Giải Noben được xem là giải thưởng cao quý nhất, chính xác nhất về thành tựu lao động của các nhà văn và nhà bác học thế giới. Ý kiến này được bảo lưu từ rất lâu rồi, song ở đây chúng ta chỉ xem xét việc trao giải cho các nhà văn Nga mà thôi. Tất cả chỉ vẻn vẹn có 5 người : Ivan Bunin (giành được năm 1933), Boris Pasternak (1958), và Mikhail Sholokhov (1965), Alexander Solzhenitsyn (1970), Joseph Brodsky (1987).

Chúng ta thử đánh giá xem các giải thưởng này có xứng đáng không và có những nhà văn Nga khác, trong những năm này, có đủ khả năng ứng cử vào giải này hay không? Câu hỏi thứ nhất có thể trả lời như sau: có thể nói, tất cả các nhà văn Nga nhận giải đều xứng đáng. Câu hỏi tiếp theo, cần phải lý giải dài dòng hơn: Trong những năm 30 của thế kỷ XX, tại Nga ít nhất có 3 nhà văn xứng đáng được trao giải Noben. Thứ nhất là Makxim Gorky với những vở kịch, truyện ngắn, truyện vừa  bất hủ và trường thiên tiểu thuyết “Cuộc đời của Klim Xamgin”. Thứ nhì là Aleksey Tolstoy với tiểu thuyết “Con đường đau khổ” (không tính phần thứ 3 được viết vào năm 1941) và các truyện vừa, truyện ngắn tuyệt tác của ông. Người thứ ba là Mikhain Solokhov với tiểu thuyết 3 phần “Sông Đông êm đềm” và “Những mẩu truyện Sông Đông” in trước năm 1935. Nhưng cuối cùng, phần thưởng lại thuộc về nhà văn Bunin. Tại sao? Bởi vì ông đang sống lưu vong, bên ngoài lãnh thổ CCCP, lại là một kẻ tử thù và thường xuyên lên tiếng chỉ trích  chế độ Xôviết. Còn ba nhà văn kể trên đang sống và làm việc tại CCCP, chẳng lẽ không thể chọn được một người trong đó? Không. Bởi vì nếu trao giải thưởng cho một nhà văn Xôviết, điều đó đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng tại Liên xô có một nền văn học chân chính. Những người quyết định giải không thể chấp nhận được giải pháp này. Tình huống còn éo le hơn nữa khi trao giải thưởng Noben cho Boris Pasternak. Nhà thơ thiên tài được nhận giải thưởng vì cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” mà nội dung tư tưởng phù hợp với kẻ thù của chính quyền Xôviết. Ở đây, nếu phần thi ca, thậm chí là dịch thuật của ông được đánh giá để trao giải thì là điều hiển nhiên, song việc cuốn tiểu thuyết lại giành vị trí quan trọng nhất đã làm lòi ra cái cán của “cây dùi cui tư tưởng” của những người quuyết định giải Noben. Vậy trong thời gian này, tại Liên Xô có các nhà văn khác xứng đáng với giải Noben hay không? Tất nhiên là có: Solokhov đã nhận giải năm 1965, còn Tvardovsky lại không bao giờ nhận được cho dù tác phẩm “Basil Terkina” của ông đáng lẽ phải được nhận ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Chính Ivan Bunin, người không thừa nhận tài năng của Esenina, Blok, Mayakovsky nhưng lại đánh giá cao tác phẩm Basil Terkina. Thôi thì việc không phục văn thơ của ba thi sĩ vĩ đại Nga là chuyện lương tâm của Bunin, song sự đánh giá cao Tvardovsky lại có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Còn việc trao giải thưởng cho Mikhain Sholokhov, thoạt nhìn, cũng là điều vô cùng khó hiểu. Thực tế, ông là một người Nga chân chính, yêu tổ quốc, tác phẩm “Sông Đông êm đềm” của ông không chỉ là niềm tự hào của văn học Nga mà còn là tài sản vô giá của nhân loại. Mọi sự đều hợp lý cả. Chỉ có điều không hợp lý là quan điểm của những người quyết định giải, tại sao lại trao cho một nhà văn Xôviết chính trong thời điểm này? Chẳng lẽ, những người trong ban giám khảo thần kinh có vấn đề? Không bao giờ. Vấn đề là ở chỗ, trong những năm 50-60 tại Liên Xô, Sholokhov là nhà văn có uy tín nhất, lại là một nhà hoạt động văn hóa và đã nhiều lần cả gan đối đầu lại với Khrushchev trong những cuộc tranh luận nảy lửa. Và thế là, ở Phương Tây người ta nhìn ông không chỉ như một đối thủ mạnh của Tổng bí thư Khrushchev mà còn là của cả hệ thống lúc đó. Họ muốn ủng hộ Solokhov trong chính tư cách này. Nhưng họ đã nhầm, Phương Tây thu được lợi ít nhất từ Sholokhov trong số các nhà văn Nga trúng giải. Giả thuyết việc trao giải không phải là cho Sholokhov mà là Tvardovsky được in năm 1962 trong tạp chí “Thế giới mới” “Một ngày của Ivan Denisovich” của Alexander Solzhenitsyn, đối với Phương Tây đây không là gì khác một sự “đầu tư” trước. Năm 1970 Alexander Solzhenitsyn được nhận giải Noben vì  “Quần đảo Gulag”, một tác phẩm nghiên cứu lịch sử – chính luận hơn là một tác phẩm văn học nghệ thuật. Vào thời gian này, ở Liên Xô cũng như nước ngoài có không ít các nhà văn mà tài năng không thua kém gì Solzhenitsyn như: Vladimir Nabokov, Vasily Shukshin, Valentin Rasputin, Yury Kazakov, Yevgeny Yevtushenko, Andrei Voznesensky. Các nhà văn này đều xứng đáng được nhận giải Noben, nhưng không có ai có được tiểu sử của một chiến sĩ đấu tranh chống lại chế độ với cây dùi cui tư tưởng  “Quần đảo Gulag”. Chính vì vậy, Phương Tây đã giáng những đòn rất mạnh vào uy tín cũng như vị thế chính trị của CCCP bằng chính việc trao giải cho Solzhenitsyn.

Đại diện cuối cùng cho tới thời điểm này của các nhà văn Nga được nhận giải Noben là Joseph Brodsky. Năm 1987, số phận của Liên Xô gần như đã được định đoạt. Phương Tây không còn cần thêm các vũ khí tư tưởng mới trong việc hạ gục CCCP. Phần thưởng danh giá có thể trao cho bất cứ ai trong số các đại diện nhiều dân tộc của nền văn học Xôviết. Tuy vậy, Ủy ban Noben trong những năm 80, dù bất cứ điều kiện nào đi chăng nữa, sẽ không trao giải cho một nhà văn Nga yêu nước. Noben được trao cho Brodsky, một nhà thơ bị trục xuất, một người tương đối cao ngạo đối với đại bộ phận các nhà văn Liên xô đồng thời với mình. Những phát biểu coi thường của ông đối với Konstantin Simonov, David Samoilov, Alexander Mezhirov, Yevgeny Yevtushenko được nhiều người biết tới. Hơn nữa, hai đại diện cuối cùng cũng là người phản đối chế độ chẳng kém gì Brodsky. Song, uy tín của giải Noben đã đẩy uy tín của Brodsky lên trên những nhà thơ kể trên.

Các nhà văn Nga được nhận giải Noben trong những hoàn cảnh “éo le” như vậy đó, không chỉ vì giá trị nghệ thuật của các tác phẩm mà còn vì sự gần gũi về tư tưởng đối với những người quyết định  giải và vì sự chống đối với chính thể Xôviết lúc đó. Sau khi Liên xô tan rã, đã hơn 20 năm trôi qua, song không có một nhà văn Nga nào được nhận giải Noben, dù sống ở trong hay ngoài lãnh thổ của Liên bang Xô viết cũ. Điều đó nói lên rằng giải thưởng được coi là danh giá nhất thế giới cũng phải cúi đầu tuân theo những định kiến chính trị vụ lợi nhất định.

Vũ Tuấn Hoàng (Từ SNG)

Nguồn: vanvn.net.

Exit mobile version