Không bị tác động vì những ồn ào của giới truyền thông và sự nghi hoặc ở một số người, cậu bé “thần đồng” Nguyễn Bình vẫn lặng lẽ hoàn thành bộ sách của mình. 3 tập của Cuộc chiến với hành tinh Fantom đã ra mắt bạn đọc, và nhận được phản hồi tích cực. Giới văn chương nhìn nhận về hiện tượng này như thế nào? VNT xin trích ý kiến của các nhà văn Chu Lai, Trần Đăng Khoa và Bão Vũ.
Nhà văn Bão Vũ: Một bút lực mạnh mẽ
Tôi đọc Cuộc chiến với hành tinh Fantom say mê, và tôi như trở lại tuổi thơ của mình với một thế giới kỳ ảo mà chỉ có trẻ thơ mới thấy được.
Nhưng tôi cũng đã đọc Cuộc chiến với hành tinh Fantom cùng với sự nghi hoặc: Không có lẽ chú bé Nguyễn Bình được “mượn bút” bởi một trong những nhà văn khoa học viễn tưởng của Mỹ đã quá cố, như Isaac Asimov, tác giả của nhiều tác phẩm viễn tưởng thần bí nổi tiếng thế giới vào những năm 1940, với những nhân vật Robot sinh động biết yêu thương con người?… Hay Kurt Vonnegut bậc thầy kết hợp thể loại khoa học viễn tưởng với chất hài hước?… Hay Ray Bradbury, người được mệnh danh là “đại thi hào của khoa học viễn tưởng thế kỷ 20”, “Người khổng lồ của văn học giả tưởng Mỹ”?… Hay Micheal Crichton, tác giả của hàng chục tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng trong đó có Jurassic Park (Công viên kỷ Jura) đã được đưa lên màn ảnh?… Cũng giống như có người bình thường sau một đêm bỗng trở thành danh họa Picasso; thành A.S. Pushkin với những vần thơ kinh điển; hoặc tự dưng nói làu làu nhiều ngoại ngữ?
Không phải. Nếu tin thế thì nghĩa là tôi đã tin có “thần đồng văn xuôi”, là những đứa trẻ được thiên phú về văn học, được “thần linh” mách bảo mà không phải khổ công. Còn Nguyễn Bình đã phải bò toài trên bàn phím vi tính nhiều ngày đêm, dán mắt vào những bộ từ điển, những cuốn sách tổng hợp tri thức để tra cứu những điều cần thiết cho những trang viết. Thật thú vị khi không thể có cách nói khác hơn về Nguyễn Bình, mà chỉ có thể dùng cách nói như đối với một nhà văn thực thụ, rằng bút lực của Nguyễn Bình rất mạnh mẽ. Sau mỗi tập truyện ta thấy rõ sự tiến triển của tác giả về khả năng kiểm soát tổng thể; về văn phong, ngôn từ, cú pháp; về tạo dựng chuyện, về thể hiện tính cách nhân vật. Điều đó khiến ta tin rằng Nguyễn Bình sẽ đi tiếp đến cùng bộ sách Cuộc chiến với hành tinh Fantom. Và nhà văn nhỏ tuổi Nguyễn Bình sẽ thành công trong tác phẩm đầu tay của mình.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa : Tôi coi Bình như một “ông bạn đồng nghiệp”
Vẫn biết Bình là cậu bé đặc biệt, nhưng đến khi cầm cuốn bản thảo tập tiểu thuyết đầu tay của cậu, do chính cậu tự trình bày, mi trang, tôi vẫn thấy kinh ngạc. Quả là một hiện tượng kỳ lạ. Tôi có cảm giác như bản thảo được viết bởi một nhà văn nước ngoài với lối tư duy của người nước ngoài, không có một mảy may nào là hơi hám Việt. Điều ấy cũng hợp lý. Vì câu chuyện xảy ra ở nước ngoài. Nhân vật cũng đều là người nước ngoài thì không thể nói năng, suy nghĩ và hành xử như người Việt. Ngay cả một nhà văn lão luyện, việc “hóa thân” được như vậy cũng không phải dễ. Nói tóm lại, nó như một cuốn sách dịch. Có thể đặt lẫn vào hàng ngũ tác phẩm của các nhà văn ngoại quốc. Không ai nghĩ đây là tập tiểu thuyết đầu tay của một cháu bé đang còn học tiểu học. Nhìn ở góc độ thể loại, Cuộc chiến với hành tinh Fantom là một dạng tiểu thuyết giả tưởng. Văn hiện đại. Kiểu văn điện tín. Sắc gọn và mạch lạc. Bình không phản ánh hiện thực mà sáng tạo ra một hiện thực mới trong thế giới của riêng mình với các nhân vật và bối cảnh như một tác phẩm cần phải có. Bối cảnh và xã hội đó chỉ có trong trí tưởng tượng của người viết nhưng lại rất chân thật và sống động. Các thông tin truyền tải trong cuốn sách lại cực kỳ chân xác. Những câu chuyện liên quan đến đĩa bay, chiến hạm hay âm nhạc cổ điển, rồi các vùng văn hóa trên thế giới… đòi hỏi người viết phải có một kiến thức rất sâu rộng. Nếu không hiểu biết sâu sắc và đầy đủ sẽ không cắt nghĩa nổi các hiện tượng như vốn xảy ra, chưa nói đến việc đưa vào sách để chuyển tải thành suy nghĩ và hành động của các nhân vật một cách nhuần nhuyễn đến vậy.
Tôi đã cẩn trọng bỏ ra mấy ngày để “thẩm tra”, bằng cách lọc tư liệu, vào Google xem Nguyễn Bình có cóp nhặt ở đâu không? Rồi kiểm tra lại các địa danh trên thế giới mà cuốn sách đề cập. Nếu như tôi không nhầm, thì ngoài những địa danh, ngoài những truyền thuyết, ngoài những sự kiện lịch sử đã từng xảy ra trong lịch sử nhân loại… được Bình đưa vào cuốn sách để kết nối hành động nhân vật, hoặc tạo nên tiền đề để nhân vật suy nghĩ, thì còn lại hoàn toàn là sự sáng tạo của cậu bé. Cùng khảo sát với tôi, khi bàn về cuốn sách này, nhà báo Tùng Sơn rất tinh tế khi anh cho rằng: Cuốn sách của Nguyễn Bình mang màu sắc sử thi nhưng lại rất hiện đại “Tập 1 của cuốn sách gồm 11 chương, với những tựa đề khá hấp dẫn: Buổi sáng đầu tiên ở Hydra, Đám mây UFO ngoài khơi, Tới Florida, Đợt tấn công ở Florida, Dòng chữ trên ngôi đền, Mục đích những trận chiến, Trận thuỷ chiến thành Venice… Cuối mỗi chương, Bình biết mở ra một chi tiết hay hình ảnh để kết nối với chương tiếp. Cuối Tập 1, Bình đưa ra khái niệm đầy tò mò để dẫn vào tập tiếp theo: Tôi nhìn về phía trước. Chiếc phi thuyền hình con cá mập đồ sộ của bọn Bóng ma đang bốc cháy ngùn ngụt, chẳng khác gì tháp đôi Trung tâm Thượng mại thế giới khi bị tấn công ngày 11.9.2001. Bỗng, một giọng người thì thào trong đầu tôi: Chữ Vạn…Bình nói rằng, chữ “Vạn” là khái niệm của đạo Hindu: “Cháu nói ra chắc không ai sốc đâu nhỉ? Hindu giáo là tôn giáo có nguồn gốc ngoài hành tinh, cháu tưởng tượng ra như vậy vì có tư liệu nói rằng kính viễn vọng không gian của NASA phát hiện các tượng đá như tượng Phật Hindu giáo ở hành tinh ngoài thiên hà cùng với chữ “vạn”, và người ta đặt giả thiết người ngoài hành tinh đã viếng thăm trái đất từ thời cổ đại”. Chọn đề tài UFO (đĩa bay) vì theo Bình, người ngoài hành tinh là vấn đề khoa học được quan tâm suốt nhiều năm nay, đặc biệt với người Mỹ. Điều này cũng lý giải việc Bình cho các nhân vật trong tiểu thuyết đều người Mỹ. Qua những trang viết, người đọc có thể thấy vốn từ của Bình cực kỳ phong phú, như của người trưởng thành. Nhưng ngạc nhiên lớn nhất là khối lượng thông tin đông – tây – kim – cổ và những kiến thức của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khoa học vũ trụ và các môn khoa học xã hội… dày đặc trong các trang viết của Bình. Điều này càng cho thấy tư duy vượt trội của người viết so với lứa tuổi. Cậu bé dùng thuật ngữ cực kỳ chính xác cũng như mô tả chi tiết về kiến trúc các công trình, thiết kế các đồ vật hay hiện tượng trên cơ sở những hình ảnh trong sự thật và trí tưởng tượng…”.
Đối với Nguyễn Bình, viết văn đâu có phải một việc dễ dàng, cứ nghĩ gì thì nói thế. Cậu đã lao động nghệ thuật rất nghiêm túc như một nhà văn và nhà khảo cứu đích thực. Tuy vậy, tôi vẫn chưa thể nói gì hơn về nội dung cũng như nghệ thuật của cuốn sách này. Mà Bình dự kiến sẽ viết tám tập. Trong con đường văn chương dài đến mù mịt, Bình mới đặt bước chân đầu tiên. Tôi thực sự mừng cho Bình và cũng rất lo cho Bình. Bình cùng tuổi con tôi, nhưng trong bếp núc sáng tạo, tôi coi Bình như một “ông bạn đồng nghiệp”. Nếu còn có điều gì băn khoăn muốn bàn thêm với “ông bạn”, là nỗi băn khoăn ở chỗ này thôi: Khi viết tiểu thuyết giả tưởng bằng tư duy và con mắt nhìn hiện đại, tác giả thường đẩy nó vào một cõi xa lắc. Người đọc chỉ biết có một chuyện như thế diễn ra ở đâu đó. Một chuyện rất thật nhưng không thể xác định được không gian và thời gian cụ thể. Và như thế, bạn đọc không thể bắt bẻ tác giả được. Kinh nghiệm khôn ngoan này đã có ở T. Aitmatop, với truyện vừa nổi tiếng: Con chó khoang chạy trên bờ biển. Còn Nguyễn Bình lại khác. Những cuộc khám phá cùng những trận chiến xẩy ra ở địa chỉ cụ thể, với một thời gian cũng rất cụ thể là năm 2015. Nghĩa là chỉ còn bốn năm nữa thôi. Điều này rất thú vị nhưng cũng thật bất lợi cho tác giả. Nhưng như thế mới là Nguyễn Bình. Và không chỉ có thế, cùng với mấy dòng sơ lược tiểu sử nhân vật mà tác giả liệt kê ở đầu sách, tôi mới nhận ra Nguyễn Bình vẫn nguyên là một đứa trẻ con, còn đang học tiểu học.
Với lứa tuổi Nguyễn Bình, những gì cậu bé làm được thật đáng kinh ngạc. Vì vậy, tôi rất vui mừng được giới thiệu với đông đảo bạn đọc cuốn sách độc đáo này. Hy vọng cuốn sách sẽ làm bạn đọc yêu thích. Và tôi mong, cùng với việc học hành nghiêm túc ở trường, Nguyễn Bình sẽ dành thời gian viết những tập tiếp theo, như ý muốn của cậu bé từ khi bắt đầu bản thảo.
Nhà văn Chu Lai: Chuyên nghiệp nhưng vẫn thơ trẻ
Xưa nay tôi vẫn hay nói một cách quả quyết rằng, ở thơ ở nhạc thậm chí ở họa còn có thể có cái gọi là thần đồng, tức là có thể nổi danh, thành tài từ độ tuổi thiếu niên nhưng ở văn, ở kịch dứt khoát là không. Bởi những thể loại đó đòi hỏi người viết ra nó phải từng trải, dày công, hiểu đời và đau đời chứ không chỉ là chớp lóe, xuất thần bất chợt như các loại hình khác. Nhưng Nguyễn Bình, cậu bé 10 tuổi bụ bẫm, trên nét mặt, cái nhìn còn nguyên chất thơ ngây, hồn nhiên đã phá vỡ trong tôi cái lập luận cực đoan đó. Để khi gấp cuốn Cuộc chiến với hành tinh Fantom lại, tôi vẫn còn ngẩn ngơ, lạ lùng, không tin rằng ở độ tuổi đó mà Bình có thể viết được những trang chữ sạch sẽ, quang đãng, gọn gàng, chuẩn mực hoàn toàn mang bút lực của một cây bút chuyên nghiệp như thế. Chuyên nghiệp trong cách hành văn, trong khai triển ngữ nghĩa, trong năng lực miêu tả và cả trong cái khó nhất là khắc họa tâm lý cũng như tính cách nhân vật.
Chuyên nghiệp nhưng vẫn thơ trẻ. Và chỉ có một tâm hồn rất thơ trẻ mới có thể có được sức tưởng tượng lung linh, rành mạch, không hề gượng gạo như thế. Vừa đọc tôi vừa lo sợ nghĩ rằng mình sẽ vấp phải một cái gì đó như là sự già dặn, khô cứng nhưng không, từ dòng đầu đến dòng cuối, từ chương này chuyển sang chương kia tất cả các con chữ đều mặc sức tung tảy, phóng cuồng, tự nhiên mà dẫu có ai tài năng trác việt đến mấy cũng khó có thể viết được. Bởi mọi sự vật, câu chuyện, con người đều được Bình soi rọi, ngắm nhìn qua một đôi mắt trong veo, thần sắc.
Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa thật tin hoàn toàn vào những khả năng tìm mộ xuyên lòng đất, xuyên thời gian và không gian thần bí của các nhà ngoại cảm dẫu vẫn tự nhủ rằng chớ vội phủ nhận, biết đâu có những điều kỳ lạ mà khoa học chưa lý giải được. Nguyễn Bình, với những con chữ rất thật của mình cũng là một điều thần bí thuộc thế giới tâm linh khó lý giải nhưng cậu bé đã chứng minh. Do vậy, tôi nghĩ trường hợp này cũng nên là một đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học để tôn vinh tài năng, để khẳng định năng lượng của con người mãi mãi là vô hạn và qua đó, xã hội sẽ nhìn nhận, đối xử với nó như thế nào.
Nguồn: Vannghetre