Có lẽ đã rất lâu mới có một cuộc Hội thảo dành cho văn học dịch như sáng 10/8 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế nhiều vấn đề tâm huyết đã được các dịch giả đặt ra trong một buổi sáng ngắn ngủi.

Tranh cãi về thực trạng văn học dịch hiện nay

Liên tiếp trong thời gian gần đây một vài tác phẩm dịch xuất hiện trên thị trường đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý và mổ xẻ của giới chuyên môn. Điều đáng chú ý là người đứng tên những bản dịch này khá nổi tiếng và đơn vị xuất bản phải đưa ra quyết định thu hồi hoặc hứa hẹn tái bản sẽ sửa chữa bổ sung… Từ “sự cố” này cộng với những “hạt sạn” trước đó đã không ít người cho rằng chúng ta đã có “thảm hoạ dịch”,”dịch loạn”… và tỏ ra bi quan về nền văn học dịch nước nhà.

Lấy dẫn chứng đồng quan điểm về sự bi quan này, trong tham luận của dịch giả Thuý Toàn có đưa ra nhìn nhận của Inrasara, của Nguyên Ngọc, Lại Nguyên Ân khi cho rằng dịch thuật của ta không chỉ yếu kém mà còn chậm hơn so với văn học thế giới 50 năm, thậm chí có những tác giả chúng ta để chậm 100 năm hoặc vài trăm năm.

Bản thân dịch giả Thuý Toàn không đồng ý với nhận định yếu kém của văn học dịch như những dịch giả nêu trên. Ông đưa ra dẫn chứng trong vòng 20 năm trở lại đây, khi đất nước mở cửa càng ngày càng xuất hiện nhiều dịch giả chứng tỏ hướng đi lên của văn học dịch. Không chỉ các thế hệ dịch giả 5X, 6X mà 7X, 8X đã nhanh chóng trưởng thành. Trong đó có hiện tượng như Nguyễn Bích Lan dù bệnh tật hiểm nghèo, sức khoẻ hạn chế nhưng đến nay đã có hơn 20 đầu sách. Hay hiện tượng Đỗ Nhật Nam mới 6, 7 tuổi đã có một số bản dịch khá chững chạc đến ngạc nhiên. Tất cả sự tiếp nối này đã tạo nên sinh khí mới cho văn học dịch góp vào diện mạo mà chúng ta có trước đó.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thì “rất mừng” vì văn học dịch ở ta khá cập nhật, không đến nỗi bi quan hay lạc hậu. Mỗi lần ra hiệu sách thì phần lớn là sách dịch. Một người dù không biết ngoại ngữ có thể đọc được những tác phẩm nổi tiếng, ăn khách nhất thế giới. Điều băn khoăn nhất của Trần Đăng Khoa là vấn đề dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là dich thơ. Tác giả của “Góc sân và khoảng trời” đề nghị khi dịch thơ chúng ta nên quay lại “công đoạn” của các dịch giả thời xưa là đưa ra bản dịch nghĩa kèm với bản dịch thơ để người đọc có thể nắm được nghĩa thực của bài thơ mà tác giả muốn truyền đạt.

Liên quan đến vấn đề dịch thơ, có dịch giả còn mạnh dạn đưa ra câu hỏi: liệu có thể dịch thơ nước ngoài sang thơ lục bát được không? Bên cạnh đó là đòi hỏi cấp bách về việc dịch lý luận phê bình nước ngoài vào Việt Nam còn quá ít…

Với những quan điểm không đồng nhất của các dịch giả khiến nhiều người băn khoăn, vậy bức tranh văn học dịch hiện nay của chúng ta như thế nào?

Trước khi vào hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Văn học Dịch Nguyễn Văn Dân có đưa ra 5 nội dung đáng chú ý, trong đó có việc đánh giá chung về thành tựu và hạn chế của văn học dịch Việt Nam trong 10 năm. Tuy nhiên, trong hội thảo hầu như các ý kiến không đề cập cụ thể về mốc thời gian 10 năm mà nói một cách chung chung về thực trạng của văn học dịch đã và đang tồn tại từ trước đến nay. Phạm Xuân Nguyên cho rằng nếu lấy mốc cụ thể 10 năm thì phải có con số tổng kết xem chúng ta đã có bao nhiêu cuốn sách dịch xuôi, dịch ngược, bao nhiêu là thơ, văn xuôi, lý luận phê bình… và từ các con số đó nói lên điều gì. Cuộc hội thảo cần đi sâu vào khía cạnh hẹp hơn để từ đó đưa ra những vấn đề thiết thực cho văn học dịch thời gian tới hơn là bàn các vấn đề tương đối rộng.

Khách quan mà nói văn học dịch dường như là câu chuyện muôn thuở của “thành tựu” và “hạn chế” như ngày hôm nay, nếu chưa có gì mang tính đột phá hay mới mẻ của các cơ quan chức năng và nỗ lực cá nhân tác giả. Chừng nào còn dịch giả chưa chuyên nghiệp, chưa sống được với nghề, chưa đầy đủ năng lực thì chừng đó còn cả hai giá trị thật – giả tồn tại.


Cần có giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh cho dịch giả

Dịch giả Lê Bá Thự là người phát biểu ý kiến sau cùng và dường như là ngắn nhất của hội thảo đặt ra câu hỏi là tại sao chúng ta đã xác định được vai trò và vị trí của văn học dịch rất quan trọng nhưng việc xét giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh thì những dịch giả lại không phải là đối tượng được xét?

Được biết, việc kiến nghị xét hai giải thưởng cao quý dành cho văn học dịch đã được Hội Nhà văn đề xuất nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.

Hiện nay, văn học dịch mới chỉ được vinh danh trong hệ thống giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam và hội nhà văn địa phương.

Văn học dịch là một trong bốn chuyên ngành của văn học, cùng với thơ, văn xuôi và lý luận phê bình. Ở ba chuyên ngành trên các tác giả đều được vinh danh ở giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh bởi dễ xác định chủ thể sáng tạo. Còn văn học dịch lại liên quan đến bản gốc với tác giả nước ngoài.

Văn học dịch vô hình chung đang được “ngầm” hiểu là “thua kém” vị thế so với các chuyên ngành khác

Và vấn đề mấu chốt là làm thế nào để xác định một bản dịch thành công, một bản dịch hay? Ngay cả việc đánh giá này đến nay có nhiều quan điểm không thống nhất. Trước đây, chúng ta vẫn cho rằng bản dịch hay là bản dịch đạt yêu cầu “Tín – Đạt – Nhã” nhưng giờ quan niệm này lại thay đổi. Có người cho rằng, dịch hay là dịch đúng. Nghĩa là bản gốc hay phải dịch hay, bản gốc dở phải dịch dở chứ không phải bản dở dở mà lại dịch hay là thành công. Lại có ý kiến nói rằng, bản dịch hay là bản dịch đúng với phong cách văn chương của tác giả. Và đã nói đến phong cách văn chương thì một tác giả chỉ có thể co hẹp dịch được vài tác giả mà mình hiểu, thuộc và thấy hợp với “tạng” của tác giả đó. Nếu cứ dịch tràn lan thì khó có thể nhận ra phong cách riêng của từng bản dịch cũng như tác giả.

Vậy thì, giả sử đề nghị trao giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh trở thành hiện thực thì hội đồng xét giải sẽ căn cứ trên cơ sở nào để có thể thuyết phục và chính xác?

Cần phải thấy rằng dịch văn học là công việc sáng tạo trong khuôn khổ định sẵn của nội dung và hình thức. Và việc tôn vinh thông qua giải thưởng cao quý dành cho dịch giả là điều cần thiết, là động lực thiết thực để dịch giả tăng về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có những quy chế cụ thể, phù hợp để tránh những tranh cãi về sau.

Nhà thơ Hữu Thỉnh tiết lộ một trong nhiều mục đích của cuộc Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch Việt Nam” là: Thông qua cuộc hội thảo này Hội đồng Văn học Dịch cùng với Hội Nhà văn cùng đưa ra một kiến nghị về cơ chế chính sách thúc đẩy sự nghiệp dịch văn học chứ không phải mục đích về chuyên môn”.

Một trong những kiến nghị sẽ được Hội Nhà văn đưa ra là một chính sách quốc gia về dịch văn học. Tiếp tục đề nghị giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh cho các dịch giả và nhanh chóng tiến hành thành lập Trung tâm dịch thuật văn học.

Hà Anh

Nguồn: Vanhocquenha.vn