Giải thưởng “Sách hay 2015” đã khép lại với những cái tên xứng đáng được tôn vinh. Điều băn khoăn là ở một số hạng mục quan trọng, độc giả vẫn chưa tìm thấy những cái tên mới.
Giải thưởng cũng “đói” sách thiếu nhi
Là sự kiện thường niên do Viện IRED (một viện nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận) tổ chức, “Giải thưởng Sách hay” được cho là giải thưởng “dân lập” đầu tiên về sách của Việt Nam, do cả các học giả và độc giả bình chọn. Chính vì tính đại chúng nên thay vì những cuốn sách chỉ có hội đồng mới biết tên thì giải thưởng đã đưa được những tác phẩm có nội dung tốt, tiêu biểu có chỗ đứng nhất định đối với độc giả. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những đầu sách được trao giải trong những năm gần đây vẫn thấy một thực tế là hầu như chỉ toàn những cuốn sách đã có tên tuổi.
Lấy ví dụ như “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi là một tác phẩm văn học thiếu nhi đã ra đời từ năm 1945 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và cũng đã được vinh danh tại nhiều giải thưởng văn học nhưng không biết vì sao đến tận thời điểm này vẫn được xướng tên tại giải thưởng này. Tuy nhiên, điều này không phải chưa từng có tiền lệ bởi trước đó vào năm 2012 cũng tại giải thưởng này, từng có cuốn sách cũng thuộc vào hàng văn học kinh điển được vinh danh là “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán. Gọi là tương đối mới trong khoảng 20 năm trở lại đây có “Miền xanh thẳm” của Trần Hoài Dương và “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, tuy các tác phẩm này đã được độc giả biết đến từ đầu những năm 2000 nhưng vẫn được vinh danh tại các lần tổ chức giải thưởng sách hay những năm gần đây.
Nhìn sang mảng sách dịch, khỏi cần nói cũng biết những “Hoàng tử bé” (năm 2011), “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” (năm 2012) hay “Tôt-tô-chan cô bé bên cửa sổ” (năm 2013) đã thành công lừng lẫy và giật được vô số giải thưởng quốc tế từ lâu. Điều này chứng tỏ một điều là chúng ta đang thiếu trầm trọng những cuốn sách hay viết cho thiếu nhi, cả những tác phẩm trong nước và quốc tế. Mà đây lại là nỗi buồn không chỉ các giải thưởng mà các bậc phụ huynh cũng không biết giới thiệu cho con em mình sách gì, ngoài những tác phẩm gối đầu giường của ông bà, cha mẹ.
Văn học: Điểm sáng le lói
Ở hạng mục văn học, không kể đến tiêu chí chỉ tính những tác phẩm tiểu thuyết có phần mang tính “khu biệt” thì cũng không có nhiều điểm đột phá trong những cái tên được xướng lên. Có thể thấy rằng trong những năm trở lại đây, những tác phẩm được vinh danh lại tập trung vào những mảng đề tài khó. Trong đó, đa phần là về đề tài lịch sử, chiến tranh, “Sông Côn mùa lũ” là một ví dụ. Tác phẩm được vinh danh năm 2012 của nhà văn Nguyễn Mộng Giác không chỉ là một cuốn sách đơn thuần mà là một công trình sách công phu dày 4 tập, 2.000 trang, với nhân vật trung tâm là người Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Đó là chưa kể đến “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là một tác phẩm xuất sắc về đề tài chiến tranh đã được trao vô số giải thưởng lớn nhỏ, được tái bản nhiều lần với nhiều tên gọi.
Có chăng, nét đáng chú ý và cũng là điểm sáng của giải thưởng năm nay là sự vinh danh dành cho tiểu thuyết “Miền hoang” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Mặc dù đã có tên tuổi trong làng văn học Việt song đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh ở đề tài chiến tranh, ra mắt vào năm 2014. Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc hành trình của người lính Việt Nam tên Tùng chiến đấu ở chiến trường Campuchia, bị tàn quân Pol Pot bắt làm tù binh khi lạc trong rừng.
Cuốn tiểu thuyết có nhiều chi tiết đầy ám ảnh, thậm chí đến rợn người, phô bày hiện thực chiến tranh tàn khốc, đau thương tại chiến trường biên giới Tây Nam, nơi không ít người lính Việt Nam ngã xuống trong khi giúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia đánh đuổi đám quân Pol Pot, Ieng Sary, chống lại chế độ diệt chủng tàn bạo, chà đạp lên con người suốt hàng chục năm. Nhưng Sương Nguyệt Minh vẫn không phải là cái tên mới. Và đề tài chiến tranh cũng đã in dấu nhiều tên tuổi trên văn đàn trong những năm qua.
Có lẽ, những người định ra giải thưởng cũng có phần băn khoăn giữa cái cũ và mới, giữa vinh danh tên tuổi xứng đáng hay là bệ phóng cho những tài năng mới. Một tác phẩm nếu hay thì không cần đến giải thưởng, tự nó đã khẳng định mình trong lòng công chúng. Giữa lúc nền văn học cần thêm những nhân tố mới, những “làn gió lạ” thì việc trao thêm một, hai tấm huy chương vào bảng vàng thành tích vốn đã dày dặn của những cái tên đã được khẳng định e rằng không cần thiết. Và quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên cũ trong một sân chơi đã thoát ra khỏi tính hàn lâm, đã kết nối được với công chúng, thì đáng ra cần thêm nhiều phát hiện mới.
Theo Mai Anh – An ninh thủ đô online