Bát tuần rồi Nguyên Ngọc ơi!


Thật nực cười khi nghĩ rằng Nguyên Ngọc phải tiếp tục cho ra những tiểu thuyết, những sử thi thời hậu chiến, thì mới xứng đáng là nhà văn lớn. Tại sao làm những việc mà Nguyên Ngọc dốc sức trong mấy năm nay lại chưa xứng tầm một nhà văn lớn?

Gần đây rộ lên một chủ đề rất lý thú: Tại sao văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn? Biết phận mình ngoại đạo, tôi chỉ háo hức theo dõi, không dám ho he. Nghĩ bụng không riêng gì văn học, tất thảy… từ khoa học tự nhiên, xã hội đến nghệ thuật, nhân văn đều thấp lè tè. Không có rừng, chỉ lau lách chen chúc với cây bụi. Trên mảnh đất không thể mọc lên cây cao, sum suê, cho dù có gieo lên những hạt giống tốt nhất. Đi tìm nguyên nhân thiếu tác phẩm văn học lớn ắt sẽ bắt gặp mảnh đất ấy.
Tình cờ một hôm bên cốc cà phê có người mách: “… Hình như bí hết cả rồi! Đến Nguyên Ngọc từng có Đất nước đứng lên được giải nhất Hội Văn nghệ ngay sau hòa bình lập lại 1954, Rừng xà nu được tuyển vào sách luyện văn cho học trò, sau đó lại có Đề dẫn khởi động phong trào đổi mới văn học, nhưng mấy năm nay không thấy tăm hơi gì nữa”.
Đây rồi! Một gợi ý chí lý, một mũi tên lạc hướng mà trúng đích. Chính Nguyên Ngọc đã trăn trở với nan đề trên và đi tìm lời giải cho hiện tượng làng nhàng, sản phẩm tất yếu của số đông được chăm sóc, hay đúng hơn, được chăn dắt chu đáo. Nhưng anh vượt lên trên cái mẫu hình văn học hiện thực phải đạo nổi tiếng của Hoàng Ngọc Hiến để tìm đến ngọn nguồn văn hóa, rộng hơn về không gian lẫn thời gian, thậm chí còn dấn thân vào một hành trình thử nghiệm đầy thách thức.
Nguyên Ngọc người Quảng Nam. Thỉnh thoảng ta vẫn thấy chất Quảng đặc sệt trong anh. Nói thỉnh thoảng, vì chất Quảng được pha trộn nhiều, bớt đậm đặc và cực đoan hơn, do anh đi nhiều, sống ở nhiều nơi, các tỉnh miền Trung và nhất là Tây Nguyên, một miền đất huyền ảo. Thích được rủ rê và cũng hay rủ rê người khác đi cho vui. Lang bạt kỳ hồ để hiểu, tận hưởng, có khi cái chết cận kề trong gang tấc mà cứ thấy nhẹ tênh, nên nét khắc khổ xứ Quảng đã phai mờ, chỉ còn lại một lãng tử Nguyên Ngọc. Lãng tử từ trẻ cho đến tận bây giờ.
Trong kháng chiến chống Pháp, Quảng Nam bị chiếm, chỉ một rẻo nhỏ phía Nam nối liền với vùng tự do kéo dài đến tận Phú Yên qua hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Ở tuổi mười lăm, Nguyên Ngọc vào học Lê Khiết, nơi thầy Hoàng Tụy dạy toán. Thầy lớn hơn anh năm tuổi. Thầy Tụy có lúc tiết lộ: Ngọc giỏi toán lắm. Nhiều lúc tôi nghĩ giá Nguyên Ngọc đi làm khoa học, chắc anh sẽ rất thành công.
Nguyên Ngọc thông tường đến kỳ lạ mọi ngõ ngách ở miền Trung và Tây Nguyên. Quảng Nam thì khỏi nói, hình như không có mét vuông đất nào thiếu dấu chân anh, tôi giễu anh khi được anh rủ đi chơi đâu đó trong xứ Quảng. Còn Quảng Ngãi, nhiều lúc tôi cứ tưởng chính anh, chứ không phải tôi, đã từng sinh ra ở đây. Đi với anh khỏi phải lo, ở đâu cũng có người quen. Anh quen từ những người bình thường (nhưng phải có một đặc điểm nào đó) đến lãnh đạo cao cấp nhất trong vùng như Tướng Nguyễn Chánh thời kháng chiến chống Pháp khi anh còn là một lính văn phòng đến ông Võ Chí Công thời chống Mỹ, sau này làm Chủ tịch nước. Mỗi người, mỗi địa danh trong bộ nhớ của anh đều có một vài dấu tích, có thể là một sự tích, chuyện vui, hoặc trải nghiệm bản thân. Lúc thích hợp, anh có thể lôi ngay nó ra khiến người nghe phải ngỡ ngàng.
Quen Nguyên Ngọc, nhiều lúc tôi chỉ ước ao sao cho dung lượng bộ nhớ của mình bằng được một phần mười của anh. Trong Lễ thổi tai và rượu cần anh lý giải tại sao anh giữ được bộ nhớ đồ sộ như vậy:
Nhớ và quên, ngẫm mà xem, phải chăng nói cho cùng đó là hai lẽ sinh tồn tuy hai mà một, hai mặt chủ yếu không thể tách rời của công cuộc làm người ở đời. Không biết nhớ thì hiển nhiên không thể là con người rồi. Song sống mà không biết quên, không có những lúc biết quên đi đến mức “nẻ cả lỗ tai” thì cũng chẳng thể nào sống nổi trên cõi nhân gian biết mấy khổ đau, quá phức tạp và nhiêu khê này. Cuộc đời này, phải chăng lắm lúc cũng đáng quên biết bao nhiêu, quên phứt đi cho rảnh, cho rồi, mà ngẫm cho cùng cũng lại đáng sống để mà nhớ lấy biết bao nhiêu…
Bắt chước anh khó quá! Hồi nhỏ mình không được mẹ làm lễ thổi tai nên trí nhớ kém, lớn lên lại không biết uống rượu cần nên chuyện gì không nhớ được là quên luôn. Riêng có mấy lời các cụ xứ Quảng răn con cháu thì tuy khó mà vẫn nhớ được, nhớ để thỉnh thoảng còn “điểm huyệt” Nguyên Ngọc:
Bất giao Thừa Thiên hữu,
Bất thú Quảng Nghĩa thê,
Bất thương Bắc Hà khách,
Bất đấu Bình Định kê.

Tôi hay đùa với Nguyên Ngọc: Sao cả hai thầy trò anh không nghe lời bề trên? Thầy Tụy dạy ở trường Lê Khiết lại phải lòng một nữ sinh con nhà danh gia vọng tộc xứ Quảng Ngãi. Còn anh, sau khi tung tăng khắp bốn phương trời lại hạ cánh xuống Bình Định, miền đất nổi tiếng các nữ hổ, sao anh không ngán? Nguyên Ngọc cười “hai người ế gặp nhau mà!”. Thế mà vào tuổi bát tuần chị Tâm lại khen anh… còn hiếu động lắm!
Phải chăng Quảng Nam hay cãi là thế. Mà chính tính cách đó đã làm nên cái địa danh văn hóa hàng đầu này của đất nước với những ngôi sao vằng vặc trên bầu trời cũng chính là những con người Quảng Nam nhất, như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi v.v… Thời nay trong số những ngôi sao ấy không thể thiếu Hoàng Tụy và Nguyên Ngọc. Nhưng anh Nguyễn Văn Hạnh, bạn học của Nguyên Ngọc thời niên thiếu, bạn nghiên cứu sinh của tôi hồi ở Đại học Moscow, lại quả quyết rằng Quảng Nam thời nay không chỉ có hai người này đâu nhé. Ở cực bên kia, cùng phe ta cả, có mấy vị A, B, C chẳng kém cạnh chút nào. Tôi chẳng quen biết mấy vị nên không thể bình luận gì. Nghĩ bụng, chắc họ cũng cãi dữ lắm, họ cãi lại những gì không hợp với chính thống.
Đi tìm ngọn nguồn văn hóa cho những nan đề của đất nước, Nguyên Ngọc đến với người đồng hương Phan Châu Trinh. Là nhà văn, anh nghiên cứu Phan Châu Trinh với hơi thở và nhịp đập hòa vào nhân vật. Nhưng anh không biến Phan Châu Trinh thành nhân vật tiểu thuyết mà quyết liệt trong cách tiếp cận khoa học, từ việc lôi ra cho được những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi mà lâu nay còn ẩn mình trong các thư tịch hiếm hoi, đến việc xem xét tác động của trào lưu duy tân trên toàn thế giới đến phong trào Duy Tân ở nước ta, để cuối cùng chứng minh con đường này có giá trị phổ quát.
Tôi không đủ hiểu biết và điều kiện để xem các sử gia từng nghiên cứu Phan Châu Trinh đã nói gì. Nhưng tôi có cách tiếp cận khác, xem học sinh được học những gì về Phan Châu Trinh, qua đó biết được một cách cô đặc và chính xác nhất cách hiểu và đánh giá Phan Châu Trinh trong giới chính thống. Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 dày 154 trang có năm trang dành cho bài số 23: “Phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Chiến tranh Thế giới Thứ nhất”, trong đó có đề mục thứ hai dài một trang “Phan Châu Trinh và xu hướng cải cách”. Bài được mở đầu thế này:
“Ông là người sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, chủ trương cứu nước bằng biện pháp cải cách như nâng cao dân trí, dân quyền, dựa vào Pháp để đánh đổ ngôi vua và bọn phong kiến hủ bại, xem đó như là điều kiện tiên quyết để giành độc lập” (chữ nghiêng của tôi).
Chưa hết. Các nhà soạn sách còn cố ý chừa lại một điểm nhấn dành cho học sinh tự suy ngẫm trong mục gợi ý ở cuối bài: “Hãy nêu những sự kiện chứng minh Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản…”.
Chao ôi, người ta sợ cái món dân chủ tư sản quá, rồi đem bóng ma ấy ra hù học trò! Họ gói phong trào Duy Tân cùng với khẩu hiệu khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh nổi tiếng của cụ Phan lại thành một cục, đóng lên đó cái triện “dân chủ tư sản” và “dựa vào Pháp” để cho người đời quên đi một trào lưu nổi bật trong lịch sử. Rất dễ hiểu vì sao Nguyên Ngọc và các đồng nghiệp phải dày công “lật lại” hồ sơ Phan Châu Trinh, cố gắng đặt phong trào này lại đúng chỗ trong dòng chảy lịch sử cận đại.
Tôi không dám đả động đến chuyện đúng sai của các nhân vật lịch sử. Phan Châu Trinh không đi đến đích là đương nhiên, nhưng như vậy không hề có nghĩa ông không đúng, hoặc chỉ là một khúc nối nhỏ để tránh cho lịch sử khỏi bị đứt quãng. Phong trào Duy Tân ở Nhật do Fukuzawa, Ikuchi,.. khởi xướng đã thành công nhờ có sự đốc thúc mạnh mẽ của chính Minh Trị Thiên hoàng và được tầng lớp tư sản đang lên samurai dốc lòng ủng hộ. Một nước không mấy tiếng tăm cạnh ta như Thái Lan cũng thành công ít nhiều trong canh tân hồi đầu thế kỷ trước là nhờ có một Bộ trưởng là nhà văn hóa lớn nằm ngay trong Chính phủ Hoàng gia. Ngược lại, ở Việt Nam một phong trào vận động quần chúng canh tân như thế làm sao khỏi bị chính quyền thực dân thẳng tay bóp chết khi còn trong trứng nước.
Điều trớ trêu là sau hơn một thế kỷ, có chính quyền trong tay, với điều kiện tốt nhất chưa từng có trong lịch sử để khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, chúng ta lại không làm quyết liệt. Nếu nhận thức đúng, và làm theo triệt để, mọi việc đã có thể khác. Tiêu cực xã hội tràn lan, lên đến tột đỉnh, đang đe dọa tương lai đất nước là điều rất dễ hiểu.
Tiếp thu tinh thần Duy Tân, Nguyên Ngọc bỏ ra nhiều công sức để dịch thuật, từ J. P. Satre, M. Kundera, F. Julien và nhiều tác giả khác chuyên sâu về văn hóa Tây Nguyên. Anh đi đầu, giương cao ngọn cờ Tân văn trong văn học nghệ thuật, lá cờ đã đưa Nhật Bản đến thành công. Anh vật lộn với các tác phẩm kinh điển để tự học và cho đồng nghiệp cùng học bởi nỗi trăn trở không nguôi đối với lớp nhà văn trẻ không có ngoại ngữ và thiếu kiến thức nền về văn hóa.
Thời nào cũng vậy, mà nhất là thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay, cứ hài lòng quanh quẩn trong sân nhà, rồi tán dương tâng bốc nhau, làm sao ra được tác phẩm lớn. Muốn biết tác phẩm lớn nhỏ phải đem chúng đặt lên hệ quy chiếu toàn cầu, phải chấp nhận phương pháp luận và chuẩn mực phổ quát trên thế giới. Văn học, dù viết bằng tiếng Việt, chắc không tránh khỏi quy luật này. Hãy bỏ cái thói kiêu ngạo vô lối “ta có con đường của ta”. Hãy đừng sợ diễn biến hòa bình mà không chịu xông lên các sân chơi quốc tế, con đường độc đạo đưa chúng ta lên đỉnh cao. Hãy xem Olympic 2012, xem cả cái cách mà khắp nơi người ta tôn vinh các vận động viên hàng đầu thế giới như thế nào. Đơn giản là thế, song không phải ai cũng chịu nhận ra và dấn thân như Nguyên Ngọc.
Thật nực cười khi nghĩ rằng Nguyên Ngọc phải tiếp tục cho ra những tiểu thuyết, những sử thi thời hậu chiến, thì mới xứng đáng là nhà văn lớn. Tại sao làm những việc mà Nguyên Ngọc dốc sức trong mấy năm nay lại chưa xứng tầm một nhà văn lớn? Không chỉ trong văn học, trong khoa học cũng có chuyện buồn cười tương tự. Nhiều người không dám bứt phá, bị quá khứ huyễn hoặc, rồi chịu chết “lâm sàng” trong cái chuyên ngành chật hẹp của mình. Trong khi khoa học, cả tự nhiên lẫn xã hội, nhân văn, từ lâu đã là đa ngành.
Mà Nguyên Ngọc vẫn viết truyện ngắn đấy chứ, và những tác phẩm hay nhất của anh vẫn là về Tây Nguyên. Vẫn giọng văn đó, không lẫn với ai, nhưng truyện Tây Nguyên của anh bây giờ, theo tôi, còn hay hơn ngày trước nhiều. Trước đây anh là một tráng sĩ – nhà văn, bây giờ anh viết văn trên tư thế một nhà văn hóa được trang bị đầy đủ kiến thức Đông – Tây kim cổ.
Rừng xà nu là một bản anh hùng ca, có chỗ đứng khá trang trọng trong sách Ngữ văn lớp 12, song với tôi, nó không hấp dẫn bằng mấy truyện ngắn anh viết gần đây về rừng Tây Nguyên như Tượng gỗ rừng già, Người hát rong giữa rừng, Lễ thổi tai và rượu cần… Rừng xà nu không thoát khỏi dòng văn học “minh họa”, do đó buộc phải bằng những tình huống cực đoan nhất, khốc liệt nhất trong chiến tranh để minh họa chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ngược lại, mấy truyện ngắn gần đây của Nguyên Ngọc về rừng Tây Nguyên là chuyện đời thường, rất “thường” là khác, nhưng lại rất kỳ lạ, đọc chúng cứ thấy ngỡ ngàng như người bị lóa mắt khi bước từ bóng tối ra ánh sáng. Nhân vật Tnú trong Rừng xà nu thật anh dũng, anh bóp cổ thằng Dục bằng bàn tay rụi hết cả ngón do chính tên ác ôn này đốt khi tra tấn anh và giết chết vợ anh trước đó. Nhưng hành động này không lạ bằng anh chàng cục mịch được linh ứng đi vào rừng già tìm khúc gỗ đẽo tượng trong dịp cất nhà rông của làng. Lạ hơn nữa, anh chàng này nhìn Nguyên Ngọc một cách đầy ác cảm và tức tối khi nhà văn từng có những tác phẩm để đời về Tây Nguyên lại lẩm cẩm hỏi mua anh một chiếc tượng gỗ đem về bày lên bàn làm việc. Nó chạm đến chỗ linh thiêng nhất của người Gia Rai: Rừng.
Rừng ở Tây Nguyên đầy hoang dại, bí ẩn, linh thiêng, là nơi con người trực tiếp với thần linh và được thần linh che chở. Không phải cồng chiêng, lễ hội… mà chính rừng mới là cội nguồn văn hóa ở miền đất này, Nguyên Ngọc thật tuyệt vời khi nhắc nhở chúng ta điều này. Phá rừng Tây Nguyên, đẩy người dân tộc ra khỏi rừng, là tội phạm.
Ở tuổi bát tuần Nguyên Ngọc vẫn đi. Tôi luôn nhìn chừng anh đang đi ở tốp trước và theo sau. Xa hơn một chút về phía trước còn có thầy Hoàng Tụy. Khoảng cách đến hai người đo theo chiều kích thời gian là 5 và 10 năm. Đi cho đến bao giờ hở anh? Anh cười đầy tự tin: “Đi mãi…, để còn thấy con tạo xoay vần đến đâu”. Nhưng mà đã bát tuần rồi, anh Ngọc ơi!


Nguồn: Tia Sáng