Giải thưởng – một lối rẽ văn chương
Ai cũng bảo, văn chương là một nghề nghiêm túc nếu muốn theo đuổi. Rồi trở thành nhà văn cần phải có tố chất gì, nào là tài năng, tự học hỏi tri thức, kinh nghiệm… Có người âm thầm lặng lẽ bước vào văn chương, có người trầy trật đến với văn chương, và cũng có người… tự nhiên bước vào văn chương bằng giải thưởng. Với họ dường như giải thưởng chính là con đường ngắn nhất, con đường tắt đến với văn chương.
Mới đây nhất, một trong bốn tác giả được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2013 thì Nguyễn Trí là cái tên gây được sự chú ý của độc giả hơn cả. Bởi ông vốn chỉ là người học hết lớp 10, lại từng trải qua không biết bao nhiêu nghề “bụi bặm”, nguy hiểm, vất vưởng mà mới nghe qua nhiều người không khỏi ái ngại. Hơn nửa cuộc đời chẳng có gì dính dáng đến văn chương thế mà đùng một cái Nguyễn Trí lại quay ra viết văn và được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam – giải thưởng mà không phải bất cứ nhà văn Hội viên nào cũng có vinh dự được chạm tay vào. Ông chia sẻ con đường đến với văn chương của mình rất đơn giản. Bắt đầu là những bài viết nhỏ được viết ra rồi tự đọc lại, cảm thấy cũng được được và nghĩ mình nên thử sức viết rồi gửi đăng báo xem sao. Công việc viết lách vừa vui lại vừa có thể kiếm được tiền. Nhưng những truyện ngắn đầu tiên Nguyễn Trí viết ra và gửi các nơi đều bị từ chối cho đến khi có sự “can thiệp” của nhà văn Hồ Anh Thái thì việc in ấn mới hanh thông. Rất có thể, từ sau giải thưởng này Nguyễn Trí sẽ có một cái tên mới là “Nhà văn đào vàng” thay cho tên tuổi của ông.
Nhắc đến Nguyễn Trí, độc giả lại nhớ đến trường hợp Mạc Can với một số điểm chung. Ông được biết đến là một diễn viên hài, ảo thuật chứ không học hành gì liên quan đến văn chương. Thậm chí, tuổi thơ của ông còn không được cắp sách tới trường lớp đầy đủ như các bạn cùng trang lứa mà phải lênh đênh nay đây mai đó. Thế rồi, trong danh sách giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết năm 2005, Mạc Can với tác phẩm Tấm ván phóng dao đã giành được giải thưởng cao nhất cùng với ba nhà văn tên tuổi. Giải thưởng đến với ông quá bất ngờ như một món quà từ trên trời rơi xuống, khiến một số người tỏ ra đố kị, nghi ngờ. Nhưng điều ấy chẳng hề gì, tên tuổi ông vẫn cứ được truyền thông, độc giả để mắt tới như một hiện tượng đáng chú ý của làng văn. Thực ra, trước khi tiểu thuyết đầu tay xuất hiện, Mạc Can đã có tập truyện ngắn Món nợ kịch trường in cách đó 6 năm nhưng phải đến giải thưởng trong cuộc thi tiểu thuyết, Mạc Can mới gây được chú ý từ công chúng yêu văn chương. Sau đó, ông đã cho ra mắt nhiều tác phẩm và văn chương không còn là cuộc dạo chơi tình cờ với Mạc Can, nó đã biến ông trở nhà văn có thẻ đàng hoàng. Vì đến với văn chương khá muộn nhưng sức viết lại khá dồi dào nên Mạc Can được độc giả gọi là “Nhà văn trẻ Mạc Can”. Không hẳn vì sức viết mà chữ trẻ còn bao hàm cái ý ông làm ảo thuật, diễn hài luôn mang nụ cười đến mọi người, đến con trẻ nữa. Ông cho rằng: “Nếu không viết tôi sẽ chết. Tôi nghĩ viết tức là sống một cuộc đời khác, một cách sống khác”.
Cũng mang biệt danh “Lão nông viết văn” hoặc “lão nông cầm bút”, Ngô Phan Lưu đặt chân vào làng văn một cách bất ngờ bằng giải thưởng từ cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2007. Nhưng khác với Nguyễn Trí, Mạc Can, Ngô Phan Lưu là người được học hành đến nơi đến chốn, dù không phải văn chương mà là triết học. Nhưng trong cuộc mưu sinh, ông đã trải qua nhiều nghề. Sau các cuộc chuyển nghề thất bại, những tưởng ông đã an phận với nghề nông. Vậy mà khi tuổi lục tuần ông lại lặng lẽ đến với nghề viết. Tập thơ đầu tiên như bóng chim tăm cá giữa biển trời mênh mông, không để lại chút gì cùng với số tiền phải bỏ ra in ấn không nhỏ với một lão nông. Cái mộng văn chương vừa mới nhen nhóm khiến ông chưa kịp “bay” đã phải quay trở về với mặt đất trần trụi. Thế mà ông không từ bỏ, ông quay ra văn xuôi và đã thành công ngoài mong đợi khi giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ. Trở về sau giải thưởng này, ông cũng được biết đến nhiều hơn, tác phẩm cũng từ đấy mà liên tiếp ra đời.
Cuộc thi truyện ngắn năm 2013 cũng chứng kiến “thợ hàn” Lê Thanh Kỳ không còn trẻ trung, ở cái ngưỡng ngoài năm mươi đã vượt qua nhiều tên tuổi nhà văn để giành giải nhất. Mặc dù yêu văn chương từ nhỏ nhưng tình yêu đó không đủ mạnh, không đủ sự thôi thúc để cầm bút. Và công việc được Lê Thanh Kỳ lựa chọn là cơ khí, chẳng liên quan gì đến văn chương. Mãi sau này chứng kiến những chuyện bất cập quanh mình bỗng dưng lại trở thành động lực để anh thợ hàn tay búa tay bút. Không bắt đầu bằng truyện ngắn như Nguyễn Trí, Mạc Can, không bắt đầu bằng thơ như Ngô Phan Lưu mà Lê Thanh Kỳ khởi đầu bằng tiểu thuyết. Một tác giả lạ ra tiểu thuyết, lại sống ở địa phương thì dẫu có mở hàng văn chương bằng thể loại dài hơi cũng ít được độc giả chú ý nhiều là điều dễ hiểu. Rồi Lê Thanh Kỳ không trường kỳ viết tiểu thuyết nữa mà quay ra viết truyện ngắn. Bên cạnh truỵên ngắn được đăng ở một số báo chí địa phương thì cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ được coi là thử sức đáng nể. Bởi đây là cuộc thi quy tụ các cây bút chuyên và không chuyên khắp mọi miền đất nước. Gửi tác phẩm dự thi chính là phép thử để xem chất lượng tác phẩm của mình ít nhất có được đăng không đã chứ chưa nói đến giải cao hay thấp. Thế là trong thời gian diễn ra cuộc thi, anh gửi bốn truyện và cả bốn truyện được đăng. Chùm truyện được giải là ba trong số bốn tác phẩm dự thi.
Một tác giả “không chuyên” khác cũng được xuất hiện trong giải thưởng văn chương năm 2013 là Nguyễn Ngọc Hoài Nam với giải nhất văn học thiếu nhi thuộc dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi của Đan Mạch do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức. Nguyễn Ngọc Hoài Nam cho biết công việc của mình làm trong lĩnh vực xây dựng, dù cũng có quan tâm đến văn học nhưng chưa từng cầm bút thử sức. Do bạn bè giới thiệu có một cuộc thi văn học thiếu nhi nên mới thử viết và không ngờ được giải, lại là giải cao. Tác giả tâm sự, từ sự kích lệ này, cuộc thi năm tới sẽ tiếp tục thử sức.
Mạc Can- hiện tượng của văn học Việt Nam 2005 (ảnh internet)
Trong muôn vàn gập ghềnh, văn chương có một lối dễ đi?
Từ một vài ví dụ trên, và thực tế còn vô số những trường hợp tương tự đã và đang xảy ra, có thể sẽ có người đặt ra một câu hỏi nghi vấn: Phải chăng văn chương không hẳn là con đường quá khó khăn, hay trong muôn vàn gập ghềnh, văn chương có một lối nhỏ bằng phẳng, dễ đi? Có người cứ mài bút viết, tác phẩm liệt kê trên giấy thì dài dằng dặc, xếp chồng lên thì cao ngất ngưởng nhưng cứ nhàng nhàng như vậy cả đời. Họ vẫn có một lớp độc giả, họ vẫn sống và viết phục vụ cho độc giả ấy, vẫn tự huyễn hoặc bản thân trong thứ mĩ từ êm ái quyến rũ mà không có giải thưởng danh giá nào. Thế mà lại có người mới thử sức lần đầu ở thể loại này thể loại kia đã được giải thưởng, đã được đắm mình trong cái vinh quang của kẻ đứng trên bục cao nhất nắm lấy giải thưởng. Chưa cần lên tiếng công chúng đã biết mặt biết tên… Như vậy có bất công không?
Thực ra, bản chất của văn chương không xuôi chèo mát mái. Ngay cả những tác giả đầu tiên bước chân vào văn chương có được giải thưởng không phải sự ngẫu nhiên. Và lâu nay chúng ta chỉ biết được bởi những gì nhìn thấy. Còn đằng sau đó, là một quá trình dài, chắc rằng, chỉ có tác giả là người hiểu rõ nhất. Chỉ có tác giả là người biết mình đã phải sống như thế nào để có được cái vốn sống không giống ai, đã phải vật lộn, đấu tranh, cân nhắc, tự ti… đến thế nào để viết từng con chữ. Họ cũng từng nếm trải những thất bại của người viết, cũng từng bị từ chối in ấn, cũng từng phải hứng chịu những bóng gió thị phi của những người khó thấy ai hơn mình… Có chăng, họ có được chút “may mắn” mỉm cười. Họ không phải đợi chờ quá lâu đã có giải thưởng. Và cả chặng đường phía sau, nếu họ đi tiếp đã có sẵn một lớp độc giả đón đợi.
Tuy nhiên, giải thưởng một thứ vinh quang của văn chương hay bất cứ lĩnh vực nào đến sớm cũng là con dao hai lưỡi. Bên cạnh những thuận lợi, nó cũng dễ khiến cả những người tỉnh táo và từng trải rơi vào trạng thái tự mãn. Và điều đó đủ giết chết một tài năng lớn.
Trong thời đại truyền thông phát triển, giải thưởng văn học có thể xem như một con đường tắt đến với văn chương. Nhưng nếu không cẩn thận nó lại là cái bẫy lợi hại mà khi dính vào chỉ biết “ăn mày dĩ vẵng”.
Hiền Nguyễn
Nguồn tin: vanhocquenha.vn