Ngọc Linh – cây bút đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2012 – thích truyện đồng thoại của Tô Hoài và tác phẩm của nhà văn Thụy Điển Astrid Lindgren.

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch với chủ đề ”Bí mật của tôi”. Tác phẩm đoạt giải của chị là ”Bộ ba hoàn hảo”. Ngọc Linh chia sẻ với độc giả VnExpress về công việc viết lách.

– Cảm xúc của chị khi biết mình đoạt giải?

– Tôi rất bất ngờ. Thực sự không thể tin được là tác phẩm của mình lại được ban giám khảo chọn khi mà có rất nhiều cây bút kỳ cựu như Nguyên Hương, Nguyễn Thị Bích Nga… tham gia.

– Nhân vật chính Chichi Bé Nhỏ trong “Bộ ba hoàn hảo” rất cá tính, có nhiều hành động “bản năng” và ”khác người”. Đó là do chị quan sát từ thực tế hay tưởng tượng ra?

– Tôi rất yêu trẻ con. Tôi có 6 đứa cháu, tôi quan sát toàn bộ quá trình chúng lớn lên, hành động, suy nghĩ của chúng, và thực sự tôi thấy đúng là lũ trẻ hành động rất ”bản năng”. Suy nghĩ của chúng thể hiện qua hành động, không như người lớn, nghĩ một đằng, làm một nẻo (cười). Cô bé Chichi cho một người nghèo không quen biết toàn bộ số tiền trúng xổ số một cách ngẫu hứng, do cảm xúc tức thời, rồi sau đó cũng tỏ ra khá tiếc nuối. Đó cũng là một tâm lý rất trẻ con. Đó là cái ngây thơ đáng yêu của con trẻ mà dần lớn lên con người ta không còn nữa.


Tác giả Ngọc Linh.

– Chị thích tác giả thiếu nhi nào nhất?

– Tôi thích truyện đồng thoại của Tô Hoài và các tác phẩm của Astrid Lingren. Nhà văn Tô Hoài hiểu rất rõ đặc tính của các loài vật và đưa vào trong truyện những hình ảnh, ngôn ngữ rất gần gũi với suy nghĩ và đời sống của trẻ em.

Còn tác giả Astrid Lingren, tôi ấn tượng mạnh mẽ với tác phẩm “Pippi tất dài” khi tôi mới 10 tuổi. Hồi đó, chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam có chương trình đọc truyện trên đài. Tôi say mê nghe chuyện về cô bé Pippi, chỉ mong ngóng đến giờ được nghe những câu chuyện về cô bé tất dài cá tính này.

– Trong tác phẩm của chị thường thấy hình ảnh các con vật hiện lên khá sinh động, như trong “MCB – Những tên cướp tốt bụng” với bộ ba nhân vật chính là Mèo – Chó – Bò. Các con vật xung quanh gây cảm hứng cho chị như thế nào?

– Tôi yêu loài vật, đặc biệt là mèo. Các con vật trong truyện của tôi đều rất gần gũi, gắn bó với tuổi thơ của mỗi người Việt Nam. Qua các trang viết của mình, tôi muốn truyền cho các bạn nhỏ một tình yêu với loài vật, tình yêu thương không chỉ giữa con người với con người.

Bìa cuốn sách “Tét đại ca” của Ngọc Linh.

– Theo chị, cái khó của việc viết cho thiếu nhi hiện nay là gì?

– Tôi nghĩ là việc tìm đề tài và cách thể hiện mới mẻ. Làm thế nào để trẻ con thích mà phụ huynh cũng sẵn sàng mua, đó cũng là một cái khó. Những cuộc vận động sáng tác như thế này thực sự khích lệ những người viết trẻ như chúng tôi. Tôi mong muốn những người viết cho thiếu nhi, đặc biệt là những người viết trẻ được quan tâm hơn nữa.

– Vùng quê Ba Vì nơi chị sinh ra ảnh hưởng thế nào tới các trang viết của chị?

– Tôi lấy nhiều chi tiết từ cuộc sống tôi quan sát được ở quê tôi: khung cảnh làng quê, những con bò, những đứa trẻ… nhưng tôi cũng tưởng tượng nhiều và lấy các bối cảnh khác nhau để câu chuyện thêm sinh động và trẻ em ở bất cứ vùng miền nào cũng cảm thấy có bóng dáng mình trong đó.

Sáng 15/11, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch tổ chức lễ trao giải cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2011 – 2012 và phát động cuộc vận động sáng tác 2012 – 2013.

Tác giả Ngọc Linh giành giải nhất thể loại văn xuôi với chủ đề “Bí mật của tôi” dành cho lứa tuổi 10 đến 14 với tác phẩm “Bộ ba hoàn hảo”. Giải nhì thuộc về “Bí mật đôi cánh hoa bay” của Đinh Thị Thu Hằng và giải ba là “Cái mụt ruồi ở chóp mũi” của Nguyễn Thị Bích Nga. Ngoài ra, dự án còn trao giải cho các tác giả tranh truyện với chủ đề “Lời cảm ơn” dành cho lứa tuổi từ 3 đến 6 tuổi.

Tác giả Ngọc Linh tên thật là Phùng Thị Ngọc Linh. Quê quán: Ba Vì, Hà Nội. Các tác phẩm đã xuất bản: “Tét đại ca” (NXB Kim Đồng, 2009), “MCB – Những tên cướp tốt bụng” (NXB Kim Đồng, 2011).

Nguồn: Vnexpress

Exit mobile version