Tác giả “cũ”, đối tượng “cũ”… nhưng vấn đề “mới” là những gì có thể nói ngắn gọn về giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013.


Các tác phẩm được giải của Hội Nhà văn Hà Nội 2013


Vinh danh những giá trị

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội đã được công bố vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2013) với bốn giải ở bốn chuyên ngành Văn xuôi (Bút ký – Các bạn tôi ở trên ấy của Nguyên Ngọc), Thơ (Đường gió của Giáng Vân), Lý luận phê bình (Khảo cứu – Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ sông Hương đến Nhân văn của Phan An Sa), Dịch thuật (Tâm tuyển thơ của M. Tsvetaeva của dịch giả Phạm Vĩnh Cư) và một giải thành tựu cho tác giả Nguyễn Huệ Chi (tác phẩm Văn học cổ cận đại Việt Nam, từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật).

Có thể, so với mọi năm, giải thưởng năm nay sẽ ít xảy ra những tranh cãi hơn, như trường hợp Lolita, Trần Dần… các mùa trước đó. Giải thưởng năm nay “đằm” hơn, chắc rằng sẽ làm hài lòng số đông.

Khi nhìn vào giải thưởng năm nay, có một ý nghĩ rất thú vị, dường như đó là sự “tìm lại” những giá trị. Nhà thơ Giáng Vân thì tìm lại một sinh khí mới mẻ cho thơ ca sau nhiều năm vắng bóng. Đã có lúc, nhắc đến Giáng Vân người ta nghĩ ngay đến “Đâu phải bởi mùa thu” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc từ lời bài thơ Yên tĩnh, sau đó là vai trò giám khảo của những giải thưởng thơ tư nhân một thời. Dù Đường gió xuất hiện, không làm độc giả hoàn toàn quên đi một Giáng Vân trước đó, nhưng đã khiến độc giả thấy sự không lặp lại chính mình một cách ý thức của người cầm bút. Còn tác giả Phan An Sa, một tên tuổi còn lạ lẫm với văn đàn, nhưng lại là con trai của nhà văn hoá lớn Phan Khôi đã cho ra mắt khảo cứu quan trọng về 23 năm cuối đời của nhà văn nhà báo nổi tiếng Phan Khôi. Từ đây, những góc khuất bị chìm lấp sẽ phần nào được hoá giải. Độc giả đương thời và sau này sẽ có thêm chứng cứ, luận điểm để đánh giá thoả đáng về con người, sự nghiệp của ông hơn. Nhà văn Nguyên Ngọc vốn nổi tiếng với đề tài Tây Nguyên, giờ đây khi đã ở tuổi bát thập, lại trở về với đề tài quen thuộc liệu có đem đến điều gì mới mẻ, hấp dẫn cho độc giả không?. “Các bạn tôi ở trên ấy” là nhan đề “gây tò mò” bởi đó không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả. Dịch giả Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn những thi phẩm đặc sắc của nữ sĩ Nga nổi tiếng, nhưng cuộc đời đầy biến cố thăng trầm – Marina Tsvetaeva.

Trong hệ thống giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội có một nét riêng mà không phải nơi nào cũng có, vượt lên trên những quy chế nghiêm ngặt và tối thiểu nhưng bắt buộc đã được quy định mà lại nhận được sự đồng tình cao. Đó là sự xuất hiện của giải Thành tựu.

Thông thường, ai cũng biết, giải văn học thường niên là giải dành để xét và trao cho những sáng tác mới chưa từng công bố. Ngay cả tuyển tập của một tác giả, dù có đồ sộ, dù có tập hợp các tác phẩm giá trị từng được nhiều giải thưởng cũng không thể nằm trong phạm vi xét giải. Những tuyển tập này ở một số tỉnh thành khác chỉ có thể được xét giải trong hệ thống giải có chu kỳ ba năm, năm năm hoặc mười năm với các tên gọi khác nhau… Nhưng ở Hội Nhà văn Hà Nội thì giải Thành tựu sẽ là giải dành cho những “tuyển” – sáng tác cũ. Giải Thành tựu được trao ngay cùng thời điểm với giải Thường niên nếu tác phẩm được đánh giá cao đúng như tên gọi “thành tựu” và ra đời đúng năm. Giải Thành tựu là sự vinh danh mang ý nghĩa về giá trị và thời gian, ghi nhận đóng góp bề dày của người làm văn chương nghệ thuật. Cuốn Văn học Cổ cận đại Việt Nam, từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của Nguyễn Huệ Chi được đánh giá là một tinh tuyển các bài viết trong vòng 50 năm nghiên cứu. Tác giả Nguyễn Huệ Chi đem đến cho độc giả một công trình giá trị về văn học Cổ cận đại công phu, giàu hàm lượng tri thức.

Hà Nội được xác định là trung tâm văn học, nên giải thưởng văn học luôn được quan tâm và trông chờ. Thế nhưng, dường như “chất trẻ” để tạo dấu ấn văn chương của thủ đô còn khá mờ nhạt. Năm nay, không có tác giả trẻ nào đoạt giải, trong khi chỉ còn hơn tháng nữa Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị viết văn trẻ. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết thêm, trong quy chế của Hội có giải thưởng dành cho các cây bút trẻ ở độ tuổi từ 35 trở xuống, song năm nay và các năm trước chưa tìm được, dù các hội đồng chuyên môn cũng giới thiệu.

Kỳ vọng giải thưởng sẽ định hướng độc giả?

Đó chính là kỳ vọng của ông chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội – Phạm Xuân Nguyên.

Liệu kỳ vọng này có dễ dàng trở thành hiện thực không?

Trong số năm cuốn sách được giải, dự báo Các bạn tôi ở trên ấy của Nguyên Ngọc dễ đọc và dễ được đông đảo độc giả chọn lựa hơn cả.

Còn hai cuốn cũng rất đáng chú ý, là: Nắng được thì cứ nắng của Phan An Sa và Văn học Cổ cận đại Việt Nam, từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của Nguyễn Huệ Chi. Hai cuốn sách này được đánh giá cao nhưng lại rất kén người đọc. Bởi những vấn đề trong sách đề cập phần lớn gắn với quá khứ. Nếu không có sở thích, không có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu… thì rất khó khiến độc giả lựa chọn.

Cuộc đời của nhà văn hoá Phan Khôi đã lắm thác nhiều ghềnh những tưởng là quá đủ, nhưng cuốn sách của người con trai viết về ông cũng thật làm người ta phải suy ngẫm. Cuốn sách dày gần 700 trang, khổ 16x24cm được hoàn thiện trong sáu năm. Nhưng khi sách in ra chỉ có 500 cuốn mà tác giả nhận nhuận bút và “tự phát hành” là chính, chỉ còn 133 cuốn đưa ra thị trường nên độc giả rất khó mua sách. Sau mấy tháng thì cuốn sách được tái bản, nhưng cũng khá dè dăt, không vượt qua con số như lần in đầu tiên.

Cuốn sách của tác giả Nguyễn Huệ Chi dày 1200 trang, khổ 16x20cm cũng chỉ in 1000 cuốn. Có độc giả đưa ra một nhận định rất thú vị, rằng: “Đáng lẽ ra phải dành ít nhất một năm đọc…”.

Việc xuất bản khiêm tốn của hai cuốn sách này khiến chúng ta nhớ đến tủ sách Cánh cửa mở rộng của Nhà xuất bản trẻ cách đây ít lâu khi tiết lộ lượng độc giả trong thời buổi người làm sách phải co kéo, đắn đo khi quyết định giữa việc làm sách hay hay làm sách bán chạy. Tuy nhiên, việc trao giải cho những cuốn sách không phụ thuộc vào số lượng phát hành, số lượng độc giả có lẽ ít nhiều khiến người làm sách vững tin hơn, quả quyết hơn, dám dấn thân hơn. Giá trị ở bên trong cuốn sách cuối cùng đã được khẳng định, chứ không phải giá trị ở con số phát hành.

Nhiều năm trở lại đây, khi một cuốn sách được vinh danh giải thưởng, nhất là giải thưởng văn chương, chưa tính đến yếu tố thuyết phục hay không thì thường cuốn sách đó cũng nhận được sự quan tâm hơn của công chúng. Điều này đồng nghĩa với việc độc giả sẽ tìm và đọc sách.

Có thể hiệu ứng của giải thưởng năm nay không tạo ra “cơn sốt” hay “hiện tượng” xếp hàng mua sách, mà chỉ là sự lặng lẽ đơn lẻ từ người này sang người kia, nhưng tấm chân tình của độc giả đủ để những người dấn thân vào văn chương tiếp tục cầm bút.

Những cuốn sách đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm nay dù kén người đọc, nhưng đã bỏ lại những ồn ào chớp nhoáng của đời sống văn học để dần đi vào quỹ đạo giá trị ổn định.

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version