, các giải thưởng lớn, trao định kỳ (thường 5 năm một lần) là nguồn động viên, khích lệ để văn, nghệ sĩ có thêm động lực sáng tạo. Tuy nhiên ở một vài giải thưởng vẫn còn những hạn chế trong cách xét trao giải thưởng ở những ban giám khảo, cách đánh giá chất lượng tác phẩm.

Trước hết phải kể đến những “sự cố” sau khi trao giải, như một tập thơ của nữ tác giả đã bị “tố” có bài “xào xáo” của tác giả khác. Hay, ở một chiều hướng khác là những phản ứng kiểu “tẩy chay” không nhận giải hoặc xì xào về giải A, giải B của ông nọ, bà kia chưa thực sự xứng đáng, dường như được trao vì “vai vế” trong giới cầm bút, vì sống lâu nên lão làng…

Tất thảy những điều đó đều ít nhiều có nguyên do, hoặc đến từ chính người dự thi không trung thực, người chấm không phân minh hoặc sự ghen ghét, đố kị từ những người chưa thật sự cố gắng, hạn chế về năng lực sáng tạo nhưng lại háo danh… Tuy nhiên, suy cho cùng, tất cả lại bắt đầu từ sự chưa quyết liệt của các ban giám khảo. Nếu ở các hội đồng xét tặng giải thưởng trung ương luôn có những tên tuổi lớn thì ở các địa phương nhiều khi nó mới ở dạng đủ vai, chưa thực sự là một hội đồng nghệ thuật đúng nghĩa. Ngoài nhiều vị được cơ cấu thành phần ban bệ, ngay cả đến các nhà chuyên môn lắm khi cũng chỉ còn là những cái tên, cái bóng chứ chưa thực sự là tác giả đang có những thành công. Việc một người viết văn có nhiều tập sách (trong thời buổi in ấn, xuất bản với chất lượng nghệ thuật rất “thoáng”) chưa thể nói lên điều gì. Trong khi có những tác giả trẻ giành giải các cuộc thi, có nhiều đóng góp và phát hiện nhưng lại khó khăn trong việc lo kinh phí in sách.

Chúng ta vẫn thường nói cần đánh giá nghệ sĩ qua tác phẩm nhưng căn bệnh nhìn vào tuổi tác, tên tuổi vẫn còn khá nặng nề. Thậm chí, việc câu nệ vào tập sách dày hay nghe theo dư luận vẫn là chuyện đáng buồn. Người chấm giải vẫn còn lắng nghe ý kiến dư luận chứ chưa thật sự có bản lĩnh vững vàng để “quyết”một cái giải nào cho đáng tầm.

Các hội VHNT địa phương chính là mảnh đất để các tài năng trưởng thành. Không khó để nhận ra những tên tuổi lớn từng nhận giải thưởng của quê hương mình. Còn nhớ, trước khi đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đạt Giải A giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2003), một sự đánh giá chính xác và đáng trân trọng của Hội VNNT Thừa Thiên Huế cho một nhà văn xứng tầm.

Bên cạnh đó, ở các giải thưởng ở các địa phương nhiều khi còn có những “nhầm lẫn” giữa các thể loại được xét giải nhất là giữa những công trình nghiên cứu và sưu tầm; giữa sáng tạo cách tân và những thể nghiệm không thành công. Có một thực tế là không phải lúc nào tác phẩm được đánh giá cao cũng đạt giải do nhiều khi người chấm giải cũng muốn một giải pháp an toàn, chú trọng vào tính bản sắc văn hóa vùng miền một cách thụ động. Việc khai thác các giá trị văn hóa địa phương là nhu cầu cấp bách, thiết yếu với các văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, có rất nhiều cách khai thác chứ không nhất thiết từ nhan đề, hình ảnh cụ thể của tác phẩm mà còn cả tâm thức, quan niệm và ý tưởng mang đậm dấu ấn vùng miền văn hóa.

Người viết đã từng dự một liên hoan âm nhạc của vùng, thấy các nhạc sỹ khai thác các giá trị văn hóa khá sáng tạo nhưng vẫn không làm mất đi các giá trị cốt lõi của văn hóa. Phải chăng, trong các thể loại khác cũng cần có một cách nhìn mới mẻ trong sáng tạo, cách tiếp nhận và thẩm định giải thưởng để thúc đẩy được sáng tác thay vì sự vỗ về cho một tên tuổi đã “buông bút” từ khá lâu. Như thế mới đúng nghĩa và xứng tầm với các giải VHNT địa phương nơi được ví như những bến cảng để con tàu sáng tạo ra với biển lớn văn chương, nghệ thuật.

Lâm Việt – Tổ Quốc

Exit mobile version