Giây phút cuối đời của Tagore
Chuyện kể rằng trong giờ phút sắp lâm chung, một nhà văn nổi tiếng đến thăm Tagore. Người bạn nắm tay ông và nói:
– Ông có thể ra đi thanh thản vì đã để lại cho đời bao nhiêu rồi. Thế gian này chưa ai viết được nhiều như vậy. Kalidasa hay Shelley, không ai có thể sánh được với ông.
Khi người bạn nói xong, những giọt nước mắt bỗng trào ra từ đôi mắt nhà thơ vĩ đại. Người bạn cảm thấy không tin vào mắt mình và nói:
– Sao ông khóc? Ông sợ cái chết ư? Một người từng ca ngợi cuộc sống hết mình lại sợ cái chết? Chết cũng là một biểu hiện của cuộc sống không phải sao?
Tagore trả lời:
– Không. Tôi không sợ chết! Cái chết cũng tuyệt vời như cuộc sống vậy. Tôi khóc bởi vì những bài thơ hay nhất chỉ sáng tác cách đây chưa lâu. Từ khi sinh ra đến giờ tôi là con trẻ. Đến khi trưởng thành thì lại đến lúc phải từ giã. Đó là điều bất công!
Mark Twain “đến” và “đi” cùng sao chổi Halley
“Tôi đến với sao chổi Halley năm 1835. Nó sẽ đến một lần nữa vào năm tới, và tôi mong đợi để đi cùng nó. Đó sẽ là sự thất vọng lớn nhất trong cuộc đời tôi nếu tôi không bay cùng Halley. Đấng Toàn Năng đã nói, không còn nghi ngờ gì nữa: họ đến cùng nhau và họ phải ra đi cùng nhau” – trích từ cuốn tiểu sử viết về Mark Twain của Albert Bigelow Paine.
Mark Twain sinh năm 1835. Đúng vào ngày ông ra đời cũng là lúc sao chổi Halley xuất hiện. Đến năm 1909 Mark Twain đã nói: “Nó sẽ đến một lần nữa vào năm tới, và tôi mong đợi để đi cùng nó”. Kết quả là năm sau, ngày mà sao chổi Halley bay qua bầu trời cũng là lúc Mark Twain từ biệt thế giới.
Emily Bronte mượn bút danh nam giới để xuất bản sách
Xuất bản dưới bút danh Ellis Bell, nữ nhà văn Emily Bronte được độc giả thế giới biết đến với cuốn tiểu thuyết Wuthering Heights (Đồi gió hú). Bà và hai chị gái đã chọn bút danh nam giới để tránh sự phân biệt giới tính trong ngành xuất bản. Cuốn sách lần đầu ra mắt năm 1847. Đến năm 1948, tác giả qua đời ở tuổi 30. Hai năm sau, chị gái Charlotte Bronte đã đưa tên thật của nữ văn sĩ lên trang bìa cuốn sách.
Đến hôm nay, Đồi gió hú được coi là một trong những tiểu thuyết tiếng Anh quan trọng nhất.
Astrid Lindgren lấy cảm hứng sáng tác từ con gái
Pippi Longstocking (Pippi tất dài) là cái tên đã được hàng triệu trẻ em trên thế giới yêu mến. Cô bé gái Pipi có mái tóc đỏ, mặt đầy tàng nhang, chưa bao giờ đi học và có sức khỏe nâng được cả môt con ngựa. Nhưng ít ai biết rằng Astrid Lindgren đã sáng tác ra câu chuyện trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Pippi Longstocking là cái tên do Karin – con gái nhà văn tự nghĩ ra khi cô đang bị ốm vì bệnh viêm phối. Một tối trước khi đi ngủ, Karin đòi mẹ kể cho cô nghe chuyện về Pippi. Không biết Pippi là ai, hình dáng như nào, Astrid Lindgren đã tự sáng tạo ra nhân vật Pippi mang ngoại hình, tính cách trái ngược với các cô gái Thụy Điển đầu những năm 1940.
Pippi tất dài được dịch ra 85 thứ tiếng, xuất bản tại hơn 100 quốc gia và trở thành nhân vật kinh điển của văn học thiếu nhi châu Âu và thế giới.
Theo Thu Linh – Văn nghệ quân đội online